của Thiền Định Phật Giáo Nguyên Thủy …
và những Bất Cập
Tam Tiểu Thư:
Ổng Tổng quản à, tôi thực cảm kích là ông đã giải thích cho tôi nghe nhiều về Thiền Định của Trường Phái Phật Giáo Nguyên Thủy. Thế nhưng tôi vẫn còn nhiều thắc mắc lắm. Người ta thường nói tu Thiền nào là để Giải Thoát Sinh Tử, để về Cảnh Giới tốt đẹp hơn sau khi chết, để chuyển Nghiệp … Dĩ nhiên nghe vậy thì ai chẳng thích tu. Tuy nhiên làm thế nào để một người đang tu Thiền có thể biết chắc chắn là mình đang đi đúng đường không ông? Ý tôi nói là nếu mình chờ tới lúc chết mới biết không thoát ly được sanh tử thì ai chịu trách nhiệm chứ? Lúc đó mới nhận ra mình bỏ cả đời tu tập mà không kết quả thì đúng là "chưa có bao giờ … buồn như hôm nay".
Ông Tổng Quản:
Khi chọn lựa một điều gì đó mà nó ảnh hưởng đến toàn thể hoặc bất cứ giai đoạn nào của đời người, thì người ta phải thận trọng là điều tất nhiên. Hơn bất cứ chuyện gì khác, việc chọn lựa cách tu sẽ có ảnh hưởng đến phút lâm chung và đến nhiều kiếp khác (nếu người ta tin là có Luân Hồi, Sanh Tử). Như vậy chuyện cô thắc mắc Pháp Tu mà cô đang thực hành có là một công cụ hữu hiệu và đáng tin cậy hay không là điều rất hợp lý.
Thành quả của việc tu Thiền Định có thể là một tài sản quan trọng, ảnh hưởng tích cực cho hôm nay cũng như mai sau.
Nếu chọn lựa việc tu Thiền Định Phật Giáo Nguyên Thủy, chúng ta cũng cần thiết phải biết những mặt tiêu cực. Ðơn giản mà nói, người ta sẽ mất rất nhiều quyền lợi thế gian bình thường như: Ăn các loại thịt; uống rượu bia ( là việc hưởng thụ thú vui của thế gian đời thường, mà đó là hợp pháp, hợp tình, hợp lý.) Người ta ăn ít nhất ba bữa một ngày; thậm chí còn hơn ba bữa. Nếu giả thuyết đời người kéo dài 100 năm, thì số lượng thịt hoặc rượu bia được tiêu thụ là rất đáng kể. Nếu thực hành Thiền Định Nguyên Thủy Phật Giáo, thì việc ăn uống này không còn phù hợp; vì đây là các Tâm Bất Thiện, không thể nào có chỗ đứng trong Thiền Thiện Tâm. Nhiều người có thể thắc mắc là truyền thống tu của Phật Giáo Nguyên Thủy đến nay vẫn cho phép ăn thịt. Nên biết rằng, cách đây mấy ngàn năm, vấn đề thực phẩm không những tại Ấn Ðộ, mà có lẽ khắp nơi trên thế giới, đều vô cùng khan hiếm. Con người chưa biết cách sản xuất đại trà, nên họ dựa vào việc săn bắn và tìm thực phẩm thiên nhiên có sẵn là chính. Do đó có cái gì ăn cái đó. Để tồn tại thì những người tu Phật Giáo lúc bấy giờ cũng chẳng là ngoại lệ.
Theo truyền thống văn hóa, xã hội và pháp luật, thì vấn đề quan hệ nam nữ chỉ nên có đời sống một vợ một chồng. Vượt qua một số giới hạn nào đó, thì cũng giống như vấn đề rượu, thịt, bia ở trên. Những cấu tạo Tâm này thuộc về Bất Thiện Tâm, hay đúng hơn là có căn bản Bất Thiện Tâm.
Truyền Thống Phật Giáo trong Bát Chánh Đạo, cổ vũ việc nuôi mạng Chân Chánh. Đơn giản là làm việc để nuôi chính mình, không sử dụng tiền của người khác, công sức lao động của người khác, để nuôi thân mạng mình.
Ðừng làm cho mình, trở nên vĩ đại, nổi trội trước đám đông. Nên sống cuộc sống giản dị, khiêm tốn. Mật Giáo Tây Tạng cho là nên sống đời sống của một con Chó, con Heo. Sống một cách bình thản tự tại , không phân biệt, chọn lựa, chấp nhận tất cả mọi thứ đến với mình.
Tam Tiểu Thư:
Chán ông quá đi ông Tổng Quản ơi. Ông "dụ" tôi tu Thiền mà ông toàn liệt kê những chuyện "hay nhưng không nên làm" không à. Sống như vậy thì "anh được gì không, em còn gì không …". Nếu ông cứ nói như vậy mà chẳng chỉ ra những điểm "tuyệt vời" mình có thể đạt được khi tu Thiền, thì tôi và nhiều quý độc giả khác sẽ "say good bye" ông đó nghe ông!
Ông Tổng Quản:
Dĩ nhiên Thiền Định cũng có những mặt tích cực, với điều kiện phải thực sự nhập định được, thực sự nhập vào các lớp Định. Sở dĩ chúng ta phải nhấn mạnh điều này, vì người tu Thiền Định thì rất nhiều. Nhưng có nhiều người mất nhiều năm hoặc cả đời người mà vẫn không Nhập Định được.
Sinh sống bình thường như mọi người, nhưng người tu Thiền lại có những kinh nghiệm mà không ai có, những kinh nghiệm về một cuộc sống ở ngoài thân xác vật lý. Cụ thể là kinh nghiệm của một cái chết có ý thức, có chủ ý.
Nếu chúng ta công nhận những hiện tượng Cận Tử là có thật, như ngày hôm nay được phát tán rộng rãi trên các phương tiện truyền thông; thì người mới tu Thiền Định cũng có những kinh nghiệm giống như người cận tử. Họ thấy mình thoát ra khỏi thân xác vật chất, thấy một đường hầm tăm tối, thấy ánh sáng ở phía xa, gặp một số người v.v. Hiện tượng này được rất nhiều người mới tu Thiền Định kể lại.
Tu Thiền Định khi đạt một trình độ nào đó, tùy từng cá nhân, người ta có khả năng làm chủ các Tâm của mình, sắp xếp các Tâm theo ý muốn, nhờ vào Định Lực của chính mình, người ta có thể tới những Cảnh Giới mong muốn. Nói một cách khác, nhờ công lao tu tập, người tu Thiền Định đạt được sự tự do trong lúc đang sống cũng như trong lúc chết.
Nhờ vào khả năng này, thì chính mình có kinh nghiệm thực sự về cái chết trong khi đang sống, không cần ai giúp đỡ, không có tâm lý sợ hãi cái chết như mọi người bình thường. Thật vậy, bất kể là ai, ở độ tuổi nào, hễ là một sinh vật, đều né tránh cái chết, người ta gọi là Bản Năng Bảo Tồn. Kinh nghiệm Thiền Định thực sự đã trả lời được phần nào, giải quyết được phần nào nỗi sợ hãi cái chết của con người. Trong Thiền Định có nói tới "ma chết", tùy theo từng người, người ta có thể hiểu từ ngữ ma chết khác nhau.
Các Tôn Giáo, kể cả Phật Giáo, có thể vì lý do huyền bí, có thể để răn đe con người, ở đâu cũng đề cập tới các mô hình Địa Ngục. Tài liệu Công Giáo từng nói: "Người giàu bước lên nước Chúa còn khó hơn con Lạc Ðà chui qua lỗ kim". Nói về quyền lực thế gian thì cũng có lời phát biểu sau đây: "Cái gì của Cêza, hãy trả lại cho Cêza; cái gì của Thượng Ðế, hãy trả lại cho Thượng Ðế". Những lời phát biểu nói trên làm cho người ta cảm thấy ranh giới giữa Thiên Đường và Địa Ngục quá cách xa. Thiền Định đã thu hẹp được ranh giới của Thiên Đường và Địa Ngục, biến những huyền thoại thành kinh nghiệm thực tế của chính mình.
Người tu Thiền Định không cảm thấy quá e sợ cái chết, vì họ có rất nhiều kinh nghiệm với cái chết hằng ngày. Thật vậy, kinh nghiệm bản thân về các lớp Thiền Định cho họ thấy được cuộc sống ở những Cảnh Giới có lẽ cao hơn cuộc sống thế gian: Như Thiên Dục Giới, các Cảnh của Thiên Dục Giới; Cảnh Hữu Sắc, Vô Sắc, v.v. Kinh nghiệm này của chính mình làm cho người ta yên tâm khi nghĩ đến việc bỏ xác thế gian.
Tam Tiểu Thư:
Những điều ông nói nghe "siêu" thiệt đó, nhưng thật sự cũng chẳng có cách nào để kiểm chứng những điều ông vừa nói. À, nói vậy cũng không đúng nữa. Có lẽ mình cứ thực hành việc tu Thiền Định Nguyên Thủy thì sẽ biết điều ông nói là đúng hay sai.
Nhưng mà Ông Tổng Quản à, nếu người ta đau nặng rồi chết, hoặc chết "bất đắc kỳ tử" thì Thiền Định có giúp được gì không? Chưa kịp Nhập Định đã chết mất tiêu rồi; hoặc là đau nặng quá thì làm sao có khả năng Nhập Định chứ? Tôi nghĩ trong những trường hợp này thì dù có tu Thiền Định cả đời cũng là vô ích mà thôi.
Cho dù là thần thánh, muốn nhập định cũng không phải là việc dễ, phải có những điều kiện khách quan, chủ quan nhất định nào đó mới có thể Nhập Định được chứ. Tôi còn nhớ đã đọc ở đâu đó là qua các công cuộc khảo cứu đáng tin cậy, thì muốn Nhập Định cũng phải mất từ vài phút cho tới vài giờ.
Ông Tổng Quản:
Điều thắc mắc của Cô là hoàn toàn chính đáng. Nhưng nếu chúng ta tìm hiểu về Cơ chế Tâm lý của con người, thì biết rằng Tâm lý con người cũng có những Cơ chế. Nếu chúng ta biết vận dụng thì nó cũng có thể đóng góp một cách tích cực cho việc tu Thiền Định. Ðứng ở góc độ tính chất cơ học của tâm lý, thì có lý thuyết: "Phản xạ có điều kiện" của Pavlov. Người ta còn có thể hiểu những phản xạ này là bản năng tập thành hay bản năng thứ cấp. Trong đời sống, chúng ta đã vận dụng cơ chế tâm lý này vào rất nhiều lãnh vực học tập, vật chất và cả tinh thần:
Bơi lội / Tập võ / Học làm toán / Học ngoại ngữ
Khiêu vũ cổ điển / Chơi đàn cổ điển / Lái xe hơi có số tay v.v…
Có một kinh nghiệm thực tế là có nhiều Việt
Sự việc tương tự này cũng xảy ra cho người tu Thiền Định cần cù, chịu khó, tu lâu năm. Thiền Định trở thành một thói quen, hay nói đúng hơn là một bản năng thứ 2, không còn phân biệt được giữa mình và khả năng Thiền Định. Do đó khi đi ngủ, vì lý do nào đó, trong giấc ngủ, nó cũng Nhập Định một cách máy móc. Ðối với tình trạng đau bệnh rất nặng, đau là một trạng thái của cơ thể vật chất, và tất nhiên sẽ phải ảnh hưởng đến tinh thần, nên cũng làm cho khả năng Nhập Định bị kém đi. Nhưng do tập luyện lâu năm, dường như khả năng Nhập Định tồn tại tại ở trong khu vực Vô Ý Thức, do đó nó không bị ảnh hưởng gì cả. Bởi thế, khi đau nặng vẫn Nhập Định được.
Tam Tiểu Thư:
Ông đã liệt kê ra rất nhiều điểm tích cực của Thiền Định, nhưng nói thiệt tôi vẫn cảm nhận nó xa xôi thiếu thực tế. Lý do là vì những chuyện này toàn là lúc chết, kiếp sau … Tôi thì sống cho hiện tại, vậy theo ông thì Thiền Định còn có những lợi ích nào mà thực tế hơn không?
Ông Tổng Quản:
Bất cứ ai có những kinh nghiệm ở ngoài cuộc sống thế gian bình thường (việc này hay xảy ra với những người Cận Tử. Một nhà ngoại cảm nổi tiếng Việt Nam cũng có nhận xét như vậy) thì sau khi có những trải nghiệm ở một nơi nào đó khác với cuộc sống bình thường, con người trở nên hiền lành hơn, bớt ích kỷ hơn. Làm việc gì cũng cân nhắc, cẩn thận hơn. Chắc quý vị cũng biết, có một khoa học gia người Nga, sau khi chết đi vài ngày, ông bỏ tất cả những công việc làm liên quan đến Khoa học, tự nguyện trở thành một Tu sĩ Công giáo.
Khả năng sau đây cũng chẳng phải là chuyện gì to tát, nhưng cũng thực tế và hữu ích. Đó là người tu Thiền Định thực sự thường biết những việc sẽ xảy ra, gần như không bao giờ sai. Nếu có sai là do mình giải thích sai, chứ việc mình thấy thì không bao giờ sai. Với những người có định lực mạnh, họ có khả năng chủ động để biết việc gì đó theo ý muốn của mình, đó cũng là một lợi thế mà chúng ta phải kể đến.
Người Trung Quốc thường nói "Có tiền sai được cả Quỷ sứ". Ðiều này không đúng với bộ môn Thiền Định. Quyền lực và tiền bạc không thể sai bảo được cái Tâm của mình. Nó hoàn toàn không nghe, mà còn phản tác dụng nữa là đàng khác. Có một câu nói của người Công giáo: "Người giàu bước lên nước Chúa còn khó hơn con Lạc Ðà chui qua lỗ kim". Vậy cái gì có thể sai bảo được cái Tâm? Chỉ có Chánh Định, Thiền Thiện Tâm, Tịnh Quan Tâm … là sai bảo được cái Tâm của mình.
Tam Tiểu Thư:
Theo như lời ông nói, và ông căn cứ vào cuốn Tạp Thư, thì Thần Thông là hệ quả tất yếu của Tứ Thiền Hữu Sắc … Điều này phải nói là rất kinh điển, bài bản, không chê vào đâu được! Việc mở Nhãn là hệ quả tất yếu của việc tu Thiền Định, biết được Quá khứ Vị lai, còn nhiều thứ khác … thật tiện và lợi. Nếu tôi học được, tôi sẽ làm thầy bói (Fortune Teller) để kiếm tiền cho đỡ vất vả và nguy hiểm như nghề Bảo Tiêu, sống bằng quyền cước, gươm đao … Nói thiệt ông nghe chứ nếu mà mình coi bói cho thân chủ không bao giờ sai, thì sẽ nổi tiếng mà không cần tới thời gian luôn đó. Đã vậy còn được người ta còn gọi mình bằng Thầy.
Ông Tổng Quản:
Cô nên biết ý định muốn nổi tiếng là do Tâm Si. Đó là một Tâm mê muội, yếu đuối, làm nền móng cho Tâm Tham phát triển. Đây là những Bất Thiện Tâm, không phù hợp với Thiền Tâm, Tịnh Quan Tâm của người tu Thiền.
Tâm lý thích làm Thầy là cũng do những Bất Thiện Tâm như nói ở phần trên. Ðây còn là một loại ma sự, không biết hổ thẹn, ý nghĩ sai lạc lầm lẫn. Tâm túy này làm tăng trưởng cái Tôi, bản chất là Não Ma, tiền đề của nguồn gốc Luân Hồi Sanh Tử. Nói tóm lại, việc thích làm Thầy, lợi thì ít, hại thì nhiều. Mặt khác, việc nuôi mạng không chân chánh còn vi phạm Định Luật Nhân Quả một cách trầm trọng. Cô nên làm nghề Bảo Tiêu, tuy vất vả, nguy hiểm, nhưng đó là nghề nuôi mạng Chân Chánh.
Bất cứ ai tu Thiền Định cũng nên hiểu rõ, Thiền Tâm có cấu tạo Tâm sau đây:
- Thiền Thiện Tâm / Tịnh Quan Tâm
Những người thích nổi tiếng, thích người ta gọi mình là Thầy, sử dụng tiền bạc do công sức lao động của người khác làm ra, có cấu tạo Tâm sau đây:
- Bất Thiện Tâm Vương / Bất Thiện Tâm Sở
Ðây là những Tâm của Dục Giới thế gian, tuyệt đối không tương thích với Thiền Thiện Tâm. Căn cứ vào luận của Nhất Thiết Hữu Bộ và Ðộc Tử Bộ.
Tam Tiểu Thư:
Tôi hiểu rồi. Cuộc chơi nào, sân chơi nào cũng có những quy định của riêng nó, kể cả tu Thiền Định.
Từ trước nay tôi cũng được một số vị Thầy bảo tôi là: tu Thiền cần phải sắp xếp thời gian để có thể ngồi yên lặng nhiều giờ trong ngày. Thậm chí là quay mặt vào tường, nhắm mắt lại, cố ngồi cho thẳng, giữ cho tâm lý mình yên lặng, tịnh khẩu không nói chuyện. Ngoài lúc ngồi Thiền thì làm lao động trong im lặng. Tôi đã thực hành theo chỉ dẫn này nhiều lần, ở nhiều nơi khác nhau và thực hành với nhiều pháp tu khác nhau. Nhưng những lúc ngồi yên lặng với thời gian càng lâu, thì trong tâm trạng của tôi là một chảo lửa. Thân thể mỏi mệt, đói bụng, thầm mong cho đến lúc nghe tiếng kẻng xả Thiền.
Hôm nay qua trao đổi với ông, có lẽ tôi đã hiểu ra được một số vấn đề. Những gì mà tôi đã từng trải qua trong những lần tập luyện lúc trước, có lẽ đó chỉ là hình thức, nó chẳng giải quyết được cái gì cả, sau một tuần lễ hoặc mười ngày, tôi cũng chẳng thấy mình thay đổi cái gì cả. Ðến nay thì tôi hiểu, không biết có đúng hay không - việc tu Thiền Định không phải là vấn đề ngồi làm sao cho lâu, ngồi làm sao cho ngay thẳng, ngồi yên lặng … Dường như Thiền Định là một kỹ thuật, là một khoa học để hiểu về Tâm và Sắc đã cấu tạo nên con người. Từ những hiểu biết này sẽ tiến tới việc làm sao làm chủ được nó, điều khiển được nó. Bình thường nó làm chủ mình, nó điều khiển mình với danh nghĩa là các bản năng.
Ông Tổng Quản:
Rõ ràng trong kho tài liệu của Phật Giáo Nguyên Thủy, có những tài liệu để người ta học về những yếu tố đã cấu tạo nên con người mình và làm sao vận dụng nó để đưa đến mục đích tấn hóa. Công việc khi ngồi Thiền Định là liên tục ý thức và kiểm soát các loại Tâm; biết cách sắp xếp và ứng xử với những loại Tâm tích cực cũng như không tích cực. Khi chúng ta chủ động được việc này, thì các tiến trình của Tâm sẽ diễn ra như mình mong muốn.
Thí dụ: Sơ Thiền Hữu Sắc, bản chất là Thiền Thiện Tâm gồm:
Có 3 Tâm: Thiện Tâm / Dị Thục Tâm / Duy Tác Tâm. Ðó là Tâm Vương cơ bản.
Có 5 Thiền Chi: Tầm / Tứ / Nhất Tâm / Hỉ / Lạc.
Có 35 Tâm Sở: Đồng sanh, đồng diệt với Tâm Vương nói trên.
Người tu Thiền Phật Giáo Nguyên Thủy phải biết rõ cấu tạo các loại Tâm Vương, Tâm Sở; biết rõ diễn tiến về Luồng Tâm Thức đang hướng về mục đích Định Tâm hay không. Nếu có những diễn tiến không thuận lợi, không tích cực. Thực tế là, có các Tâm của Thế Gian Dục Giới trỗi dậy, thì mình phải biết nó, biết cách ứng xử làm sao cho Tâm đó triệt tiêu, không làm hư hỏng số Tâm của Sơ Thiền Hữu Sắc.
Thật vậy, việc này thường xuyên xảy ra với tất cả mọi người bất cứ ở đâu, bất cứ thời đại nào. Do đó, việc ngồi công phu Thiền Định, bề ngoài xem ra có vẻ thanh thản, nhưng trong nội tâm là những cuộc chiến tranh giữa Thiền Tâm và các Thế Gian Tâm liên tục nổ ra. Cuộc chiến tranh nội tâm này là một cuộc chiến tranh trường kỳ và gian khổ. Con người Thế Gian Dục Giới là bản chất của chính mình, nay mình chiến đấu với nó thì cũng khá mâu thuẫn. Do đó người ta từng nói: "Kẻ thù lớn nhất trong đời là chính mình" có lẽ không phải là sai. Cuộc chiến này không phải luôn luôn là người tu Thiền Định thắng. Các Ma sự thì nhiều vô số kể. Nếu thiếu hiểu biết, thiếu quyết tâm thì chưa chắc gì đã thắng được trong cuộc chiến này.
Người ta còn nhớ tài liệu của Mật Giáo có kể rằng khi Sakya Muni ngồi dưới cây Bồ Ðề tu Thiền Định, Ma Nữ có xuất hiện. Phật Mẫu Tara đã xuất hiện, cười lên bảy tiếng, để phá đi Ma Sự. Cứ cho đây là một huyền thoại, là sản phẩm của tưởng tượng, nhưng nó mang tính chất biểu tượng. Có lẽ 4 loại Ma Sự là quà tặng của trời đất để thử thách, trắc nghiệm năng lực của người tu Thiền trong bất cứ thời đại nào.
Kiến thức về các loại Tâm, các loại Sắc, sự vận hành của các loại Tâm được gọi là Luồng Tâm Thức, là một kiến thức hoàn toàn không có trong cuộc sống bình thường. Bộ môn này có lẽ làm ngạc nhiên ngay cả những chuyên gia, chuyên viên về tâm lý của kỷ nguyên chúng ta đang sống. Thực tế là kiến thức này chưa từng được phổ cập ở bất cứ một hệ thống giáo dục nào trên thế giới. Thậm chí là người ta không biết sự hiện hữu của nó, kể cả những người đang tu Thiền Định.
Thiếu kiến thức về những vấn đề này cũng như thiếu hiểu biết về các nguyên tố đã cấu tạo nên con người chúng ta và tính chất cơ học của nó cũng giống như chúng ta ngồi trước một cái xe. Vì không được học, nên không biết làm sao để vận hành. Làm sao khởi động? Làm sao sang số, chữ D là cái gì? Chữ Overdrive là cái gì? Dấu (+), dấu (–) là cái gì?
Chính có lẽ vì nắm được những hiểu biết cần thiết này, mà những người tu Thiền Định của Trường Phái Phật Giáo Nguyên Thủy, Tây Tạng rất thành công.
Các tài liệu Vi Diệu Pháp có rất nhiều cách sắp xếp các Tâm. Sắp xếp theo Thiện Tâm hay Bất Thiện, sắp xếp theo có Tạo Nhân hay là Không Nhân, sắp xếp theo có Tạo Quả Báo hay không Tạo Quả Báo. Chúng ta thử xem một cách sắp xếp các Tâm theo Cảnh Giới:
- Dục Giới > Sắc Giới > Vô Sắc Giới > Siêu Thế Giới.
Kiến thức cơ bản này làm cho người Thiền Định có thể tiếp cận với cảnh Sơ Thiền Hữu Sắc. Ðầu tiên chúng ta phải hiểu rõ Dục Giới có một số Tâm cơ bản sau đây:
- Bất Thiện Tâm / Vô Nhân Tâm / Tịnh Quan Tâm
Thiền Tâm chỉ có hai loại:
- Thiền Thiện Tâm / Tịnh Quan Tâm
Ở đây chúng ta chỉ đề cập một cách sơ sài để có những kiến thức tối thiểu trong khi tu Thiền Định. Như đã đề cập ở trên, trong khi ngồi tu Thiền Định, nó không phẳng lặng như người ta quan sát thấy vẻ bề ngoài. Các loại Tâm chống đối nhau, hủy diệt nhau … Thực sự đó là một cuộc chiến thầm lặng mà chỉ có người tu Thiền Định mới biết được.
(Còn tiếp)