Wednesday, January 29, 2014
Wednesday, January 29, 2014 by Unknown2 comments
Kính thưa quý độc giả!
Có lẽ không có từ ngữ nào mà lại có ý nghĩa mơ
hồ ( Ambiguous) như những từ ngữ nói trên. Người ta thường nói:
Tôi đi học
Ich gehe nach schule
Je vais a l’ecole
I go to school
Tuy nhiên, chúng ta nói “ Tôi đi tu”, các ngôn
ngữ khác lại không nói như vậy. Thí dụ: To Practice meditation, To
Meditate, Contempletion. Quý độc giả vừa xem xong, đó là một số chữ tiếng Anh.
Tiếng Pháp có một số động từ như sau: Entrer en religion, Se faire religieux,
l’ homme essaie d’entrer en relation avec le surnaturel. Qua một số từ ngữ của
hai ngôn ngữ phổ thông nói trên, người ta vẫn không tìm thấy một câu nào đó có
ý nghĩa tương tự như người Việt Nam
thường nói: Tôi đi tu, Anh đi tu…
Có lẽ từ ngữ này thoát thai ít nhiều từ chữ Hán
mà ra. Tu có nguồn gốc chữ Hán là: sửa sang, sắp xếp. Tu hành gồm có hai chữ tu
và hành, có ý nghĩa là: tu dưỡng, thực hành. Theo một giáo lý tôn giáo nào đó,
tu đạo gồm hai chữ: tu và đạo, sửa sang và tiết chế cái tự nhiên, bớt chỗ thái
quá, bù vào chỗ bất cập. Tu tiên gồm có hai chữ: tu và tiên, tu như trên đã nói
là sửa trị, tiên là gồm có bộ nhân và sơn, tiên có nghĩa là người ở trên núi.
Vẫn theo nghĩa tiếng Hán, từ “Tu” có rất
nhiều chữ đồng âm, dị nghĩa. Ví dụ có những từ cùng một âm, nhưng lại có những
ý nghĩa khác nhau như là: râu, cỗ bàn, tiễn cử, trị, đợi chờ.
Kính thưa quý độc giả!
Chỉ mới tìm cách định nghĩa, xác định ý nghĩa
của những từ ngữ nói trên, chúng ta cũng thấy tính chất mơ hồ quá rõ ràng; trong
khi từ ngữ “tôi đi học” thì ý nghĩa của ngôn ngữ nào cũng khá giống nhau. Đó là ở đây chúng ta còn chưa kể tới nguồn gốc
và mục đích của việc đi tu. Vậy nguồn gốc và mục đích của việc tu hành là gì? Có
lẽ chỉ có một cá nhân duy nhất trong lịch sử loài người là Sakya Muni – thông
qua quá trình thiền định và căn cứ vào việc quan sát các hiện tượng tự nhiên,
Ngài đã tìm ra mối liên hệ giữa các hiện tượng: sanh, lão, bệnh, tử… Và đưa đến
xây dựng chủ thuyết về lý vô thường vô ngã, khổ não qua sự kiểm chứng trên thực
tế (mà ai cũng có thể làm được). Ngài xây dựng lý thuyết Phật giáo và đưa vào
ứng dụng như một chủ thuyết.
Điều đáng quan tâm là: việc chọn con đường tu
hành của Ngài không có sự mặc khải của Thượng Đế (tức là không có sự hiện hữu
hay tác động của Thần linh, Thượng đế). Tiến trình này phù hợp với khoa học
hiện đại; một là quan sát các hiện tượng tự nhiên, hiểu biết, sau đó xây dựng
lý thuyết; hoặc xây dựng lý thuyết, tiên đoán các hiện tượng trong thế giới tự
nhiên ( như việc tiên đoán là vũ trụ cong bằng lý thuyết). Do đó trường hợp
này, chúng ta có thể bảo rằng: có một không hai. Thật vậy, đại đa số các tôn
giáo lớn thì mang nặng tính chất tôn giáo đúng nghĩa của mình, bao giờ
cũng có sự can thiệp, chỉ đạo của Thượng Đế, trực tiếp bằng mặc khải hoặc gián
tiếp bằng các nhà tiên tri hoặc Thần linh. Điều này quý độc giả có thể tìm thấy
ở những tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất thế giới.
Ít nhất ở tại xã hội Việt Nam , hình như
ngày hôm nay, việc tu theo một tôn giáo nào đó có vẻ như một phong trào. Chúng
ta có thể tự hỏi, đến một lúc nào đó, trên quãng đường còn quá dài cho một
người tu trẻ tuổi, họ sẽ suy nghĩ ra sao, hay là phóng lao thì đành phải theo
lao…. Liệu người ta có thể tin rằng những người còn trẻ tuổi đi tu do ý thức
được cuộc đời là vô thường, vô ngã, khổ não, hay chỉ tu vì phong trào.
Chúng ta thử quan sát một nơi bán kinh sách và
các dụng cụ trang thiết bị bàn thờ ở một ngôi chùa (có lẽ lớn nhất tại
Sài Gòn), người ta chỉ thấy hầu hết là những người phụ nữ ở một độ tuổi nào đó,
không còn việc gì làm nữa trong xã hội, lui tới nơi này! Hầu như chúng ta không
thấy những công dân trẻ tuổi đi ra, đi vô mua bán ở đây. Nói về mục đích tu,
thì hầu như mọi người cơ bản là cầu phước, cầu tài và kể cả cầu tình. Nói như
vậy, người ta cũng không thể phủ nhận có những người thực sự tìm hiểu, khảo
cứu, thực hành thiền định với những mục đích nghiêm chỉnh.
Căn cứ vào tài liệu “Biết và Thấy” của tác giả
Pa – Auk Sayadaw. Ở trang 254, cho biết một giai thoại như sau:
“ Một trong những tiền kiếp của đức Phật, Ngài
đã từng là võ sĩ. Có lần Ngài đã đánh ngã một đối thủ và làm gãy lưng người
này. Bất thiện nghiệp ấy khi chín muồi, đã cho quả của nó, đó là mười tháng
trước ngày nhập Vô Dư Niết Bàn của Ngài, Nghiệp quả ấy đã trổ sanh và
mạnh đến độ nó kéo dài cho đến lúc chết.
Đức Phật đã ngăn không cho thọ khổ đó khởi lên
nhờ nhập Alahán Thánh Quả định. Đức Phật quyết định: kể từ hôm nay cho đến ngày
nhập Niết Bàn, mong cho những thọ khổ này không khởi lên. Chính nhờ nỗ lực của
minh sát và định lực. Do đó, thọ khổ đã không khởi lên trong mười tháng còn
lại, cho đến ngày nhập Niết Bàn Vô Dư. Nhưng trong thời gian đó, mỗi ngày đức
Phật đều nhập Thánh Quả đều đặn”.
Trong phần lấy từ tài liệu “ Biết và Thấy” nói
trên, người ta có thể đưa đến hai nhận xét:
1.
Kể cả ngài Sakya Muni cũng phải tập luyện thiền định liên tục,
không bỏ bất cứ một ngày nào cả.
2.
Bản thân Sakya Muni, khi còn thân xác vật lý, cũng phải tìm cách
xa rời đau đớn cho thân xác. Ngài sử dụng thiền định như một loại thuốc giảm
đau, nhưng ngày nào cũng phải sử dụng. Điều này hiện nay đã được con người thay
thế bằng các loại thuốc giảm đau như: Paracetamol, Nisidina, Morphine….
Qua phần trên, quý độc giả có thể nhận
thấy quan điểm của Sigmund Freud – cha đẻ của bộ môn phân tâm học (
psychanalyse) là chính xác. Giả thuyết hàng đầu quan trọng nhất của ông được
phát biểu như sau: tìm kiếm hạnh phúc, khoái lạc (plaisir) và tránh né khổ đau
(eviter la douleur); đó chính là cấu tạo tâm lý cơ bản con người, nó là nguyên
lý nền móng của bộ máy tâm lý.
Nói rộng hơn, tu hành, tu đạo … không nằm ngoài
phạm trù của những lời phát biểu nói trên. Các tôn giáo nói chung, đều hứa hẹn
với tín đồ của mình một vùng đất hứa nào đó, một thiên đường cực lạc nào đó…có
khác nhau chỉ là vấn đề danh xưng.
Vẫn theo tác giả Sigmund Freud, tu hành chẳng
qua chỉ là sự thăng hoa (Sublimation), sự giải phóng (Defoulement) của
năng lượng tình dục (libido). Trường hợp của Lan và Điệp, cô Kiều của Nguyễn Du
và nhiều trường hợp khác, là một dạng khá phổ thông trong xã hội Việt Nam, đó
là dạng Masochisme (tự kiềm chế và hành hạ bản thân mình), ngược lại là dạng
Sadisme – là làm khổ đau tinh thần của người khác. Thực tế là: khi không thực
hiện được mục đích như mình mong muốn, người ta đi một con đường vòng, là hành
hạ chính bản thân mình để làm khổ người khác, có thể bảo đây là một dạng
Sadisme thụ động, tiêu cực.
Người ta giả thuyết rằng, khi con người mới xuất
hiện trên trái đất, với trí tuệ rất khiêm tốn, người ta không phân biệt được
chủ thể và đối tượng, người ta không thể tin là có những vật vô tri, vô giác,
người ta tưởng là các sự vật, hiện tượng ở thế giới tự nhiên cũng ẩn tàng cấu
tạo tâm lý như mình. Hiện tượng điển hình nhất là việc thờ cúng vật tổ (Totem).
Chính vì lý do này, mà các chuyên gia cho là: nguồn gốc của thần thoại
học, tôn giáo học và kể cả thẩm mỹ rất giống nhau.
Trong kho tàng văn chương của Việt Nam nói riêng,
dưới con mắt của các nghệ sĩ, việc tu hành, tôn giáo mang nặng tính chất
nghệ thuật:
“ Lững lờ khe yến cá nghe kinh
Thoảng
bên tai một tiếng chầy kình
Khách
tang hải giật mình trong mộng
…
Lần tràng hạt, niệm nam mô phật”
Đó là cái nhìn của nhà thơ Chu Mạnh Trinh khi đi
thăm viếng một cơ sở tôn giáo.
Với nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, tính chất lãng
mạn được đẩy lên một tầm cao hơn nữa:
“ Hôm qua em đi chùa Hương
Hoa cỏ mờ
hơi sương
…
Thẹn thùng
em không nói
Với tác giả Nguyễn Du, mượn lời nói của Giác
Duyên, trình bày quan điểm của mình khi khuyên cô Kiều đi tu:
“ Cõi nguồn cũng ở lòng người mà ra
Có trời mà
cũng có ta”
Rồi ông kết luận thế nào là hạnh phúc?!
“ Tu là cõi phúc, tình là giây oan”
Nghệ thuật bình dân của người Miền Nam là họ có
đồng quan điểm cho rằng việc tu hành có thể quá sức con người:
“ Bần tăng đi tu, vì đầu bần tăng có ghẻ
Có lẽ đâu…
bần tăng lại là kẻ tu hành”
Tu tại gia như một tín đồ, rời khỏi gia đình
(xuất gia) vào một tôn giáo như một tu sĩ. Các tôn giáo nói chung đều đề cao tu
sĩ. Trở thành tu sĩ được coi như một lý tưởng, thiêng liêng, khả kính; thậm chí
có tôn giáo còn tự cho mình là đẳng cấp cao quý nhất, nằm trên 4 - 5 ngàn đẳng
cấp ở phía dưới. Các tôn giáo nói chung cũng có những nội quy, luật lệ nội bộ,
ít lắm cũng 5 - 10 luật lệ cho đến vài trăm luật lệ.
Thực sự các tôn giáo - ở đây chúng ta muốn đề
cập đến những tôn giáo có số lượng tín đồ lớn nhất trên thế giới như:
Công giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, v.v… - Qua chiều dài của lịch sử nhân loại, đã
đóng góp được gì cho các vấn đề phúc lợi xã hội? Mặc dù tôn giáo nào cũng hứa
hẹn những điều tốt đẹp ở tất cả các mặt!
Hẳn người ta còn nhớ từ năm 1095 đến 1291 đã có
những cuộc chiến tranh giữa những người Công giáo và Hồi giáo. Người Công giáo
đã mở những cuộc hành quân lớn, gọi là Thập Tự Chinh mà không có tài liệu
lịch sử nào ghi rõ về số lượng các cuộc hành quân kéo dài trong mấy thế kỷ này.
Và còn nữa, việc nổi dậy của một vị vua người Pháp chống lại Giáo Hoàng khi bị
đe dọa dứt phép thông công. Ngày hôm nay, chúng ta liên tục được nghe các thông
tin về việc tranh chấp các giáo phái ở tại các Quốc gia như Irắc, Pakistan,
Thái Lan, Miến Điện… Không có thống kê nào cho biết số người thiệt mạng trong
các cuộc tranh chấp tôn giáo trên thế giới từ trước tới nay! Những cuộc xung
đột này không những không mang lại cho con người và xã hội sự bình yên và phát
triển mà lại còn là những tai họa thảm khốc, làm cho bao chiến binh phải đổ
máu, cha mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha. Nhà cửa bị phá hủy, đổ nát. Gây
thiệt hại quá to lớn về người và tài sản; gây nên những nỗi đau đớn về tinh
thần và mất mát về vật chất.
Chúng ta thử hình dung một xã hội mà mọi người
đều tu, đều trở thành các tu sĩ của các cơ sở tôn giáo thì sẽ thành một xã hội
như thế nào?
Thật vậy, có lẽ tất cả các tôn giáo đều cho đây
là một tập thể lý tưởng. Thực tế có lý tưởng như vậy hay không? Trước nhất,
không nói ai cũng biết, tất cả các hoạt động của xã hội đều từ từ suy thoái…
Không có người sản xuất, tất nhiên không có thực phẩm, không có người buôn bán,
mất đi một kênh phân phối đến tay người tiêu dùng. Các phương tiện giao thông
vận tải đều tê liệt. Chúng ta hãy nhớ lại - vì ở đây tất cả mọi người đều là tu
sĩ! Trường học không có người đi học, bệnh viện ngưng hoạt động. Điện, nước chỉ
còn là kỉ niệm thiên đường của loài người trong quá khứ. Chúng ta lại nhắc lại
- vì tất cả mọi người đều là tu sĩ. Hầu hết các Tu sĩ tôn giáo đều sống độc
thân. Khi đó chỉ có người chết đi, không có người được sanh ra. Nói tóm lại, đó
là cái dấu chấm hết cho xã hội loài người. Thần linh và Thượng đế quá rảnh
rang, vì chẳng có xã hội loài người, nên chẳng có việc gì làm, nói đúng hơn là
thất nghiệp. Phải bảo đó là một thảm họa (Cataclysm,
disastrous event…)
Kính thưa quý độc giả!
Vậy thì theo ý quý độc giả tu là cái gì? Rất
mong được quí độc giả đóng góp ý kiến trong các phần bình luận comments.
Trân trọng kính chào quí độc giả!
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Thật vậy, nếu tất cả mọi người trong xã hội này đều là tu sĩ, không sinh con, đẻ cái, chỉ lo tu hành thì sẽ như thế nào nhỉ? Khi chúng ta già đi thì không thể lo sản xuất ra lương thực, thực phẩm. Và khi về già thì cơ thể chúng ta sẽ phát sinh ra nhiều bệnh tật, ốm đau. Khi đó sẽ không có con cái hay thế hệ trẻ hơn chăm sóc chúng ta. Với tất cả những sự việc xảy ra như sự mô tả của tác giả thì xã hội sẽ bị diệt vong.
ReplyDeleteNhưng một mặt khác, nếu như ngoài những tu sĩ tu hành, tất cả mọi người trong xã hội này đều là cư sĩ (cư sĩ là những người tu hành tại gia) và hiểu thấu xuyên suốt về luật nhân quả thì xã hội này sẽ là một xã hội tốt đẹp biết bao. Mọi người đều có tâm hồn hướng thiện. Họ biết thương yêu nhau hơn. Một xã hội sẽ không có những hành vi trộm cắp hay giết người. Nhà tù sẽ được thay bằng trường học, bệnh viện. Ở bệnh viện, các y, bác sĩ tận tâm hết mình cứu chữa cho bệnh nhân mà không tìm cách moi tiền trong túi của bất cứ bệnh nhân nào đến viện bằng cách bắt làm đủ các xét nghiệm không có liên quan gì đến triệu chứng bệnh tật của bệnh nhân như hiện nay. Những người quản ngục có thể làm những công việc khác bằng cách tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Một xã hội sẽ an bình vì gia đình nào con cháu cũng thương yêu bố mẹ, ông bà. Đạo đức con người không bị suy đồi. Kinh phí xây dựng nhà tù và trả cho người quản ngục, kinh phí xây dựng lực lượng vũ trang quân đội và công an, kinh phí đầu tư cho vũ khí chiến tranh được thay vào việc tập trung đào tạo kiến thức, khoa học - công nghệ cho thế hệ trẻ, phát triển kinh tế và văn hóa xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Đây mới là một xã hội mà nhiều người muốn hướng tới.
ReplyDelete