Có lẽ từ trước
đến nay, những người tu theo đạo Phật theo trường phái của Thiền Tông thường
không ghi nhận những thành quả có được của Tịnh độ tông. Nhưng ngược lại, cũng
giống như Thiền tông, một số người bên Tịnh Độ tông rất tin tưởng vào Pháp môn
mà mình đang theo đuổi.
Thực ra Tịnh độ
tông có những người thực hành theo pháp môn niệm Phật cũng đạt được những thành
quả nhất định.
Người ta thường
nói: "Ai tu, người đó chứng; ai tội,
người ấy mang". Nhưng dường như còn rất nhiều người theo
trường phái Phật giáo nguyên thủy của Thiền tông không tin tưởng vào những
thành quả của những người tu theo Phật giáo đại thừa của Bắc tông.
Thực tế ra, cho
đến nay, đã gần hai nghìn sáu trăm năm lịch sử Phật giáo hình thành và phát
triển. Từ khi Phật Thích Ca ra đời, tìm đường giải thoát, và qua quá trình thực
hành thiền định, Ngài đã giác ngộ và tìm ra những chân lý vốn có mà trong lịch
sử loài người hàng triệu năm trước đó chưa phát hiện. Ngài đã truyền lại giáo
pháp cho 5 người đệ tử đầu tiên của mình, rồi dần dần đến hàng nghìn vị
đệ tử.
Và hàng chục, hàng trăm rồi hàng nghìn năm sau - khi Ngài đã tịch diệt - các
thế hệ từ đời này nối tiếp đời khác học tập theo con đường của Ngài, tu theo
đạo Phật.
Trong hàng nghìn năm qua, đã có bao nhiêu thế hệ học theo Ngài, thực
hành tu tập. Và cũng trong chiều dài lịch sử ấy - các đệ tử Phật thực hành theo nhiều phương pháp khác nhau để đạt được sự định tâm, trong đó có cả những phương pháp của Tịnh độ tông và mật tông.
Cho tới ngày hôm
nay, hình như Thiền tông phái vẫn còn nhiều người không thừa nhận Phật giáo đại
thừa của Bắc tông. Do vậy, vẫn có những sự tranh cãi kéo dài mãi, mỗi bên đều
có những lý lẽ bảo vệ luận điểm của tông phái mình.
Thực ra, đứng
giữa với quan điểm trung dung thì ta sẽ thấy Phật giáo như một cây đại thụ. Từ
một gốc cây ban đầu là thực hành thiền định qua sự chỉ dạy của Ngài Sakya Muni,
dần dần phát triển ra thêm nhiều cành, nhiều lá. Người ta nói Tịnh độ tông và
Mật tông giống như những cành lá phát triển ra từ một gốc cây ban đầu của Phật
giáo. Trải qua nhiều năm tháng thực hành và phát triển, nó đã trở thành một cây
lớn có thêm nhiều cành lá xum xuê. Đó chính là sự phát triển của Đại
thừa Phật giáo với những phương pháp tu hành khác, như niệm Phật, trì chú, bắt
ấn…
Những thế hệ sau này họ đã tu hành nhiều phương pháp khác nhau. Trong những phương pháp đó, bao gồm cả thiền, niệm Phật, đọc kinh, trì chú, bắt ấn, quán mạn đà la...
Tịnh độ tông thực hành với phương pháp niệm Phật để đè những vọng tâm và mong được về tới cảnh giới của Phật Di Đà. Phật tử tu theo pháp môn của Tịnh độ tin rằng thế giới của Phật Di Đà là một cảnh giới có nhiều sự an lạc. và điều đó được người ta đặt tên là Thế
giới cực lạc.
Thiền
tông thực hành thiền định, chứng đắc các tầng thiền từ Hữu sắc, đến Vô sắc, và cuối cùng là cảnh giới
Niết bàn (Nibbāna), hay còn gọi là Siêu thế, thì đó là các cảnh giới và
các tầng thiền họ phải trải qua hay chứng nghiệm theo phương pháp
thiền của Thiền tông.
Theo Vi Diệu
Pháp, chúng ta cũng hiểu là có 4 cảnh giới khác nhau, đó là:
1. Dục
giới: Ở đây có Nam, có nữ; có
giống đực và giống cái, và Dục giới cũng là những cảnh giới ham mê dục lạc, ái
dục. Vướng mắc ở ngũ uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức và tham đắm thông qua ngũ
quan là năm giác quan: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân.
2. Sắc giới: Ở
cảnh giới này không còn có giống đực và giống cái, không có sự phân biệt nam - nữ,
và vẫn còn "Sắc" nhưng ở hình thái vi tế. Tức là ta vẫn còn nhìn thấy
hình ảnh (hình bóng, linh ảnh)
3. Vô Sắc Giới: Ở
cảnh giới này ta chỉ còn nhận biết bằng tâm, không còn thấy hình tướng, sắc
thái.
4. Siêu thế: Tức
đã vào Niết bàn.
Như vậy theo Vi
Diệu Pháp, thì khi chứng đắc các tầng thiền ở cõi Sắc giới là đã vượt ra khỏi
cảnh giới Dục giới. Và ở đây không còn giới tính nam - nữ, không còn sự tham
dục, luyến ái. Nhưng ở đây vẫn còn hình ảnh vì đang ở cõi Sắc giới.
Và dựa theo Vi
Diệu Pháp, thì một số người bên Thiền tông khẳng định rằng A Di Đà của
Tịnh độ tông vẫn ở cảnh giới Dục giới. Vì theo họ thì Phật Di Đà vẫn được
gọi là ông Phật; hay Quán Thế Âm Bồ tát vẫn thường được người ta gọi là
Mẹ Quán Âm hay Phật Bà Quán Âm Bồ Tát.
Có nhiều người có
thói quen gọi là Quan Thế Âm; nhưng thực ra, cách gọi đúng là Quán Thế Âm. Quán
Thế Âm là gì? Là Ngài từ bi quán chiếu, suy xét, lắng nghe những âm thanh của
thế gian (Thế Âm) để cứu khổ, cứu nạn cho chúng sinh.
Quay trở lại với
việc phân biệt giữa Dục giới và Sắc giới. Thiền tông cho rằng Phật Di Đà cùng
với những vị Bồ tát trong thế giới của Tịnh độ vẫn ở trong dục giới. Vì Họ vẫn
hiện thân là đàn bà hoặc đàn ông.
Theo một số người
trong Tịnh Độ tông, họ lại cho rằng: những Vị Phật này không còn ở cảnh giới
Dục giới vì Họ không có sự luyến ái nam – nữ. Họ hiện thân như vậy là để gần gũi
với con người và từ bi cứu độ chúng sinh trầm luân, khổ ải. Nếu con người nghĩ
đến những Vị Phật này và thích những vị Phật này hóa thân là đàn ông thì những
Vị Phật, Bồ tát này sẽ là đàn ông; thích Họ là đàn bà thì những Vị Phật này sẽ
hóa thân là đàn bà. Họ đã thoát ra ngoài sự phân biệt nam nữ và dục vọng nam
nữ.
Theo cách nhìn
của Tịnh độ tông dựa trên các cảnh giới của Vi Diệu Pháp, thì những Vị Phật này
không ở Dục giới, mà Họ đang ở cõi “Hữu Sắc” hay còn gọi là Sắc giới, gần gũi
với con người và từ bi cứu độ chúng sinh.
Cũng vẫn theo
Thiền tông, thì những Vị “Phật” theo cách gọi của Tịnh độ này chỉ là ở cõi
“Tiên”, gần với con người.
Thực ra “Tiên”
hay “Phật” cũng chỉ là cách gọi hay dùng từ để định nghĩa của con người dành
cho những “Vị” này mà thôi.
Vậy “Phật” là gì?
Phật là một từ
chỉ cho sự giác ngộ, sự từ bi, sự trí tuệ. Phật là từ để chỉ sự hiểu biết đúng
các thực tướng của sự vật, hiện tượng.
Trong Vi Diệu
Pháp nói rằng Niết bàn hay siêu thế là cảnh giới đã vượt qua cả cảnh giới Vô
Sắc. Khi đó không còn thấy hình tướng nữa.
Vậy thực chất
những vị "Phật" và "Bồ tát" này là gì?
Có thể đó là
những vị Phật từ bi ở cõi Sắc giới gần gũi với con người, hóa thân thành những
hình tướng giống con người để tế độ con người và những chúng sinh khác.
Cũng có thể những
vị "Phật" này là những vị Tiên ở cõi Tiên. Ở cõi giới có đầy sự an
lành và hạnh phúc, đầy sự an lạc (cực lạc) mà có lẽ những người tu theo Tịnh độ
đã từng chứng nghiệm ở cõi giới này đã trải qua.
Cho dù những Vị
này là Tiên hay là Phật đi chăng nữa thì dù sao ở cõi của Họ cũng là cảnh giới
tốt đẹp vô cùng so với cuộc sống nơi cảnh giới của con người (theo cách
nhìn của Tịnh độ). Họ là những Vị đầy lòng từ bi thương sót chúng sinh và
cứu vớt những linh hồn trầm luân ở cõi ta bà này về sống nơi thế giới của Họ -
một thế giới đầy sự an lạc. Ở cảnh giới này, những linh hồn mới được vãng sanh về đây vẫn phải tu tiếp để tiến hóa tâm linh. từ đệ Nhất phẩm cho đến phẩm thứ chín. Và còn tiếp tục phát triển thêm nữa.
Theo những người tu theo trường phái Tịnh độ, thì thế giới Cực lạc
là một thế giới vô cùng tươi đẹp! “Cực”: là vô cùng, là hết cỡ; “Lạc”: là sự an
lạc, là sự hưởng lạc, hay là những cảm giác khoái lạc về cơ thể vật chất. Nó
không phải sự khoái lạc của lạc thú ái dục. Nếu ai đã từng có cảm giác khoái
lạc khi trải qua những khoảnh khắc định tâm thì sẽ hiểu và cảm nhận được sự
“lạc” này. “Lạc” ở đây chính là trong từ “hỷ lạc” của những người từng trải
nghiệm khi đạt được sự định tâm này. “Cực lạc” là cực kỳ an lạc, hay có thể nói
là an lạc vô cùng.
Nếu tu theo Tịnh độ tông và vãng sanh sang thế giới Cực Lạc như mọi người
cùng nói đến thì thế giới này cũng là vô cùng ưu việt so với thế giới của loài
người. Nhưng có lẽ ở đây vẫn chưa phải là Niết bàn (theo Vi Diệu Pháp thì đây
vẫn là cõi Hữu sắc).
Có
lẽ dựa theo tài liệu Vi diệu Pháp, và qua sự chứng đắc các tầng thiền của mình
mà một số người bên Thiền tông đã phủ nhận thế giới Cực lạc của Tịnh độ
tông chăng? Nếu như Thiền tông không công nhận sự đạt được một số thành quả
nhất định trong sự định tâm của Tịnh độ tông thì có lẽ cũng chưa đúng. Nhưng có
lẽ Thiền Tông có lý khi cho rằng Cực lạc của Tịnh độ chưa phải là Niết Bàn.
Niết bàn siêu thế mới chính là cảnh giới mà chúng ta thoát ly hẳn sinh tử.
HHN
" DÙ CHO LÀ " NAM TÔNG " HAY " BẮC TÔNG " - HÃY NHÌN LẤY " NHÂN " :
ReplyDelete" Những trạng thái giả tạm (Vô Thường), khốn quẫn (Khổ Não) và chẳng có thực thể (Vô Ngã) của vạn vật do nguyên nhân cấu tạo vẫn không thay đổi ."
HÃY THẬT TẾ, TỎ RÕ " TỨ DIỆU ĐẾ " LÀM CON ĐƯỜNG.
HÃY THỂ HIỆN " BÁT CHÁNH ĐẠO " LÀ PHƯƠNG TIỆN ĐỂ BƯỚC ĐI TRÊN CON ĐƯỜNG ĐÓ. "
Tịnh độ tông hay Thiên tông nói chung đều là phân biệt,còn phân biệt như vậy thì còn lâu mới đắc đạo, nên Trí Vô Phân Biệt và Tâm bình đẳng
ReplyDelete