Tuesday, January 14, 2014




CHƯƠNG II: TÂM THUỘC SẮC GIỚI

Tâm Sắc Giới ( Rūpāvacara Cittani): có 15 tâm, bao gồm:

A – TÂM THIỆN SẮC GIỚi: 5 tầng thiền (5 loại), gồm:

1. Tâm Thiện Sơ Thiền, bao gồm các tiến trình: Tầm, Sát, Hỷ, Lạc và Nhất Tâm,
2. Tâm Thiện Nhị Thiền, gồm có các tiến trình Sát, Hỷ, Lạc và Nhất Tâm,
3. Tâm Thiện Tam Thiền, cùng với các tiến trình: Hỷ, Lạc và Nhất Tâm,
4. Tâm Thiện Tứ Thiền, còn lại hai tiến trình: Lạc và Nhất Tâm,
5. Tâm Thiện Ngũ Thiền, với hai tiến trình: Xả và Nhất Tâm.

Đây là năm loại tâm Thiện thuộc Sắc Giới.

B – TÂM QUẢ SẮC GIỚI : 5 tầng thiền ( 5 loại)

1. Tâm Quả Sơ Thiền, bao gồm các tiến trình: Tầm, Sát, Hỷ, Lạc và Nhất Tâm,
2. Tâm Quả Nhị Thiền, gồm có các tiến trình Sát, Hỷ, Lạc và Nhất Tâm,
3. Tâm Quả Tam Thiền, cùng với các tiến trình: Hỷ, Lạc và Nhất Tâm,
4. Tâm Quả Tứ Thiền, còn lại hai tiến trình: Lạc và Nhất Tâm,
5. Tâm Quả Ngũ Thiền, với hai tiến trình: Xả và Nhất Tâm.

Trên đây là năm loại tâm Quả thuộc Sắc Giới.

C – TÂM HÀNH SẮC GIỚI: 5 tầng thiền (5 loại):

Tâm Hành Sơ Thiền, gồm có các tiến trình: Tầm, Sát, Hỷ, Lạc và Nhất Tâm,
Tâm Hành Nhị Thiền, bao gồm các tiến trình: Sát, Hỷ, Lạc và Nhất Tâm,
Tâm Hành Tam Thiền, gồm có các tiến trình: Hỷ, Lạc và Nhất Tâm,
Tâm Hành Tứ Thiền, chỉ còn lại hai tiến trình: Lạc và Nhất Tâm,
Tâm Hành Ngũ Thiền, chỉ còn lại hai tiến trình: Xả và Nhất Tâm.

Đây là năm loại tâm Hành thuộc Sắc Giới

Ở các tầng Thiền càng cao, thì các chi Thiền càng ít đi.

Trong tầng Nhị Thiền, chi thiền đầu tiên là Tầm được loại bỏ.

Trong tầng Tam Thiền, hai chi thiền đầu là Tầm và Sát được loại bỏ.

Trong tầng Tứ Thiền, ba chi thiền đầu là Tấm, Sát, Hỷ được loại bỏ.

Và như vậy, ở tầng Tứ Thiền thì chỉ còn lại Lạc và Nhất tâm; Ở tầng Ngũ Thiền thì còn lại Xả và Nhất tâm.

Có một số tư liệu chỉ ghi nhận có 4 tầng Thiền, từ Sơ Thiền cho đến Tứ Thiền. Và ở tầng Nhị Thiền cả hai chi đầu là Tầm và Sát (hay còn được gọi là Tứ) được loại bỏ.

Tầm (Vitakka): Là một tâm Sở, là sự hướng tâm đến đề mục, chú tâm vào đối tượng đề mục. Chi thiền Tầm Vitakka không có tính chất đạo đức. Khi nó liên hợp với tâm thiện (Kusala Citta) là thiện; khi liên hợp với tâm bất thiện (Akusala Citta) là bất thiện. Chi thiền Tầm là một hình thức phát triển khá cao của tâm Sở Tầm (Vitakka). Và nó cũng là hình thức phát triển cao độ hơn nữa của Vitakka phát sinh trong Đạo Tâm ( Magga Citta) được gọi là Chánh tư duy (Sammā Sankappa). Tầm của Đạo Tâm đưa các tâm Sở hướng đến Niết bàn và tiêu diệt cac tâm bất thiện, như tham dục, thù hận và hung bạo. Chi thiền Tầm tạm thời khắc phục tình trạng Thụy miên hôn trầm, một trong năm chướng ngại tinh thần.

Sát (Vicāra): Là một tâm Sở. Vicāra là sự di động quanh đối tượng, là quan sát, dò xét đối tượng, liên tục chú tâm vào đối tượng. Chi thiền Sát tạm thời khắc phục triền cái Hoài nghi ( Vicikicchā).

Khi Tầm và Sát là hai chi thiền, thì hai chi thiền này có liên hệ tương quan mật thiết với nhau.

Hỷ (Pīti): Là một tâm Sở, là tâm vui thích, hứng thú, hân hoan. Hỷ không phải là một cảm thọ Lạc (Sukka). Hỷ là tâm có trước, báo hiệu sắp có Lạc phát sinh. Hỷ tạm thời khắc phục hay xóa bỏ triền cái oán ghét, sân hận.

Lạc (Sukka): Là một tâm Sở, là sự an lạc hay hạnh phúc yên tĩnh. Là sự vui sướng về cơ thể vật chất, lan tỏa trong cơ thể.

Xả (Upekkhā): Là tâm quân bình, Xả ở trong tầng thiền Hữu sắc này là trạng thái bình thản bao hàm cả sự hiểu biết tri kiến phân giải.

Đây là một loại tâm Xả trong Tịnh Quang Tâm.

Nhưng trong các loại tâm Bất thiện (Akusala) và tâm Vô nhân (Ahetuka), thì tâm Xả (Upekkhā) chỉ là cảm giác vô ký suông, không vui, không buồn, không có sự hiểu biết tri kiến, phân giải. Trong các loại tâm thiện, đẹp thuộc Dục Giới (Kāmāvacara Sobhana) cũng có thể có cảm giác vô ký suông, như trường hợp một người nghe pháp mà không thích thú. Và cũng có trường hợp Xả tế nhị, nhìn đối tượng với tâm rõ ràng, vô tư và có sự hiểu biết phân giải, như trường hợp một người nghe giáo Pháp với tâm phán đoán, vô tư.

Riêng tâm Xả Upekkhā của Thiền (Jhāna) lại có một tầm cao hẳn về mặt đạo đức và tâm lý. Đây không phải là một loại tâm Xả Upekkha thọ vô ký thông thường mà loại tâm này phát hiện được một cách tự động các bất thiện tâm (Akusala). Chi thiền Xả của tầng Thiền (Jhāna Upekkhā) được phát triển do một ý chí mạnh mẽ, nhận thấy rằng chi thiền Lạc vẫn còn thô nên bỏ luôn cả chi thiền Lạc. Và phát triển chi thiền Xả vi tế, thanh bình và an lạc.

Chi thiền Xả Upekkhā là một hình thức vi tế của tâm Sở Tatramajjhattatā, bình thản, quân bình.

Có những loại tâm Xả Upekkhā như sau:

Thọ vô ký suông, chỉ là một trong sáu tâm bất thiện (Akusala  Citta)

Thọ vô ký tiêu cực ( Anubhavana Upekkhā) nằm trong tám căn môn Vô nhân (Ahetuka dvipaňca-viňňāna, những loại tâm Quả đi từng cặp Thiện và Bất thiện, có liên quan đến giác quan.)

Tâm Xả Upekkhā có tính chất trí thức thường nằm trong hai tâm Hành đẹp, đồng phát sinh cùng thọ Hỷ và cũng có khi nằm trong tâm Thiện đẹp, đồng phát sinh cùng tri kiến.

Tâm Xả Upekkhā có tính cách đạo đức nằm trong tất cả các loại tâm Đẹp, thiện hay Tịnh Quang Tâm, đặc biệt là ở trong Ngũ Thiền.

Có một số tư liệu lược kê tất cả mười loại Xả Upekkhā.

Nhất Tâm (Ekaggata) - hay còn gọi là Nhất điểm tâm: Là tâm Sở nằm trong tất cả các tầng thiền. Là sự gom tâm vào một điểm. Là tâm được an trụ hay còn gọi là Chánh định (Sammā Samādhi). Nhất tâm nằm trong Đạo tâm và tạm thời khắc phục được chướng ngại tham dục.

Gọi là cảnh Sắc Giới vì ở cảnh giới này vẫn còn nhìn thấy phần vật chất, hay gọi là hình tướng rất tế nhị.

Gọi là Vô sắc Giới vì ở đây không còn thấy phần vật chất, hay nói cách khác là hình tướng ( sắc) nữa, mà chỉ còn lại có tâm thôi.

Những tâm thiện là tâm mà ta xây dựng từ bây giờ, ngay trong kiếp sống hiện tại. Năm loại Quả tương ứng với  năm tâm thiện trên là những gì ta sẽ thọ hưởng, gặt hái sau khi ta chết. Năm loại là Hành, hay còn gọi là Duy Tác là Chư Phật và Chư vị A La Hán chứng nghiệm ngay trong kiếp sống hiện tại này.

Thiền (Jhāna)

Là sự chú tâm vào đối tượng, bám sát đối tượng, không để cho những suy nghĩ khác, hay những vọng tưởng chướng ngại nảy sinh.

Người ta thường gọi đối tượng là Đề mục. Tức là tập trung chú tâm vào đề mục, tập trung mạnh mẽ đến mức quên đi hết những chướng ngại vọng tưởng khác nảy sinh. Trong một số tư liệu nói rằng Đề mục có thể là những viên đất bằng đất sét được làm thành hình tròn.

Hành giả có thể  chọn đề mục bằng những viên bi nặn  bằng đất sét, và có thể tô các màu khác nhau theo sở thích của ta. 

Trên thực tế, chỉ cần chọn một vật gì để ta có thể tập trung chú tâm là được. Ví dụ ta có thể lấy cái đèn flash của tivi, nó mầu đỏ hay màu xanh, nhỏ như đầu que hương, có đường kính khoảng 3 mm thay vì viên đất nặn.  Qua một số kinh nghiệm của những người đã từng thiền định lâu năm và có những thành công nhất định, thì ta có thể trọn Đề mục bằng bất cứ thứ gì mà mình thích. Theo một Vị đã dành gần như cả cuộc đời của mình nghiên cứu các tư liệu về Phật giáo gốc (Phật giáo nguyên thủy); và trải qua mấy chục năm thực hành thiền định cùng những kinh nghiệm chứng đắc anh có được, thì ta có thể chọn đề mục là những thứ mà mình yêu thích, như: bông hoa, ngôi sao sáu cánh, v.v… hay những hình ảnh gì mà làm cho ta yêu thích, hứng thú và phải tập trung tư tưởng nhiều. Khi tập trung tư tưởng vào đối tượng một cách mạnh mẽ, thì ta dễ quên đi được những tâm khác là tâm phóng dật. Cũng theo anh, Nếu muốn tu thiền định vượt ra khỏi cảnh Dục Giới thì ta không nên trọn Đề mục (đối tượng) mang hình tướng con người. Vì còn mang hình tướng con người (đàn ông hoặc đàn bà) đều ở trong cảnh giới Dục Giới. Mà Dục Giới chính là cảnh giới phải tái sinh, chưa thoát khỏi sinh tử trầm luân.

Tâm Dục giới là tâm luôn luôn dao động, bị chi phối bởi dục lạc, nên không thể định tỉnh. Vì vậy muốn định tâm, hành giả phải chọn đề mục chú tâm vào đó để tập trung tư tưởng. Thời gian đầu ta còn mở mắt nhìn tập trung vào đề mục, Vật được gọi là đề mục này lúc này  được gọi là Parikamma Nimitta, hay còn gọi là dạng Sơ tướng. Thời gian này có thể là hàng tuần, hàng tháng, hay hàng năm. Thời gian ngắn hay dài tùy thuộc vào từng người.  Hành giả nhìn đối tượng hết sức chăm chú cho đến khi nhắm mắt cũng nhìn thấy đối tượng xuất hiện trước mặt mình. Nhưng lúc này đề mục vẫn chưa được đẹp và rõ nét thì nó ở dạng Thô tướng (Uggaha Nimitta). Với đối tượng này, Hành giả tiếp tục gom tâm, tập trung định tâm cho đến khi  nó trở nên rõ nét, đẹp và nổi như phim 3 D và trong sáng thì gọi nó là Quang tướng (Pātibhāga Nimitta). Hành giả tiếp tục tập trung tinh thần, định tâm trên đối tượng này cho đến khi chứng được tầng thiền đầu tiên.

Chúng ta chú tâm nhìn và giữ đối tượng thật lâu trước mặt và chứng được tầng thiền đầu tiên thì năm trở ngại là tham dục (Kāmachanda), sân hận (Patigha), hôn trầm – thụy miên (Thīna-Middha), phóng dật – lo âu (Uddhacca – Kukkucca), và hoài nghi (Vicikicchā) là những chướng ngại về sự tiến hóa của tâm sẽ dần được giảm bớt, đẩy lùi. Ở giai đoạn này, có tư liệu gọi là Cận định, tức là gần đạt được trạng thái định, hay gần đạt được sự định tâm.

Khi chuẩn bị đạt được trạng thái nhập định (Appanā Samādhi) tiến trình tư tưởng của ta trải qua những giai đoạn sau:

Bhavanga, Ý môn hướng tâm (Manodvārāvajjana), Parikamma, Uppacāra, Anuloma, Gotrabhū, Appanā.

Khi luồng tâm dừng lại, Ý môn hướng tâm phát sinh và lấy hình ảnh đề mục đã được quán một cách rõ ràng, chú tâm vào đề mục. Liền sau đó, tiến trình Javana được bắt đầu với giai đoạn sơ khởi, hay còn gọi là là giai đoạn chuẩn bị (Parikamma), hoặc cận định, trạng thái gần nhập định (Uppacāra). Tiếp theo là bước sang giai đoạn Thuận thứ (Anuloma), là tâm hội tụ đủ điều kiện để bước sang giai đoạn nhập định. Được gọi là Thuận thứ tức là chặp tư tưởng hay sát na tâm này khởi sinh, tương hợp, thuận chiều với tâm định. Tiếp sau đó là chặp tư tưởng được gọi là Chuyển tánh (Gotrabhū), là chặp tư tưởng vượt ra khỏi Dục Giới. Trong tiến trình Javana, tất cả các chặp tư tưởng từ đầu đến giai đoạn Chuyển tánh đều là tiến trình tâm thuộc Dục Giới. Đến giai đoạn Chuyển tánh là bắt đầu chuyển tiếp. Liền ngay sau giai đoạn chuyển tiếp (Gotrabhū), trong một chặp duy nhất, liền phát sinh chặp Appanā (Nhập đinh), dẫn luôn vào thiền (Jhāna). Tâm này thuộc thiền Hữu sắc và được gọi là Sơ thiền Sắc Giới. Đối với Chư vị A La Hán thì được gọi là tâm Hành (Kriyā Citta), hay còn gọi là tâm Duy tác. Ngoài ra nó còn la tâm Thiện (Kusala Citta). Tâm này tồn tại trong một chặp tư tưởng rồi lại trôi vào dòng trạng thái Bhavanga.

Ta tiếp tục chú tâm mạnh mẽ vào đối tượng và đưa tâm phát triển đến tầng Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền, và Ngũ Thiền cùng giống phương thức trên.


Còn tiếp.






0 nhận xét:

Post a Comment