HHN
Wednesday, January 8, 2014
Wednesday, January 08, 2014 by UnknownNo comments
Trong bài “Các loại tâm vương trong Vi diệu Pháp” (bài 1), chúng
ta đã nói về những loại tâm bất thiện. Chúng ta sẽ cùng tóm tắt lại những phần đã nói qua ở bài trước:
Chương I: TÂM VƯƠNG THUỘC DỤC GIỚI
54 tâm, gồm:
12 bất thiện tâm
18 Vô nhân tâm, và
24
Hữu nhân tâm.
1 – TÂM BẤT THIỆN (Akusala Cittāni):
8 tâm tham, 2 tâm, và 2 tâm si.
Bây giờ chúng ta cùng tìm hiểu tiếp
2 –TÂM VÔ NHÂN (Ahetuka Citta):
Được gọi là tâm Vô Nhân vì một tâm yếu ớt,
không có một trong 6 nhân sau đây: tham, sân, si và vô tham, vô sân, vô si.
Tâm Vô nhân là tâm không có nhân đồng phát
sinh ( sampa-yuttaka hetū). Nhưng các loại tâm này vẫn có hiệu lực và có khả
năng trổ quả.
Tâm Vô Nhân có 18 loại: Gồm 7 Bất thiện Dị
Thục tâm, 8 Thiện Dị Thục tâm và 3 tâm Hành.
A - Tâm quả Dị thục bất
thiện Vô Nhân: 7 loại
1 . Nhãn thức
(sự nhận biết của mắt do nhìn thấy vật) - đồng phát sanh cùng thọ Xả;
2. Nhĩ thức
(sự nhận biết của tai do nghe thấy được), – đồng phát sinh cùng thọ Khổ;
3. Thiệt thức
(sự nhận biết của lưỡi do nếm được) – đồng phát sinh cùng thọ Khổ;
4. Tỷ thức
( sự nhận biết của mũi do ngửi được) – đồng phát sinh cùng thọ Khổ;
5. Thân thức
(sự nhận biết của da thịt, cơ thể) – đồng phát sinh cùng thọ Khổ;
6. Tiếp thọ tâm
(Sampaticchana – Là khoảnh khắc lúc tâm tiếp nhận và thọ lãnh đối tượng) – đồng
phát sinh cùng thọ
Xả;
7. Suy Đạc Tâm
(Santīrana – Là tâm dò xét, quan sát đối tượng) – đồng phát sinh cùng thọ Xả.
Đây là bảy loại tâm Quả bất thiện Vô Nhân.
Cũng còn được gọi là 7 Bất thiện Dị thục Vô Nhân tâm.
Khi ta thọ lãnh một sự tác động của đối
tượng, một trong năm giác quan sẽ khởi sinh: Nếu thuộc về sự thấy, thì cảm giác
đó gọi là Nhãn thức. Nếu thuộc về sự nghe, thì cảm giác ấy thuộc về Nhĩ thức.
Nếu thuộc về sự ngửi thì gọi là Tỷ thức. Nếu thuộc về sự nếm thì gọi là Thiệt
thức. Nếu thuộc về cảm xúc thì gọi là thân thức. Sau khi cảm giác nổi lên, tâm
thọ lãnh vật tác động bên ngoài như một đối tượng, đấy gọi là Tiếp thọ tâm. Sau
khi tiếp thâu đối tượng, tâm bắt đầu tìm hiểu, điều tra đối tượng, tâm ấy gọi
là Suy đạc tâm.
Khi có một sự tác động bên ngoài vào một
trong năm giác quan của chúng ta: Nhãn thức (cakkhuvinnāna), nhĩ thức (Sotavinnāna), tỷ thức
(Ghānavinnāna), thiệt thức (Jivhāvinnāna), thân thức (Kāyavinnāna) thì cảm giác
khởi lên, tâm thâu nhận việc tác động bên ngoài như một đối tượng gọi là Tiếp thọ tâm
(Sampaticchana); sau khi lãnh thọ thâu nhận đối tượng, tâm ấy bắt đầu tìm hiểu,
điều tra đối tượng gọi là Suy đạc tâm (Santìrana).
Những hành động thiện ác trong đời trước
đem đến kết quả vui buồn trong kiếp sống hiện tại, vui buồn thuộc tính vô ký nên biến dị mà thục gọi là dị thục
(Vipàka). Nhân và quả cách nhau một đời, dị thời (khác thời kỳ) mà thục (chín
muồi) nên gọi là Dị thục. Ở đây là chúng ta tạo nhân trong quá khứ, tới thời kỳ
khác, cái nhân đó gặp duyên, cho quả chín mùi mà tạo thành quả (Vipaka) gọi là Dị thục tâm.
Dị thục tâm là quả của tâm thiện và tâm bất thiện.
Tùy theo tính chất mạnh yếu của các nghiệp
thiện, ác đời trước nên tính tình sẽ như thế nào trong đời này. Trong bảy tâm
kể trên, ngoại trừ thân thức (Kāyavinnāna) câu hữu với Khổ (Dukkha) vì thân thức cảm
xúc mạnh hơn do tạo các ác nghiệp đời trước, nên thọ quả hiện tại là khổ, sáu
tâm còn lại không thể câu hữu với Hỷ (Somanassa) hay Ưu (Domanassa) vì chúng quá yếu
ớt, nên chỉ có thể câu hữu với Xả (Upekkhā).
Tiến trình tâm
Tâm là chủ thể tiếp nhận đối tượng từ bên
trong hay bên ngoài.
Có những khoảnh khắc không có cảm xúc giác
quan khi người ta không suy nghĩ, không có thiện tâm và bất thiện tâm thì khi
ấy vẫn có tâm. Loại tâm này sinh và diệt ở những khoảnh khắc đó gọi là tâm Hộ kiếp (Bhavanga citta). Tâm Hộ kiếp duy trì liên
tục từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác trong đời sống của một kiếp sống
của những gì ta gọi là một “Chúng sinh”.
Luồng Hộ kiếp Bhavanga đó bị gián đoạn khi
có đối tượng tác động vào tâm. Khi đó, tâm Bhavanga rung động trong một sát na
(chặp tư tưởng) rồi biến mất.
Tiếp theo đó Ngũ
Môn Hướng Tâm khới sinh và diệt. Tới giai đoạn này dòng trôi chảy tự
nhiên bắt đầu bị kiểm soát và chuyển hướng về đối tượng. Ngay lập tức sau đó,
một trong năm giác quan (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức)
khởi sinh và diệt. Tiếp theo tác hành này của giác quan có một chặp tư tưởng
tiếp thu đối tượng đã nhận gọi là Tiếp Thọ tâm.
Rồi đến sự dò xét đối tượng, quan sát đối tượng đã được tiếp thu, gọi là Suy Đạc tâm. Sau đó đến giai đoạn nhận định và phân biệt
lựa chọn gọi là Xác Định tâm. Đây là giai đoạn
mà ý chí tự do góp phần của nó. Sau đó là giai đoạn tâm lý cực kỳ quan trọng –
giai đoạn Javana, cũng được gọi là Tốc Hành tâm,
hay Xung Lực tâm. Chính ở giai đoạn này, các
hành động được gọi là thiện hay bất thiện. Nghiệp được tạo ở giai đoạn này. Nếu
nhận định chân chính sẽ có hành động thiện và tạo nghiệp thiện, Nhận định sai
lầm, luồng Javana trở nên bất thiện. Nếu là một vị A La Hán, luồng Javana này
không thiện cũng không bất thiện, nó chỉ thuộc về cơ năng Hành hay Duy Tác, chỉ
có tác hành mà không tạo hậu quả.
Giai đoạn Javana này thường trôi chảy
trong bảy sát na tâm (chặp tư tưởng). Lúc lâm chung, chỉ có năm chặp tư tưởng.
Toàn bộ tiến trình chỉ xảy ra trong một thời gian cực nhỏ, chấm dứt bằng tâm
ghi nhận, hay đăng ký tâm, kéo dài hai chặp.
Ngũ môn hướng tâm là tâm Hành. Ngũ Quan thức
là một trong mười tâm Quả Thiện và Bất Thiện. Tiếp Thọ
tâm và Suy Đạc tâm cũng là tâm Quả. Ý môn hướng tâm là tâm Hành tác hành như xác định tâm.
Ta có thể tự do vận dụng ý chí ở giai đoạn này. Bảy chặp của luồng Javana tạo
thành nghiệp (Kamma).
Đăng ký tâm là một tâm Quả, một trong ba tâm Suy Đạc hay một
trong tám tâm Quả đẹp.
Từ đó cho ta thấy một tiến trình tư tưởng
có nhiều chặp, và các chặp tư tưởng này có thể là Nghiệp (Kamma), Quả (Vipāka),
hay Hành (Kiriyā).
Tâm Dị thục là tâm Quả.
Cả Nghiệp (Kamma) và Dị thục (Vipàka) đều
thuộc về ý. Còn tâm Kiriyā (Duy tác) là tâm của chư vị A la hán, tuy có hành
động nhưng không có kết quả Dị thục vì đã diệt trừ sanh tử. Đức Phật và chư vị
A La Hán vẫn có tâm Quả. Vì họ vẫn phải chịu nghiệp quả trong quá khứ cho tới
ngày nhập niết bàn.
Tâm Hành ( Kiriya,
hay Kriyā – cũng được gọi là tâm Duy Tác) là loại tâm không có hiệu lực về
mặt nghiệp báo. Nó chỉ có hành động, nhưng không có kết quả của hành động. Nói
một cách khác, là “ hành động không tạo nghiệp”. Nó thuộc về tâm Siêu Thế.
Đức Phật và chư vị A La Hán đều có hành
động, hoặc tâm Hành mà không có quả của hành động. Những tâm đó, không có năng
lực tái tạo quả. Nó chỉ có hành động mà không có kết quả gọi là tâm Hành, cũng
được gọi là tâm Duy Tác.
Kiriya là nhân không có tạo quả. Kamma là
nhân có hiệu lực tạo quả. Những hành động của Đức Phật và chư vị A La Hán được
gọi là kiriya , hay kriyā, vì các ngài không còn tích trữ nghiệp (kamma). Các
ngài đã vượt qua khỏi thiện và ác.
“ Căn” (Mūla):
Là cội dễ hay nguồn gốc phát sanh. Gồm có
tham, sân, si, và không tham, không sân, không si.
“Thọ” (Vedanā)
Thọ là cảm giác hay một trạng thái tâm (
hay tâm Sở) phổ thông, nằm trong tất cả các loại tâm Vương.
Có năm loại thọ là:
-
Thọ Hỷ (somanassa), vui vẻ về tinh thần;
-
Thọ Lạc (Sukha), sung sướng về cơ thể vật chất;
-
Thọ Xả (upekkhā) hay còn gọi là thọ Vô ký, không vui, không buồn;
-
Thọ Ưu (Domanassa), buồn khổ, sầu muộn, giận dữ, buồn phiền về tinh thần;
-
Thọ Khổ (Dukkha), đau đớn về thể xác vật chất.
Muốn hiểu các vô nhân tâm, cần phải hiểu
lộ trình của tâm. Khi năm căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) xúc chạm với năm trần
(sắc, thanh, hương, vị, xúc), thì lộ trình của tâm ngang qua năm căn khởi lên.
Khi ý căn xúc chạm với pháp trần thì lộ trình của tâm ngang qua ý căn khởi lên.
Lộ trình của tâm ngang qua năm căn có thể
dùng ví dụ sau đây để diễn tả. Một người nằm ngủ dưới gốc cây xoài. Một quả
xoài rơi xuống và lăn đến bên mình người ấy. Người ấy giựt mình ngồi dậy và tìm
hiểu xem cái gì đã làm mình giật mình thức giấc. Người này thấy quả xoài, nhặt
lên, ngửi và xem xét quả xoài, khi được biết quả xoài đã chín, người ấy ăn trái
xoài.
1. "Người ấy đang ngủ" chỉ cho
trạng thái thụ động của tâm thức, trôi chảy không có gì làm xao động. Trạng thái này gọi là Bhavanga, hữu phần hay tiềm
thức.
2. "Ngồi dậy và tìm hiểu xem cái gì
đã làm mình thức giấc" chỉ cho trạng thái muội lược của tâm thức khi tâm
thức đang tìm xem ngoại trần kích thích mình thuộc về mắt, tai, mũi, lưỡi hay
thân. Tâm này gọi là Pancadvàràvajjana hay Ngũ môn
hướng tâm.
3. "Thấy trái xoài" chỉ cho sự
sanh khởi của thức (sự nhận biết). Thức này hoàn toàn thuần túy, không có một
suy tư gì. Nếu thuộc con mắt thì gọi là nhãn thức
(Cakkhuvinnàna), nếu thuộc tai thì gọi là nhĩ thức
(Sotavinnàna), nếu thuộc mũi thì gọi là tỷ thức
(Ghànavinnàna), nếu thuộc lưỡi thì gọi là thiệt thức (Jivhàvinnàna), nếu thuộc thân thì gọi là thân thức (Kàyavinnàna).
4. "Lượm quả xoài" chỉ cho trạng
thái của tâm thức, tiếp nhận, thọ lãnh sự tác động của đối tượng. Tâm này gọi
là Sampaticchana (Tiếp thọ tâm).
5. "Ngửi và tìm xem trái xoài"
chỉ cho trạng thái của tâm thức suy nghĩ đối tượng và tìm hiểu đối tượng với
những kinh nghiệm quá khứ của mình. Tâm này gọi là Santìrana hay Suy đạc tâm.
6. "Xác định trái xoài đã chín và
tốt" chỉ cho tâm thức xác định vị trí của đối tượng theo sự hiểu biết của
mình. Tâm này gọi là Votthapana hay Xác định tâm.
7. "Ăn trái xoài" chỉ cho tâm
thức xử sự với đối tượng. Ðây là trạng thái tâm thức quan trọng nhất và được
gọi là Javana hay Tốc hành tâm.
Nếu là lộ trình của tâm ngang qua ý thức
(Manodvàravìthi), thì đối tượng không phải từ ngoài mà chính tự nội tâm. Lộ
trình này bắt đầu từ Manodvàràvajjana (ý môn hướng tâm) tương đương với
Votthapana (xác định tâm).
Với ví dụ này, chúng ta thấy rõ ý nghĩa và
vị trí các tâm như nhãn thức, tiếp thọ tâm, suy đạc tâm, ngũ môn hướng tâm và ý
môn hướng tâm.
B - Tâm Thiện Dị Thục Vô Nhân: 8 loại
1. Nhãn thức Quả
Thiện - đồng phát sinh cùng thọ Xả;
2. Nhĩ thức
đồng phát sanh cùng thọ Lạc;
3. Thiệt thức
đồng phát sanh cùng thọ Lạc;
4. Tỷ thức đồng phát sanh cùng thọ
Lạc;
5. Thân thức đồng phát sanh cùng thọ Lạc;
6. Tiếp thọ tâm đồng phát sinh cùng thọ Xả;
7. Suy Đạc tâm đồng phát sinh cùng thọ Hỷ;
8. Suy Đạc tâm đồng phát sinh cùng thọ Xả.
C - Tâm Hành Vô Nhân: 3 loại
16. Ngũ môn hướng tâm
(Paňcadvārāvajjana) - đồng phát sinh cùng thọ Xả.
Ngũ môn hướng tâm là lúc
tâm hướng về đối tượng của một trong năm giác quan: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ
thức, thiệt thức, thân thức.
17. Ý môn hướng
tâm (Manodvārāvajjana ) – Đồng phát sinh cùng thọ Hỷ.
Ý môn hướng tâm là lúc tâm hướng về tinh thần.
Ngũ môn hướng tâm (Paňcadvārāvajjana) và Ý
môn hướng tâm (Manodvārāvajjana) là hai chặp tư tưởng duy nhất thuộc về tâm
Hành (kriyā) mà người không đắc Quả A La Hán cũng có thể có. Tất cả các loại
tâm Hành khác (Kiriyā), cũng được gọi là tâm Duy Tác thì chỉ có Đức Phật và Chư
vị A La Hán có.
18. Tiếu sinh tâm
(Hasituppāda) - đồng phát sinh cùng thọ Hỷ.
Tiếu là cười, sinh là sự phát sinh. Tiếu sinh tâm là tâm sinh ra
sự mỉm cười. Tiếu sinh tâm là loại tâm riêng biệt của chư vị A La Hán. Nguyên
nhân của sự mỉm cười là một thọ Hỷ.
Phàm nhân bình thường có thể cười với một trong bốn loại tâm bắt nguồn từ căn
Tham, đồng phát sinh cùng thọ Hỷ, hay một trong bốn loại tâm Thiện đồng phát
sinh cùng thọ Hỷ.
Chư vị Tu Đà Hoàn (Sotāpanna – Nhập Lưu),
Tư Đà Hàm ( Sakadā-gāmi – cũng gọi là Nhất Lai), và A Na Hàm (Anāgāmi –
cũng được gọi là Bất Lai) có thể mỉm cười với một trong hai tâm bất thiện không
liên hợp với tà kiến, đồng phát sinh cùng thọ Hỷ, hoặc một trong bốn loại tâm
thiện.
Chư vị A La Hán và Chư Phật Độc Giác có
thể mỉm cười với một trong bốn loại tâm Hành đẹp (Sobhana Kiriya Citta, Duy Tác
Tịnh Quang Tâm, hoặc Tiếu Sinh tâm). Chư Phật Chánh Đẳng Giác mỉm cười với một
trong hai tâm Hành đẹp, Duy Tác Tịnh Quang tâm, đồng phát sinh cùng trí tuệ và
thọ Hỷ. Trong Tiếu Sinh tâm chỉ có niềm vui suông.
Tâm Vô Nhân có 18 tâm, bao gồm: 7 tâm Quả
bất thiện, 8 tâm Quả thiện và 3 tâm Hành.
HHN
HHN
Còn tiếp
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 nhận xét:
Post a Comment