Kính thưa Quý vị!
Phật giáo ra đời cách đây đã gần hai nghìn sáu
trăm năm. Chúng ta là những thế hệ ra đời sau này phải chịu những thiệt thòi vì không được sống ở thời của Đức Phật để được trực tiếp nghe giáo Pháp của Ngài. Nhưng ngày nay, chúng ta vẫn được tiếp cận với những phần kiến thức vô cùng giá trị của Phật giáo nguyên thủy. Một số kinh sách được lưu truyền và được dịch ra một số ngôn ngữ cho phù hợp với văn hóa ngôn ngữ thời hiện đại của các Quốc gia. Trong số những những tài liệu ấy, có một số tư
liệu nói về Vi Diệu Pháp được để lại cho chúng ta từ thời Đức Phật. Những kiến thức của bộ môn này là vô cùng hữu ích cho
chúng ta trong con đường
thực hành tu tập, phát triển tâm linh, hướng đến ánh sáng chân lý.
Chúng tôi hiểu rằng có rất nhiều độc giả đã tiếp cận với phần kiến thức này. Nhưng cũng còn rất nhiều người chưa tìm hiểu qua, nên chúng tôi muốn giới thiệu phần tư liệu này đến quý độc giả để chúng ta cùng tham khảo.
Theo một số tư liệu tương đối đầy đủ và đáng tin
cậy nói về Vi diệu Pháp, chúng tôi sẽ thuyết minh lại các phần tâm theo Vi Diệu
Pháp. Trong phần trình bày này, có thể còn có nhiều thiếu sót, xin Quý vị rộng
lòng lượng thứ!
Chúng tôi xin thành kính đảnh lễ và nguyện đem công đức
này hồi hướng đến Thập Phương Chư Phật và khắp Pháp Giới chúng sanh!
Kính Thưa Quý vị!
Vi diệu Pháp là một giáo pháp cao siêu, thù
thắng; là một di sản văn hóa vô cùng giá trị mà chúng ta được thừa hưởng từ
thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Nó là một giáo pháp vượt lên cả sự sống chết,
vui buồn, khổ đau của con người.
Dhamma – Pháp: Là một danh từ có nhiều ý nghĩa. Ở
đây danh từ Pháp (dhamma) này có nghĩa là giáo lý, lời dạy, giáo dục, giáo huấn.
Abhidhammattha có nghĩa là Giáo Lý Cao Siêu, vì
Pháp này giúp đạt được sự giải thoát, hay Pháp này thù thắng, vượt lên trên,
cao hơn cả giáo lý chứa đựng trong Tạng Kinh (Sutta Pitaka) và Tạng Luật
(Vinaya Pitaka)
Trong tạng Kinh và tạng Luật, Đức Phật dùng những
từ tục đế như: con người, loài vật, hữu tình, chúng sinh…Trong Vi Diệu
Pháp, Ngài lại phân tích rất tỉ mỉ các sự vật, hiện tượng và dùng đến những từ
trừu tượng như năm uẩn: Sắc (Rūpa), Thọ (Vedanā), Tưởng (Saññā), Hành
(Sankhāra), Thức (Viññāna) và mười hai xứ: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý
và sáu đối tượng của chúng là sắc (hình tướng), thanh (âm thanh), hương (mùi
hương), vị (vị giác), xúc (cảm giác), pháp (ý thức).
Trong đạo Phật có Nhị Đế: Tục đế và Chân đế.
- Tục đế: Là loại sự thật tương đối,
là sự thật trong cuộc đời thế tục, còn được gọi là Thế tục đế hay Thế đế. Nó là
chân lý tương đối.
- Chân đế: Là sự thật tuyệt đối. Chân đế còn được gọi là đệ nhất
nghĩa đế hay thắng nghĩa đế. Nó là chân lý tuyệt đối.
Những đối tượng Hữu tình còn ở trong lục đạo luân
hồi, hay nói cách khác là tại thế, được gọi là chúng sinh; Giải thoát, thoát ly
ra khỏi vòng lục đạo luân hồi là Siêu thế, hay còn gọi là Niết bàn (Nibbāna).
Chúng sanh được cấu tạo do hai phần: Phần Tâm linh (Danh – nama) và phần vật
chất (Sắc – Rupa).
Được gọi là Vi Diệu Pháp Abhidhamma vì nó là pháp
vi diệu, là thắng pháp dẫn đến sự giải thoát, thoát ly ra khỏi trầm luân
của lục đạo luân hồi.
Có bốn thắng pháp là: Tâm Vương, Tâm Sở, Sắc và
Niết Bàn.
Ở đây, trong bài này chúng ta sẽ nói về phần tâm Vương,
được chia ra làm nhiều chương khác nhau, mỗi chương là một cảnh giới và các
loại tâm của những cảnh giới này. Những phần nói về tâm Sở, Sắc và Niết Bàn,
khi nào có điều kiện chúng ta sẽ cùng tìm hiểu tiếp.
Trong phần nói về Tâm (hay có thể gọi là tâm
Vương) này sẽ nói đến bốn loại tâm đó là tâm Dục Giới, tâm Sắc Giới, tâm Vô Sắc
Giới và tâm Siêu thế Giới.
Các loại tâm trong Vi Diệu Pháp có ý nghĩa vô
cùng quan trọng cho người tu hành, và muốn tìm đường thoát ly sự sinh tử.
Các loại tâm trong Vi Diệu Pháp gồm: Có 4 loại
tâm:
- Tâm
bất thiện (Akusala);
- Tâm
thiện ( Kusala);
- Tâm
Dị Thục (hay còn gọi là tâm Quả - Vipāka);
- Tâm
Hành (Kyriya).
Tâm cũng được chia làm 4 phần (bậc) khác nhau,
phù hợp với bốn cảnh giới, đó là:
1. Tâm thuộc Dục
Giới (Kāmāvacara Cittāni);
2. Tâm thuộc Sắc
Giới (Rūpāvacaram Cittāni);
3. Tâm thuộc Vô Sắc
Giới (Arūpāvacaram Cittāni);
4. Tâm Siêu Thế (Lokuttaram
Cittāni).
- Kāmā:
Là dục, hoặc là ái dục hay là những đối tượng của ái dục như sắc, thanh, hương,
vị, xúc. Avacara: là phạm vi, khu vực, địa giới hoạt động. Những tâm vương khởi
sinh hệ thuộc với các đối tượng của chúng thuộc dục giới nên gọi là Dục giới
tâm. Sắc giới tâm là những tâm từ đệ nhất thiền đến đệ ngũ thiền ở cõi Sắc
giới. Sắc giới tâm là các tâm khởi lên do dùng các sắc pháp để tu thiền định.
Vô sắc giới tâm là những tâm từ đệ nhất thiền đến đệ tứ thiền ở cõi Vô sắc
giới. Sở dĩ gọi là Vô sắc giới vì tâm này khởi lên do dùng Vô sắc pháp để tu
thiền định. Loka uttara: Lokuttara, nghĩa là Siêu thế, ra ngoài phạm vi của dục
giới, sắc giới và vô sắc giới. Do quán tưởng ba pháp ấn vô thường, khổ, vô ngã,
chứng được các Thánh vị, không còn là phàm phu nữa nên gọi là Siêu thế.
- Theo Vi Diệu Pháp Pali (Pāli Abhidhamma),
có tất cả là 89 Tâm vương, 54 Dục giới tâm, 15 Sắc giới tâm, 12 Vô sắc giới tâm
và 8 Siêu thế tâm.
Chương I : TÂM VƯƠNG THUỘC DỤC GIỚI
Tâm thuộc Dục giới có 54 tâm, gồm:
- 12 tâm Bất thiện ,
- 18 tâm Vô nhân .
- 24 tâm Hữu nhân
1 – TÂM BẤT THIỆN: 3 loại tâm: 8 tâm tham, 2
tâm sân và 2 tâm si
A – Tâm bắt nguồn từ căn tham (Lobha): 8 loại tâm:
1. Một tâm, không bị xui khiến, tương ưng với tà
kiến, đồng phát sinh cùng thọ Hỷ.
2. Một tâm, bị xui khiến, tương ứng với tà kiến,
đồng phát sinh cùng thọ Hỷ.
3. Một tâm, không bị xui khiến, không tương ứng
với tà kiến, đồng phát sinh cùng thọ Hỷ.
4. Một tâm, bị xui khiến, không tương ứng với tà
kiến, đồng phát sinh cùng thọ Hỷ.
5. Một tâm, không bị xui khiến, tương ứng với tà
kiến, đồng phát sanh cùng thọ Xả.
6. Một tâm, bị xui khiến, tương ứng với tà kiến,
đồng phát sinh cùng thọ Xả.
7. Một tâm, không bị xui khiến, không tương ứng
với tà kiến, đồng phát sinh cùng thọ Xả.
8. Một tâm, bị xui khiến, không tương ứng với tà
kiến, đồng phát sinh cùng thọ Xả.
Bị xui khiến (nhắc bảo) ở đây bao gồm: cả sự tác
động của người khác bên ngoài, hoặc ngoại cảnh; và cả sự đắn đo, cân nhắc, âm
mưu, toan tính trong tâm.
Ví dụ cho 8 loại tâm trên:
1. Loại tâm 1:
Một em bé, không có ai xúi giục, hoặc sai bảo, em
lấy trộm cái kẹo một cách tự nhiên, không biết đấy là một việc làm xấu. Em rất
vui vì lấy được cái kẹo và ăn rất ngon lành.
2. Loại tâm 2:
Em bé do một người bạn xúi giục, đã lấy trộm vài
chiếc kẹo, không biết rằng đấy là một việc làm xấu. Em vui vẻ vì lấy trộm được
kẹo và chia cho bạn cùng ăn rất ngon lành.
3. Loại tâm 3:
Em bé, không có ai sai bảo, cũng không đắn
đo suy tính, em tự nhiên lấy trộm kẹo, và biết rằng lấy trộm kẹo là một hành
động xấu. Em vẫn vui vẻ vì lấy được kẹo và ăn kẹo.
4. Loại tâm 4:
Em bé, có sự xúi giục của bạn, hoặc sau khi
đắn đo, suy tính, lấy trộm vài chiếc kẹo, em biết đó là một việc làm không tốt,
nhưng vẫn vui vẻ vì lấy được kẹo, chia kẹo cho bạn và cùng nhau ăn kẹo.
Bốn loại tâm còn lại, từ loại 5 đến loại tâm 8
cũng tương tự như trên, nhưng thay vì thọ Hỷ thì là thọ Xả.
B – Tâm bắt nguồn từ Căn Sân (Patigha): 2
loại tâm:
9. Một tâm, không cần nhắc bảo, hay xui khiến,
đồng phát sanh cùng thọ Ưu, và liên hợp với ác ý.
10. Một tâm, được nhắc bảo, đồng phát sanh cùng
thọ Ưu, liên hợp với ác ý.
Ví dụ:
Loại tâm 9:
Một người, sát hại người khác với một lòng sân
hận mà không có mưu tính trước
Loại tâm 10:
Một người, với lòng sân hận, sát hại một người
khác sau khi đã mưu tính.
Hai tâm này không liên hợp với hỷ và xả.
C – Tâm bắt nguồn từ Căn Si ( Moha): 2 loại.
11. Một tâm, tương ứng với hoài nghi, đồng phát
sanh cùng thọ Xả.
12. Một tâm, tương ứng với phóng dật, đồng phát
sanh cùng thọ Xả.
Ví dụ về hai Căn Si:
- Loại tâm 11:
Một người hoài nghi về sự hiện hữu của Đức Phật,
năng lực, khả năng của Đức Phật; hoài nghi vào luật nhân – quả; không tin vào
nghiệp lực.
- Loại tâm 12:
Một người có tâm phóng dật, xao động, (cũng gọi
là tâm trạo cử) không thể chú tâm vào một đề mục.
Tổng cộng trên đây có tất cả 12 bất thiện tâm,
bao gồm 8 Căn Tham, 2 Căn Sân và 2 Căn Si.
Khi một người làm một việc bất thiện một cách
thích thú, thì tâm người ấy liên kết với hỷ, cũng có thể gọi là câu hữu với hỷ, hay nói cách khác là đồng phát sinh
cùng thọ Hỷ (somanassasahagatam), nếu làm một cách thản nhiên là đồng phát sinh
cùng thọ Xả (Upekkhāsahagatam). Có người nghĩ rằng giết sanh vật để cúng tế,
cướp bóc giết hại những người không đồng với tín ngưỡng của mình là những việc
phải, việc thiện, thì tâm của người ấy liên hợp với tà kiến
(ditthigatasampayattam). Trái lại, không có những tà kiến ấy gọi là
Ditthigatavippayuttam. Có người làm việc ác một cách tự nhiên, mau lẹ không cần
người khuyến khích xui giục, không có sự mưu tính, cân nhắc thì tâm ấy gọi là
Asankhàrikam (không cần nhắc bảo hay xúi giục). Nếu cần người xui giục khuyên
bảo mới làm thì gọi là sasankhārikam (có sự nhắc bảo).
Sở dĩ gọi là Bất thiện vì chúng phát sanh từ
Lobha (tham) Dosa (sân) và Moha (si). Trái với bất thiện tâm là Thiện tâm
(Kusala) vì chúng phát sanh từ không tham (Alobha), bắt nguồn từ sự quảng đại,
bố thí; vô sân (Adosa), từ ái, khoan dung; và vô si (Amoha ), trí tuệ.
Các loại tâm bất thiện (akusala) được xem là
không lành mạnh, bất tịnh vì nó không được sự yêu thích, thường mang lại hậu
quả bất khả ái. Các loại tâm thiện (kusala) là các loại tâm lành mạnh, được yêu
thích.
Cả Bất thiện tâm và Thiện tâm đều thuộc về nghiệp
(kamma) và kết quả của những tâm này gọi là Vipāka (Tâm Quả hay còn gọi là tâm
Dị Thục).
HHN
Còn tiếp
Xin thanh that tri an tat ca cac vi da giup dang tai bai nay. Ngan gon va de hieu.
ReplyDeleteCong duc vo luong.