Friday, January 3, 2014



Sao Mai says:

Chị HHN à ! Em nhờ chị một tí!

HHN says:

Ừ, em cứ nói đi!

Sao Mai says:

Em biết chị có cuốn Tạp Thư, chị mua ở chợ trời, cuốn này hơi bị được đó nha ! Em thấy cần tìm cái gì cũng có. Chị xem thử trong đó, nó nói gì về hệ quả của việc định tâm.

HHN says:

Theo thông tin trong cuốn Tạp Thư, thì hệ quả của việc định tâm nhiều vô số kể, không thể kể hết. Vì nó lệ thuộc ở rất nhiều yếu tố mà chúng ta chưa biết. Thật vậy, mô hình định tâm của trường phái Phật giáo nguyên thủy là một mô hình có lẽ nổi tiếng trong ngành tu thiền định. Tuy nhiên, chúng ta còn phải kể đến rất nhiều các mô hình khác, của các trường phái khác. Mục đích của trường phái Phật giáo nói chung là đoạn các phiền não để đưa đến cứu cánh cứu cùng là Niết Bàn. Nhưng ngay trong Phật giáo lại cũng có những Tông phái không chủ trương như vậy. Điển hình như  phái Tịnh Độ Tông của Phật giáo Trung Quốc, người tu mong muốn đạt được sự nhất tâm bất loạn ( cũng là một dạng thiền định) để về cõi Tịnh Độ.

Sao Mai says:

Qua sự trình bày của chị, em thấy đúng như chị nói, hệ quả của việc định tâm không đơn giản như người ta nghĩ. Mặt khác, còn phải quan tâm tới vấn đề định nghĩa việc định tâm là thế nào, hiểu thế nào là định tâm. Kỹ thuật định tâm, căn cứ vào tài liệu Vi Diệu Pháp của trường phái Phật giáo, có thể là một trong nhiều kỹ thuật khác để đưa đến sự định tâm mà chúng ta không thể biết hết. Thật vậy, không ai dám quả quyết, mà thực sự dựa vào tiêu chuẩn nào để mà quả quyết là loại kỹ thuật định tâm nào là tối ưu? Như quí độc giả cũng biết, trên thế giới có rất nhiều trường phái người ta sử dụng rất nhiều kỹ thuật phụ trợ: thông thường nhất là chất say, các dạng chất say… để tạo ra trạng thái mất đi ý thức. Do đó, trong sân chơi gọi là nhập định, định tâm…. Chúng ta khó có cơ sở nào để bảo là kỹ thuật này là hay, là đúng hay kỹ thuật khác là không hay, không đúng…. Chính vậy, hệ quả của hiện tượng định tâm tất nhiên là lệ thuộc vào tiên đề, mục đích và kỹ thuật định tâm.



HHN says:

Nếu em hiểu như vậy thì rất tốt, chúng ta không ngạc nhiên vì có quá nhiều loại hệ quả. Ta lấy hai trường hợp điển hình: trường hợp thứ nhất của người tu thiền định Phật giáo nguyên thủy, họ coi việc định tâm, là một cửa ngõ bắt buộc phải đi qua, trên cơ sở này, họ triển khai các lớp thiền định, để diệt trừ phiền não, mục đích tối hậu cuối cùng là đạt được trạng thái an tịnh mà từ ngữ chuyên ngành gọi là yếu tố Santi. Chúng ta lại thấy có những dân tộc, họ sử dụng các loại chất say làm mất đi ý chí. Người mà ở trạng thái định tâm này, nằm bò dưới đất, thái độ giống như các thú vật hoang dã, thời gian có thể kéo dài nhiều giờ đồng hồ. Điều này chắc quí độc giả cũng từng được xem các bộ phim tương tự của chương trình Discovery.

Bắt buộc chúng ta phải chọn một mô hình kỹ thuật tiêu biểu nào đó để đưa đến việc định tâm. Ở đây chúng tôi xin đề nghị chọn mô hình  của trường phái Phật giáo nguyên thủy. Chúng tôi thử trình bày một số hệ quả khá phổ biến của những người tu thuộc trường phái hàn lâm kinh điển này.

 Sau đây, chúng ta thử liệt kê một số hệ quả thường xảy ra:

1.    Cứ cho là, ai đó căn cứ vào chân ngôn “ Tư cách chú tâm vào một vật duy nhất ở đằng trước mặt”. Vâng, đó chính là phát biểu cơ bản định nghĩa về chánh định. Trong tài liệu Vi Diệu Pháp có mô tả người sử dụng loại công án này hay đối tượng này, chú tâm quán tưởng, đối tượng quán tưởng sẽ đi qua 3 giai đoạn. Kết quả là người tập luyện kiên trì và có lẽ phải kèm theo một tí may mắn, thì may ra tạo được trạng thái định tâm. Nếu chỉ với cách hiểu biết này, thì qua những bỡ ngỡ ban đầu: cảm thấy ngứa ngáy, nghiêng qua, nghiêng lại, lúc nặng, lúc nhẹ, thấy hà sa, thấy mô ni châu. Thậm chí là nghe cả tiếng nổ bên tai, trên đỉnh đầu, người tu thiền định hay gọi là “Tam huê tụ đảnh, ngũ khí triều nguyên”. Phải nói rằng đây là kết quả vô cùng tích cực, mà không hẳn ai cũng có được. Nhưng bản thân người định tâm thì phân vân chẳng biết mình phải làm gì tiếp theo. Y như một du khách lần đầu tiên đến đâu đó, bị mất phương hướng, không biết đi về đâu.

2.    Ở trạng thái vừa kể trên, ý thức thì đã mất, ý thức mới của cảnh giới thiền định thì quá non trẻ, hoàn toàn không có một kinh nghiệm gì cả. Như chúng ta nói ở trên, không phải chỉ có người tu thiền định Phật giáo mới nhập định được (chúng ta nên để ý, người tu theo truyền thống Phật giáo, họ thường tôn trọng công thức “ Giới, định, huệ”) - mà các trường phái khác, họ cũng có thể nhập định do những tác nhân khác, kỹ thuật phụ trợ khác (chân ngôn, chú pháp, chất say…Họ không sử dụng công thức “ Giới, định, huệ”). Do đó, vì lối sống và thói quen sinh hoạt rất đời thường, họ rất gần với các cảnh giới là các vong linh – những  thực thể không có thân xác vật chất. Ở trạng thái định tâm này, họ trở thành miếng mồi ngon của các vong linh không có thân xác vật chất. Thân xác vật chất của người định tâm trở nên vô chủ, vì cấu tạo tâm của người định tâm không còn tương thích, do đó các vong linh sử dụng thân xác này để thỏa mãn các nhu cầu vật chất: ăn uống, quan hệ nam nữ, thích được người ta gọi là cô, cậu, thầy, chữa bệnh, tiên đoán những việc gần gần.


3.    Chúng ta vẫn lấy mô hình tiến trình định tâm của Phật giáo nguyên thủy. Ai cũng biết, định ở lớp thấp nhất sanh ra hỉ, lạc. Nếu người tu thiền định hiểu biết hạn chế, họ sanh ra tâm lý thích nhập định, mà thực sự thì ai cũng vậy cả, đó là tâm lý của tất cả những người thực sự nhập định được. Lý do dễ hiểu, khi nhập định thì nhất thời các phiền não chấm dứt, thân tâm hỉ lạc. Khoa học ngày hôm nay thì cho rằng đó là hệ quả của hai hóa chất Dopamine và Noradrenaline. Người sử dụng thuốc phiện cũng làm cho những hóa chất nói trên xuất hiện một cách ào ạt, nhưng sau đó thì chấm dứt một cách đột ngột. Việc này khác với người tu thiền định, những hóa chất tiết ra mang tính chất điều tiết, không ào ạt.

4.    Kể cả với trường phái Phật giáo, ai cũng biết Phật giáo chia ra rất nhiều Tông phái. Ở tại Tây Tạng, cũng có những vị tu sĩ tu thiền để mong đạt được sự định tâm với mục đích là tập luyện các phép tắc, bùa chú…. Họ sử dụng phép tắc bùa chú làm công cụ để sinh sống một cách rất đời thường. Thậm chí họ cho đây là một nghề nghiệp.


5.    Bây giờ chúng ta phải nói đến những trường phái khác nữa mà họ cũng tập trung tư tưởng để nhập định. Sự thật có định tâm được hay không thì không ai biết được. Nhưng có lẽ người ta đã tạo ra một trạng thái mà tâm lý học gọi là tự kỷ ám thị. Họ tưởng rằng mình là ai đó, là thần thánh…. Họ cho rằng mình mở nhãn, mở huệ, tiên đoán quá khứ vị lai…. Nói tóm lại, có lẽ là dạng hoang tưởng.

6.    Cũng có những vị thực hành thiền định đạt được sự định tâm, nhưng tư chất bình thường, qua nhiều năm tháng tập luyện, cũng chẳng có tiến triển được bao nhiêu. Lại có những vị có những sự tiến triển nhất định, nhưng thấy con đường dịu vợi quá xa. Và họ chấp nhận quên đi cuộc sống đạo hạnh, vui sống những ngày còn lại của cuộc đời với Dakini, Yidam….mà  người ta còn gọi là thần hộ mệnh, kẻ trợ duyên…. Sự thật đây là một bí ẩn, vì có ai tự thuật lại đâu mà biết là cái gì.


7.    Tất nhiên như đã nói ở trên, điển hình như trường phái Cria Yoga, theo ngài Yogananda có kể lại -  ngài đã gặp một số vị gọi là chân sư mà khi sắp đến giai đoạn cuối của cuộc đời thế gian, các vị đó đã mời các thân nhân và những người quen biết đến tham dự một buổi chia tay. Những vị chân sư này, sau khi nói lời chia tay, nhập vào định, sử dụng kỹ thuật bí mật của trường phái mình, bỏ lại thân xác thế gian ra đi.

8.    Dù bất cứ ở trường phái nào đi chăng nữa thì việc định tâm cũng không phải luôn luôn là hệ quả tích cực, đưa đến những kết quả đáng mong đợi. Thật vậy, việc dồn nén tâm lý một cách vô ý thức, rất có thể đưa đến hệ quả thác loạn tâm lý, thậm chí là điên.


9.    Việc khảo cứu những người nhập định ở tại các phòng thử nghiệm thì nhiều vô số kể. Nhưng những thử nghiệm này có chính xác hay không thì chúng ta cần phải xem lại. Thậm chí có cả một thử nghiệm ở tại nước Mỹ. Theo thử nghiệm này, thì người ta cho biết có 170 người nhập định. Căn cứ vào các đo lường bằng các công cụ vật lý, người ta cho rằng kết quả rất tích cực. Liệu chúng ta có thể tin một lúc mà có đến 170 người nhập được định. Điều này làm chúng ta phải suy nghĩ. Chính những người đứng ra thực hiện chương trình thử nghiệm này cũng chưa có một sự hiểu biết chính xác thế nào là nhập định.

10.     Kết quả của các đo lường thì thường có những tín hiệu lạc quan:

-         Tạo được sóng Gamma
-         Áp huyết có hạ xuống
-         Nhịp tim bớt đi 3 nhịp đập trong 1 phút
-         Thần kinh có cải thiện, não có những biến đổi

Sao Mai says:

Em thiết nghĩ chắc còn rất nhiều hệ quả mà chúng ta không thể kể hết được.



2 comments:

  1. Hoa cỏ may12:32 PM

    Một bài viết trí tuệ, đầy biện chứng khoa học!

    ReplyDelete
  2. Minh Khánh7:42 PM

    Bài viết của tác giả rất sâu sắc. Những phần kiến thức được trình bày cho thấy tác giả là một người am hiểu nhiều về kiến thức khoa học, và có thể cũng là đã trải qua một bề dày nghiên cứu sâu sắc.

    Xin cảm ơn tác giả!

    Minh Khánh

    ReplyDelete