Saturday, January 4, 2014




Sao Mai says:

Em có đọc rất kỹ  trên trang blog của chị, em nghĩ là em đã suy nghĩ rất kỹ về bài viết nói trên. Em cảm thấy quan điểm chủ quan của chị, ít nhiều giống như những tác giả “ Narada, Pa-Auk Sayadaw…”, và còn rất nhiều các chuyên gia khác, tất nhiên có cả các tác giả Việt Nam. Em cảm thấy “ Lòng tin cao hơn lý trí” thì phải, thay vì đi hỏi thiên nhiên và tìm câu trả lời từ thiên nhiên, thì lại dựa vào “ Tín điều và thánh kinh”. Em cảm thấy như mình đang sống ở thời của Aristote cách đây đã trên 2300 năm, cái thuở  mà cái gì thánh kinh nói là phải đúng, Aristote nói là phải đúng…, cái gì ngược lại với hai tiêu chuẩn nói trên là sai. Thậm chí là đến thuở Newton, có thể nói là người khai sanh ra khoa học hiện đại, cũng phải cầu cứu tới cái đẩy đầu tiên của Thượng Đế, làm cho vũ trụ chuyển động theo những định luật nhất định. Em mơ ước có ngày Thượng Đế, Thần linh, Bồ Tát, Phật A Di Đà, … hãy tự động về hưu, trả lại trường phái Phật giáo nguyên thủy cho Sakya Muni. Em mơ ước thời thực  nghiệm của Sakya Muni sẽ sống lại, “ Tín điều và thánh kinh” rồi ngày nào là kỷ niệm của dĩ vãng, xin chị cho biết ý kiến.

HHN says:

Chị xin chào Sao Mai!

Ở đây chị chỉ nói là “ Một cái nhìn chủ quan…”. Có nghĩa là, có nhiều cái nhìn chủ quan! Như em biết đấy, lịch sử có thể có một tiến trình biện chứng.

Sao Mai says:

Chị làm em rất ngạc nhiên! Có nghĩa là chị có nhiều cái nhìn về trường phái Tịnh Độ của Trung Quốc…Chị có thể vui lòng cho em biết một trong những cái nhìn khác.

HHN says:

Vâng, em cũng biết “ Không có gì có thể cao hơn sự thật”. Sự kiện lịch sử là một hiện tượng khách quan tự nhiên  (Tất nhiên với điều kiện là lịch sử được ghi chép lại một cách khách quan, trung thực).


Kính thưa Sao Mai cùng quí độc giả!

Chúng ta phải nói rằng, Sakya Muni là một hiện tượng có một không hai trong lịch sử của cả khoa học lẫn tôn giáo. Điều này hoàn toàn không quá đáng nếu chúng ta xét về bối cảnh lịch sử của Ấn Độ vào thời kỳ Sakya Muni xuất hiện. Ấn Độ giáo ngự trị xã hội Ấn Độ với rất nhiều hệ phái không thể kể hết. Những tài liệu gọi là kinh Veda thì chỉ là những tài liệu ca ngợi thần linh, thủ tục tế lễ, cầu xin…. Nói một cách khác, thần linh chính là con đẻ của con người, là biểu tượng của sự giải thoát của bản năng tình dục con người, nay đứng lên thống trị xã hội. Với 4 - 5 ngàn đẳng cấp, 40 - 50 ngôn ngữ chánh, thì chúng ta tưởng tượng một xã hội như thế nào. Giới tu sĩ tự cho mình là xuất thân từ cái miệng của thần linh, sau đó là vua chúa… còn tất cả là các đẳng cấp còn lại có lẽ sanh ra để phục vụ. Thậm chí đến ngày hôm nay, sự phân hóa này vẫn ngấm ngầm tồn tại trong xã hội. Đây là bài toán khó giải cho tất cả các thời đại của Chánh phủ Ấn Độ.

Hiện tượng Sakya Muni, nó cũng giống như việc truất phế vị trí trung tâm của trái đất trong kinh thánh, đưa xuống hàng thứ dân. Hệ nhật tâm được đưa lên thay thế. Sakya Muni đã làm công việc đưa con người vào vị trí trung tâm, trong một thế giới không có Thượng Đế và Thần Linh. Việc làm này, trong một bối cảnh xã hội như vậy, mà không bị ở tù, không bị hành hạ cho đến chết, không bị đưa lên giàn hỏa như Bruno… là một điều lạ, không biết lịch sử có gì thiếu xót hay không? … Ở một xã hội đầy rẫy các loại thần linh, tín điều, cấm đoán thay cho tri thức luận lành mạnh, mà một người với chủ nghĩa duy vật có thể sống yên ổn là một điều lạ. Một điều đặc biệt chúng ta phải quan tâm là: nếu gọi là một chủ thuyết, thì  chỉ có một người duy nhất là Sakya Muni là tác giả, không hề có một cộng tác viên nào khác. Và tất nhiên nếu gọi Sakya Muni là một vị Phật, thì không có vị Phật thứ hai. Nếu có vị Phật thứ hai trong giai đoạn này, thì phải bảo là một tác phẩm hàng nhái, ngụy tạo….

Việc quan sát vũ trụ bằng viễn vọng kính do Galilê thực hiện vào năm 1610 là lần đầu tiên nhân loại được nhìn thấy bầu trời đúng như sự thật. Khái niệm về thế giới trên trời của các thiên thần, của Chúa… cũng chẳng khác gì thế giới dưới đất. Tóm lại, thế giới trần tục dưới đất và thế giới thần linh trên trời cũng chẳng có gì khác nhau. Cũng thế, trong một buổi nhập định nổi tiếng, Sakya Muni đã sử dụng “cận vọng kính”, phát hiện ra các tâm cấu tạo nên con người, phát hiện ra luồng tâm thức; phát hiện ra tiến trình cấu tạo tâm mà một thực thể có thể thực hiện được do ý chí của chính mình. Như tất cả mọi người đều biết, Ngài phát hiện ra làm sao để giải quyết, đi ra khỏi cảnh giới “ phi tưởng, phi phi tưởng” - còn gọi là siêu thế giới, siêu thế tâm -  đạt được trạng thái Santi, cũng được gọi là Niết Bàn. Tiến trình này là một tiến trình mà con người có thể làm chủ được chính mình, không cần có sự can thiệp của Thượng Đế, Thần linh hay thậm chí cả một vị Phật nào. Có những câu nói nổi tiếng mà có lẽ ai cũng biết “ Tự thắp đuốc mà đi”; “ Hiểu biết đúng đắn là thầy của mọi người”.

Kính thưa quí độc giả cùng Sao Mai!

Xã hội của Sakya Muni là một xã hội hoàn toàn không có giai cấp, không phân biệt bất cứ một cái gì. Người theo truyền thống Phật giáo hay sử dụng từ ngữ gọi là Đệ Nhất Nghĩa Đế chứ không phải là Tục Đế. Để minh họa điều này, chúng tôi xin giải thích như sau: 

Khi nói đến những từ như đàn ông, đàn bà, con mèo, con chó, Thần linh thì cách gọi này là tục đế theo thế gian thường tình, nhưng nếu gọi là thực thể, chúng hữu tình… có thể hiểu là một sinh vật nào đó. Quan điểm này rõ ràng là đi ngược lại những gì đã mặc định của xã hội Ấn Độ.

Vấn đề thứ hai là: cách tu tập của Sakya Muni là một cách rất sát với khoa học thực nghiệm - đặt câu hỏi cho thế giới tự nhiên và tìm câu trả lời trong thế giới tự nhiên. Có lẽ là Ngài là người khai sanh ra chủ nghĩa duy vật. Nói một cách khác, Thần linh, Thượng Đế đã bị Sakya Muni khai tử.

Thói quen của xã hội là tuân theo những định kiến, những chuẩn mực của Thánh nhân đi trước. Ít nhiều Sakya Muni đã từ chối vai trò là “Tiến sĩ nhai lại”. Chúng ta không phủ nhận lý thuyết của Sakya Muni, ít nhiều cũng du nhập những tư tưởng của Ấn Độ giáo: luân hồi, nghiệp,…. Cho dù là với một vị Phật như Sakya Muni, người ta vẫn thấy câu nói “ Không có gì có thể xuất hiện từ hư không…” ít nhiều có lẽ cũng đúng.

Sao Mai says:

Kính thưa chị HHN!

Theo như phần trình bày của chị, với tính chất cô đọng rất cao về tư tưởng và những diễn biến lịch sử của thời Sakya Muni, thì em thấy chẳng có chỗ đứng nào cho các vị Phật, mà người ta thường thờ phụng cả. Điều lại càng làm cho em kinh ngạc là thực tế em thấy những nơi gọi là cơ sở Phật giáo lại thờ phụng những vị Phật, kể cả việc miệng họ niệm một cách vô cùng phổ  thông là “ Nam mô a di đà Phật”. Chị còn nhớ một bài thơ của một tác giả nào đó, có lẽ từ thế kỷ trước:

                   “ Hôm qua em đi chùa Hương
                   Hoa cỏ còn mờ hơi sương
                   …
                   Thẹn thùng em không nói
                   Nam mô A Di Đà…?!”

Đấy, chị thấy đấy, em có thấy ai niệm “ Nam mô Sakya Muni” đâu ?! Em thiết nghĩ chẳng phải mình em, kể cả tu sĩ Phật giáo, tín đồ… cũng chẳng ai rõ tại sao lại như vậy. Nói theo kiểu vật lý học, dường như cả câu nói của con người cũng có tính chất quán tính! Mình phải hiểu thế nào mới là đúng hả chị?

HHN says:

Điều em trình bày có lẽ không phải là sai. Các vị Phật mà ngày hôm nay  được thờ phụng ở tại các Chùa Đông Nam Á,  nói chung chung, là các vị Phật do người Trung Quốc sáng tạo. Chính những tài liệu chính quy của Phật giáo Trung Quốc, Đài Loan…  xác nhận là tác giả đã chế tác ra các vị Phật nói trên là ngài Đại sư Trung Quốc Tuệ Viễn ( hay còn gọi là Huệ Viễn). Theo lịch sử, vị Đại sư này là một người thông kim bác cổ. Chính Ông là người đã viết phần nhập đề cho tài liệu “Tam Pháp Độ Luận”. Để duy trì tính chất khách quan cao, mong quí độc giả tự tham khảo tiểu sử hay huyền sử của những vị Phật như: A Di Đà, Đại Thế Chí, Văn Thù Sư Lợi, Quán Âm Tự Tại, Di Lạc…. Nếu theo những tài liệu này, thì còn có cả các vị gọi là Cổ Phật như: Nhiêu Đăng… không biết tôi nhớ có đúng hay không? Nếu chấp nhận có những vị cổ Phật theo truyền thống của Trung Quốc, thì tất nhiên sẽ đưa đến một hệ quả mà có lẽ sẽ làm mọi người sẽ lúng túng. Sakya Muni không phải là kiến trúc sư của trường phái Phật giáo đóng vai trò kiểu như: nhà tiên tri, Thánh…. Đại diện, được mặc khải để mang thông tin đến cho con người… Nếu thế này thì mọi việc sẽ rối tinh cả lên!

Sao Mai says:

Em ít nhiều đã hiểu những  thông tin mà chị đã đưa lại về vấn đề Tịnh Độ của Trung Quốc. Hèn chi, các chuyên gia còn đi xa hơn nữa. Họ cho là có rất nhiều tài liệu như: kinh Vu Lan, kinh Thủ Lăng Nghiêm, Bát Nhã… đều là sản phẩm của người Trung Quốc, Hàn Quốc và có cả Việt Nam. Nhìn ở góc cạnh Phật giáo nguyên thủy, người ta gọi là kinh ngụy tạo và tất nhiên phải có trường phái ngụy tạo… người Việt Nam ngày hôm nay đơn giản gọi là “ hàng nhái”.

Em chân thành cám ơn chị!

Mà chị ơi! Em còn một thắc mắc, em thấy dường như chị có phép phân thân thì phải? Vì em thấy chị là một con người có mà lại nhiều quan điểm khác nhau?!

HHN says:

Sao Mai à ! Mà nếu thật như vậy thì làm sao nhỉ ?!...

1 comment:

  1. Minh Khánh8:51 AM

    Câu chuyện trong cuộc đàm thoại giữa Tam Tiểu Thư và HHN làm cho tôi thật sự thấy lúng túng. Như vậy có rất nhiều loại kinh không phải là kinh sách của Đức Phật Thích Ca truyền lại hay sao? Vậy xin chị HHN và TTT cho biết, những kinh nào mới là kinh chính gốc của Phật giáo Ấn Độ? Tôi có thể tìm đọc những cuốn sách nào?

    ReplyDelete