1
|
2
|
3
|
4
|
5
|
6+7
|
Parikamma
|
Upacāra
|
Anuloma
|
Gotrabhū
|
Magga
|
Phala
|
Chuẩn bị
|
Cận hành
|
Thuận thứ
|
Chuyển tánh
|
Ðạo
|
Quả
|
Wednesday, January 29, 2014
Wednesday, January 29, 2014 by UnknownNo comments
CHƯƠNG IV: TÂM SIÊU THẾ
(LOKUTTARA CITTĀNI )
TÂM SIÊU THẾ (Lokuttara Citāni): 8 Loại,
gồm:
A –
TÂM THIỆN SIÊU THẾ (hay còn gọi là
TÂM ĐẠO SIÊU THẾ): 4 loại
1. Nhập Lưu đạo tâm (Tu-Đà-Hoàn Thánh đạo).
2. Nhất Lai đạo tâm (Tư-Đà-Hàm Thánh đạo).
3. Bất Lai đạo tâm (A-Na-Hàm Thánh đạo).
4. Vô Sanh đạo tâm (A-La-Hán Thánh đạo).
B – TÂM QUẢ SIÊU THẾ: 4 loại
1. Nhập Lưu Quả tâm (Tu-Đà-Hoàn Thánh quả).
2. Nhất Lai Quả tâm (Tư-Đà-Hàm Thánh quả).
3. Bất Lai Quả tâm (A-Na-Hàm Thánh quả).
4. Vô Sanh Quả tâm (A-La-Hán Thánh quả).
Sự chứng ngộ Niết bàn:
Hành giả muốn chứng Niết bàn phải cố gắng tìm hiểu sự
vật đúng với thực tướng. Với tâm định nhất tâm, vị ấy quan sát tự ngã và tìm
thấy cái gọi là tự ngã chỉ gồm có danh và sắc. Khi đã hiểu tự ngã chỉ gồm có
danh và sắc, vị ấy lại tìm hiểu những nguyên nhân tạo ra tự ngã, và nhận thấy
là đời sống hiện tại là do 5 nguyên nhân vô minh ở quá khứ, ái thủ, kamma
(nghiệp) và đoàn thực của đời hiện tại. Vì 5 nguyên nhân này, tự ngã sinh khởi,
và vì hành vi quá khứ chỉ định hiện tại, hiện tại sẽ chi phối tương lai. Suy tư
như vậy, vị này vượt khỏi các nghi ngờ về quá khứ, hiện tại và tương lai (Kankhāvitaranavisuddhi
- Ðoạn nghi tịnh). Rồi vị này quán mọi pháp hữu vi là vô thường, khổ và vô ngã.
Nhìn đến chỗ nào, vị này cũng chỉ thấy ba tính này chi phối tất cả. Vị này nhận
rằng cuộc đời là một dòng sông trôi chảy mãi mãi, không có hạnh phúc nào là
chân thật, vì mọi hạnh phúc đều đưa đến khổ đau, vì vô thường là đau khổ, và
chỗ nào có vô thường và đau khổ, dĩ nhiên không thể có tự ngã.
Trong khi vị này chú tâm tu thiền tưởng, một ngày kia
thình lình tự thân phát ra hào quang. Vị này cảm thấy hoan lạc vô biên, thân
tâm an lạc nhẹ nhàng, lòng tin nhiệt thành tinh tấn. Tưởng lầm là đã chứng được
thánh quả vì sự hiện hữu của hào quang, vị này tha thiết với trạng thái tâm tư
ấy. Nhưng rồi vị này nhận chân được những sự cám dỗ ấy chỉ là những phiền não
và cố gắng phân biệt giữa tà đạo và chánh đạo (Maggāmagganànadassana visuddhi -
Ðạo phi đạo tri kiến tịnh).
Nhận định được chánh đạo, vị này quán tưởng sự sinh
khởi (Udayanāna - Sanh trí) và sự diệt trừ (Vayanāna - Diệt trí) của các pháp hữu
vi. Ðối với lý sinh diệt, sự diệt trừ để lại một ấn tượng sâu đậm hơn và vị này
hướng tâm quán tưởng đến sự tiêu diệt các pháp (Bhanganāna - Ðoạn trí). Vị này
nhận chân rằng cả tâm pháp và sắc pháp của mình đều luôn luôn chuyển biến,
không một phút dừng nghỉ. Vị ấy hiểu biết rằng mọi vật chuyển biến đều đáng ghê
sợ (Bhayanāna - Kinh hãi trí). Cả thế giới hiện ra như một hầm lửa, đầy nguy
hiểm. Tiếp theo, vị ấy suy nghĩ đến sự đau khổ và nguy hiểm (Ādīnavanāna - Hiểm
nguy trí) của thế giới hiện tại và tự cảm thấy chán ghét (Nibbidānāna) và muốn
thoát ly khỏi thế giới này (Muncitukamyatānāna - Dục giải thoát trí).
Với mục đích trên, vị này lại quán tưởng đến ba pháp
ấn (Patisankhà nàna - Suy tư trí) và tự cảm thấy thản nhiên đối với mọi pháp
hữu vi, không tham ái, không chán ghét đời và mọi pháp ở thế gian (Upekkhā nāna
- Xả trí).
Khi ấy, tiến trình tâm Javana trôi chảy theo một lộ
trình như sau:
Trong trường hợp những vị hành giả có tuệ
Minh Sát sâu sắc, chặp tư tưởng Parikamma (chuẩn bị, hay đề mục sơ khởi) không
phát sanh, luồng Javana bắt đầu bằng chặp Cận hành (cận định, Upacāra) và Quả (Phala) sẽ phát sanh trong
ba chặp liên tiếp.
Chín loại tuệ giác: Udaya, Vaya, Bhanga, Bhaya,
Ādīnava, Nibbidā, Muncitukamyatā, Patisankhā và Sankhārupekkhā nāna -- đuợc gọi
chung là Ðạo Tri Kiến Tịnh (Patipadā Nānadassana Visuddhi), tức là trạng thái trong
sạch của sự hiểu biết và sự trông thấy có liên quan đến Con Ðường, hay pháp
hành. Khi vị này chứng ngộ Niết bàn lần đầu tiên, vị ấy được gọi là Sotāpanna (
Tu-Đà-Hoàn, hay còn gọi là Dự Lưu hoặc Nhập Lưu). Rồi vị này tiếp tục diệt trừ
các phiền não khác cho đến khi chứng được quả A-la-hán.
Tuệ Minh Sát trong tâm Ðạo Siêu Thế được
gọi là Nānadassana Visuddhi, Tri Kiến Tịnh, tức trạng thái trong sạch của sự
hiểu biết và sự trông thấy.
- Một loài hữu tình ở cõi sắc giới hay vô
sắc giới có thể do vô minh lầm tưởng đời sống ở hai cõi ấy là vĩnh viễn và hoàn
toàn hạnh phúc. Do vậy lòng tham ái được sống phát sanh và do vậy phải tái sanh
sau khi chết. Vị này có thể bị chi phối bởi 10 phiền não sau đây:
1. Thân Kiến (Sakāya Ditthi)
2. Nghi (Vicikicchā)
3. Giới cấm thủ (Sīlabbataparāmāsa).
4. Dục ái (Kāmārāga).
5. Sắc ái (Rūparāga).
6.
Sân (Patigha).
7. Vô Sắc ái (Arūparāga).
8. Ngã mạn
(Māna).
9. Trạo cử (Uddhacca).
10. Vô minh (Avijjā).
Người tu hành muốn chấm dứt các phiền não,
người ấy quán về Khổ (Dukkha), Vô thường (Anicca), Vô ngã (Anata) và chứng ngộ
được cõi thiền Niết bàn.
Khi diệt trừ được 3 phiền não đầu, chứng
ngộ Niết Bàn lần đầu tiên hành giả được gọi là Sotāpanna, Nhập Lưu hay Tu-Ðà-Hoàn (cũng được gọi là Tu-Đà-Hườn), người lần đầu tiên bước vào dòng suối chảy đến
Niết Bàn. Vị ấy không còn là phàm nhân (Puthujjana) mà đã là Thánh Nhân
(Ariya). Ngài đã cỡi bỏ ba Thằng Thúc (Samyojana, dây trói buộc cột chúng sanh
vào vòng luân hồi), đó là: Thân Kiến (Sakkāya Ditthi, ảo kiến về tự ngã của
mình), Hoài Nghi (Vicikicchā), và Giới Cấm Thủ (Sīlabbata Parāmāsa, tức là sự tin tưởng
vào những nghi thức và lễ tế lầm lạc). Vì còn chưa tận diệt được tất cả những
Thằng Thúc trói mình vào những kiếp sinh tồn, vị Nhập Lưu còn phải tái sinh trở
lại, tối đa là bảy lần. Trong kiếp kế liền sau khi đắc Quả Ngài có thể còn nhớ,
cũng có thể không hay biết gì rằng mình đã Nhập Lưu. Tuy nhiên, dầu biết hay
không, Ngài vẫn giữ những đặc tánh của một vị Nhập Lưu.
Niềm tin nơi Ðức Phật, Giáo Pháp, và Giáo
Hội Tăng Già luôn luôn tiềm tàng bên trong Ngài, không bao giờ còn vi phạm một
giới nào trong Ngũ Giới. Ngài không bao giờ còn tái sanh vào khổ cảnh vì đã
vững vàng bước vào con đường Giác Ngộ.
Từ đây hành giả, là bậc Thánh Nhân, đã
nhoáng thấy Niết Bàn từ xa, càng quyết tâm gia công, tiến bộ nhanh chóng, kiện
toàn tuệ giác, thành tựu Ðạo Quả Nhứt Lai (Sakadāgāmi, Tư-Ðà-Hàm) bằng cách làm
giảm suy hai Thằng Thúc: Dục ái (Kāmarāga, tham ái duyên theo Dục Giới). và bất
toại nguyện, hay sân hận (Patigha).
Vị Thánh Nhứt Lai (Sakadāgāmi, Tư Ðà Hàm)
chỉ còn tái sanh một lần nữa trên quả địa cầu nếu không chứng đắc Ðạo Quả A La
Hán ngay trong kiếp hiện tại. Nên ghi nhớ rằng bậc Thánh Nhân đã thành tựu tầng
Thánh thứ nhì chỉ làm giảm suy sức trói buộc rất chặt chẽ của hai Thằng Thúc đã
cột trói Ngài từ quá khứ vô tận. Ðôi khi Ngài vẫn còn phải bận rộn với những tư
tưởng tham ái và sân hận, nhưng ở mức độ rất tế nhị.
Chí đến khi thành đạt tầng Thánh thứ ba,
Bất Lai (Anāgāmi, A Na Hàm), trạng thái không bao giờ trở lại, hành giả mới tận
diệt hai Thằng Thúc ấy. Từ đây Ngài không bao giờ còn tái sanh trở lại vào cảnh
người hay những cảnh Trời Dục Giới, vì đã hoàn toàn tận diệt mọi tham ái duyên
theo Dục Giới.
Sau khi tịch diệt ở đây Ngài tái sanh vào
cảnh Vô Phiên Thiên (Suddhāvāsa, cảnh giới hoàn toàn tinh khiết, Tịnh Cư), môi
trường thích nghi với chư vị Thánh Bất Lai và chư vị A-La-Hán. Ở cảnh nầy vị
Bất Lai sẽ đắc Quả Vô Sanh và tiếp tục sống cho đến lúc tuổi thọ chấm dứt.
Những thành công trước kia chưa từng đến
với Ngài càng khích lệ thêm vị hành giả, vốn đã nhiệt thành. Hành giả nỗ lực
thành tựu bước tiến cùng tột, và tận diệt năm Thằng Thúc còn lại là: Sắc ái
(Rūparāga, luyến ái duyên theo cảnh Sắc Giới), Vô Sắc ái (Arūparāga, luyến ái
duyên theo cảnh Vô Sắc Giới), Ngã Mạn (Māna), Phóng Dật, hay còn gọi là Trạo Cử
(Uddhacca), và Vô Minh (Avijjā), đắc Quả Vô Sanh, hay A La Hán, tầng Thánh cuối
cùng.
Nên ghi nhận rằng mười Thằng Thúc phải
được tận diệt trong bốn giai đoạn.
Chặp tư tưởng Ðạo (Magga) chỉ phát sanh
một lần duy nhất. Chặp tư tưởng Quả (Phala) tức khắc kế tiếp theo sau. Trong
các loại tâm Siêu Thế, quả của tâm Thiện (Kusala Citta) trổ sanh liền tức khắc,
do đó được gọi là Akālika là quả trổ ngay tức thời. Trong khi ấy quả của các loại tâm
Tại Thế (Lokiya Citta) có thể trổ ở kiếp hiện tiền, hay trong kiếp kế liền theo
kiếp hiện tiền, hay bất luận lúc nào, dài dài cho đến khi nhập Vô Dư Niết Bàn.
Khi vị này chứng được các quả vị trên thì
gọi là Maggacittam hay đạo tâm. Khi vị này nhận thức được rằng mình đã chứng
được các quả vị trên, thì được gọi là Phalacitta hay quả tâm.
Trong các loại tâm Tại Thế, Nghiệp (Kamma)
chiếm phần quan trọng, còn trong các tâm Siêu Thế thì Trí Tuệ (Panna) là phần
nổi bật nhất. Do đó, bốn tâm Thiện Siêu Thế không được xem là Nghiệp.
Những loại tâm nầy được gọi là Siêu Thế
(Lokuttara). Ở đây, "loka" có nghĩa Pancupādanakkhandha, chấp thủ ngũ
uẩn, tức là năm nhóm của sự luyến ái. "Uttara" là cái gì vượt qua
khỏi. Vậy, "Lokuttara" là cái gì vượt ra khỏi trạng thái Chấp Thủ Ngũ
Uẩn. Ðịnh nghĩa nầy chỉ áp dụng một cách chính xác cho bốn Ðạo. Các Quả được
gọi là Lokuttara vì đã vượt ra khỏi thế gian Chấp Thủ Ngũ Uẩn.
Như vậy chúng ta có tất cả là 89 tâm gồm:
-
Dục giới tâm: 54
-
Sắc giới tâm: 15
-
Vô sắc giới tâm:
12
-
Siêu thế giới
tâm: 8
Khi bậc thiện trí phát triển đến 5 tầng
thiền khác nhau, thì Tâm Siêu thế từ 8 loại được phát triển thành 8 x 5 = 40
loại. Khi ấy chúng ta sẽ thấy là có 121 loại tâm chứ không phải là 89 loại tâm
nữa.
Vì sao đang là 89 loại tâm mà lại phát
triển thành 121 loại tâm?
Đó là:
1 - Đệ nhất Nhập Lưu thiền thiện tâm câu
hữu (hay có thể nói là tương ưng) với tầm, sát (hay còn gọi là “tứ”), hỷ, lạc
và nhất tâm.
2 - Đệ nhị Nhập Lưu thiền thiện tâm câu
hữu với sát, hỷ, lạc và nhất tâm.
3 - Đệ tam Nhập Lưu thiền thiện tâm câu
hữu với hỷ, lạc và nhất tâm.
4 - Đệ tứ Nhập Lưu thiền thiện tâm câu hữu
với lạc và nhất tâm.
5 - Đệ ngũ Nhập Lưu thiền thiện tâm câu
hữu với xả và nhất tâm.
Và cũng như vậy, Nhất Lai (Tư-Đà-Hàm), Bất
Lai (A-Na-Hàm) và Vô Sanh (A-La-Hán) cũng có 5 đệ thiền thiện tâm như trên. Khi
đó ta sẽ có thành: 4 x 5 = 20. Và ta có tổng cộng 20 loại tâm thiền thiện siêu
thế.
Còn lại, cũng như trên ta cũng có 4 bậc
quả vị (Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm và A La Hán) nhân với 5 đệ thiền sẽ
thành 20 loại tâm Quả siêu thế.
Như vậy khi tâm Siêu thế có 8 loại mà phát
triển cùng với 5 đệ thiền thì sẽ thành
40 tâm siêu thế. 20 tâm đạo (thiện) và 20 tâm quả.
Ở tâm Siêu thế, tâm thiện chính là tâm
Hành (hay còn gọi là tâm Vô sinh hay tâm Duy tác) – là những loại tâm không còn
tạo nghiệp, không còn tái sinh.
Đến đây chúng ta đã tìm hiểu hết những bài
các loại tâm (hay còn gọi là tâm Vương) trong Vi Diệu Pháp.
Xin kính Quý vị cùng bà con đón tết 2014
vui vẻ và hạnh phúc!
Hà nội ngày 29/ 1/ 2014 ( 29 tháng 12 năm
Quý tị)
Cảm ơn bà con cùng quý vị!
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 nhận xét:
Post a Comment