Sunday, September 21, 2014



Thiền Định  Chủ Thuyết Duy Vật

Đoàn bảo tiêu dừng chân bên bờ suối. Tam Tiểu Thư và ông Tổng Quản ngồi nghỉ chân trên một phiến đá bằng phẳng dưới tàng cây to rậm lá. Dòng nước chảy xiết, hàng cây hai bên bờ suối xanh tươi trong nắng chiều.

Tam Tiểu Thư

Ông Tổng Quản ơi, hôm nay tôi muốn hỏi ông chuyện này. Tôi thấy đời này đúng là bể khổ đó. Phật Pháp căn bản thì cũng nói đến Tứ Diệu Đế hay Tứ Thánh Đế. Suy cho cùng thì khổ đau cũng là một loại Cảm xúc mà. Còn nữa, tham lam, sân giận … thì cũng là cảm xúc thôi. Dường như cảm xúc là động cơ chính yếu khiến cho người ta tu tập. Ông thì minh triết hơn tôi nhiều lắm! nên ông giải thích cho tôi nghe quan điểm của ông về cảm xúc là như thế nào đi! Có vẻ lãnh vực cảm xúc này cũng khá quan trọng khi mình thực hành tu tập, đúng không ông?

Ông Tổng Quản

Tam Tiểu Thư nói đúng rồi đó. Cảm xúc có một ảnh hưởng quyết định trong sinh hoạt thường nhật của con người, đôi khi nó còn mạnh hơn lý trí.

Không có cảm xúc thì sẽ không có động cơ thúc đẩy hành động, không có sáng tác, không có thi ca, không có những kiến trúc nghệ thuật. Không có cảm tử quân … và còn nhiều thứ khác nữa. Con người sẽ không còn là con người. Nói cách khác thì cảm xúc đóng một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống con người.

Những ca khúc bất hủ để đời cũng được sáng tác nhờ vào cảm xúc. Cô hay nghe nhạc nên chắc biết bản nhạc
"Gloomy Sunday". Bản nhạc này quá nổi tiếng! Hơn thế nữa nó chính là nguyên nhân tạo ra cái chết cho nhiều người. Rất nhiều ca sĩ nổi tiếng nhờ vào ca khúc "Unchained Melody" trong phim Ghost. Kho tàng âm nhạc Việt Nam cũng có: "Dư Âm", "Nỗi Lòng", "Bài Không Tên số 1", 2, 3, 4 … Kiến trúc thì có kỳ quan thế giới như đền Taj Mahal ở tại Ấn Ðộ. Công trình này đã được xây dựng để tưởng nhớ vị Hoàng Hậu 16 tuổi bạc mệnh. Trong lãnh vực thi ca của Việt Nam thì cuốn Tạp Thư cũng đã ghi lại nhiều loại thơ tình cảm theo chiều dài của lịch sử đất nước thời cận đại. Cho dù trải qua những thăng trầm của lịch sử, vật đổi sao dời; nhưng tình cảm con người, dường như không hề thay đổi. Tôi đọc cô nghe vài bài nhé:

Nợ tình chưa trả cho ai,
Mối tình mang xuống tuyền đài chưa tan.”
(Kiều)
 
Khóe thu ba dợn sóng khuynh thành,
Bóng gương thấp thoáng dưới mành,
Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa …”
(Cung Oán Ngâm Khúc)

Gái lớn ai không phải lấy chồng,
Can gì mà khóc nín đi không …”
(Thơ dân gian)

Anh đi đường anh, tôi đi đường tôi,
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi.”
(Ðoạn Tuyệt)

Nếu biết rằng tôi đã có chồng,
Trời ơi người ấy có buồn không.”
(TTKH)

Người đã yêu chưa? 15 hay 16,
Muốn ngỏ lời bằng lưu bút ngày xanh,
Bằng trang thư màu tím giấy mong manh …”
(Thơ học trò)

Bỗng chiều nay nhận được bài thơ nhỏ,
Anh hỏi rằng trời Ðà Lạt mưa chưa,
Nhớ vô cùng cô em gái ngày xưa.”
(Em Là Gái Trời Bắt Xấu)

Trong Thế Chiến Thứ II, thì
 ai cũng sợ chết, nhất là những người vào độ tuổi thanh xuân.  Nỗi sợ này thuộc về bản năng bảo tồn. Thật vậy, không có bản năng bảo tồn này, thì tất cả các sinh vật không tồn tại trên trái đất cho đến ngày hôm nay. Có lẽ người ta nói không sai - con người là linh ư vạn vật. Lòng ái quốc đã chiến thắng thần chết. Các phi công trẻ tuổi của không lực Hoàng Gia Nhật Bản sử dụng máy bay Zero, là những quả bom sống, với tinh thần Kamikaze - Thần phong hay là Gió thần; họ đã lao vào tàu chiến của Mỹ với hy vọng lật lại thế cờ. Từ ngữ Harakiri (mổ bụng tự sát của Võ Sĩ Đạo) được khắp mọi người trên thế giới biết tới, không cần dịch ra tiếng bản xứ. Qua phần trình bày trên, ai cũng có thể thấy, cảm xúc con người đóng vai trò quan trọng ra sao.


Tam Tiểu Thư:

Khi nói tới cảm xúc, người ta thường liên tưởng đến hệ thần kinh. Ông không thấy những người dễ vui buồn, cảm xúc hay thay đổi thì người ta hay nói là người này bị “Mát Thần Kinh” sao? Tôi đọc trong trang web, thấy các Nhà Sinh Học cho là phần vật chất quan trọng, đặc biệt nhất là Não bộ. Nó  chính là nơi sản sinh ra cảm xúc đó.

Các Khoa Học Gia họ có những giải thích đơn giản lắm. Thí dụ họ nói là những tác phẩm nghệ thuật lớn lao; từ Cổ chí Kim, từ Ðông sang Tây - đều là sự thăng hoa của Bản Năng Tình Dục. Cụ thể là nếu không có các nội tiết tố như: Estrogen, Testosteron, Progesteron … thì chẳng có tác phẩm nào cả. Việc tiết ra các nội tiết tố này thì cũng bị chỉ huy bởi bộ Não. Nói một cách khác, Vật chất đã đẻ ra Tinh thần. Nếu diễn tả một cách bình dân và đơn giản thì nó cũng tương tự như mũi tiết ra nước mũi …

Ông Tổng Quản:

Chủ thuyết mà cô vừa đề cập, là một Chủ thuyết khá kinh điển. Theo tài liệu sách vở, thì dường như nó đã có từ thời Democrite. Chắc quý độc giả cũng như Tam Tiểu Thư còn nhớ khi mình học Tâm Lý Học ở nhà trường, bộ môn này cho biết Tâm Lý học có ba Chủ Thuyết:

- Chủ Tâm Lý.
- Chủ Sinh Lý.
- Tâm Sinh Lý Song Hành.


Chúng ta đang ở vào đầu thế kỷ thứ 21 với nhiều tiến bộ vượt bậc về khoa học. Ai cũng biết: Tiềm Kích thế hệ thứ 5 đã được biên chế trong không lực Hoa Kỳ, và hiện nay người ta đang chuẩn bị cho thế hệ thứ 6 ra đời. Về Thiền Định, nếu muốn tự mình nâng cấp cho phù hợp với trào lưu thời đại, chúng ta cần phải tìm hiểu Thiền Định đã được các bộ môn khoa học nghiên cứu ra sao và các Nhà Khoa học đã có ý kiến về nó như thế nào.

Ðối với Khoa học Thực nghiệm, thì dường như Não bộ là nền móng của Tâm Lý con người, là sào huyệt của tất cả tiến trình Tâm lý. Nó chính là đời sống Tinh thần con người. Nếu ai đó có muốn nghĩ khác hơn, thì người ta cũng chẳng biết cách nào khác. Mặc dù có một số hiện tượng mà người ta gọi là dị thường, thì Khoa học Thực nghiệm ngày nay cũng đành “bó tay”, “bó chân”; nói đúng hơn là “bó toàn thân” luôn. Không cần nói ở đâu xa, ngay ở tại Việt Nam, có một cô gái đã phải trải qua những tiến trình kiểm tra gay gắt, chặt chẽ nhất - vẫn chứng tỏ được rằng cô có thể nhìn bằng trán và mũi. Cô bị bịt mắt mà vẫn có thể đi xe máy và đọc báo bình thường. Với hiện tượng này thì ngay cả một bác sĩ Nhãn khoa cũng không thể nào lý giải nổi thị giác con người là gì. Không cần nói, ai cũng biết đây là một thách thức đối với Khoa Học hiện đại của con người.

Những tiến bộ về trang thiết bị từ phổ thông đến hiện đại để khảo sát hình ảnh cũng như chức năng của não như: EEG (điện não đồ), PET (Positron Emission Tomography), Kirlan, Backster … đã giúp các nhà khoa học có những phát hiện mang tính chất cách mạng về Não bộ con người.

Lúc trước người ta nghĩ Não bộ giống như một ổ cứng, chỉ có những tế bào 
suy thoái, chết đi. Nhưng ngày nay, nhờ những công cuộc khảo cứu của rất nhiều Khoa Học Gia cùng sự trợ giúp của máy móc hiện đại, người ta cho rằng: Não bộ con người là một ổ cứng mềm dẻo, có lẽ là không bao giờ già nua.Thuyết của Lazar (2005) và Luders  (2009) cho rằng Não bộ con người có thể co giãn để thích ứng với việc lưu trữ dữ liệu. Quan điểm lúc trước cho rằng Não bộ là hoàn thiện đã tỏ ra mâu thuẫn với thực tế. Não Bộ đồng hành, thích nghi, thay đổi với thực tế. Đó là khảo cứu của Gohen (2006).

Vào năm 2007, Brefczynski Lewis cho biết: Não bộ con người phát triển theo thời gian; những thách thức làm cho hoạt động của Não Bộ gia tăng mãnh liệt.

Những nghiên cứu mới nhất cho thấy: rõ ràng ở độ tuổi rất cao Não bộ con người vẫn có thể thay đổi. Não có thể tự sản xuất ra những tế bào thần kinh mới. Như vậy, Não của người già cũng giống hệt như ở người trẻ - có khả năng thích nghi và thay đổi bất cứ lúc nào. Thật vậy, một lối sống đơn điệu, nhàm chán, vắng bóng các thách thức, thì dù già hay trẻ - cũng làm cho Não bộ suy thoái. Ngược lại, thách thức trí tuệ làm cho Não bộ phát triển. Các công cuộc khảo cứu về Não bộ đưa đến kết luận rằng sự phát triển về Não Bộ dường như không giới hạn về tuổi tác. Tóm lại, người già vẫn có thể tập tu Thiền Định và cũng có những thuận lợi y như lúc còn trẻ tuổi.

Tam Tiểu Thư

Những kiến thức mới về Não bộ này có giúp ích gì cho việc tu Thiền Định không ông?

Ông Tổng Quản

Có chứ! Theo trường phái Chủ Sinh lý thì Não bộ con người là tất cả. Nó là yếu tố ắt có và đủ của tất cả các loại sinh hoạt tinh thần. Do đó, Thiền Định cũng không thể thoát ra khỏi Vương quốc của Não bộ.

Theo họ - những nhà Chủ sinh lý, thì khi Thiền; cụ thể là Nhập Định thực sự, cơ thể vật lý tiết ra những chất dẫn truyền thần kinh (Neurotransmitter). Trong đó có chất Dopamin rất nổi tiếng. Các nhà Sinh học đã giải thích là trong hiện tượng Thiền Định, xảy ra một tiến trình như sau: Khi người tu Thiền Định, chú Tâm vào một cái gì đó một cách mạnh mẽ lâu dài, thì cơ thể vật lý sẽ tiết ra Dopamin. Dopamin xuất hiện một cách từ từ, không hề ào ạt. Nhưng khi Thiền càng lâu, thì hàm lượng Dopamin tăng cao một cách đáng kinh ngạc (65% trên nồng độ chuẩn). Bình thường người ta chỉ thấy hàm lượng cao này ở những người bệnh Tâm Thần. Dopamin xuất hiện ở người tu Thiền Định nó không có tác dụng giống như Dopamin tiết ra ở người sử dụng ma túy và nó không gây nghiện. Dopamin còn giúp cho cơ thể sản xuất ra Noradrenalin. Chính chất Noradrenalin này làm tuần hoàn của máu gia tăng. Người ta cho rằng Dopamin và Noradrenalin có tác dụng cộng hưởng.

Bất cứ ai thực sự Nhập Định được, chưa nói là ở lớp Định nào - theo trường phái Thiền Nguyên Thủy - thì đều có những cảm nhận về cảm giác. Người ta mê đi trong giây lát; thời gian có thể ngắn hoặc dài; có khi thấy bước chân hụt như trong khi nằm mơ. Thế rồi mình biến thành một con người khác, có cảm giác lâng lâng, khoái cảm, dễ chịu như tắm vòi sen sau khi tập thể dục, một sức sống huyền bí tràn đầy cơ thể vật chất và tinh thần. Người ta cảm thấy ngây ngất, tràn đầy hạnh phúc.

Có một cô gái miền quê đã kể lại cảm giác sau khi Nhập Định như sau: Tôi nghĩ tới lưng nó cũng vui, tôi nghĩ tới cái đầu gối nó cũng vui.

Sơ Thiền Hữu Sắc được mô tả gồm các yếu tố: Tầm, Tứ, Nhất Tâm, hệ quả cuối cùng là Hỷ Lạc. Còn Khoa học hiện đại thì cho đó là tác dụng của hoạt chất: Dopamin và Noradrenalin.

Tam Tiểu Thư

Này Ông Tổng Quản, nếu thực sự Dopamin và Noradrenalin là bản chất của Nhập Định, thì tôi thấy công việc tu Thiền Định cũng khá đơn giản. Tu làm chi cho nhọc thân, mệt xác, giống như Tam Tạng ngồi chai cả đít. Mình sử dụng một liều lượng ma túy nào đó để kích hoạt hai hóa chất Dopamin và Noradrenalin có phải đơn giản, thực tế và hay hơn không?

Ông Tổng Quản

Cô tính như vậy thật là gọn ghẽ, đơn giản thực tế. Nhưng khi sử dụng ma túy hoặc một loại chất say nào đó, thì sự xuất hiện của Dopamin và Noradrenalin lại không giống như khi tu Thiền Định. Ma túy tác động vào Trung Tâm Thần Kinh Trung Ương và làm Não tiết ra Dopamin và Noradrenalin với hàm lượng cao. Nó xuất hiện một cách đột ngột và ào ạt, sau đó chấm dứt ngay. Nó gây cảm giác hưng phấn, tự tin và hạnh phúc. Tác hại là kể từ đó, não không tự tiết ra Dopamin nữa, và nếu muốn có lại cảm giác này, thì người sử dụng phải tiếp tục dùng thuốc với liều ngày một tăng; nếu không sẽ bị trầm cảm, buồn bã, sợ hãi, lo lắng, suy sụp hoàn toàn.

Ðối với người tu Thiền Định, chúng ta cần phải nhắc lại là Dopamin và Noradrenalin chỉ tiết ra một cách từ từ, nhưng nó không gây nghiện. Mặc khác, cảm giác khoái cảm về Tinh thần và Vật chất chỉ là một tính năng trong nhiều tính năng khác của Thiền Định. Trong cơn Nhập Định, có những thành tích khác và những tính chất khác làm cho người tu Thiền Định chú Tâm hơn. Họ có thể biết những việc sẽ xảy ra mà người ta thường gọi là "mở Đệ Tam Nhãn". Cái quan trọng nhất là người ta hiểu ra sự thật về Vũ trụ, về chính mình, về cuộc sống … Nói cách khác là người ta tìm ra được Chân Lý.

Đó là chuyện về Khoa Học. Nhưng trên thực tế, Cuốn Tạp Thư có ghi lại một câu chuyện về một người có khả năng tiên đoán tương lai nhờ vào thuốc phiện. Tôi kể lại cô nghe nhé.

Câu chuyện là tại một địa điểm của thành phố Sài Gòn. Cách đây đã nhiều thập kỷ, có một vị tên là D - rất nổi tiếng về việc biết tương lai; thậm chí những vị quyền cao chức trọng cũng cần phải nhờ tới ông. Tuy vậy Ông chỉ có thể tiên đoán được tương lai, sau khi sử dụng thuốc phiện. Ông đã mất từ lâu. Có người đã làm một bài thơ trên mộ của ông để thương tiếc tài Tiên tri của Ông.

Có một gia đình của vị Bác sĩ giàu có, cũng có chức có quyền. Lúc bấy giờ, gia đình vị Bác sĩ này ở một con đường trong Chợ Lớn. Ông "D" tiên đoán gia đình vị Bác sĩ như sau: “Sau này anh chị sẽ dọn tới một căn nhà, bên cạnh có sân Tennis. Ở tại căn nhà này, anh chị sẽ mất một đứa con trai. Sau đó anh chị lại chuyển qua một căn nhà khác, căn nhà này ở một con đường có nhiều Gara và nhà in.”

Sự thật đã diễn tiến như sau: Gia đình vị Bác sĩ này chuyển tới một căn nhà là một villa lớn ở đường Võ Thị Sáu bây giờ. Bên cạnh nhà là một khu đất trống của Sứ Quán Anh Quốc. Miếng đất có diện tích rất lớn, nhưng vì không sử dụng tới, nên cây cối mọc lên như một khu rừng nhỏ. Đó là hiện trạng khu đất này khi gia đình vị Bác sĩ nói trên dọn đến căn nhà kế bên. Nhưng sau đó, Sứ Quán Anh tạo dựng ra bể bơi và sân Tennis trong khu đất này. Chính tại đây gia đình vị Bác sĩ có một người con trai chết vì bệnh Uốn Ván (Tetanus). Sau đó, gia đình vị Bác sĩ chuyển về một căn nhà. Căn nhà này ở đúng vào nơi có nhiều Gara và xưởng in, đúng như lời tiên đoán của ông D trước đó (khoảng gần 20 năm trước). Đây là căn nhà cuối cùng của gia đình vị Bác sĩ.

Tôi kể cô nghe câu chuyện này không có ý định cổ võ việc sử dụng ma túy; mà chỉ nêu ra như một câu chuyện thực tế để tham khảo. Thật vậy, đối với Khoa học mà không có phản biện, thì có lẽ cũng giống như một món ăn lạt lẽo, không có muối, không có đồ gia vị.

Tam Tiểu Thư

Phải nói là khi khảo cứu về Khoa học, cái gì dường như cũng có thể xảy ra, không ai có thể dự đoán trước được, thiên nhiên đầy những bí ẩn. Ðúng thế, chúng ta chỉ quan sát được một phần rất nhỏ của Vũ trụ, phần còn lại rất lớn kia, người ta gọi là Vật Chất Tối.

Vẫn theo các Nhà Khoa Học, thì các hiện tượng người ta cảm nhận được trong các lớp Thiền Định, chẳng qua chỉ là sản phẩm lừa phỉnh của Não Bộ, tất cả chỉ là Ảo giác. Thí dụ như thấy màu sắc rực rỡ, những dải ánh sáng, những tia lóe sáng; có khi thấy cả hình người, mặt người. Các Khoa học Gia cho là người  tu Thiền Định đã bắt gặp được khu vực Vô Thức của mình, cho nên thấy những hiện tượng kỳ lạ nêu trên.

Ông Tổng Quản

Vào năm 1996, có nhà Sinh học Thần kinh Giacomo Rizzolatti, và năm 2008 có thêm Sinigaglia đã làm một khám phá quan trọng. Họ phát hiện ra Nơron Gương  - còn gọi là Tế bào Thần Kinh Gương. Phát hiện này được cho là một cuộc cách mạng của sự hiểu biết về Não Bộ. Nơron Gương có thể hiểu là tế bào Thần kinh Vận động (Tế bào Thần kinh điều khiển các cử động của thân xác) - đều có khả năng phản ánh các cử động của người khác hoặc con vật khác. Khi chúng ta quan sát những gì mà người khác trải nghiệm nơi thân xác vật lý của họ, chúng ta cũng có thể trải nghiệm được chính điều đó với Tế bào Thần kinh của chính chúng ta. Có nghĩa là: Chúng ta là người khác.

Tam Tiểu Thư

Ồ! Phát hiện này độc đáo thật đó. Nếu nói như ông  thì tôi phải ráng tìm những người hay cười vui vẻ để tuyển vào đoàn bảo tiêu. Khi một người ở trong một tập thể thân thiện từ ái như vậy, “Neuron Gương” của bộ Não sẽ tiếp nhận dữ kiện về nụ cười và bắt đầu hành động: truyền các Xung động Thần kinh khiến họ cảm thấy thư giãn và cười theo. Bắt đầu từ ngày mai, tôi phải quan sát vẻ Trầm tư Mặc tưởng của ông, hy vọng Neuron Gương trong bộ Não của tôi cũng copy và truyền thông cảm xúc với ông. Chuyện này nghe hơi bị hay đó Ông Tổng Quản.

Ông Tổng Quản

Thôi bây giờ chúng ta thử tổng kết một cách sơ lược những tiến bộ của Kỹ thuật Thiền định qua lịch sử của nhân loại nhé. Tôi xin nói trước, đây chỉ là quan điểm chủ quan của cuốn Tạp Thư, chứ không phải đây là một sự thật của lịch sử:

Con người đã phát hiện ra một cách tình cờ hiện tượng Thiền Định trong thời kỳ Branman. Sau đó Thiền Định hình thành trong thời kỳ Upanisad. Có lẽ những tu sĩ Upanisad là những người tu Thiền Định đầu tiên của nhân loại. Các Trường phái sau Upanisad đã hoàn thiện phần nào Kỹ thuật Thiền định. 

Trường phái Phật giáo, Raja Yoga đã hoàn thiện Kỹ Thuật tu Thiền Định ở một đẳng cấp rất cao. Thậm chí mãi đến hôm nay con người vẫn chưa hiểu được. Các Lạt Ma Tây Tạng phát minh ra Mandala. Nhờ công cụ này mà Thiền Định được nâng cao một bước về Kỹ Thuật. Không cần tư chất thông minh, con người vẫn có thể đạt được Định Tâm nhờ công cụ Mandala. 

Khoa học hiện đại đã phát hiện và đóng góp cho Thiền Định những yếu tố như: Dopamin, Noradrenalin, Tế Bào Gương … 


Vấn đề Tế Bào Gương người ta cũng tìm thấy ở Vật lý Lý thuyết, Vũ trụ Song song, Rối lượng tử … 

Dường như Thượng Đế đã biểu lộ những Quy luật Vũ trụ ở những lãnh vực tuy khác nhau nhưng có cùng một mẫu số chung. Thượng đế có lẽ cung cấp những tham số của một bài toán còn nhiều ẩn số để con người phát biểu Lý thuyết Thông tin Toàn cảnh. 

Ngoài ra, còn có rất nhiều nỗ lực khác của Khoa học để giải thích về các hiện tượng như: Cận tử, Xuất hồn, Tiên tri, … những Chủ thuyết như: Pavlov, Phản ứng có điều kiện, v.v…

Sự thật thì chúng ta chỉ trình bày được một phần nào Chủ thuyết Duy vật về vấn đề Thiền Định. Còn rất nhiều chi tiết khác không nổi bật lắm, nên không được đề cập tới trong tài liệu này.

Công cụ khảo cứu Thiền Định của Khoa học Duy vật dựa trên 5 phương diện sau:

1. Người ta mặc nhiên chấp nhận mình là một sinh vật ba chiều. Do đó người ta:
2. Đương nhiên công nhận không gian hiện hữu là ba chiều. 
3. Chấp nhận sự hiện hữu của thời gian. (xem đồng hồ vật lý là thước đo thời gian). 
4. Luận lý hình thức kinh điển được sử dụng một cách mặc định. 
5. Dựa vào sự trợ giúp của máy móc như: EEG (Ðiện não đồ), PET (Positron Emission Tomography)v.v… 

Thông tin của cuốn Tạp Thư tỏ ra quan ngại một cách sâu sắc khi Khoa học hiện đại đã sử dụng 5 phương tiện nói trên để khảo cứu về Thiền Định. Lý do là vì có nhiều hiện tượng như Vanga, nhà ngoại cảm P.T.B.H, một số người tu Thiền Định biết trước tương lai gần, cũng có thể biết trước nhiều năm; thậm chí có khi thấy cả đời người cho đến chết. Liệu rằng Dopamin, Noradrenalin đóng góp vai trò gì trong những hiệu ứng nói trên?

Rất mong được quý độc giả, đóng góp ý kiến, phản biện.

Tam Tiểu Thư

Ông có lý đó! Tôi nghĩ dù Khoa học có nhiều tiến bộ, nhưng những Nghiên cứu Khoa học về Thiền Định hiện nay hãy còn rất sơ sài, hạn hẹp. À hôm nay ông toàn nói về Chủ thuyết Duy vật mà chủ yếu là sự liên hệ giữa Cảm Xúc và bộ Não con người. Vậy nếu đứng trên góc độ của Thuyết Duy Tâm, thì nó ra sao hả ông?

Sương đêm lắng xuống bao phủ núi rừng, đây đó tiếng chim đêm xào xạc vỗ cánh pha lẫn tiếng rả rích của côn trùng gợi cho Tam tiểu Thư nỗi buồn mênh mang của kẻ xa nhà … 

(còn tiếp) ...



0 nhận xét:

Post a Comment