Saturday, June 21, 2014




Những trở ngại khi Hành Thiền của Tam Tiểu Thư


Tam tiểu Thư vừa mở mắt thì thấy ánh bình minh đã phản chiếu trên nền trời xanh sau rặng núi xa xa. Cô ngồi dậy và chợt nhớ ra là đêm hôm qua, cô đã thực hành Thiền Định đến tận nửa đêm và sau đó cô đã đi vào giấc ngủ từ lúc nào không biết. Mới đó mà đã 1 tháng trôi qua kể từ ngày Tổng quản dạy cô kỹ thuật tu tập.

Đoàn bảo tiêu lại lên đường. Họ im lặng, di chuyển chầm chậm trên những con đường mòn luồn lách qua những khu rừng hoang vắng. Mây ngàn lờ lững trên
 triền núi, đèo dốc cheo leo, uốn vòng theo các thác nước, gió núi lồng lộng từng cơn. Suối reo, chim hót, vượn từng đàn hú vang một góc rừng.

Ông Tổng Quản (ân cần): 
    
   -  Tam Tiểu Thư à! Tôi thấy vài hôm nay cô có cái gì không ổn có phải không? Mọi khi tôi thường thấy cô vui lắm mà, nói cười luôn miệng. Sao hôm nay lại có vẻ đăm chiêu thế?!

Tam Tiểu Thư: 

  -    Ông nói đúng tâm trạng của tôi rồi. Những hôm đầu tôi tập tu Thiền Định theo đúng kỹ thuật một cách nghiêm chỉnh của cuốn Tạp Thư, thì mọi việc có vẻ tốt lắm. Kịch bản xảy ra đúng như dự kiến. Tôi chọn một mô hình Quán Tưởng dứt khoát, rồi tập trung tư tưởng một cách cao độ, mạnh mẽ và liên tục. Thế rồi trong giây lát, tôi từ từ mất đi ý thức. Thực ra lúc này tôi muốn nghĩ gì, cũng chẳng nghĩ được. Tôi mất khái niệm về không gian và thời gian, tinh thần thì sảng khoái; hạnh phúc xâm chiếm thể chất lẫn tinh thần. Tôi thấy thân thể cũng vui, tinh thần cũng vui. Tuy nhiên, điều cảm thấy bực mình nhất là việc này không diễn tiến được dài lâu. Sau đó tôi trở lại con người bình thường. À tôi quên, có lúc tôi thấy những điểm sáng, có lúc thấy một vầng sáng. Đôi khi tôi nghe thấy có tiếng nổ ở bên tai, tiếng nổ ở trên đỉnh đầu. Lúc đó con người lại càng cảm thấy dễ chịu. Thật là một kinh nghiệm tuyệt vời. Vì lý do này tôi mong buổi chiều mau đến để lại tiếp tục thực tập Thiền Định. Đôi khi tôi cũng thấy một vài hình ảnh nhưng mà chỉ thoáng qua thôi.

Sau khi tập vào khoảng một tuần lễ hay mười ngày gì đó, thì tình hình lại không như trước, mặc dù tôi vẫn tập tành chăm chỉ, vẫn làm đúng kỹ thuật như ban
 đầu. Ông có tưởng tượng được không?  Càng ngày tôi càng khó tập trung, thậm chí là không tập trung được. Sao lạ vậy hả ông? Có phải mình tôi tệ như vậy không? Thật là vô lý! Càng tập lẽ ra phải càng tiến bộ chứ? Ðằng này càng tập lại có vẻ lùi đi, càng ngày lùi càng nhiều, như thế là thế nào hở ông? Hay là tôi không hợp với Pháp môn này?

Tôi vừa buồn vừa lo, không biết thổ lộ với ai, định nói với ông thì sợ ông chê là Tam Tiểu Thư này chẳng ra gì! Hay là ông chỉ tôi cách tu khác đi, cách nào mà mình càng thực tập thì càng tiến. Tiến càng nhanh càng tốt, vậy nhen ông?!

Ông Tổng Quản: 

  -  Thôi mình tạm nói chuyện khác cho vui chút nhe. Tam Tiểu Thư à, cô còn nhớ cách đây vài hôm, đoàn bảo tiêu của mình bị bọn sơn tặc chặn lại ở núi Ngũ Hành Sơn không? Tôi còn nhớ, cô từ xa đã tấn công bọn sơn tặc bằng đòn đá bay của Hàn Quốc “Ap cha se gi”. Nhưng bọn nó đông và lại quá khỏe nên cô bị té nghiêng. Cô biến thế sử dụng đòn “Hằng Nga Vọng Nguyệt”. Một số trúng đòn la lên bỏ chạy. Cô không chịu thua, bật dậy truy đuổi và ra đòn “Ðề si ray” của nhu đạo; quét ngã một vài đứa … Cô thành công vì có thể lực tốt, đang tuổi sung sức, đầu óc thông minh, lại được khổ luyện từ nhỏ, ngày nào cũng thao dượt. Việc tập võ chúng ta chỉ tập có một cái thân thể, tập hai tay và hai chân. Vậy mà cô phải tập cả một đời mình để có được bản lĩnh ngày hôm nay. Cô có nhớ Vũ công Thùy Vân xinh đẹp của chương trình "Paris by Night" không? Cô ấy từng tập múa từ năm mới có 7 tuổi và kéo dài 20 năm.

Những công việc tập luyện võ thuật, múa … là công việc tập luyện của cái thân vật lý, cái thân vật chất.

Còn tập Thiền Định là tập luyện cái thân tinh thần. Có lẽ việc này khó hơn một chút, vì số lượng chi tiết để tập luyện lớn hơn rất nhiều. Cụ thể mà nói là nhiều gấp hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu, thậm chí là hàng tỉ lần.

Người Tây phương cũng có những bộ môn để mô tả về các yếu tố tâm lý; khi vận hành trở ngại gây ra bệnh tật:

*
 Tâm lý học: Được gọi là khoa học mô tả.
*
 Ðạo đức học: Đó là khoa học tiêu chuẩn.
*
 Luận lý học: Khoa học nhằm đạt được sự thật. 
*
 Luận lý hình thức: Khảo cứu về chiếc cầu nối giữa chủ thể và đối tượng. 
*
 Siêu hình học: Giả thuyết về nguyên nhân đầu tiên và cứu cánh cuối cùng. 
*
 Phân tâm học: Có thể coi đó là một bộ môn tìm hiểu về tâm lý chiều sâu.
*
 Tâm thần học: Được đánh giá như là một bộ môn cho biết tâm lý con người là một bộ phận quan trọng cũng như các bộ phận khác của cơ thể. Nó có thể ảnh hưởng tới một vài bộ phận hay nhiều bộ phận của cơ thể vật chất. Người Ðông phương có tài liệu Vi Diệu Pháp, có thể coi như một bộ môn mô tả những gì đã cấu tạo ra những Thực Thể, vận hành Tâm lý của các Thực Thể, trình bày về Cảnh Giới. Vi diệu Pháp mang lại niềm hy vọng cho các Thực Thể vì một tiến hóa tích cực của ngày mai. Vẫn theo tài liệu này, thì một con người bình thường có vô số các loại cơ thể song song. Theo Phân tâm học của trường phái Freud, thì con người ít nhất cũng có ba con người , hay ba trạng thái khác nhau trong một con người.

Với những khái niệm trình bày sơ lược ở trên; thì tu Thiền Định có nghĩa là chúng ta tập luyện cơ thể Tinh thần. Như phần trên đã trình bày, cơ thể này có quá nhiều bộ phận. Chúng ta muốn tập cho nó cử động theo ý muốn của mình là một vấn đề có lẽ khó khăn. Những bộ phận của cơ thể Tinh thần vận hành theo bản năng khách quan vốn có, thế mà chúng ta lại muốn nó vận hành theo ý muốn của mình. Nó muốn chơi, muốn nghỉ ngơi thì mình lại muốn nó phải làm việc, học hành và tuân thủ nguyên tắc đạo đức. Đây dường như là một cuộc đấu tranh nội tâm, mà Phân tâm học coi như là hạ tầng cơ sở của sự dồn nén.
 

Tam Tiểu Thư: 

-  Ông nói có lý, tôi hiểu ra một phần nào rồi.

* Cái thân vật chất chỉ có hai chân, hai tay, một cái thân. Vậy mà muốn tập võ cũng khá vất vả, mất cả đời người là chuyện bình thường.

* Cái thân tinh thần, thì dù là Ðông phương hay Tây phương, đều công nhận nó có quá nhiều chi tiết: Ngàn tay, ngàn chân, ngàn thân … nhiều vô số kể.

Vậy thì việc tập luyện phải tốn nhiều kiếp người cũng là lẽ thường tình. Ông Tổng quản ạ, tôi đọc trên các trang web thấy có những người chỉ tập luyện có vài tháng trong việc tu Thiền Định mà thành công thì phải bảo là một kỳ tích, đáng ghi vào sách kỷ lục. Quay lại chuyện của tôi, bây giờ cũng phải có cách nào đó chứ. Chẳng lẽ bó tay sao?


Ông Tổng Quản: 

-  Khi cô tập trung tư tưởng lâu ngày trên một đối tượng (còn gọi là Công án để tu Thiền) thì nó sẽ bị lờn. Cách đơn giản nhất là đổi Đối tượng để Quán tưởng hay để tập trung tư tưởng.

Tam Tiểu Thư: 

-  Ông nói đúng rồi, mấy hôm nay khi tôi ngồi công phu, hay nghĩ vẩn vơ đủ thứ. Nhớ đến việc hôm trước, nghĩ đến việc ngày mai. Tôi còn nghĩ không biết việc làm bảo tiêu sẽ kéo dài được bao lâu. Ông coi đó, suốt ngày này tháng nọ, mình toàn lang thang nơi chân mây, đầu núi thế này, thì cơ hội lấy chồng rất khó! Chưa hết đâu, tôi còn bực bội nổi khùng lên vì các bảo vệ không nghe lời, mất cảnh giác, tụm năm, tụm ba, nói chuyện ồn ào; không để ý đến các hiểm nguy rình rập xung quanh. Cứ thế rồi tôi ngủ mê đi lúc nào không biết. Có lúc tôi lại nghi ngờ không biết mình tập thế này có đúng hay không? Cuốn sách Bửu Bối mà ông hay gọi là cuốn Tạp Thư có đáng tin cậy hay không nữa đây?

Ông Tổng Quản: 

-  Những vấn đề cô đề cập tới, cuốn Tạp Thư ghi sẵn cả rồi! Trong đó có ghi sẵn có một cô gái tên là Tam Tiểu Thư, lúc công phu Thiền Định để mở Đệ Tam Nhãn, thì rơi vào những trở ngại kinh điển nêu sau:

*
 Tham dục: Nghĩ tới việc lấy chồng.
*
 Hôn trầm: Ngủ mê đi lúc nào không biết.
*
 Sân hận: Bực tức vì bảo vệ mất cảnh giác trên đường đi.
*
 Phóng tâm: Nghĩ tới việc hôm qua, nghĩ tới việc hôm nay.
*
 Hoài nghi: Nghi ngờ về phương pháp tu Thiền Định; nghi ngờ về tính chất trung thực của cuốn Tạp thư, cụ thể là mã số Bodyguard.

Tam Tiểu Thư à! Ai cũng như vậy cả thôi, bằng cớ là người ta đã ghi sẵn trong các tài liệu tu Thiền Định. Chẳng ai là Thần Thánh cả đâu. Việc này hết sức bình thường. Ai tu Thiền Định cũng gặp những trở ngại như thế này, vì vậy cô nên chấm dứt âu lo. Cuốn Tạp Thư có ghi toa thuốc sẵn để trị những bệnh nói trên. Những bệnh này chẳng có gì là bí ẩn cả!


Tam Tiểu Thư: 

-  Tôi sốt ruột lắm, ông nói cho tôi nghe đi!


Ông Tổng Quản: 

-  Trước nhất cô cần biết rằng, cách trị sau đây chỉ mang tính chất chữa triệu chứng nói theo kiểu y khoa. Nó chỉ là giải pháp tình thế, mang tính chất tạm thời. Về lâu về dài, cô phải học về Tâm lý học, Phân tâm học, Vi Diệu Pháp, Cơ thể học, Sinh lý học … để tự giải quyết một mình. Mình là Thầy của chính mình, nhờ vào sự hiểu biết chính xác và cặn kẽ và không cần một sự trợ giúp nào cả. Cô nên học đi, để đạt được tự do. Không lẽ cả đời cứ phải lệ thuộc vào ai đó? Phần thưởng của việc học tập này, chính là sự giải thoát bản thân.

Tam Tiểu Thư này, cô nên hiểu sơ qua về vấn đề
Đối Tượng để tập trung tư tưởng. Khi cô hiểu vấn đề thấu suốt, thì mình tự tìm Đề Mục cho mình, tự tìm Công án, Đối Tượng để Quán Tưởng. Rất có thể những người mà trước nay cô nghĩ là Thầy, cũng chưa chắc họ đã hiểu rõ vấn đề. Họ làm công việc này theo cách cầu may, tự phát; không có một cơ sở lý thuyết và kỹ thuật nào cả.

Tâm lý học Phương Tây cũng như Phương Ðông, đều cho biết tâm lý con người trôi chảy liên tục như một dòng sông không ngừng nghỉ. Tâm lý con người cũng vậy. Muốn ngăn chặn cho tâm lý đừng trôi chảy thì chúng ta phải có một cái gì đó làm
đề mục tập trung để nó chú ý và đứng lại, không tiếp tục chảy nữa.

Vì lý do này, người tu Thiền Định sử dụng một Đối Tượng để mời mọc, để đánh bẫy tâm lý của chính mình. Vì chú ý tới Đối Tượng này, nên Tâm đứng im.

Tam Tiểu Thư: 

-  Ồ! Ông hay quá! Ông cho tôi hỏi là Đối Tượng nào, có những đặc tính gì, thì được tâm lý của chúng ta chú ý tới, mà quên đi việc chuyển động hả ông?

Ông Tổng Quản: 

Một Đối Tượng có những yếu tố sau đây thì tâm lý chúng ta sẽ chú ý tới và dừng lại:

* Ðối tượng đó phải kỳ lạ.
* Ðối tượng đó phải được tâm lý của mình ưa thích.
* Ðối tượng đó phải có lợi đối với tinh thần chúng ta.
* Ðối tượng phải gây ấn tượng rất mạnh: Như một tia chớp, tiếng bom nổ.

Rất mong Tam Tiểu Thư cũng như quý độc giả quan tâm đặc biệt những yếu tố nói trên khi chọn đối tượng để Quán Tưởng (đề mục).

Về mặt giác quan, thì thị giác là quan trọng nhất sau đó là thính giác.


Tam Tiểu Thư: 

-  Nhưng tôi thắc mắc là tại sao chúng ta sử dụng một Đối Tượng để Quán Tưởng trong việc tu Thiền Định, lúc đầu thì tốt, lúc sau thì không tốt? Ông nói nó bị lờn nghĩa là sao ông?

Tổng Quản: 


-  Cuốn Tạp Thư cho biết đây là câu hỏi của tất cả mọi người tu Thiền Định dù bất cứ ở đẳng cấp nào đều gặp phải. Theo tâm lý học cho biết, khoái lạc và đau khổ là hai thái cực tình cảm của con người. Khoái lạc không thể kéo dài mãi mãi, khoái lạc kéo dài sẽ trở thành đau khổ. Thí dụ: Khi đói chúng ta có thể ăn đến một chừng mực nào đó, thì việc ăn này là khoái lạc; nhưng ăn quá no lại là một khổ đau. Tình trạng tinh thần cũng vậy, đừng ngớ ngẩn và ngây thơ hy vọng có một tình yêu vĩnh cửu. Phân tâm học cho biết, con người là một con thú đi tìm khoái cảm và tránh né khổ đau.

Tóm lại:

* Muốn việc Quán Tưởng được tốt, thì luôn luôn phải thay đổi Đối Tượng. Khi Tâm đứng im thì đương nhiên trị được những Bất Thiện Tâm kể trên: Sân hận, tham dục, hôn trầm, phóng tâm, hoài nghi.

* Ðối tượng càng phức tạp, thì làm cho các giác quan càng phải tập trung dữ dội. Việc này sẽ đưa tới sự Định Tâm tốt hơn, có thể sử dụng kỹ thuật này lâu hơn; nhưng cũng không thể sử dụng được mãi mãi. Cuối cùng, cũng phải thay đổi Đối Tượng.

Chúng ta lấy một thí dụ nêu sau: 


* Chúng ta hãy tập trung hình dung vị Quán Âm Tự Tại bằng trí tưởng tượng. 
* Cũng bằng trí tưởng tượng chúng ta nghe thấy âm thanh của Chân Ngôn:  

" Om mani padme hum "

Chúng ta phải vừa nhìn thấy (quán tưởng) một cách rõ ràng trong tưởng tượng, và cũng phải nghe thấy âm thanh từng chữ một rõ ràng trong tưởng tượng.


Nếu là người Công giáo, quý độc giả có thể chọn hình tượng Ðức Mẹ Maria.
Quý vị phải nghe bằng tưởng tượng kinh Kính Mừng:

 Kính mừng Maria đầy ơn phước, Ðức Chúa trời ở cùng Bà,
Bà có phước lạ,
 hơn mọi người Nữ  Giê Su con lòng Bà cùng phúc lạ.
Thánh Maria,
 Đức Mẹ Chúa Trời,
cầu cho chúng con là kẻ có tội,
 khi nay  trong giờ lâm tử.
Amen ”



Chúng ta phải tưởng tượng cao độ để nhìn thấy Ðức Mẹ Maria,
từng chi tiết rõ ràng, với hào quang rực rỡ, muôn màu.

Chúng ta cũng nghe bằng tưởng tượng một cách rõ ràng Kinh Kính Mừng,
từng chữ một, trong khi đang nhắm mắt. 



 Nếu quý vị là người chẳng có Tôn giáo nào cả, thì quý vị cũng làm như trên, hoặc chọn một vị nào đó trong lịch sử hay là thân nhân của mình.

* Lý do nào khiến chúng ta sử dụng những "Vị" nào đó để Quán Tưởng thì sẽ được đề cập đến sau này. Vì tài liệu này chưa đi vào chiều sâu, nên chúng ta chưa có thể đề cập đến quá nhiều chi tiết  làm cho quý độc giả không thể nhớ được trong khi thực tập.

Tam Tiểu Thư: 

-  À! Tôi biết rồi. Hôm nay tôi sẽ đổi đề mục sang Quán Âm Tự Tại nhe ông Tổng Quản. Thank you ông nhiều nhen ông.

Ánh nắng bắt đầu dịu bớt. Từ đằng xa vọng lại tiếng Đại Hồng Chung của ngôi Chùa Cổ trên triền núi … Tam Tiểu Thư thấy tâm hồn mình bình an yên tĩnh.


0 nhận xét:

Post a Comment