Thursday, July 17, 2014


Kỹ Thuật mở Đệ Tam Nhãn 
 Cảnh Thiên Dục Giới


 
  Kể từ ngày bắt đâu tu tập Thiền Định với HHN, Sao Mai thấy cuộc sống của mình trở nên có ý nghĩa hơn. Dù chưa hiểu hết những gì HHN và cuốn Tạp Thư chỉ dẫn, nhưng Sao Mai bắt đầu yêu thích những câu chuyện không đoạn kết của HHN. Họ tiếp tục nói về những điều có một không hai này.

SAO MAI

-  Chị HHN à! Em đã theo lời chị, thực hành Thiền Định mấy tháng trời rồi, mà chưa thấy dấu hiệu của con mắt thứ ba đâu cả, sao em vẫn chỉ có hai mắt thôi vậy chị? Bữa nay chị chỉ thêm cho em vài "chiêu" nữa đi nhen. Hình như chị còn giấu nghề thì phải. Chán chị ghê! 

HHN: 

-  Sao Mai à! Em đã thực hành Thiền Định được một thời gian rồi, tuy chưa phải là quá dài đối với người tu Thiền Định, nhưng nó là điều cần thiết, là nền móng để mở Đệ Tam Nhãn. 

SAO MAI


-  Theo chị, để mở được Đệ Tam Nhãn, có nhất thiết cần đến một tiến trình tu tập Thiền Định như em đang làm bây giờ không? Và theo cuốn Tạp Thư, thì nó có cho biết là có ai đó không cần phải tập luyện theo một  tiến trình Kỹ Thuật Thiền Định với một khuôn khổ nào cả, mà vẫn mở được Đệ Tam Nhãn không? 

HHN

-  Chuyện này thì chị nghĩ không phải riêng em, mà có lẽ tất cả quý độc giả đang hành Thiền theo nhiều phương pháp khác nhau cũng sẽ thắc mắc như vậy. Cuốn Tạp Thư có kể rất nhiều trường hợp về những người đang tập luyện một loại Thiền Định nào đó, rồi bỗng dưng mở được Đệ Tam Nhãn. Chị xin kể cho cô nghe hai trường hợp điển hình:

   1. Có một vị giới tính là Nữ, tập Thiền Định một cách chung chung, cũng chẳng theo một Trường Phái, kỹ thuật nào rõ ràng cả. Qua một thời gian tập luyện, trong một buổi công phu Thiền Định, thì cô thấy xuất hiện trước mắt cô một cuốn phim ngắn với nội dung như sau: Cô là một người  Pháp, làm việc và giao dịch trong một Ngân Hàng, và cô tự nghĩ công việc này rất phù hợp với mình. Mặt khác, cô còn cảm nhận một âm thanh rõ ràng như sau: “T.Q.L sao chưa đến với Thầy?”. Việc này đã xảy ra cách đây trên ba thập kỷ, (chúng ta phải lưu ý, ở tại Việt Nam lúc bấy giờ, việc mua bán làm ăn là một việc không thể tưởng tượng được. Do đó, công việc làm ở một  Ngân Hàng là một khái niệm còn xa lạ đối với người dân). Thế rồi thời gian trôi qua đi, người phụ nữ kể trên, bây giờ là giám đốc một công ty cũng có tầm cỡ tại một Tỉnh ở Việt Nam. Tất nhiên với tầm cỡ này, việc mua bán phải thông qua Ngân Hàng. Do đó, việc giao dịch của cô thường xuyên phải ra Ngân Hàng. Còn hơn thế nữa, thân nhân của Cô ở nước ngoài, đều phải nhờ Cô gởi tiền ở tại Việt Nam, vì lãi suất ở tại Việt Nam hiện tại cao hơn ở nước ngoài. Nếu chúng ta quay lại thời gian cách đây mấy chục năm, thì ai ngờ được rằng những biểu tượng nói trên đã thành hiện thực. Còn việc cảm nhận tiếng gọi “T.Q.L sao chưa đến với Thầy?”, thì chưa có gì để xác minh. 


   2. Một vị khác, giới tính là Nam, cũng ở trường hợp tương tự như trên. Người này cũng tu Thiền Định theo một Trường Phái nào đó. Trường Phái này chẳng có lý thuyết hay kỹ thuật nào đặc biệt cả. Sự thật phải bảo là "Tu mò". Trong một buổi Thiền Định, người nam giới nói trên, thấy người vợ của mình bồng một đứa nhỏ. Điểm đặc biệt là đứa bé này có đôi mắt rất đẹp. Lúc đó anh ta nghĩ là đứa nhỏ đó là con của vợ mình. Việc này như thế cũng hợp lý và bình thường mà thôi. Nhưng sự việc lại không phải như vậy. Cô gái này không có con (do cố ý), mà sau này lại hay bồng một con mèo có đôi mắt lạ và tuyệt đẹp! Một mắt màu xanh da trời, một mắt màu xanh lá cây.


   Qua hai câu chuyện kể trên, có lẽ đã là câu trả lời cho Cô cùng quý độc giả. 


SAO MAI:

-  Vậy thì chính cuốn Tạp Thư cũng nói giống như em nghĩ. Và như vậy thì em phải tập Thiền Định bài bản làm gì nhỉ. Cứ tập bừa đi cũng có sao đâu! Chị nghĩ em nói có đúng không? 

HHN:

-  Ừ, thì tập bừa cũng được, nhưng kết quả tu tập thì "hên xui". Vậy em chịu không? Việc thấy biết cái gì đó là hệ quả tất yếu của việc tu Thiền Định. Tuy nhiên, cần phải khẳng định với em rằng, việc tu Thiền Định chỉ thực sự được gọi là có kết quả khi hành giả nhập định thành công mà thôi. Tập luyện mà không có hệ thống, không có một kỹ thuật nào cả, thì nó có một cái bất lợi lớn là mình không làm chủ được mình. Lúc thì Nhập Định rất tốt, nhưng cũng có lúc Nhập Định không được. Điều quan trọng là hành giả cũng chẳng hiểu tại sao lúc thì được, lúc thì không. Lắm khi bất chợt thấy một cái gì đó, thì cũng chẳng hiểu đó là cái gì. Ðến lúc cố ý muốn thấy biết một việc gì, thì lại chẳng thấy cái gì cả; hoặc là có thấy cái gì đó cũng chẳng hiểu ý nghĩa nó là gì. 

SAO MAI:

-  À, ra thế! Đúng là hên xui. Nhưng em xem trên internet rồi. Ðối với khoa học ngày hôm nay, thì người ta cho là hiện tượng Nhập Định này là do hai hóa chất: Dopamin và Noradrenalin đã tiết ra trong cơ thể người ta. Hiện tượng này cũng giống như người ta sử dụng các chất say (chất kích thích); chỉ khác ở chỗ là, các chất say này làm cho hai hóa chất nói trên tiết ra ào ạt và chấm dứt ngay. Trong khi với người tu Thiền Định, thì hai hóa chất này tiết ra có chừng mực nhưng lại không gây nghiện. Ðây là một lối lý giải của thuyết Chủ Sinh Lý cũng rất đáng quan tâm. Tuy nhiên, người chủ chương thuyết Chủ Tâm Lý thì lại đưa ra bằng chứng của Placebo, Y khoa thường gọi là giả dược; trường hợp giả châm cũng thế. Tâm Lý Học có ba chủ thuyết đó chị:

     - Chủ Tâm Lý  /  Chủ Sinh Lý  /  Tâm Sinh Lý Song Hành. 

HHN:

-  Thôi hôm nay chị sẽ bày cho em cách mở Nhãn của Định Dục Giới trước nhé?

SAO MAI:


-  Vậy là sao hả chị? Chị định nói là có nhiều loại Đệ Tam Nhãn lắm hả chị? nếu đúng thế, thì chị chỉ hết tất cả các cách mở các loại Đệ Tam Nhãn cho em đi nhen!

HHN:

-  Ðúng như em nói, không phải chỉ có một loại Đệ Tam Nhãn, mà có vô số các loại Đệ Tam Nhãn. Nó lệ thuộc vào từng Thực Thể; nghĩa là tùy thuộc vào cấu tạo Tâm, cấu tạo Sắc và Cảnh giới thực thể đang sinh hoạt. Để dễ hiểu điều này, em hãy tự quan sát chính mình. Cũng với chính hai con mắt bình thường mà mọi người đều có, ta nhìn một vật gì đó ở 2 thời điểm khác nhau, nó sẽ mang ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Khi còn nhỏ tuổi, chúng ta nhìn món đồ chơi là một cái gì đó quí giá. Nhưng với một tuổi đời nào đó, vì bận bịu lo sinh kế cuộc sống, chúng ta thậm chí còn không nhìn thấy món đồ chơi hiện hữu. Chắc chúng ta còn nhớ “Khi đã ghét nhìn Dơi hóa Chuột”! Chính bản thân chúng ta cũng có cái nhìn luôn luôn thay đổi tùy theo cấu tạo Tâm.

SAO MAI: 

-   Những gì chị trình bày làm cho em hết sức bất ngờ. Nhưng nếu suy nghĩ lại thì thấy cũng rất có lý. Cuốn Tạp Thư của chị cũng chứa đựng rất nhiều thông tin lạ. Em tu chưa tới đâu, nhưng cách nhìn cuộc sống của em bị thay đổi khá nhiều nhờ vào cuốn Tạp Thư này đó chị.


HHN:

-  Bây giờ chị sẽ trình bày cho em:

Cách thực tập để mở con Mắt thứ 3, ở cảnh Thiên Dục Giới

   Đầu tiên chúng ta hãy tạm chấp nhận vấn đề Cảnh giới, chiều không gian, môi trường, hệ quy chiếu … để dễ thuyết minh về vấn đề Đệ Tam Nhãn. Rất mong quí độc giả đón nhận như một Định đề mang tính chất tiên quyết.

   Sao Mai à, em phải xác định rõ ràng rằng Thiền Định chính là một công cụ, một Kỹ Thuật không thể thiếu được đối với vấn đề mở Đệ Tam Nhãn. Thiền định chính là công cụ giúp người ta có thể đạt được những khả năng khác thường - khả năng mà một con người bình thường không thể có được. Con Mắt thứ 3 cũng không là ngoại lệ. Tiến trình như sau:

   * Phải thực hiện các thao tác Kỹ Thuật về Thiền Định một cách chuẩn xác, chắc chắn.

   * Phải thuần thục trong công việc Nhập Định, ở đây chưa đề cập tới các lớp Định. 

   Có nghĩa là, em làm công việc Chú tâm vào một Đối tượng, chỉ một Đối tượng mà thôi. Việc Chú tâm phải luôn ở mức:

* Cao độ.
* Mạnh mẽ. 
* Liên tục.
(Những mô tả này là biểu tượng của hai từ ngữ: Tầm, Tứ).

   Khi em có ý định muốn biết một việc gì đó, thời gian có thể là: Quá khứ, Hiện tại, Vị lai, thì đầu tiên Cô phải xác định việc đó một cách rõ ràng, cụ thể. Câu hỏi phải đơn giản, rõ ràng, thực tế, ngắn gọn … và chỉ một câu hỏi mà thôi … Khi có ý định này, em phải Chú tâm, phải để ý tới trong nhiều giờ, nhiều ngày trước.

   Ðến khi công phu, em lấy Đối tượng là vấn đề mà mình muốn biết, làm Công án để Quán tưởng. Có nghĩa là, Đối tượng này làm hai chức năng trong buổi công phu Thiền Định:

1. Chỉ: Làm cho tâm đứng lại.
2. Quán: Có nghĩa là vấn đề được hiểu biết một cách rõ ràng, sự thật được phơi bày, vỡ lẽ.

   Diễn tiến thực tế sẽ xảy ra như sau: Khi Thiền Định, Chú tâm ở mức: Cao độ, mạnh mẽ, Liên tục vào Đối tượng mà mình đã có chủ ý từ trước (nhớ là phải thật thư giãn), nếu xảy ra hiện tượng Phóng tâm, thì cố gắng quay lại chủ đề mà mình đang Quán tưởng, nếu nỗ lực nhiều lần thì Tâm sẽ đứng im (trong bộ môn Thiền Định người ta gọi là Nhất Tâm)

   Nếu đạt được trạng thái Nhất Tâm thì có hai khả năng xảy ra: 

   * Mất đi ý thức một khoảng thời gian, khả năng mê đi. Sự mất ý thức này thường hay xảy ra nhất. 

   * Đôi khi có cảm giác hụt hẫng y như là mình đi máy bay qua những lỗ hổng của không khí.

   Rồi bỗng nhiên, ta trở lại có ý thức hoàn toàn. Con người trở nên sáng suốt, tâm lý vắng lặng, vững chắc. Các nhu cầu vật lý không còn nữa; mất ý thức về tình cảm thân nhân. Chúng ta đã biến chuyển thành một con người khác, cũng có một tri thức khác không phải như trước nữa, chúng ta hiện hữu ở một Cảnh giới khác. Công cụ tiếp nhận các thông tin từ thế giới khách quan vốn có xưa nay của mình là thị giác và thính giác, nay ở môi trường này hay hệ quy chiếu này … nó không còn sử dụng được nữa. Nói một cách khác, Sóng cơ học, Sóng điện từ … không còn là công cụ để chuyển tải thông tin.

*****

   Do cấu tạo Tâm và Sắc đã thay đổi khi ở trạng thái Thiền Định (phải thực sự Nhập Định được), nên nó cần những công cụ để tiếp nhận những thông tin khách quan hoặc chủ quan phù hợp và tương thích với loại thân này, cũng như phù hợp với môi trường sinh hoạt mà người ta gọi là Cảnh giới. 


   Ðệ Tam Nhãn bắt buộc phải xuất hiện để đáp ứng những yêu cầu nói trên. Nó chính là công cụ thích hợp cho loại Thực Thể này, môi trường này. Nó tiếp nhận những thông tin không dựa vào Sóng điện từ, Sóng cơ học. 


   Khi chúng ta đang ở trong trạng thái của Định Sắc Giới, cụ thể là Thiên Dục Giới thì nhờ con Mắt Thứ Ba xuất hiện, và chúng ta thấy các hình ảnh, lúc đầu rời rạc, vô nghĩa. Lý do là vì Định Lực của chúng ta chưa thực sự ổn định, tính chất Nhất Tâm còn yếu đuối. Qua nhiều buổi thực tập cùng với nhiều nỗ lực, cố gắng, qua nhiều kinh nghiệm, thì Nhất Tâm sẽ ổn định hơn. Các hình ảnh tương đối ổn định, dường như có một ý nghĩa nào đó, hình ảnh rõ ràng, không còn lờ mờ như trước. Những cuốn phim ngắn có thể xuất hiện, và người mở Đệ Tam Nhãn bắt đầu thấy những cuốn phim này có một ý nghĩa nào đó.


   Ðây là một diễn tiến lạc quan của việc mở Đệ Tam Nhãn, thuộc cảnh Định Dục Giới. Thực tế, diễn tiến không phải luôn luôn lạc quan như thế này. Thật vậy, nếu kết quả của Thiền Định mà lạc quan như phần nói trên, thì có lẽ ai cũng mở được Đệ Tam Nhãn.

SAO MAI:


-  Khoan khoan, chị nói chậm lại chút xíu đi. Em có thắc mắc này. Từ trước tới giờ em đọc trên mấy trang web dạy tu Thiền nhiều lắm rồi. Nói thiệt là chưa có ai chỉ cho em cách để biết quá khứ vị lai như chị. Người ta toàn nói là họ Nhập Định rồi thấy Phật Di Đà, thấy Chúa hoặc là nhập lên cõi Tứ Thiền Hữu Sắc, Vô Sắc gì gì đó. Em nghe cũng không thể hiểu được nữa. Chị giải thích chút xíu về việc này được không?

HHN:

 Có một hình thức khác rất thường xảy ra khi tu Thiền Định: Đó là người ta hay diễn tả họ thấy biết cái này cái khác. Có người cho là mình đã gặp được Phật, Chúa. Có người lại cho là mình đạt đến cảnh Diệt Tận Định (Diệt Thọ Tưởng Định). Có người lại cho là mình nhìn thấy như cái Cầu Vồng ở cảnh Vô Sắc … Khi hiện tượng này xảy ra, cả Thầy lẫn Tín đồ cũng chẳng biết phải giải thích làm sao. Lý do là vì trên thực tế họ đã Tu Tập và được hướng dẫn Tu Tập nhưng lại không có một nền tảng, một hệ thống, một cơ sở Lý thuyết hay Kỹ thuật nào cả. Chúng ta lấy Việt Nam là trường hợp điển hình. Không thiếu gì các vị, với một kiến thức khá khiêm tốn, chẳng theo đuổi một công cuộc khảo cứu về Phật giáo từ nguyên thủy đến nay hay bất cứ một bộ môn nào cả ... Rồi bỗng nhiên một hôm, thông báo cho mọi người biết họ đã gặp một Vị nào đó, trao cho họ trách nhiệm để truyền pháp. Công việc nghe quá giản dị phải không? Số Tín đồ càng ngày càng đông. Trong khi đó chính bản thân Thầy cũng chẳng biết mình sẽ đi đâu về đâu, thì tất nhiên các Tín đồ cũng không khác gì. Không Lý thuyết, không Kỹ thuật, không có Nội quy. (Tôn giáo thường gọi là giữ giới). Thật là một tương lai với đầy những thách thức!


   Việc tu Thiền Định thực không đơn giản, vì phản lại tự nhiên, phản lại các bản năng cơ bản vốn có, sanh tử của con người. Có lẽ người ta đã đúng khi bảo rằng: “Kẻ thù lớn nhất trong đời là chính mình” . 


    Mở được con mắt thứ 3 ở cảnh Thiên Dục Giới cũng là khó lắm rồi. Tất nhiên để đạt được những Cảnh giới cao hơn thì đòi hỏi người tu Thiền Định phải có những khả năng cao hơn nữa. Còn với việc tu Thiền Định gọi là "Mù", rất có thể thấy biết một cách tình cờ, nhưng không thể làm chủ được kỹ năng gọi là con Mắt thứ 3. Cũng có thể bảo, họ cũng có con Mắt thứ 3, nhưng rất khó sử dụng. Mặt khác, còn đặt người ta vào những tình huống rất khó xử trí. Thật vậy, một trong các yếu tố để có được con Mắt thứ 3 là Niềm tin. Tin là mình có thể mở được con Mắt thứ 3, không có Niềm tin này, thì không mở được con Mắt thứ 3. Nhưng nếu lại sử dụng Niềm tin một cách thái quá, thì lại sanh ra phản tác dụng như: Mê tín, dị đoan …, thậm chí là ảo giác, điên loạn. Niềm tin biến thành thiên đường cho các loại ma: 
Ma phiền não, Ngũ ấm ma, Tử ma, Thiên ma  

   Bất cứ ai, cũng có thể xem trên các trang web, những lời tự thuật của các vị mô tả việc tu Thiền Định của mình với những kết quả rất đáng quan ngại. Thật vậy, ở Cảnh Vô Sắc, mà lại thấy hình tướng, thì thật là phi lý. Phật hay Chúa, còn cao hơn cả Cảnh Vô Sắc. Ở Cảnh giới đã là Vô Sắc hoặc trên Vô Sắc thì số Tâm vô cùng là ít, mà nhìn thấy được thì không thể hiểu nỗi. Phải bảo đó là những hệ quả khốc hại, mặt trái của việc "Thấy Biết", xảy ra do người tu không hiểu rõ về việc "Thấy Biết". 
Con Mắt thứ 3 là một con dao có quá nhiều lưỡi, khả năng đứt tay rất cao nên việc sử dụng rất là khó. Đã là dao có nhiều lưỡi mà lại vô hình vô ảnh. Thêm vào đó lại chẳng ai biết nó là cái gì. Bất cứ ai coi thường sự hiểu biết Hàn lâm, coi thường việc hiểu biết Kinh viện về Kỹ thuật, Lý Thuyết Thiền Định, đều có khả năng gặp phải những việc phản tác dụng này. 

   Tâm lý con người rất thích các cuốn phim ngắn, vì nó rõ ràng dễ hiểu và có vẻ sát với cuộc sống nên dễ giải thích. Người ta cho rằng khi nhìn thấy những cuốn phim ngắn như vậy, có nghĩa là mở được con Mắt thứ 3 cao cấp. Thánh nữ Teresa Avila cũng từng viết như vậy trong tài liệu tự thuật về cuộc đời của mình. Ðiều này hoàn toàn sai lầm với vấn đề con Mắt thứ 3. Chính vì lý do nói trên, mà con người ta thường chỉ mở được con Mắt thứ 3 ở cảnh Định Dục Giới. Ðây là một Cảnh giới rất gần với con người, sinh hoạt tương tự như con người, thọ thực, có giới tính, số lượng Bất Thiện Tâm không khác với con người là bao nhiêu. Ai thực sự chứng Thiền Định đều biết đến các Chư Thiên Ma ở cõi Thiên Tha Hóa Tự Tại, người ta có thói quen gọi là Thiên Ma Ba Tuần. Hiểu biết này sẽ được trình bày trong những bài tiếp theo.


   Rất mong bài viết này đóng góp một phần nào các thông tin liên quan đến vấn đề mở Đệ Tam Nhãn; cụ thể là Đệ Tam Nhãn ở Cảnh Thiên Dục Giới. Đây chỉ là loại Đệ Tam Nhãn thấp nhất trong các loại Đệ Tam Nhãn mà thôi.

   Rất mong được quý độc giả đóng góp ý kiến và thảo luận. 

SAO MAI:

- Chị HHN à, nghe thoáng qua thì thấy việc mở con mắt thứ ba có vẻ dễ ăn; nhưng xem lại thì Đệ Tam Nhãn của chị lại còn khó hơn em tưởng nhiều, chị ạ. Hèn chi có lần chị nói "còn chờ ngàn kiếp sau ..." Nhưng nói thiệt cùng chị, em cảm thấy rất vui cho dù phải đi hàng ngàn kiếp; miễn là đừng đi lạc đường thôi à. Em sợ là mình đi lạc đường, mà đi càng nhanh thì nó lạc càng xa đó. 


   Âm thanh của những hàng thông như những giai điệu miên thường, đang hòa cuộn với tiếng gió réo rắc như báo hiệu một ngày đã qua đi. Từng cơn gió thoáng mát mơn man trên mái tóc thướt tha của Sao Mai, như trả lại sự thư giãn cho cả không gian sau một ngày hoạt động. Cô lại lặng lẽ suy ngẫm về những điều vừa học được và thầm cảm ơn sự chỉ dẫn chu đáo và nhiệt tình của người bạn HHN...


(còn tiếp) ...


2 comments:

  1. Khánh Linh8:13 AM

    Thật kỳ diệu a di đà phật

    ReplyDelete
  2. Minh Nguyen8:26 AM

    Neu chiu kho tap luyen co thah cong ko ha cac thay?

    ReplyDelete