Friday, August 22, 2014


Giả thuyết về Đệ Tam Nhãn của Định Dục Giới



Trời đã tối, càng về khuya càng lạnh. Trăng đã lên quá đỉnh đầu. Ngàn sao lấp lánh. Dưới ánh nến lung linh trong góc một Trà Quán bên đường, Tam Tiểu Thư và Ông Tổng Quản đang say sưa “Đàm Đạo” ...

Tam Tiểu Thư:

Tôi từ nhỏ đã sống với ông. Ông nói gì tôi cũng tin và chẳng biết từ bao giờ chuyện tin ông đã thành thói quen của tôi rồi.

Khi ông bảo tôi tập Thiền Định để mở Đệ Tam Nhãn, tôi cũng làm theo ngay. Ông từng nói rằng nếu mình mở được Đệ Tam Nhãn, thì mình sẽ có những kiến thức và sự hiểu biết mà người ta thường gọi là Xuất thế gian; biết được quá khứ, vị lai. Thậm chí, hiểu biết được Con Người; biết được những Cảnh giới mà mình chưa hề đi đến bao giờ. Nói đúng hơn, là biết về những nơi mà con người bình thường không có cách gì để biết được hoặc đi đến được. Thật vậy, dù có được cấp hộ chiếu để đi đến cảnh Định Dục Giới thì cũng chẳng biết mua vé máy bay ở đâu và thực sự không bao giờ có chuyến bay nào đi được đến đó. Thật là thú vị nếu mình ngồi yên tại chỗ, nhắm mắt lại mà có thể du lịch khắp nơi, khắp chốn; lại còn đến được cả những nơi người bình thường không đến được nữa chứ. Tôi tò mò về tam giác Bermuda. Ông có biết tam giác Bermuda không? Tôi nghe nói ở tam giác này có những chiều không gian lạ. Nếu thật vậy thì người bình thường nào mà dám đi vào khu vực này. Có những phi công đã từng kể, máy bay của họ chỉ có khả năng bay tối đa là 350 km/giờ. Thế rồi bỗng nhiên họ lọt vào vòng xoáy. Họ đã đến một nơi mà nếu tính theo thời gian, thì máy bay của họ đã vượt qua vận tốc 3.000km/giờ. Ðể giải thích hiện tượng này, có người đã cho rằng chiếc máy bay nói trên đã chuyển qua một chiều không gian khác. Ông cũng hay nói các chiều Không gian của Thiền Định. Nó giống vậy không ông?

Bộ môn Sinh lý học của Y khoa nói rằng: Khi đứng trước các cảnh tượng bất ngờ gây mất tinh thần, sợ hãi, hoảng hốt … thì cơ thể con người sẽ tiết ra hóa chất Noradrenalin. Hóa chất này làm cho con người trở nên hung bạo hơn, liều lĩnh hơn, phiêu lưu hơn, can đảm hơn. Do đó, có người cho rằng hóa chất này cũng được tiết ra trong cơ thể của những người tu Thiền Định đó ông.

Ông Tổng Quản:

Trước nhất, cám ơn Cô đã tin vào tôi, chịu khó thực hành Thiền Định để đưa đến việc mở Đệ Tam Nhãn.

Những nghi vấn mà cô nêu ra ở trên rất là hợp lý. Nếu nói như cô, thì những ai hiểu biết về Sinh lý học, Vật lý học sẽ dễ dàng mở Con Mắt Thứ Ba. Nhưng trên thực tế, thì rõ ràng rằng không phải những người Tu Thiền Định thành công đều là những nhà Vật lý, Sinh học … Mà cho dù họ đúng là các nhà Vật lý hay Sinh học và chịu khó tu Thiền Định, thì cũng chưa chắc gì mở được Đệ Tam Nhãn. Lịch sử của Đệ Tam Nhãn đâu có ghi tên nhà Vật lý hay Sinh học nào đâu. Dường như việc mở Đệ Tam Nhãn, đòi hỏi rất nhiều yếu tố ngoài chuyện hóa chất như cô mới đề cập.

Tam Tiểu Thư:

Gì mà rắc rối vậy chứ? Ông nói thế thì đúng là bó tay. Ông không biết làm sao, mà lại đi bày cho tôi để mở Đệ Tam Nhãn, làm cho cuộc đời thêm mỏi mệt, thêm phức tạp. Đúng là “Lợi bất cập hại”. Thời gian đó, thay vì để cho tôi xem ti vi còn sướng hơn. Tôi thích xem chương trình Bước Nhảy Hoàn Vũ, Sao Mai Ðiểm Hẹn, nhất là Việt Nam Idol đó ông. Ngoài ra còn nhiều thú vui khác nữa. Nghe lời ông, bây giờ lại ngồi một mình ở trong phòng, bế lục căn, nhắm mắt, ngồi bất động tu thiền định … tôi thấy vô ích quá, tiêu phí cả một tuổi thanh xuân, ông thấy tôi nói có đúng không? Người ta nói đời là bể khổ, nhưng riêng tôi thì thấy đời có nhiều niềm vui mà ...

Ông Tổng Quản (cười dịu dàng):

Tam Tiểu Thư, cô hãy bình tĩnh nhé. Đã sanh ra trong kiếp người, thì cuộc đời mấy ai tránh khỏi tật bệnh, chết, già nua, nghèo, đói, thất học, sanh xuất cao, tử xuất cao, chiến tranh, thiên tai. Bên cạnh đó còn các loại phiền não, các loại ma nội tâm … Đó là cái khổ triền miên của con người ở bất cứ thời đại nào.

Ðệ Tam Nhãn không phải chỉ đơn giản là một công cụ để biết cái này cái kia, để thỏa mãn tò mò, để thỏa mãn lòng tự ái hay để che giấu mặc cảm tự ti. Nó là một công cụ giống như một cái đèn cực sáng - giúp xóa tan bóng tối của sự ngu dốt, làm tan đi ảo vọng của cuộc đời và mang lại sự hiểu biết chân chánh; là ý thức được tất cả mọi hiện tượng không có gì là bền vững, vạn vật luôn luôn biến đổi. Tất cả những điều này sẽ giúp đưa con người thoát ra khỏi vòng thập nhị nhân duyên của luân hồi sanh tử.

Tam Tiểu Thư:

Ông Tổng Quản, Ông trở thành Tu sĩ từ hồi nào vậy? Ông làm tôi kinh ngạc quá! Từ ngữ mà ông sử dụng mang màu sắc Tôn giáo, có lẽ Phật Giáo thì phải, à nó cũng giống như Ấn Độ giáo nữa. Lúc trước ông có học một trường Tôn giáo nào không vậy ông?

Ông Tổng Quản: 

Tam Tiểu Thư này, khoa học hiện đại, dù có hiện đại cách mấy cũng tự mình tạo ra hai rào cản. Hai rào cản này có lẽ đã hình thành cùng lúc với sự xuất hiện của con người từ thuở ban sơ, bình minh của lịch sử.

1. Chúng ta tự giam mình trong không gian ba chiều. Con người cũng biết là có những chiều không gian khác. Nhưng dù biết không gian có nhiều chiều mà lại không sử dụng được, thì biết cũng như không. Có lẽ điều tệ hại nhất là chúng ta còn tự quy ước rằng các Chiều không gian vuông góc với nhau. Người ta cố công tìm cách giải thích hiện tượng này và còn đổ lỗi đó là do cấu tạo Sinh học của bộ phận Tai trong và Não của con người.

2. Chúng ta tiếp thu thế giới tự nhiên qua quy luật Tư Duy Hình Thức. Người ta định nghĩa nó là chiếc cầu nối giữa Chủ Thể là: Con Người, và Đối Tượng là: Thế giới Tự nhiên Khách quan. Bốn Quy Luật Tư Duy gồm có:

   - Quy luật bài chung.
   - Quy luật đồng nhất.
   - Quy luật lý do đầy đủ.
   - Quy luật cấm mâu thuẫn.


Nếu chúng ta quan sát kỹ, thì hai trở ngại nói trên tương ứng với Thiền Vô Sắc. Hai rào cản này chính là đối thủ trực diện của:

   - Không Vô Biên Xứ.
   - Thức Vô Biên Xứ.


Vấn đề này đã được bộ môn Thiền Định giải quyết từ lâu, có lẽ từ 2.000 đến 3.000 năm về trước. Thật vậy, Thiền Vô Sắc đã có từ thời gian trước thời của Sakya Muni. Bản thân Sakya Muni cũng đã theo học Thiền Vô Sắc của những bậc Đạo sư đi trước. Cách tu Thiền Vô Sắc bao gồm Đối Tượng, tiến trình Kỹ Thuật, được trình bày một cách vô cùng kỹ lưỡng trong một số bộ Vi Diệu Pháp, Trung Bộ Kinh. Hiện nay, những tác phẩm này đã được thuyết minh bởi một số tác giả người Ðức, Anh, Pháp, Trung Quốc.

Các Khoa học gia cũng có đưa các giả thuyết về các vấn đề này. Nó thuộc lãnh vực của Vật Lý Lý Thuyết hiện đại, nhưng cũng chỉ là Lý thuyết mà thôi hay đúng hơn phải gọi là Giả thuyết; thế nhưng trên thực tế cũng chẳng ứng dụng vào được việc gì.

Có lẽ cái đáng sợ nhất trong cuộc sống là “Mình không biết cái điều mình không biết”.

Tam Tiểu Thư:

 Ông Tổng Quản, tôi thấy ông đổi màu như một con "Tắc Kè". Ông có thể nói lúc thì giống như một tu sĩ thứ thiệt, lúc thì biến thành nhà hùng biện, nhà vật lý lý thuyết. Nếu ông cho rằng các khoa học gia Tây phương bó tay về vấn đề này, vậy thì khoa học Ðông phương có thể giải quyết vấn đề này được không? Họ giải quyết bắt đầu từ đâu? Bằng cách nào?

Ông Tổng Quản:

Thì tôi đã nói với Tam Tiểu Thư nhiều lần rồi đó. Kỹ Thuật Thiền Định và việc mở Đệ Tam Nhãn, chính là chiếc chìa khóa cho vấn đề này.

Nhờ vào Kỹ Thuật Thiền Định và Đệ Tam Nhãn, một người bình thường đã tự mình lột xác, biến mình thành một Thực Thể khác, tự thay đổi cấu tạo Tinh thần cũng như Vật chất. Nói theo từ chuyên môn là thay đổi Tâm Sắc.

Có một Trường Phái Vi Diệu Pháp khác ngoài Trường Phái kinh điển (người ta cho rằng Trường Phái này đã có từ thuở Sakya Muni) đã phá vỡ quan điểm bảo thủ là Vô Ngã. Họ đưa ra Thuyết Nhân Thể (Pudgala). Theo thuyết này, thì các Thực Thể có một Linh hồn, Linh hồn này bất diệt trường tồn, tồn tại từ kiếp này qua kiếp khác. Tu Thiền Định có nghĩa là làm tăng hay giảm số lượng Tâm và Sắc.

Tam Tiểu Thư:

Tôi vẫn chưa hiểu nữa. Thay đổi Tâm và Sắc chính xác liên quan đến chuyện xuất hiện Con Mắt Thứ Ba như thế nào?

Ông Tổng Quản:

Nếu căn cứ vào Vi Diệu Pháp tạm gọi là truyền thống kinh điển, thì khi tu Thiền Định, chúng ta sử dụng một Đối Tượng để Quán Tưởng. Đối tượng này có thể là Vật Chất hoặc Tinh Thần. Với hai loại Đối tượng này, thì có hai ngã đi vào Luồng Tâm Thức của con người. Một là Ngũ Môn Hướng Tâm, hai là Ý Môn Hướng Tâm … Nếu tiến trình được xảy ra một cách thuận tiện, tích cực, lạc quan … thì Luồng Tâm Thức sẽ diễn tiến như sau: Chuẩn Bị, Cận Hành, Thuận Thứ, Chuyển Tánh, An Chỉ tâm. Chính tại giai đoạn An Chỉ Tâm này, các giác quan củaThực Thể ở trong trạng thái Thiền Định, được hình thành (theo Vi Diệu Pháp thì đây là hệ quả tất yếu). Và Con Mắt Thứ Ba là một trong những giác quan này.

Tam Tiểu Thư:

Ông có cách nào trình bày cho nó dễ hiểu không? Ông sử dụng quá nhiều lý thuyết, quá nhiều từ ngữ chuyên ngành nên khó hiểu quá à. Ông phải nghĩ ra cách nào chứ, ông phải làm sao cho tôi hiểu được! Tôi không thể nào hình dung ra được con mắt thứ 3, thứ 4 gì đó nó ra làm sao.

Ông Tổng Quản:

Tôi đã nghĩ ra cách để trình bày cho cô hiểu rồi. Mặc dù lối trình bày này không phải là chính xác, nhưng ít nhất nó cho cô một khái niệm, một ý niệm về cái nhìn của con mắt thứ 3 ở các cảnh giới khác với cảnh giới mà cô và tôi đang tồn tại. Thí dụ sau đây mà tôi sắp trình bày không phải là lạ lùng gì, mà khá phổ biến trong bộ môn vật lý. Mời Tam Tiểu Thư cùng quí độc giả vui lòng chú ý

Có một con kiến đang đi tìm một cục đường trên một mặt phẳng rộng vài cây số vuông. Trên mặt phẳng vài cây số vuông này, được trải một tấm ny lông trong suốt, giả thuyết là trong suốt tuyệt đối. Con kiến đang đi tìm cục đường được những con kiến đã đi tìm mồi về báo cho biết cự ly, hướng để tiến tới cục đường.

Bây giờ chúng ta hãy tưởng tượng, chúng ta là một người khổng lồ, có khả năng gấp mặt phẳng nylông trong suốt, trong đó có cục đường. Thế thì con kiến nhận được cục đường ngay lập tức. Nói một cách khác, công việc vừa làm ở trên, đã làm đảo lộn hiểu biết của con kiến về không gian và thời gian. Cụ thể là, đáng lẽ con kiến phải đi một thời gian rất lâu, một quãng đường rất dài, thì nay với 3 chiều không gian, mọi việc đều đảo lộn. Khi con kiến mang cục đường về tổ và kể lại cho bạn bè về hiện tượng nói trên, thì các bác học kiến giải thích là con kiến đi tìm cục đường đã rơi vào một trạng thái gọi là thay đổi chiều không gian, từ hai chiều thành ba chiều. Con người cũng chẳng khác gì. Khi chúng ta đi trên biển, khi chúng ta đi trên sa mạc, khi chúng ta đi ở trong một thành phố lớn xa lạ, chúng ta là một sinh vật 2 chiều. Không biết bao nhiêu người đã từng bị lạc đường khi đến những nơi không quen thuộc. Có người còn lạc đường rồi chết trên biển cả và sa mạc, vì rơi vào trạng thái không gian hai chiều không tìm thấy lối ra.

Tam Tiểu Thư còn nhớ, có lần chúng ta lái xe hơi ở thành phố Phan Thiết, đi tìm khách sạn mình đang ở, nhưng chẳng biết ở đâu. Mình đi lanh quanh riết xém bị cảnh sát phạt. Chợt cô nhớ ra máy định vị GPS. Khi khởi động máy, thì nhìn thấy khách sạn, chỉ cách mình có mấy chục thước ngay trước mặt. Chính nhờ máy định vị, mà con người hôm nay giữ được bản chất của mình là một sinh vật 3 chiều.

Chúng ta tự hỏi, nếu chiều không gian tăng lên nhiều hơn 3 chiều; thí dụ 4 chiều, 5 chiều, cho đến "N" chiều, hoặc "không" có chiều nào cả, thì việc gì sẽ xảy ra? Chắc quý độc giả còn nhớ, có một tài liệu cổ nào đó đã từng ghi “Ở nơi đó, không tới, không lui, không cao, không thấp, không sáng, không tối. không sanh, không diệt …”. Rõ ràng với công cụ Thiền Định, người xưa đã phát hiện ra những chiều Không gian, những Không gian khác …

Tam Tiểu Thư: 

Ông Tổng Quản ơi, nghe ông nói nhiều chữ “Không” làm tôi nhớ đến Bát Nhã Tâm Kinh đó. Tôi đọc ông nghe nha: “Này Xá Lợi Phất, Tướng Không của các Pháp không sanh, không diệt; không dơ, không sạch; không tăng không giảm …”. Tôi thích bài kinh này nhất đó ông. Hôm nào ông giải thích giúp tôi mấy chữ “không” này nhé! À tôi muốn hỏi ông là việc thay đổi chiều không gian khách quan, việc thay đổi chiều không gian chủ quan của một Thực Thể tu Thiền Định thì sẽ đưa đến hệ quả như thế nào? Những gì mà chúng ta quen gọi là một Tri Thức Luận lành mạnh, liệu giá trị của nó còn tồn tại trong những Không gian khác không ông? 

Ông Tổng Quản: 

Có lẽ ở nơi khác, một không gian mà chúng ta không thể khái niệm được, nó sẽ có những loại luận lý hình thức khác.

Ðệ Tam Nhãn chỉ mới ở cảnh Định Dục Giới, cũng đủ làm con người kinh ngạc, sở đắc về những kiến thức kỳ lạ, mà Con Người chưa từng trải nghiệm trong cuộc sống. Họ phát hiện ra có những thực thể sinh hoạt ở Cảnh giới khác, họ gặp những người đã chết rồi, có thể là thân nhân hoặc người xa lạ. Có những Thực Thể khá giống với con người, sinh hoạt ở dưới một chân núi có nhiều rừng cây, nhiều suối nước, họ khá giống với loài người, giới tính có Nam, có Nữ …

Con người chỉ là một dạng Thực Thể. Khoa học ngày hôm nay đang cố tìm ra sự hiện diện của những Con Người tương tự ở những hành tinh khác. Tuy nhiên sau bao nỗ lực tìm kiếm, họ cũng chẳng thấy nơi nào mà có những điều kiện sinh hoạt, điều kiện khí hậu, được cho là thuận lợi để phát triển sự sống. Mặt khác, khoảng cách của những hành tinh lại quá xa. Cho dù được tính bằng vận tốc ánh sáng, thì vận tốc ánh sáng cũng chẳng có nghĩa gì so với khoảng cách vũ trụ. Tệ hại hơn nữa, vận tốc giãn nở lại gia tăng chứ không chậm lại như con người dự đoán.

Có lẽ chỉ có Tâm con người là có vận tốc không giới hạn. Thật vậy, Tâm con người nằm ngoài Thời gian và Không gian.

Thiền Định có lẽ là Khoa học của ngày mai, Khoa học của Thông Tin Toàn Cảnh.

Tam Tiểu Thư: 

Ông Tổng Quản ơi, tôi sống bên ông từ nhỏ. Thế nhưng hôm nay, khi nghe ông nói chuyện, tôi rất bất ngờ về ông. Ông làm ơn mở cuốn Tạp Thư ra xem đi, hoặc là ông Nhập Định đi rồi nói cho tôi biết ông là ai được không ông … ?

Ông Tổng Quản mỉm cười, trầm ngâm nhìn ra cửa sổ. Gió thổi rì rào qua kẽ lá. Trăng thượng tuần đang chiếu sáng trên bầu trời đêm của núi rừng hùng vĩ cô tịch …

(còn tiếp) ...

0 nhận xét:

Post a Comment