Monday, May 26, 2014


Thiền định  đàn pháp Mạn Đà La Tây Tạng 


Trời cuối thu. Gió thổi từng cơn mang theo cái lạnh đầu Đông vào vùng rừng núi. Lá vàng rơi rụng. Bước chân của Sao Mai cùng HHN dẫm trên thảm lá xạc xào. Sao Mai co ro trong chiếc áo khoác xám bạc màu. Bầu trời mây mù giăng giăng …  

SAO MAI (cuộn chiếc khăn quàng vào quanh cổ, Cô lên tiếng):

À! Chị HHN ơi! Cho em hỏi là nếu bây giờ tôi muốn tập trung tu Thiền Định để mở Con Mắt Thứ Ba, thì em có phải chuẩn bị gì không? Ý em nói là em  nên tổ chức cuộc sống của em như thế nào hả chị?


HHN:

Nếu ai có ý định chọn việc tu Thiền Định là một công việc có tính cách chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp thì cần phải có sự chuẩn bị lâu dài. Cuốn sách Bảo Bối có kể nhiều kinh nghiệm cười ra nước mắt. Ví dụ như có một người phụ nữ buôn bán hạt xoàn ở Sài Gòn, khi phát tâm để tu theo một ông Thầy nào đó, người phụ nữ này mang tài sản ra cho hết, vì cho rằng đó là hành động phù hợp với khái niệm “Vô Thường, Vô Ngã” … Cuối cùng trở nên nghèo khó vì quá cực khổ, sống lang thang nay đây mai đó … và sống nhờ vào sự hảo tâm của những người bạn hữu của mình. Ðây là một trường hợp điển hình, có thể xảy ra cho bất cứ ai trong quá khứ, hiện tại và vị lai.

Dường như chẳng phải một mình Sakya Muni, mà còn rất nhiều Trường Phái khác đều chọn con đường Trung Dung, cũng chẳng nên hành thân hoại xác một cách vô ích, nhưng cũng không nên buông thả trong những dục lạc thấp hèn. Quan điểm này có lẽ thích hợp cho tất cả mọi người, cho những công dân bình thường nếu muốn sống yên ổn trong bất cứ một xã hội nào đó.

SAO MAI:

Nói thật với chị là tính em thích hoạt động, đi lại. Bây giờ bảo em ngồi xếp bằng tu thiền chắc rất là khó khăn. Tu thiền có phải ăn chay không hả chị?

HHN:

Người ta không thể ngờ được rằng Sakya Muni lại chu đáo đến vậy. Phải nói rằng Phật giáo là một Khoa học nhiều hơn là một Tôn giáo. Thật vậy, nhiều khoa học gia có ý nghĩ này. Những tài liệu của Phật giáo đã có cách đây nhiều ngàn năm đã đề cập đến vấn đề tập thể dục, gọi là Kinh Hành, không ngồi suốt ngày tu Thiền Định, khuyên con người phải tập thể dục là đi bộ. Lời tiên tri này được nhìn thấy khắp mọi nơi trên thế giới ở tiền bán thế kỷ 21. Đi đâu chúng ta cũng thấy người ta tập thể dục, đó là liều thuốc vạn năng, trị bách bệnh. Nếu ai đã từng tập thể dục, chạy, đi bộ … trong thời gian dài, thì thấy gần như mình không bao giờ bệnh cả. Như vậy, Sakya Muni còn là một nhà khoa học về ngành y. Ngài biết rõ máu huyết không lưu thông thì sanh ra bệnh. Thật vậy, khi chạy nhảy làm cho các cơ quan nội tạng hoạt động, máu huyết lưu thông, kể cả não.

Ở thế kỷ 21, điều tiên đoán của Sakya Muni lại trở nên chính xác khi đi đâu cũng thấy tiệm cơm Chay. Tóm lại, dân gian có một số tiêu chí cơ bản khuyến cáo người tu:

- Phải có tiền để sống.
- Phải có một phương pháp tu.
- Phải có một địa điểm để công phu.
- Phải có bạn, phải có giới thân cận tốt, kiểu như một diễn đàn sống.

Tất cả những tiêu chí đó gọi là: Pháp, Tài, Lữ, Ðịa. 

SAO MAI:

Chị biết không, em rất ấn tượng với các tu sĩ Tây Tạng. Em đã có dịp viếng thăm các tu sĩ này trong những cái Thất rất đơn sơ trên núi. Họ sống đơn giản lắm, gần như không có đồ đạc gì trong Thất cả. Cuốn sách Bửu Bối có biết gì về những người tu Thiền Định này không chị?

HHN:

Nếu người Âu Mỹ là bậc thầy của khoa học hiện đại thì người Tây Tạng là bậc Thầy của khoa Huyền Môn. Họ dầy dạn kinh nghiệm trong việc tu Thiền Định. Tất nhiên chuyện gì thì cũng có thật giả lẫn lộn. Điều này cũng rất là bình thường của bất cứ xã hội nào. Nếu chúng ta quan tâm tới góc cạnh tích cực thì cũng thấy nhiều kinh nghiệm để lại, nhiều tiêu chí, nhiều kỹ thuật đáng quan tâm. Họ đưa ra 6 tiêu chí gọi là cơ bản:

1. Mặc dù tự cho mình là Đốn Ngộ, nhưng họ có một kiểu Đốn Ngộ rất khác. Họ quan niệm rằng cần phải đọc nhiều sách vở, cần phải học hỏi rất nhiều kiến thức ở các vị Chân sư, sau đó tự mình thực tập. Chính qua quá trình thực tập họ sẽ đánh giá được phương pháp nào là tương thích với chính mình. Quan điểm tự do chọn lựa phương pháp, tự do lựa chọn vị Thầy là đặc trưng của nền văn hóa Tây Tạng.

2. Chỉ chọn một cách tập duy nhất sau khi đã kinh qua thực tế. Không tập nhiều thứ một lúc.

3. Lối sống giản dị bình thường, thái độ khiêm tốn, tuyệt đối không bao giờ làm mình nổi trội, nổi tiếng, trở nên vĩ đại trước đám đông. Nên có một cuộc sống bình dị, coi thường tất cả những vinh hoa phú quí của trần gian.

4. Bình thản trước tất cả những biến đổi của cuộc đời. Sống một cuộc đời như con Chó hay con Heo. Có cái gì ăn cái đó, không nên chọn lựa. Cũng chẳng cố chiếm đoạt hay né tránh. Ðón nhận một cách tự nhiên cái gì đến với mình, dù là giàu sang hay nghèo khó. Bình thản trước các lời khen chê. Ðừng phân biệt chánh tà, vinh nhục, thiện ác. Ðừng hối tiếc hay khổ đau những gì đã làm. Ðừng kiêu căng ngạo mạn.

5. Quán Tưởng Tham Thiền với tinh thần vô Chấp, đó là bản chất của sự vật, là cách thức hiện hữu của vạn pháp đa thù.

6. Những điều trình bày trên không thể nghỉ bàn, nó tương thích với tính Không của vạn vật.

Họ chỉ có một Kỹ Thuật duy nhất, dù các Trường Phái có khác nhau, đó là bài tập luyện tiên quyết: Tập trung tư tưởng một cách triệt để, tập trung tư tưởng mục đích để đánh bạt đi cái ý thức.


SAO MAI:

Hình như trước đây chị từng nói với em về Mạn Đà La gì đó khi nói về Kỹ Thuật tu của Tây Tạng thì phải. Chị có thể giải thích kỹ thêm cho em hiểu về vấn đề này không?! Em có thấy mấy cái vòng tròn Đàn Pháp nhưng chưa hiểu nhiều về Kỹ Thuật tu của họ.

HHN:

Đối tượng tập luyện đã được nhắc tới nhiều lần ở những bài viết trước, chắc chắn Sao Mai và quí độc giả còn nhớ là Dakini Yidam. Họ cho rằng nếu tập trung tư tưởng liên tục và cao độ thì chúng ta có thể kích hoạt được những nguồn năng lượng vốn có của thế giới tự nhiên hoạt động. Người ta tin rằng cách tập trung này có thể tạo ra những thực thể sống, đúng theo hình dáng có trong tư tưởng.

Như mọi người đều biết, Mật giáo Tây Tạng là biến thể của Phật Giáo. Đó là sự pha trộn với các tin ngưỡng vốn có của địa phương, do đó số Thần Linh vô cùng phong phú và đa dạng. Cụ thể là không ai dám đoán chắc là số lượng của các vị Thần hiện hữu trong các Đàn Pháp là bao nhiêu!

Tây Tạng là một trong những nhà phát minh ra Mandala, từ các hình thức đơn giản như các vòng tròn, cho đến những Đàn Pháp cực kỳ phức tạp: Chân ngôn, Ấn, Công năng … Tuy nhiên nếu xét cho cùng, thì đây cũng chỉ là một công cụ, một phương tiện, một đối tượng để Quán Tưởng trong lúc tu Thiền Định. Chính công cụ này làm cho các tu sĩ Tây Tạng nổi tiếng khắp thế giới và đồng thời các Đàn Pháp của họ cũng gây được sự tò mò chú ý của tất cả mọi người. Không thiếu gì những tài liệu chuyên đề nói về vấn đề Đàn Pháp của Tây Tạng. Chúng ta thử tìm hiểu Đàn Pháp thực sự có tác dụng như thế nào.

Thật vậy, nhờ vào các chi tiết quá phức tạp của Đàn Pháp phải thực hiện cùng một lúc, nên làm cho các giác quan của một người tu Thiền Định trở nên quá tải. Họ làm nhiều việc cùng lúc, nào là phải nhớ các Chân Ngôn bằng những từ ngữ kỳ lạ, đôi khi rất dài rất khó nhớ, có nghĩa là ý thức của con người phải tập trung cao độ để đưa trí nhớ về các từ ngữ kỳ lạ này từ tiềm thức lên ý thức. Công việc này hết sức là căng thẳng cho ý thức. Mặt khác, thính giác lại phải cố gắng nghe được âm thanh của các từ ngữ này. Đồng thời song song với việc này, thì thị giác phải hình dung ra được hình dáng như thật của cái Ấn mà mình đang kết. Chưa hết còn phải hình dung ra được từng chi tiết của Vị Chủ Chân Ngôn. 

Các giác quan của con người nếu phải làm những công việc như trên thì nó sẽ trở nên quá tải. Tất nhiên ý thức, dù không muốn cũng bị lu mờ đi vì gánh nặng nó đang chịu đựng. Công việc chưa dừng ở đây, kịch bản như vừa mô tả ở trên chưa chấm dứt, thì kịch bản mới, với những yếu tố mới: Chân Ngôn, Ấn, Công năng, ... lại bắt đầu. Do đó, việc làm mất đi ý thức bình thường của con người là việc tất yếu phải xảy ra. Nói một cách khác, con người rơi vào trạng thái Nhập Định một cách tự động, máy móc. Chẳng cần đòi hỏi một kiến thức khó khăn nào cả. Do đó, chúng ta thấy những vị nhập Thất cũng chẳng cần có tư chất thông minh hơn người. Thật vậy, các diễn tiến của Đàn Pháp đã trải qua ba cái Tâm cơ bản là: Ði tìm đối tượng "Tầm", duy trì việc đi tìm đối tượng "Tứ", chỉ có một cái tâm "Nhất Tâm". Ðây chính là những Tâm cơ bản, là nền móng của Kỹ Thuật Thiền Định mà Vi Diệu Pháp đã đề cập đến.

Phần trình bày này đối với những quí vị nào thực sự tu Thiền Định, thì sẽ thấy được sự lợi hại của nó và phát hiện ra tính chất tích cực của Đàn Pháp Tây Tạng. Chính trong việc định tâm một cách vững chắc của Đàn Pháp Tây Tạng sẽ dẫn đến An Chỉ Tâm. Đây chính là cơ sở của các khả năng tiên tri, thần giao cách cảm …

Nhờ vào An Chỉ Tâm do Đàn Pháp tạo ra, người tu Thiền Định sẽ có cấu tạo Tâm tương thích với những Cảnh Giới phù hợp với mình. Do đó họ gặp được các Vị Hộ mình, đây là một giai đoạn thay đổi quan trọng trong đời tu Thiền Định. Các Vị Hộ người tu Thiền Định sẽ chỉ bảo các Kỹ Thuật để cải tiến việc tu hành. Đó là một vị Thầy, một đồng nghiệp, một người bạn, thậm chí là một người bạn đời; nghĩa là người tu Thiền Định đã có một gia đình ở Cảnh Giới khác, không rắc rối như cảnh gia đình ở thế gian. Dù Mũ Đỏ hay Mũ Vàng, họ đều tôn trọng việc trì Giới, kỷ luật bản thân. Do đó họ không bị các Thực Thể nhập, như hay xảy ra tại Việt Nam. Tóm lại, họ đã tu theo đặc thù của Tây Tạng.

SAO MAI:


Trời lạnh quá chị HHN ơi, mình ghé vào Tĩnh Tâm Trà Quán uống ly trà nóng nhe chị. Chị phải uống thêm vitamin C nữa đó cho nó tăng sức đề kháng nhen!. Nếu chị mà bị cảm lạnh là khổ lắm đó.

0 nhận xét:

Post a Comment