Friday, March 21, 2014


Trên tinh thần tôn trọng Luận Lý Hình Thức, tôn trọng quý độc giả, chúng tôi sẽ nêu ra ba thí dụ, lối lý luận này là hình thức qui nạp. Tất nhiên loại lý luận này cũng có mặt tiêu cực, tích cực.

Thuở còn đi học, tôi quen một cô bạn gái, gia đình Công Giáo. Chú của cô là một vị Linh mục, đã có bảy chức, thuộc về dòng trí thức hay và mở trường dạy học. Mẹ của cô rất ghét vị Linh mục này vì cho ông là đạo đức giả. Cá nhân tôi nhận thấy ông ta rất bồn chồn, căng thẳng ...

Cô vợ tôi có một thân nhân rất gần, giới tính là nam, bị gia đình buộc đi tu từ khi còn nhỏ, ngày nay đã gần 80 tuổi, đại diện một trường phái của Việt Nam. Đối với người đời thì đó là một vị tăng đạo cao đức trọng. Nhưng theo tôi, vị này cả ngày ngồi đứng không yên, lúc nào cũng bứt rứt; có cơ hội là kể về cô bạn gái mà vị này đã quen (cách đây đã hơn nửa thế kỷ) y như cô bạn gái đang ngồi trước mặt.

Có một vị Ni Cô - chúng ta tạm gọi như vậy - tu khi chưa tới 20 tuổi đời ở một trường phái khổ hạnh, khá nổi tiếng tại miền Nam trước năm 1975, không tài sản, và chuyên ngủ ngồi. Chẳng bao lâu cô mở Huệ, biết quá khứ vị lai, khách sắp tới thì biết trước. Tất nhiên nhiều người kính nể vì khả năng, thực lực của cô. Nhưng từ khi vị sư phụ mất đi, cô gặp một vị gọi là sư huynh - tất nhiên là cũng tu - thì cô thay đổi hẳn, cô có những chuỗi cười kỳ lạ, nói năng huyên thuyên, không tự kiềm chế được. Dường như cô yêu vị sư huynh này! Lúc này vị Ni cô khoảng trên 40 tuổi, cô đã hoàn toàn đổi khác.

Qua 3 câu chuyện đời thường kể trên, chắc chắn sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn về sức mạnh thực sự của bản năng mà dù muốn hay không, ta vẫn phải chung sống với nó cho đến khi chết.

Như quý vị đã biết, Tâm Lý Học kinh viện đã dạy chúng ta rằng, bản năng khuynh hướng (Tendency), tính cách nghiêng chiều (Inclination), nguyên động lực thúc dục mãnh liệt (Promotor), hành động mù quáng: Chim di trú, Ong làm tổ, Cá Hồi lội ngược dòng quay về nguồn, Người sinh con ... chắc quý vị còn nhớ, thì bản năng bảo tồn là đứng đầu trong các bản năng:

- Bản năng sinh sản.
- Bản năng bảo tồn ...

Phân Tâm Học là chủ thuyết quan trọng của lịch sử con người. Nó được xếp ngang hàng với Thuyết Tương Đối, Thuyết Tiến Hóa, Thuyết Lượng Tử ... Sigmund Freud, cha đẻ ra lý thuyết này (hiện đang được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực, mang tính thực tiễn vì vậy cho phép chúng tôi gọi đó là chủ thuyết - doctrine), thì cho bản năng tình dục là quan trọng nhất. Ai cũng biết từ ngữ Libido, mặc cảm yêu cha ghét mẹ, yêu mẹ ghét cha, cuồng dâm (Sadisme), ẩn ức tình dục, giải thoát ẩn ức, tiềm thức ...

Đối với tác giả Alfred Adler thì cho rằng mặc cảm tự ti là mặc cảm chi phối toàn thể tâm lý con người. Quan hệ nam nữ chính là hành động thay thế (Acte de substitution) nói lên mặc cảm tự ti là muốn trở về nơi an toàn là bụng mẹ. Ngoài ra còn nhiều tác giả khác nữa cũng nói về vấn đề này. Vẫn theo Phân Tâm Học, bản năng tình dục có 2 lối thoát:

1. Thăng hoa (Sublimation).
2. Đồi trụy (Degradation).

Phân Tâm Học hay Tâm Lý Học đều cho ta thấy con người bình thường và bản năng cơ bản là không thể tách làm hai. Nhưng những tâm lý này Vi Diệu Pháp sắp vào loại Bất Thiện Tâm. Thật vậy, nếu thiếu nguyên động lực là bản năng như: Giữ gìn sự sống, tránh những gì có hại cho mình, bảo trì nòi giống ... thì con người không thể tồn tại, không thể phát triển giống nòi. Các sinh vật trên hành tinh này nói chung, dường như đã được Thượng đế chia cắt đồng đều bản năng này. 

Trên quan điểm đó, có lẽ tu hành theo bất cứ trường phái nào cũng đều là hành động chống lại chính mình. Thật vậy, nếu tất cả mọi người đều là khôn ngoan, giác ngộ ... thì ai sẽ làm công việc sản xuất, vận chuyển, giao thông, cung cấp điện nước ... và phấn đấu cho một viễn cảnh đầy hứa hẹn và đáng hy vọng? 

Câu trả lời là dành cho mỗi chúng ta. 

Còn các vĩ nhân tiêu biểu của các trường phái tu hành thì nghĩ gì về vấn đề này? Dường như người ta đều tránh một chủ thuyết cực đoan và hầu hết đều lựa chọn chủ thuyết ôn hòa. Thí dụ:

Sakya Muni với con đường Trung Đạo.
Khổng Tử với thuyết Trung Dung.

Có thật là:
"Kẻ thù lớn nhất trong đời là chính mình" không? Hay 
"Ngu dốt lớn nhất trong đời là nói dối, nhất là nói dối chính mình" mới là câu phát biểu đúng? Quyền lựa chọn là của chúng ta.

QUAN SÁT THỰC TẾ QUA TIẾN TRÌNH THIỀN ĐỊNH:

Dường như đối với bất cứ người nào thực hành Thiền Định thật sự, đều biết đến những loại Tâm gây trở ngại là: Sân hận, Tham dục, Hôn trầm, Phóng Tâm và Hoài nghi. Truyền thống Phật Giáo sắp những loại Tâm trên là Bất Thiện Tâm. Như quý vị đã đọc ở phần trên, nó thuộc về bản năng và nó chính là bạn là tôi. Chống lại nó, là chống lại chính mình. Nếu ta dùng sức mạnh tâm lý để đè nén nó vì nhân danh đạo đức, nhân danh Tôn Giáo ... đều đưa đến trạng thái mà Phân Tâm Học gọi là ẩn ức (Refoulement). Theo Phân Tâm Học trạng thái này có thể làm cho người ta bị điên. Do đó, công tác tư tưởng, là mình giải thích cho chính mình để hiểu được một cách thông suốt, không bị dồn nén mới tránh được hệ quả trên.

Có thể tự giải thích cho chính mình như thế này: Tôi biết rằng tôi đang chống lại tôi, một kịch bản đầy tính chất bi đát, tôi phải tự biết rằng cuộc sống này không trường tồn, hạnh phúc không trường tồn ... tôi là người nên tôi sẽ phải chết. Vậy thì tiếc gì những thứ không cần thiết, tôi phải cố gắng lên để có một ngày mai tốt đẹp hơn.

Đây là cái khó khăn của lúc Cận Định, Nhập Định v.v... đây là khó khăn lúc chúng ta khi còn đang loanh quanh ở những cảnh Dục Giới. Ở cảnh Dục Giới này, có thể có người lầm tưởng là mình đã bước qua ngưỡng cửa của Nhập Định.

Có ít nhất một tín hiệu báo động cho chúng ta để nhận ra đó không phải là trạng thái Nhập Định, đặc biệt là tín hiệu về ái dục và các đối tượng của giác quan.

Một khi bạn thực sự ở cảnh Sơ Thiền Hữu Sắc, thì những trở ngại ở cảnh Dục Giới không còn nữa và ta có thể nói: Gánh nặng của những Tâm Dục Giới từ nay khép lại. Thân nhẹ nhàng như nước chảy, mây trôi ...



0 nhận xét:

Post a Comment