Thursday, March 27, 2014


Vịnh Tam Tạng quét Lôi Âm Tự

Lúc đến Lôi Âm đã quá chiều,
Phật, Yêu, Tiên, Thánh ... phái Vô chiêu,
Vô chiêu, hữu sắc  tay đành bó,
Tiến thoái lưỡng nan lúc xế chiều.

Thiền Định không phải là đặc sản duy nhất của trường phái Sakya Muni. Ai trong chúng ta cũng biết nó có trước thời của Sakya Muni từ lâu lắm rồi.

Nhân loại đã từng sử dụng kỹ thuật này ở khắp nơi trên thế giới và cho nhiều mục đích khác nhau. Vì vậy, nếu có ai đó cho rằng chỉ có Thiền Định của trường phái Phật Giáo là chính thống và chân chánh, thì điều này cũng cần suy xét lại cho chính xác. Lịch sử nhân loại nói chung và lịch sử các bộ môn học thuật nói riêng là một tiến trình biện chứng. Kiến thức, Kỹ thuật, Tôn giáo … là một “Melting pot” .

Thiền Định là một vườn hoa có nhiều chủng loại, nhiều màu sắc; trong đó “mỗi hoa một vẻ, mười phân vẹn mười”. Vấn đề đẹp xấu trên thực tế chỉ là quan điểm chủ quan của một cá nhân hay một tập thể trong một thời đại nào đó mà thôi. Mặc dù vậy, bản chất của Thẩm Mỹ Học là có thật, chỉ khác nhau về hình thức biểu hiện.

Trong những bài viết trước, HHN đã cống hiến quý độc giả về vấn đề Nhập Định. Quý vị nào thực sự đã Nhập Định được, biết về mùi vị và trạng thái Nhập Định, thì thấy vài chục trang giấy trên hình như là chưa đủ. Nó còn thiếu và thiếu nhiều lắm. Rất mong quý độc giả hoan hỉ lượng thứ. Tất nhiên là đối với quý độc giả không quan tâm, không thích thú đến vấn đề này, thì sẽ thấy nó quá thừa; “bàn mỗi chuyện Nhập Định mà kéo dài đến mấy mươi trang giấy”.

Cuộc hành trình đến Lôi Âm Tự phải tính bằng năm, bằng nhiều năm hoặc nhiều kiếp người mà chưa chắc đã tới được. Lý do để giải thích cho khó khăn này rất dễ hiểu. Đó là vì “Lôi Âm Tự” nằm ngay trong Tâm của chính bạn và tôi, mà Tâm lại là cái gì xa lạ với mọi người. Thậm chí có người cả đời cũng chẳng có cơ hội nghe nói hay biết về Tâm là gì. Bộ môn Tâm Thần Học thì quan niệm tâm cũng quan trọng như não, tim, bao tử (Manuel de spychiatrie - Payot Paris: “L’âme fait autant partie de l’eâtre humain que le coeur, le cerveau ou l’estomac”).

Tôn Hành Giả - biểu tượng của Trí Tuệ - có khuyên Tam Tạng không nên vào chùa Lôi Âm quét rác nhưng Tam Tạng lại không nghe, nhất định tìm Lôi Âm Tự ở cảnh thế gian Dục Giới!

Do đó khi Nhập Định được thì có nghĩa là chúng ta đã bước ra khỏi ngưỡng cửa của cửa khẩu thế giới con người. Đến đây thiết tưởng chúng ta cũng nên nhắc lại về vấn đề Nhập Định một cách cụ thể hơn như sau: Nhập định là sử dụng một loại kỹ thuật nào đó để làm mất đi ý thức một cách tạm thời. Nếu quan niệm như vậy, thì giấc ngủ được coi như một loại Nhập Định thụ động. Mặc dù khi ngủ người ta hoàn toàn mất đi ý thức, nhưng nếu tự quan sát cấu tạo Tâm khi ngủ sẽ thấy cấu tạo Tâm Dục Giới vẫn còn nguyên vẹn. Hay nói một cách khác, tâm lý chúng ta không đổi, tâm tánh, kiến thức suy nghĩ vẫn giống như vậy. Mình vẫn thấy mình là mình v.v...

Trạng thái cấu tạo Tâm của Thiền Định lúc đầu cũng có cùng một cơ sở. Ban đầu, khi Nhập Định, ý thức bị mất đi nhưng cấu tạo Tâm chưa khác biệt với lúc có ý thức là bao nhiêu. Sau đó số lượng Tâm sẽ giảm đi từ từ. Chính vì vậy người ta thường nói: Người làm sao của chiêm bao làm vậy”.

Khi vừa ra khỏi cảnh thế gian Dục Giới, sẽ có quá nhiều hướng đi và chọn lựa. Chúng ta bối rối không biết phải làm sao vì chúng ta hoàn toàn thiếu kinh nghiệm về loại công việc này.

I. THIỀN ĐỐN NGỘ:

Ở Việt Nam, chúng ta thường nghe về truyền thuyết kể rằng có ai đó chỉ nghe một tiếng "thét", bị một cái "đánh" hay nghe một câu nói liền Ngộ, Giác Ngộ và tức khắc thành … Phật. Có ai trong chúng ta được hân hạnh thực sự biết đến trường hợp nào như vậy chăng? Thực tế chúng ta hay gặp chuyện hoàn toàn ngược lại. Có một vị sau khi tu thiền hàng chục năm đã tâm sự: “Thấy mình như đi trong một ống cống tối đen”.

Truyền thống Tây Tạng cho chúng ta biết gì về vấn đề này?

Nếu nói về khoa học tự nhiên hay khoa học nhân văn, thì khi đi học dù ở Việt Nam hay ở nước ngoài, từ mẫu giáo cho đến tiến sĩ, tất cả những kiến thức này đều là sản phẩm trí tuệ của phương Tây. Chẳng có cái gì là của Châu Á hay Việt Nam cả. Thậm chí ngay cả chữ viết của chúng ta cũng là chữ La Tinh.

Nhưng với khoa học tạm gọi là Huyền Môn, Tâm Linh thì hoàn toàn đảo ngược. Chỉ riêng chữ ý thức, thì người Tây Tạng có đến 12 từ ngữ khác nhau. Người Tây Tạng xa lạ với từ ngữ phép lạ vì đối với họ thì phép lạ là một cái gì đó rất bình thường, thậm chí họ còn dùng nó để tạo ra mưa phục vụ nông nghiệp, hay coi đó như một nghề kiếm sống. Thiền Đốn Ngộ thực sự được người tu ở Tây Tạng thực hành trong nhiều năm. Những người này sống một mình trong căn phòng nhỏ xíu không có đồ đạc gì cả ở trên triền núi. 


Nhóm HHN đã có cơ hội gặp một vị tu theo cách này được 17 năm, thấy ông rất vui vẻ và bình thường khi đón tiếp nhóm. Alexandra David Ne’el là một học giả người Pháp, sống ở Tây Tạng và cả đời nghiên cứu về Tây Tạng. Người Tây Tạng gọi bà là “Hoa Sen Trắng”. Bà kể rằng có rất nhiều người ở Tây Tạng tu theo kiểu Thiền Đốn Ngộ như thế này cho đến lúc chết.

Với phần trình bày ở trên, không có nghĩa là nhóm
HHN phủ nhận không có trường hợp ngoại lệ. Rất có thể có những người thành công với Thiền Đốn Ngộ mà chúng ta chưa phát hiện ra. Riêng ở Việt Nam, nhóm HHN đã đi nhiều nơi trong nhiều năm, nhưng chưa bao giờ gặp được những trường hợp như người ta thường đồn đại. Thực tế, khi có dịp trao đổi với những vị sống trong Tịnh Thất theo cách nào đó, thì dường như những vị này rất dồn nén về tâm sinh lý. Để thử nghiệm, bản thân HHN đã từng sống nhiều tháng trong 1 cái cốc ở trong rừng. Nếu nhận xét này không đúng, mong quý độc giả tham gia đóng góp.

Để làm sáng tỏ thêm về vấn đề này; Nhóm
HHN xin đóng góp thêm một số thông tin. Thật vậy, những vấn đề liên quan đến Thiền Định thường có quá nhiều thông tin trái ngược nhau, thậm chí là trong cùng một trường phái. Điều này có thể do những lý do sau đây:

1. Ấn Độ không ghi lại lịch sử. Trong tác phẩm “L’etat actuel des etudes Boudiques”, tác giả Demie' Ville cho biết Ấn Độ không có sử. Như mọi người đều biết, thời của Sakya Muni không có chữ viết, kể cả vài trăm năm sau đó.

2. Tác giả Thích Minh Châu cho rằng trong những tài liệu của Phật Giáo truyền thống, có thể có những tài liệu ngụy tạo.

3. Một thực tế là người ta bàn về lý thuyết chỉ dựa vào các tài liệu, nên những cuộc tranh luận sẽ là bất tận.

4. Ngược lại, cho dù tu theo trường phái khác nhau, nhưng nếu thực sự thực hành thì họ dường như sẽ có những thành tích, những kết quả hoặc những khó khăn trở ngại giống nhau. Đây là chuyện mà những vị chỉ ngồi bàn về lý thuyết không ngờ tới.

5. Thật vậy, dù tu theo bất cứ trường phái nào, bất cứ ở đâu, dù là Việt Nam hay Tây Tạng, thì những người thực hành thường trao đổi với nhau về những biến cố xảy ra cho người tu Thiền Định như: Gặp người quen người lạ, nghe tiếng nổ bên tai, tiếng nổ trên đỉnh đầu, ngửi thấy mùi thơm, gặp những người Nam, người Nữ, những Vị theo hộ mình thuộc Cảnh Giới nào chưa rõ. Rất có thể đó là những Vị mà người tây tạng gọi là DAKINI, YIDAM. Nếu căn cứ vào chuẩn mực của Vi Diệu Pháp để tìm hiểu về nguồn gốc, thì có lẽ những vị này thuộc về Cảnh Thiên của Dục Giới. Ngoài ra người tu Thiền Định còn có thể gặp rất nhiều những biến cố khác.

Đọc đến đây, rất có thể có nhiều quý độc giả không ngờ rằng có nhiều người tu Thiền Định có những diễn tiến và những biến cố khá giống với mình. Mình không phải là người cô độc “... Buồn ơi ta đang lẻ loi! ...” thuộc dạng “độc cô cầu bại”.

II. ĐỊNH VÔ TƯỞNG:


Khi đề cập Định Vô Tưởng trong trường phái truyền thống của Phật Giáo, chắc có nhiều quý độc giả không đồng ý và cũng có quý độc giả không ngờ rằng Định Vô Tưởng cũng có mặt trong Phật giáo.

Chắc chúng ta còn nhớ rằng có hệ Phật Giáo quan niệm như sau: để tu Giải Thoát, nếu ta không tạo ra Nhân thì sẽ không có Quả. Đây là một cách cắt đứt vòng Sinh Tử Luân Hồi vô cùng dễ dàng và đơn giản, không đòi hỏi kỹ thuật cao siêu nào cả. Theo một số tập Luận thì vô hình chung đây lại là một loại TƯỞNG. Chúng ta cần để ý rằng từ ngữ Tưởng của Phật Giáo có nghĩa là Biết và Phân biệt. Không phân biệt Chủ Thể và Đối Tượng là quan điểm nghiêng về chủ thuyết Duy Vô TưởngĐịnh; có nghĩa là loại bỏ hoàn hoàn sự phân biệt Chủ Thể và Đối Tượng. Từ đó chúng ta có thể suy ra rằng:

 
- Vô Sở Hữu Xứ và Phi Phi Tưởng Xứ chính là một dạng Vô Tưởng Định.

- Đây là quan điểm của Tam Pháp Độ Luận (Tridarmakasastra). Nếu xét trên quan điểm này, thì những vị đạo sĩ Trung Hoa thuộc trường phái Lão Tử cũng tu theo Định Vô Tưởng. “Ngã quan kỳ phục” có nghĩa là ta xét cái chỗ trở về của Đạo. “Phục quy ư phác” nghĩa là trở về cái chỗ chất phác. Rõ ràng đó là tư tưởng không phân biệt Chủ Thể và Đối Tượng. Vì trở về với Đạo là một, là nguồn gốc của vạn vật. Cách làm như thế nào? Câu trả lời là: Hãy thực nghiệm mọi Tâm bằng tri giác Tâm Linh.

Nếu xét Vô Tưởng Định theo quan điểm nêu trên, thì rất nhiều trường phái của con người tu theo loại định này. Trường phái Vô Vi Việt Nam thì có quan niệm trở về với Đại Ngã (Tiểu ngã và Đại ngã hợp nhất). Mật giáo Tây Tạng thì tu sĩ giao phối với
DAKINI hợp nhất làm một. Việc thể hiện tuy có khác nhau nhưng mục đích thì giống nhau là xóa mờ đi ranh giới giữa chủ thể (là người ta) và đối tượng (là một vị nào đó được nhân cách hóa).



0 nhận xét:

Post a Comment