Thursday, March 20, 2014




Samasamadhi:
Tiếng Việt Nam thường dịch ra là Chánh Định.

- Raja Yoga và trường phái Phật Giáo cùng chia sẻ 1 định nghĩa: "Tư cách chú Tâm vào một vật duy nhất".

- Thật ra, đây là một kỹ thuật điển hình kinh điển và hàn lâm. Nhưng thực tế, ít ai quan tâm tới lối tập này, người ta hay chọn những lối tập hoàn toàn khác hẳn.

- Mục đích của trường phái Phật Giáo là Giải Thoát. Do đó, các Tâm của Thiền Định phải là Thiện Tâm, chứ không thể là Bất Thiện Tâm hay Vô Nhân Tâm. Chính xác là Thiện Tâm Duy Tác. Để hiểu rõ vấn đề này, xin quý độc giả vui lòng tham khảo thêm tài liệu Vi Diệu Pháp.
Rất nhiều người cho là muốn Thiền Định thì cần phải buông xả hết, thậm chí kiến thức cũng được xem là một trở ngại. Thế nhưng truyền thống Phật Giáo, Raja Yoga có đồng quan điểm cho là:
"Thiếu sót lớn nhất trong đời là thiếu hiểu biết
"Tài sản lớn nhất trong đời chính là sự hiểu biết". 


Loại Thiền Định được trình bày trong bài này đòi hỏi người có ý định tập luyện phải hiểu rất rõ về các loại Tâm. Sau đó, cần phải nhớ một số các loại Tâm thường gặp. Trên cơ sở này, người tập Thiền sẽ sử dụng kỹ thuật nghiệp vụ Thiền Định để làm chủ, điều khiển Luồng Tâm Thức hướng về mục đích mà mình muốn đạt được.

Chúng ta hãy quan sát và so sánh Luồng Tâm Thức của một người bình thường không điều khiển được với Luồng Tâm Thức của một người Thiền Định điều khiển được.

- Người bình thường: Trong 1 thời gian T, có 3 Tâm nổi lên và chìm xuống.
- Người Thiền Định: Trong 1 thời gian T, có 1 Tâm nổi lên và không chìm xuống.Được gọi là An Chỉ Tâm.

Để đạt được đường biểu diễn của người Thiền Định, chúng ta sẽ thực hiện các bước nêu sau:

1. Chọn 1 vị thế để tập luyện: Vị thế phù hợp với mình, không kiểu cọ nặng về hình thức. Chúng ta nên để ý, không có một vị thế nào thích hợp cho mọi người và mọi lúc. Làm sao để kiểm tra một vị thế được gọi là tốt cho chính mình? Câu trả lời là chúng ta chọn bất cứ vị thế nào, ở trong tư thế đó mình có thể ngủ được mà không đổ gục. Việc cố gắng để ngồi cho thật thẳng và cho rằng xương sống sẽ thẳng với tư thế này chỉ là một ảo giác. Môn cơ thể học y khoa cho biết xương sống có hình cong.

2. Chọn 1 vật làm đối tượng để quan sát: Đối tượng có thể là bông hoa, hình tượng tôn giáo, 1 viên bi có màu thích hợp ... Tuy vậy, còn một lối chọn lựa nữa, không chính thống, đi ra ngoài truyền thống Vi Diệu Pháp, nhưng thực tế lại tỏ ra rất hiệu quả trong việc tu Thiền Định. Ấy là các loại Đàn Pháp mà các Lạt Ma Tây Tạng nổi tiếng khắp thế giới dùng để Quán Tưởng.

Đàn Pháp có 2 cái lợi: 
* Thứ nhất: Đàn pháp là một đối tượng phức tạp, do đó muốn đạt đến Nhất Tâm cao thì 2 yếu tố Tầm  Tứ phải hết sức mãnh liệt. 
* Thứ hai: Là tạo ra sự dung thông vô ngại giữa hành giả và các bậc giác ngộ. Việc chọn lựa đối tượng xin dành cho quý độc giả.

3. Chú tâm nhìn vào đối tượng: Sau đó nhắm mắt lại, Tâm này người ta gọi làTầm, từ ngữ này tương đương với từ ngữ tâm lý học là chú ý. Xin phép được nhắc lại cùng quý độc giả là Tâm lý học cho biết chúng ta chú ý vì những lý do sau đây: Cái gì mạnh, cái gì lạ, cái gì có lợi cho mình và cái gì mình thích. Căn cứ vào Tâm lý học, quý độc giả cân nhắc về việc chọn đối tượng. Tiếp theo gọi là Tứ, chữ này có nghĩa là liên tục chú ý đến đối tượng.

4. Nếu thực hiện được việc Tầm  Tứ: Thì khả năng tâm sẽ đứng yên, gọi là An Chỉ Tâm, nghĩa là Tâm bằng phẳng yên lặng.

Bây giờ chúng ta hãy thử mô tả tiến trình thực sự của một người Nhập Định:

Có lẽ, rất nhiều quý độc giả quan tâm tới phần này, kể cả người đã từng Nhập Định và những người chưa hề Nhập Định bao giờ. Những gì chúng tôi sắp trình bày sau đây chỉ là một loại Định cạn cợt, hay nhiều lắm, là Sơ Thiền Hữu Sắc. Tưởng nên nhắc lại, loài người chúng ta, ở trong Cõi thấp nhất của bảy cảnh Thiên, đặc điểm của cảnh Thiên là có Nam và Nữ, vẫn có những thú vui của các giác quan. Do đó, khi Nhập Định gặp những vị này, chúng ta phải hiểu ngay, là chúng ta đang ở cảnh Thiên, chứ đừng lầm tưởng là Sơ Thiền Hữu Sắc. Sơ Thiền Hữu Sắc, không có Nam Nữ, không có thú vui của Dục Giới, quang cảnh phẳng lặng yên bình, thanh tịnh dịu mát.

- Thời gian để Nhập Định được, theo các công cuộc khảo cứu thì mất đến 20 phút cho đến 2 giờ. Thực tế thì điều này tùy thuộc rất nhiều vào khả năng, định lực của từng cá nhân.

- Trước khi Nhập Định, nhất là đối với người sơ cơ, tâm lý trở nên hỗn loạn. 

- Sau đó, có thể bị mất ý thức, bị mê đi, tùy thuộc vào từng người. Nhưng một khi định lực trở nên mạnh mẽ, thì việc hôn trầm không còn nữa. Điều này quý độc giả nào từng trải qua sẽ hiểu rất rõ. Tình trạng mất ý thức kéo dài bao nhiêu lâu cũng như trên đã trình bày, nó tùy thuộc vào Định Lực. 

- Thế rồi, bỗng nhiên mình thấy con người mất trọng lực, không còn biết phương hướng, tâm lý phẳng lặng. Nó giống như một khoảng trống không gian không có cái gì ở trong cả. Chúng ta mất ý thức về thời gian, các nhu cầu vật chất và tinh thần không còn hiện hữu, món nợ lớn nhất trong đời là tình cảm là thân nhân cũng mất hoàn toàn ra khỏi ý thức. 

- Nếu người tu tập còn đủ bình tĩnh và sáng suốt thì thấy hai cái Tâm của Thiền Định là: Nhất Tâm  Lạc hiện hữu rất rõ ràng. Thường thường vì Tâm Hỷ là vui mừng, làm chúng ta mất bình tĩnh, nên không tự quán xét được.

Trạng thái Nhập Định là một trạng thái xa lạ, đúng hơn là kỳ lạ đối với con người bình thường, nên chúng ta rất bỡ ngỡ, lạc lõng, mất phương hướng, thường không tự chủ được. Giống như trong giấc mơ, chúng ta không tự chủ được, nên mới sanh ra ác mộng. Ở trạng thái Thiền Định chúng ta rất yếu đuối, bị cuốn đi trong làn gió như một chiếc lá, dù rất muốn tự chủ, nhưng không tự chủ được, chúng ta lang thang không mục đích, đến một nơi vô định ... hiện tượng này cũng rất giống với người Cận Tử, thế rồi bỗng nhiên ta Xuất Định, vì Định Lực đã hết, cũng giống như một chiếc xe hết xăng. Phải tập nhiều năm, tất nhiên là tùy từng người, chúng ta mới tự làm chủ được.

Thiền Định còn có một cảm giác khó có thể tả được, một cảm giác không thể cho là xúc giác hay ý thức. Cảm giác này là sự dễ chịu, hạnh phúc về tinh thần lẫn thể chất. Y học giải thích là trong trạng thái Nhập Định, bộ não con người đã tiết ra một loại hóa chất tương tự như một loại thuốc phiện.


Hệ quả của việc Nhập Định tất nhiên là sự chuyển đổi của Tâm và Cảnh Giới. Do đó, người tu Thiền Định hay gặp các Thực Thể ở rất nhiều Cõi giới khác nhau. Mặt khác, vì cấu tạo Tâm của người tu Thiền Định, trong lúc Nhập Định (chúng ta nên để ý chỉ ở trong lúc Nhập Định mà thôi) hoàn toàn khác hẳn. Họ trở thành một con người khác. Do đó, họ có những giác quan khác, nên trình độ hiểu, biết khác hẳn lúc bình thường. Đầu tiên, người ta sẽ cảm thấy vui vui, kèm theo lo sợ, vì không biết tại sao mình lại biết trước những việc sẽ xảy ra. Thật ra, đây là một dấu ấn quan trọng, một tín hiệu lạc quan, báo cho mình biết là thành quả đã đạt được do công lao chính mình bỏ ra. 

Với sự hiểu biết về nền tảng của Tâm và có kỹ thuật tốt, nhập Chánh Định thành công là một hy vọng, một vùng đất hứa cho tất cả mọi người.




0 nhận xét:

Post a Comment