Friday, March 14, 2014


Sao Mai says:

Chào chị HHN!

Thưa chị ! Đầu đề này có quá nhiều từ ngữ chuyên ngành bằng tiếng nước ngoài, em mong chị giải thích để mọi người có thể hiểu rõ hơn. Em cũng hiểu nỗi khó khăn của chị, vì nhiều từ ngữ chuyên ngành không có từ ngữ chuyên môn bằng tiếng Việt Nam tương đương.

HHN says:

Vâng! Chị sẽ làm theo yêu cầu của em, yêu cầu này tất nhiên là chính đáng. Topographie có nghĩa là: mô tả chính xác và chi tiết một nơi đặc biệt nào đó. Das ich: cái tôi, trong bộ máy tâm lý của con người. Theo phân tâm học, thì đó là sự tập hợp của ba cái tôi. Cái tôi Das es (tiếng Đức) - là cái tôi mang tính chất bẩm sinh, mô tả việc muốn thỏa mãn các yêu cầu  của mình. Cái tôi Das ich: là cái tôi nằm ở khu vực ý thức (khác với cái tôi Das es nằm ở khu vực vô ý thức). Cái tôi này mang tính chất hợp lý, dung hòa nhu cầu của cái tôi Das es và cái tôi siêu ngã (uber ich). Cái tôi Das ich có một tính chất đặc biệt và quan trọng nhất là: tự bảo vệ sự tồn tại của một cá thể nào đó trước những sự đe dọa hay có thể bị đe dọa đến sự tồn tại của một cá thể. Chúng ta rất cần phải hiểu bản năng cái tôi này. Trên cơ sở này, chúng ta sẽ hiểu vị Phật A Di Đà đã đáp ứng bản năng cái tôi ra sao. Cũng từ đây, chúng ta phát hiện ra trường phái Phật giáo nguyên thủy không đáp ứng được yêu cầu này của bản năng cái tôi.

Sao Mai says:

Mặc dù chị có giải thích. Tuy nhiên, đây là những kiến thức chuyên ngành và tất nhiên nó đòi hỏi phải có thời gian để tiếp thu và chuyển hóa. Kể cả đến ngày hôm nay, những bộ môn khoa học này dường như vẫn còn rất xa lạ với hầu hết mọi người. Thậm chí đối với cả giới y khoa.

Theo em hiểu, nói đến hệ phái Tịnh Độ là làm người ta liên tưởng tới Vị Phật  A Di Đà. Cách tu tập khá đơn giản, chỉ gồm có 3 chữ A Di Đà; hay 4 chữ A Di Đà Phật; hoặc đọc 6 từ là: Nam mô A Di Đà Phật; cùng 48 lời nguyện, với một đất nước cực lạc như một vùng đất hứa.

          Nếu chủ thuyết này quá đơn giản như vậy thì làm sao lại có thể hấp dẫn rất nhiều người; tồn tại cùng lịch sử của nhân loại và phát triển cho đến ngày hôm nay? Trong khi Phật giáo nguyên thủy mà chúng ta không thể phủ nhận là một chủ thuyết uyên bác, đầy tính chất hàn lâm, luận cứ chặt chẽ lại từ từ bị thu nhỏ lại. Thậm chí ngày hôm nay dường như biến mất ra khỏi sân chơi của trường phái Phật giáo.

HHN says:

Điều em vừa trình bày đến đã phản ảnh ít nhiều thực trạng của trường phái này, ít nhất là trong cộng đồng người Việt Nam. Chắc chắn trường phái này phải có cái gì đó đáp ứng được nhu cầu nào đó, nên nó tồn tại và phát triển như hôm nay mà mọi người đều biết đến.

Để tìm hiểu về chủ đề nói trên, chúng ta thử vận dụng một số trường phái phân tâm học và tâm thần học. Và để bắt đầu, chúng ta tìm hiểu hai vấn đề nêu sau:

-         Mặc cảm tự ti
-         Sự sợ hãi.

Theo chủ thuyết của chuyên gia Alfred Adler, thì con người bẩm sinh đã chứa đựng tình cảm tự ti - cụ thể là mặc cảm tự ti. Chúng ta tự ti từ vật chất cho đến tinh thần - nếu mang ra so với tiêu chuẩn bình thường về lượng cũng như về phẩm (hay còn gọi là chất).

Chúng ta có khuynh hướng bẩm sinh là trung hòa khuyết điểm này. Thiên tài là kết quả thực sự của việc vượt qua chính sự yếu kém của mình. Chúng ta sử dụng một cách có tính toán những chiến thuật để gia tăng khả năng và giá trị của bản thân. Vẫn theo chuyên gia phân tâm học Alfred Adler thì những tình cảm tự ti đã gắn kết với thân phận con người. Hễ sinh ra làm người là có nghĩa  chúng ta đã có sẵn những mặc cảm tự ti. Chúng ta liên tục tìm cách để chiến thắng chính bản thân mình; chiến đấu để tự bảo vệ mình,  và để tạo ra sự cân bằng tinh thần và vật chất. Chúng ta nỗ lực hướng về việc hoàn thiện chính mình. Có lẽ định luật cơ bản của cuộc sống là: chiến thắng những sai sót hay thiếu sót của chính bản thân mình. Cuộc sống có thể được coi như là một cuộc chiến hướng về mục đích thích ứng với những yêu cầu của thế giới tự nhiên. Với mặc cảm tự ti như vậy, con người tìm cách để vượt qua những yếu kém bằng cách tạo ra cho mình một lý tưởng không tưởng (un ideal utopique) và không thực hiện được.

Con người sử dụng những kỷ thuật nào để bù đắp vào mặc cảm tự ti ?

Những tình cảm tự ti, vô khả năng, đầu óc chật hẹp, sự yếu đuối, phân vân… đòi hỏi phải có sự bù đắp. Nó được thực hiện dưới hình thức “Tối đa hóa về ý thức cái tôi” (maximisation de la conscience du moi) để vượt qua những người khác. Khát vọng này của con người được thực hiện bằng những hình ảnh của đấng toàn năng (être omnipotent, toutes-puissantes). Con người tìm cách vượt lên ngang hàng, thậm chí là vượt qua những đấng siêu năng kể trên. Thực tế cho chúng ta thấy, người tu ở bất cứ trường phái nào cũng đều hay có tâm lý biến mình thành một giáo chủ. Họ tự nhận mình là bậc thầy, là chân sư…Thậm chí là có một vị trí cao hơn một số vị Phật nào đó trong trường phái Phật giáo. Việc này chúng ta có thể quan sát trên thực tế.

Nỗ lực của con người nói chung là chiến thắng sự mặc cảm tự ti của chính mình - nhằm đạt được sự an toàn và cho phép thích ứng với yêu cầu của đời sống.

Chính những lý do nói trên cùng với những yêu cầu của bản năng tự nhiên của con người, vị Phật A Di Đà đã đáp ứng được một cách tuyệt vời. Còn hơn thế nữa, với 48 lời nguyện, thì người ta lại càng cảm thấy sự an toàn (la securite), quên đi mặc cảm tự ti - mặc cảm này như một cách tra tấn con người về mặt tinh thần, từng làm cho cuộc đời của con người trở nên không thể chịu đựng nổi.

Thật không quá đáng nếu chúng ta có thể nói rằng vị Phật A Di Đà chính là chiếc phao cứu sinh cho trường phái Phật giáo nguyên thủy, đấng cứu thế cho các tín đồ Phật giáo.

Sao Mai says:

Theo như những phần chị vừa trình bày ở trên, thì em có một suy nghĩ rằng đời sống tình cảm con người chứa chấp khá nhiều mặc cảm ẩn sâu trong tiềm thức. Đó là những cuộc chiến nội tâm khốc liệt, hoàn toàn có khả năng đưa con người đến trạng thái rối loạn tâm lý. Em thiết tưởng rất có thể vì những tâm lý mặc cảm của con người mà chúng ta vừa nhắc đến đã làm các tôn giáo ra đời. Mà các tôn giáo chính là liều thuốc an thần để ít nhiều giảm đi nỗi đau về tinh thần của con người.

           Em không hiểu còn có yếu tố nào khác về tâm lý mà con người cần những liều thuốc an thần như dạng tôn giáo không?

HHN says:

          Đúng vậy, bộ môn Psychiatrie lại cung cấp cho chúng ta những thông tin khác nữa. Bộ môn này thường được người ta gọi là tâm thần học mô tả. Thật vậy, lúc đầu bộ môn này cố tìm cách sắp xếp, hệ thống hóa những bệnh nhân tâm thần ở các dạng khác nhau. Nhưng sau đó người ta phát hiện ra có hai triệu chứng cơ bản và phổ quát ở hầu hết các bệnh nhân tâm thần là:

-         La Peur
-         L’ Angoisse

Kính thưa quí độc giả cùng Sao Mai!

Em xin phép phỏng dịch hay đúng hơn là giải thích hai từ ngữ nói trên, vì nếu dịch theo từ điển thì nó không phù hợp với nội dung cuả bộ môn này. La Peur có nghĩa là nỗi sợ hãi do một sự kích thích ở thế giới khách quan đơn thuần. Nó nằm ở khu vực ý thức của con người. L’Angoisse  là sự hoảng sợ. Cái sợ này có cường độ cao hơn, trường độ dài hơn và nằm ở khu vực vô ý thức. Angoisse là một trạng thái khó chịu, nó như bóp nghẽn hơi thở, làm cho ta ngộp thở. Nó tạo ra sự ngộp thở tinh thần (qui étrangle, qui étouffe, qui provoque une souffrance mentale). Đó là một trạng thái căng thẳng và ở mức độ nguy hiểm cao độ. Đó là tín hiệu của sự nguy hiểm, là một trạng thái mất an ninh, cảm xúc sợ hãi.

Sự hoảng sợ, sự sợ hãi, sự ám ảnh, ảo giác… là một loạt những biểu hiện mà người ta gọi chúng là những biểu tượng của những sự rối loạn về tâm lý. Chúng ta nên ghi nhận chúng như những triệu chứng chứ không phải là nguồn gốc của một loại bệnh tật tâm lý nào đó. Trong tâm thần học, người ta tìm cách để tìm hiểu về nguồn gốc của các triệu chứng nói trên. Người ta cho rằng sự hoảng sợ nằm ở khu vực vô thức của bệnh nhân. Cụ thể là, bệnh nhân thường cảm nhận có cái gì đó sẽ nổ bùng trong họ. Họ hoảng sợ vì những lực không thể chống đỡ và đầy đe dọa. Sự hoảng sợ lan tràn trong khắp cơ thể tinh thần và vật chất của con người. Sự hoảng sợ thường kèm theo những ác mộng. Nó làm cho con người sụp đổ hoàn toàn, bất lực, tăng nhịp tim, toát mồ hôi…

Ở đây chúng ta chỉ lướt qua và nhắc sơ qua về nguồn gốc của sự hoảng sợ. Người ta cho là sự hoảng sợ đã bắt đầu có từ khi con người còn rất nhỏ. Ba vùng trong cơ thể là nguồn gốc của sự hoảng sợ là:

- La zone orale : khu vực miệng
- La zone anale: khu vực hậu môn
- La partie sexuelle: phần bộ phận sinh dục.

Chúng ta thử tìm hiểu sơ qua ba vùng nói trên. Ba vùng nói trên trong tiến trình phát triển của con người đều có nhu cầu cần được thỏa mãn. Nhưng việc thỏa mãn không phải luôn luôn được đáp ứng đúng lúc, đúng lượng và chất. Một em bé có nhu cầu bú sữa. Cái tôi Das es muốn được thỏa mãn ngay lập tức, nhưng không phải lúc nào cũng được thỏa mãn theo đúng cái yêu cầu của Das es. Ví dụ như mẹ phải đi làm, mẹ bận quá…Em bé mang tâm trạng bị bỏ rơi, bị cô lập, không biết nương tựa vào ai đã hoảng sợ vì nhu cầu không được thỏa mãn. Đến khi có nhu cầu để bài tiết, nếu bài tiết không đúng lúc bị mẹ mắng, bài tiết không đúng chỗ cũng có thể bị phạt, điều này có thể tạo ra sự hoảng sợ cho em bé. Những hiện tượng tương tự nói trên cũng xảy ra cho bộ phận sinh dục. Đó có thể là nguồn gốc của sự sợ hãi.

Con người phải tìm nhiều cách để giải quyết vấn đề sợ hãi này. Lại một lần nữa chúng ta thấy nhân vật Phật A Di Đà với 48 điều cam kết, thì đã giúp cho những sự sợ hãi, hoảng sợ của con người được đáp ứng. Con người cảm thấy an toàn, thích ứng được với thế giới xung quanh.

Sao Mai says:

Qua phần trình bày nói trên, có lẽ bản thân em cũng như nhiều quý độc giả - khó có thể tưởng tượng được tính chất cơ học của tâm lý con người lại rối ren, phức tạp đến như vậy!

Tóm lại vị Phật A Di Đà phải bảo là đấng cứu thế cho tín đồ cũng như trường phái Phật giáo.

Xin cảm ơn và trân trọng kính chào quý vị độc giả!

Sao Mai.

Bài viết này chỉ là ý kiến của một cá nhân, không phải là một chuyên gia. Không được bất cứ một cơ quan hữu trách nào xét duyệt. Do đó, tuyệt đối không có giá trị xét ở bất cứ góc cạnh nào, rất mong được quí độc giả thông cảm.



2 comments:

  1. Minh Khánh9:17 AM

    Theo như lời bài viết của tác giả thì con người với những tâm lý hoảng sợ, sự sợ hãi và tâm lý tự ti kia thường là biểu hiện của hiện tượng rối loạn tâm lý và nó thường phát sinh hay nằm ở vùng vô thức. Những sự tự ti, ám ảnh, ảo giác, hoảng sợ…kia thường phát sinh khi không thỏa mãn được các nhu cầu về tình cảm, ăn uống, bài tiết và sinh lý của con người. Vậy vị phật A Di Đà với 48 lời nguyện kia đã đáp ứng được điều gì cho những nhu cầu vừa nêu trên? Và vị Phật A Di Đà đáp ứng như thế nào về việc làm cho con người cảm thấy an toàn, thích ứng được với thế giới xung quanh và làm giảm tâm lý sợ hãi và tự ti của họ?

    ReplyDelete
  2. Minh Khánh9:22 AM

    Xin lỗi tác giả cùng quý vị!

    Theo tác giả thì:

    - Mặc cảm tự ti và

    - Sự sợ hãi

    Những tâm lý nêu trên nằm ở cả khu vực ý thức (La Peur) - cảm giác sợ hãi do sự tác động ở thế giới khách quan đơn thuần, và vùng vô thức ( L’ Angoisse) của con người - với mức độ mạnh hơn trong thời gian dài hơn. Vẫn những câu hỏi trên, nhưng Minh Khánh đã viết nhầm và thiếu. Minh Khánh chỉ viết rằng theo tác giả thì nó chỉ nằm ở vùng vô thức. Minh Khánh xin đính chính lại và xin lỗi tác giả cùng quý vị!

    ReplyDelete