Tuesday, April 29, 2014






Kính thưa quý vị độc giả thương mến!

Cảm ơn quý vị đã quan tâm và chia sẻ với HHN về những câu chuyện thực tế trong quá trình thiền định!

Nhóm HHN chúng em đã nhận được thư và một vài ý kiến của quý độc giả từ trong và ngoài nước. Cảm ơn quý độc giả đã đặt niềm tin, trao đổi và bày tỏ, chia sẻ những ý kiến quan trọng, quý báu đối với chúng em! Nhóm HHN  xin chia sẻ lại cùng quý vị độc giả để chúng ta cùng trao đổi và tìm ra những nguyên nhân cũng như hướng giải quyết  để tránh bị mắc phải những sai lầm trong quá trình thực hành thiền định. Sau đây là nội dung lá thư của một quý độc giả gửi đến từ Sơn La, Việt Nam:


          Tôi năm nay 48 tuổi, sinh sống tại tỉnh Sơn La.Tháng 8/2013 tôi tập trường sinh học dưỡng sinh (thiền theo theo trường phái của tổ sư Đasira Narada).  Ngày 12 và 13/4/2014 tôi học lớp 3 về thiền (cấp 3), mỗi ngày tập 2 lần (buổi sáng, buổi tối). Khoảng ngày 20/4/2014 đến nay sau khi đang tập thiền, tập xong khởi động về thiền, tôi thấy có hiện tượng 2 tay múa lượn theo vô thức như có một thế lực nào đó điều khiển cơ thể. Trạng thái tinh thần nửa tỉnh, nửa mê, không làm chủ được bản thân như có một thế lực nào đó chiếm quyền kiểm soát cơ thể: người ngả nghiêng, dao động, lúc thì tự nằm xuống nền nhà tay sờ mó khắp cơ thể nhát là khu vực vùng cổ tôi khạc ra máu. Tiếp theo có một thế lực vô hình đưa tôi đi lại quanh nhà, tôi rất sợ! Càng về sau khi hỏi về một người nào đó thì có ai đó trong đầu tôi cho tôi biết về người đó như thế nào, chỉ dẫn, như là nói thay cho tôi...
         
 Ngày 24/4/2014, người nhà cho rằng tôi bị thần kinh hoang tưởng đưa tôi đi khám tại Bệnh viện Bạch Mai nhưng không phát hiện tổn thương não, không có dấu hiện tâm thần. Bác sỹ Khoa sức khoẻ tâm thần cho rằng tôi bị đắc ý như người sử dụng ma tuý, không nên tập thiền nữa. Tôi rất hoang mang có nên tập hay không. Nếu tập thì như thế nào? nếu không tập xẽ bị như thế nào vì thầy giáo dạy thiền nói là học cấp 3 về thiền nếu không tập xẽ không tốt cho sức khoẻ...

          Xin được hồi đáp trong thời gian sớm!

Monday, April 28, 2014



SAO MAI says:

          Qua câu chuyện trao đổi với chị về đề tài này, càng ngày em càng thấy có nhiều thắc mắc. Không hiểu hiệu ứng Kirlan và hào quang của vật sống có mối liên hệ gì không? Sự thật hào quang của vật sống có hiện hữu hay không? Số lượng của màu sắc quá nhiều. Chị thử nghĩ xem chỉ một màu đỏ thôi, đã có hàng trăm mầu đỏ đậm nhạt khác nhau! Vậy thì biết làm sao nhỉ? Em cũng search trên trang web, thì thấy có hàng trăm ý kiến khác nhau về vấn đề màu sắc. Vậy chị có ý kiến gì về vấn đề này?

HHN says:

          Cho tới ngày hôm nay, đây vẫn còn là một đề  tài gây nhiều tranh cãi. Ít nhất người ta cho rằng có hai phe. Một bên thì cho là, các vật sống thực sự được bao bọc bởi các dạng hào quang. Một số người khác thì lại cho là, họ dựa vào hiệu ứng Kirlan, không công nhận sự hiện hữu của hào quang. Muốn hiểu điều này chúng ta phải quay  lùi về những thời gian trước. Như mọi người đều biết, vào năm 1930 hai vợ chồng thợ điện người Nga, tình cờ ghi nhận được những tấm hình có hào quang bao quanh một số đối tượng thử nghiệm. Thử nghiệm này được ngành khoa học vật lý gọi là “Thác đổ điện tử”. Chúng tôi cũng biết rằng sẽ có ít quý độc giả hứng thú với bộ môn vật lý. Tuy nhiên, để hiểu rõ vấn đề này và có thể phân biệt với vấn đề hào quang, chúng ta cũng nên hiểu sơ qua về cách chụp hình của hiệu ứng Kirlan. Tuy nói là chụp hình, mà sự thật lại không hề có cái máy hình nào cả. Chúng tôi xin mô tả sơ lược cách để có những tấm hình gọi là hiệu ứng Kirlan:

 Đầu tiên có một nguồn điện cao tầng, cao thế. Từ đây điện được đưa qua một cái bàn có để một tấm hình hiệu ứng Kirlan. Trên bàn trải một cái lá chẳng hạn. Dưới cái lá là một tấm phim chụp hình. Dưới tấm phim chụp hình là một miếng kiếng. Bên dưới tấm kiếng là một miếng kim loại dẫn điện, mà từ bình dân người ta  gọi là dây đất. Cuối cùng là một tấm cách điện. Khi đưa điện cao tầng, cao thế với những tham số kỹ thuật nào đó vào, rồi lấy tấm phim ra, thì người ta có được những tấm hình của hiệu ứng Kirlan.

          Hiệu ứng này trong ngành vật lý học được giải thích khá rõ ràng: Khi có sự kích thích bằng ánh sáng điện trường, thì các điện tử của các nguyên tử, phân tử tạo ra hiệu ứng dây truyền, làm cho các thành phần nói trên ion hóa. Khi các điện tử trở về một trạng thái khác, chúng để lại năng lượng bằng một quang tử. Chính vì lý do này mà chúng ta thấy có một vầng sáng.

          Hiệu ứng này được mọi người biết đến do hai người Mỹ phổ biến. Lúc đầu được tưởng rằng người ta đã chụp được vầng hào quang thần thánh nhiệm màu mà các tôn giáo thường đề cập đến. Sau đó qua nhiều công cuộc khảo cứu thì khoa học ngày hôm nay lại không đặt niềm tin vào vấn đề này.

SAO MAI says:

          Ôi! Chị HHN à! Thế này thì vấn đề hào quang đã đến chỗ bế tắc rồi sao?! Thiên thần cứu thế đã bị gãy cánh bởi cái tên là hiệu ứng Kirlan ư?!  Vậy thì chẳng còn gì để trông mong nữa rồi sao?!.

HHN says:

          Tình hình không đến nỗi xấu như vậy đâu. Hiệu ứng Kirlan không giải thích được, thì với hiệu ứng của bác sĩ Hunt lại làm sống lại vấn đề. Cách thử nghiệm như thế này: một người có khả năng đọc hào quang và sử dụng nhiều người khác nhau để đọc hào quang trên những bộ phận nhất định nào đó của cơ thể họ. Song song với việc này, người ta sử dụng những cảm ứng điện tử có được số đo tần số từng màu sắc một. Cuối cùng, một bảng thống kê tần số và màu sắc ra đời. Xin quí vị vui lòng coi lại bảng đối chiếu tần số hào quang và quang phổ bình thường trong những bài trước.

SAO MAI says:

          Cuối cùng thì dường như dấng cứu thế đã xuất hiện. Em hy vọng đề tài hào quang sẽ là đề tài kết luận có hậu.

HHN says:

          Mong quí độc giả cũng như Sao Mai nhớ lại những bài trước! Có những thực tế mà không cần những kiến thức nói trên. Thật vậy, màu sắc là sóng điện từ, chỉ khác nhau về tần số. Chúng ta cũng là những bộ máy tinh vi vậy, quí độc giả có thể hoàn toàn cảm nhận không cần phải máy móc nào cả. Chúng ta tự quan sát chính mình và quan sát một vài người rất là thân cận trong khoảng thời gian nhiều năm. Chúng ta hãy để ý chính bản thân chúng ta. Thường thì chúng ta chỉ thích một số loại màu sắc nào mà thôi. Nếu phải mặc quần áo với những màu sắc khác biệt mà mình không thích, thì chúng ta cảm thấy rất khó chịu. Điều này xảy ra với tất cả mọi người chứ chẳng riêng gì ai. Đôi khi chúng ta cũng thay đổi màu sắc quần áo, nhưng  chỉ có tính cách nhất thời. Đời người có thể chia ra nhiều giai đoạn khác nhau, mặc những màu quần áo khác nhau, tùy theo tình trạng tâm lý, sức khỏe và sự tương thích hào quang của chúng ta. Khi chưa trưởng thành, hầu hết các em bé đều thích màu hồng, những màu thuộc về gam nóng. Chúng ta thử hỏi có mấy khi thấy các em  bé thích màu trắng và màu đen bao giờ đâu. Chúng ta vào một siêu thị khu bán quần áo đồ chơi cho trẻ em, hầu hết là thuộc gam nóng, nhất là màu hồng. Rõ ràng là những người chế tác vật dụng này, họ có khả năng nhìn thấy hào quang của các e bé hoặc họ bắt chước những người khác nhìn thấy hào quang của em bé. Phải nói là ngược lại, màu đen và màu trắng được người ta sử dụng trong những đám ma ở khắp nơi trên thế giới. Có lẽ chăng, người ta cũng nhìn thấy cái gì đó.


SAO MAI says:

          Em hiểu rồi chị ạ, việc nhìn thấy hào quang không phải là chuyện dễ, mặc dù có rất nhiều cách để tập. Như vậy chứng tỏ là việc này tập rất khó! Cho nên phải có nhiều cách như vậy. Tuy nhiên, nếu có một chút hiểu biết với một chút trí nhớ bình thường; có thêm chút ít suy luận hợp lý, chúng ta cũng trở thành những người có thể nhìn thấy hào quang qua trung gian màu sắc quần áo. Thật vậy, (để phân biệt với màu sắc quần áo đồng phục của những tập thể) chỉ cần quan sát màu sắc quần áo ăn mặc của ai đó một cách vô tình   là chúng ta đã ít nhiều nhìn thấy hào quang của họ thực sự là khá chính xác. Những giải thích của màu sắc chỉ mang tính chất tượng trưng. Nó còn lệ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm bản thân của mình. Biết đâu có những quí độc giả,sau khi đọc xong những bài viết này, rồi với những năm tháng kinh nghiệm chồng chất, quí độc giả sẽ trở thành những chuyên viên, chuyên gia về vấn đề này.

HHN says:

          Mặc dù khả năng nhìn thấy màu sắc không phải là quá khó, nhưng cũng có thể nói rằng không phải là dễ. Có lẽ rất nhiều người muốn tập nhưng không tập được. Do đó sanh ra tâm lý chê bai coi thường, thậm chí là khinh miệt để tự an ủi lương tâm của mình.

Nào chúng ta hãy tiếp tục với màu cam.

Màu cam

          Thật ra màu cam chỉ là một nhánh của màu đỏ. Tuy nhiên, chúng ta chia hẳn một phần để nói về màu cam. Ở vùng viễn đông có một số tôn giáo đã dùng màu cam để chỉ về mặt trời. Chính vì lý do này mà người ở vùng viễn đông hay sử dụng màu cam. Tuy nhiên lại có tôn giáo cho rằng màu xanh dương mới là màu của mặt trời.

          Về cơ bản mà nói, màu cam là màu tốt. Người có hào quang màu cam được người ta đánh giá cao. Đó người có tấm lòng nhân đạo, họ thường giúp đỡ người khác. Người có hào quang màu vàng cam là người tự chủ và có nhiều đức tánh.

          Màu vàng cam pha lẫn với màu nâu thể hiện đó là những người lười biếng. Màu vàng cam còn cho biết sự rối loạn của gan. Nếu màu này xuất hiện ở trên phần gan thì cho biết gan đang bị bệnh. Chúng ta không nên tranh luận với một người có màu xanh cam. Họ chỉ nhìn cái gì có một mặt, thiếu óc tưởng tượng, thiếu sự nhận xét và suy luận.
                                                                                                        

  ( Còn tiếp)


Thursday, April 24, 2014




                   
                   - Đọc hào quang (Reading Aura)

                   - Có thể thấy bằng mắt trần (Visible to the naked eye)

           - Chứa đựng nhiều thông tin hấp dẫn ( Contains fascinating information)

SAO MAI says:

Chị HHN à, qua cách trình bày của chị về Hào quang ở bài viết trước, thì em thấy rằng chúng ta có thể nhìn thấy hào quang  là một điều có thật. Tuy nhiên, thực tế thì em thấy có nhiều vấn đề cần phải đặt ra. Đó là người ta thường luôn luôn thay đổi màu sắc quần áo và còn mặc nhiều màu một lúc nữa. Vậy chị giải thích về vấn đề này như thế nào ạ?

HHN says:

Việc người ta thường thay đổi màu sắc quần áo lại càng chứng tỏ những quan sát về hào quang là chính xác. Thật vậy, hào quang không những có ở người sống, mà kể cả người đã chết rồi trong vòng 72 giờ đồng hồ thì vẫn còn hào quang với màu sắc luôn luôn thay đổi. Dường như tư tưởng và tâm trạng của con người thay đổi thì màu sắc hào quang cũng thay đổi theo. Tuy nhiên, nếu chúng ta quan sát một cá nhân nào đó, hoặc là thực tế nhất là em hãy tự quan sát mình. Em sẽ thấy chính bản thân mình thường thường chỉ thích một số loại màu căn bản chủ đạo nào đó. Và cũng vậy, nếu một người thường thích mặc quần áo có màu đen hoặc những màu tối màu chẳng hạn, mà nay lại bắt họ phải mặc quần áo có màu xanh, đỏ, thì quả thật là một cực hình về tâm lý đối với họ. Đơn giản là nó có một cuộc chiến về màu sắc với hào quang (clash). Một cuộc chiến thực sự nghĩa đen cũng như nghĩa bóng. Còn đối với những người mặc nhiều màu một lúc, thì chúng ta nên biết rằng hào quang của họ có nhiều màu chứ không phải chỉ có một màu. Nó lệ thuộc ở từng vùng trong cơ thể, tư tưởng và tình trạng sức khỏe của  con người.

SAO MAI says:

Lúc đầu em nghe chị nói rằng ai cũng có thể nhìn thấy hào quang, em tưởng là cứ nhìn thấy hào quang của ai đó, thì có thể hiểu một cách dĩ nhiên nó có ý nghĩa gì. Em không ngờ điều này lại trở nên quá phức tạp như vậy. Dường như việc nhìn thấy hào quang và việc đọc được những thông tin từ hào quang đưa lại, có vẻ như là hai việc hoàn tòan khác nhau. Và bộ môn đọc được những thông tin từ hào quang có vẻ là một bộ môn khá phức tạp.

HHN says:

Để hiểu được vấn đề này, thiết tưởng chúng ta nên có những khái niệm tối thiểu về vấn đề hào quang. Trước nhất, chúng ta thử so sánh hai bảng về màu sắc của quang phổ bình thường và màu sắc của hào quang. Chắc có một số quí vị đi học thời trung học mà còn nhớ, nhà trường có dạy chúng ta một số chữ tắt kể sau để chúng ta dễ nhớ quang phổ ánh sáng: V B V J O R. Những chữ này đọc theo âm tiếng Pháp rất dễ nhớ:

Viết tắt
Màu sắc theo tiếng Pháp
Tiếng Việt
Tần số

V
Violet
Tím
668
789
B
Bleu
Xanh
606
668
V
Vert
Chàm
526
606
J
Jaune
Vàng
508
526
O
Orange
Cam
484
508
R
Rouge
Đỏ
400
484


Chúng ta thử đối chiếu với những màu sắc của hào quang. Bảng này là kết quả thử nghiệm của bác sĩ Hunt, tháng 2 năm 1988.

Xanh                    250 – 275 Hz, plus 1200 Hz
Lục                      250 – 475 Hz
Vàng                    500 – 700 Hz
Da Cam               950 – 1050 Hz
Đỏ                        1000 – 1200 Hz
Tím                      1000 – 2000 Hz, plus 300 – 400; 600 – 800 Hz
Trắng                   1100 – 2000 Hz

Chúng ta có thể đối chiếu 2 bảng nói trên, để nhận ra rằng:

1.    Thứ tự về màu sắc không giống nhau

2.    Tần số của cùng màu sắc không giống nhau.


Nói tóm lại, màu sắc của hào quang và màu sắc của quang phổ, hình như không có mối liên hệ nào cả.

SAO MAI says:

Vậy chị có thể cho em biết những vấn đề này phục vụ gì cho phúc lợi của con người?!

HHN says:

Nếu gọi là khoa học về hào quang thì nó phục vụ rất nhiều lãnh vực cho đời sống con người.

Nếu chúng ta hiểu được hào quang ở một nơi nào đó trên cơ thể con người. Thì nó chính là những dấu hiệu cho chúng ta  biết trước những thông tin là bộ phận đó sẽ bị bệnh.

Nếu hiểu được những thông tin do hào quang mang lại, chúng ta ít nhiều hiểu được hoạt động tinh thần con người.

Qua những thử nghiệm, người ta còn có thể dùng hào quang để thay đổi trạng thái vật chất.

Người ta cho là nếu ai đó có sự tập luyện về tinh thần thì có thể thay đổi màu sắc hào quang và tăng cường việc tự chữa trị cho mình.

Dường như tổ tiên loài người hiểu rõ về vấn đề này hơn những gì chúng ta hiểu biết được ở trong thế kỷ 21. Rất tiếc là những kiến thức này, phần nhiều đã bị mất mát do thiên tai và do con người với thái độ duy vật của chúng ta.

SAO MAI says:

Chị có thể cho biết một số thông tin về những màu cơ bản mà người ta thường thấy trong hào quang của con người hay những vật sống hay không? Em cũng hiểu rằng đây là một việc hết sức phức tạp, bởi vì nó chẳng có một ranh giới rõ ràng gì cả. Thế giới màu sắc này có vẻ còn kỳ bí hơn là một chiếc kính vạn hoa!

HHN says:

          Đúng đấy em ạ! Tất nhiên chị sẽ đưa những thông tin tổng hợp về những màu sắc hào quang cơ bản của sinh vật sống. Tuy nhiên, dù không muốn, chúng ta vẫn phải hiểu một số vấn đề liên quan đến màu sắc của hào quang.

Chúng ta lấy giả thuyết là màu đỏ. Màu đỏ lệ thuộc ở quá nhiều yếu tố tỉ lệ trong hào quang. Hoặc là nó chỉ chiêm một vùng nhỏ mà thôi. Màu đỏ có thể đậm, lợt khác nhau, ngả gần tới màu hồng chẳng hạn. Màu đỏ pha lẫn với màu nâu hay màu đỏ đục mà nó không trong suốt thì lại là một vấn đề khác! Xem như vậy, chỉ nói riêng một màu đỏ thôi, cũng phải có rất nhiều kinh nghiệm để giải thích màu đỏ là cái gì.

Màu đỏ:

Bình thường thì người ta cho rằng màu đỏ là biểu tượng của sức mạnh tướng lãnh và những nhà lãnh đạo thường có màu đỏ trong suốt trong hào quang của mình. Nhưng nếu ai có màu đỏ mà lại có viền vàng xung quanh thì đó là những người hay giúp đỡ người khác. Màu đỏ ở một khu vực nhỏ, lúc xuất hiện, lúc tắt đi, báo hiệu cơ quan nội tạng trong vùng đó  ở trạng thái sức khỏe rất tốt.

Tuy nhiên lại có những màu đỏ không tốt.  Đó là những màu đỏ đục như bùn hoặc tối tăm. Nó chứng tỏ một cá nhân không tốt, một người không đáng tin cậy, hay gây sự, phản bội và ích kỷ.

Một màu đỏ trông buồn nản cho biết tâm trạng con người căng thẳng. Chúng ta đừng quên rằng một người có màu đỏ buồn nản thì tâm trạng nóng nảy, nhưng thể lực lại là người khỏe mạnh và có khả năng làm những việc không tốt. Những kẻ sát nhân thường có màu đỏ xuống cấp trong hào quang của mình. Màu đỏ lợt, chứng tỏ là người nóng nảy hơn, không ổn định. Họ luôn luôn hoạt động, không thể nào ngồi yên trong một khoảng thời gian nào đó.

Màu đỏ buồn nản pha lẫn với màu nâu xung quanh một bộ phận nào đó sẽ cho biết bộ phận đó bị ung thư. Người ta có thể bảo rằng, bộ phận này bị ung thư, hoặc tiên đoán là sẽ bị ung thư. Màu sắc này báo hiệu là bệnh tật đang tấn công bộ phận  này. Phát hiện này người ta cho là phát hiện quan trọng nhất trong việc chữa trị bệnh tật trong những năm gần đây.

Nếu chúng ta thấy màu đỏ lúc chớp, lúc tắt ở vùng hàm của mình. Thì đó là dấu hiệu cho biết chúng ta cần phải đi nha sĩ. Màu đỏ tươi trong hào quang báo hiệu một con người quá tự tin ở mình và ích kỷ. Đó là màu sắc của sự tự hào giả tạo; một sự tự hào không có nền móng. Màu đỏ tươi này, chúng ta thường thấy xuất hiện ở bên hông của những cô gái làm công nghiệp tình dục. Nhưng chúng ta đừng quên rằng đây không phải là những người phụ nữ họ thích về tình dục. Họ chỉ hành nghề này trong mục đích kiếm tiền. Chúng ta còn nhớ những câu nói như: “giận xanh mặt lên”;  “đỏ mặt vì tức giận”… Những câu nói này chứng tỏ cổ nhân của chúng ta đã từng nhìn thấy hào quang.

Cũng thuộc trong nhóm những màu đỏ là màu hồng. Đây là màu biểu tượng của việc chưa trưởng thành. Người trẻ tuổi thường có màu hồng.  Màu hồng của người lớn lại chứng tỏ người đó có tánh tình trẻ con và cảm thấy mất an ninh. Một màu đỏ nâu giống như lá gan tươi cho biết đó là một con người xấu xa. Đó là một loại hào quang chúng ta nên tránh xa. Vì đây là một dạng người thể nào cũng mang lại rắc rối. Màu đỏ nâu này xuất hiện ở đâu đó trên cơ thể là dấu hiệu báo hiệu bộ phận đó ở trong trạng thái bệnh tật rất xấu. Rất nhiều khả năng người có hào quang  màu nâu đỏ ở bộ phận này sẽ chết sớm. Những người có hào quang màu đỏ nâu ở vùng ngực báo hiệu sự rối loạn về thần kinh. Những người này phải cố gắng để làm sao kiểm soát được hành động của mình, nên sống một cách bình thản, nếu họ muốn sống lâu, hạnh phúc.

                                                                   
      ( Còn tiếp)




HHN says:

Chúng ta có thể quả quyết một điều là: tất cả mọi người bình thường đều có thể nhìn thấy hào quang! Việc này sẽ được trình bày ở những phần sau. Có lẽ quí độc giả tu thiền định thuộc trường phái Phật giáo thường có tâm trạng nói chung - cho là việc nhìn thấy hào quang hay những hiệu ứng tương tự thì sẽ đi xa vời mục đích giải thoát, vượt ra khỏi con đường bất tử là: bát chánh đạo; vi phạm vào chánh tư duy, chánh định… và nhiều thứ chánh khác. Chúng tôi xin quả quyết cùng quí độc giả thuộc trường phái Phật giáo là “hiệu ứng điện quang phát quang khả kiến” (Visible electro – photonic glow) là một hiệu ứng của thế giới tự nhiên như hàng trăm, hàng ngàn hiện tượng khác, chẳng có gì là thiêng liêng, thần bí cả!

SAO MAI says:

Điều trình bày của chị vừa rồi làm em rất ngạc nhiên! Và em nghĩ là cũng có rất nhiều quí độc giả ngạc nhiên như em. Hầu hết ai cũng nghĩ rằng chỉ có những bậc thần thánh mới có hào quang tỏa ra ở trên đầu hay ở xung quanh mình. Còn người bình thường hoặc  động vật như chó, mèo hay cây cỏ và những vật vô tri thì tất nhiên chẳng có cái gì cả.

HHN says:

Đúng đấy Sao Mai ạ! Trong một tài liệu chuyên ngành người ta có thống kê đến 97 nền văn hóa trên thế giới đề cập tới vấn đề hào quang bằng 97 cái tên khác nhau. Tác giả John White đã ghi lại trong tác phẩm “Khoa học tương lai” của mình về những vấn đề này. Đúng vậy, có nơi thì gọi là Ether; nơi thì gọi là Prana; có nơi lại gọi là khí,…chúng ta không thể kể hết. Tuy nhiên, chị phải thực sự lấy làm tiếc để nói với em rằng: các vị được gọi là thần thánh, thần linh chỉ có hào quang tỏa sáng ở môi trường có không khí. Hiện tượng này có thể giải thích như sau: Cơ thể sống (living object) có tĩnh điện, ở trong một số điều kiện thuận lợi nào đó sẽ phóng điện. Việc này làm ion hóa không khí xung quanh. Hệ quả là điện tử thay đổi quỹ đạo và để lại một quang tử.  Chính lý do này cho chúng ta thấy hiện tượng phát quang ở những vật thể sống và dây điện cao thế. Nếu các vị thần thánh, dù thuộc bất cứ trường phái nào - hiện hữu ở môi trường không có không khí, thì hiện tượng ion hóa không thể xảy ra. Thí dụ như ở môi trường chân không (Vacuum).

SAO MAI says:

Em thấy chị trình bày chắc chắn như đinh đóng cột. Chị có thể cho em và quí độc giả biết những thông tin này chị đã dựa trên cơ sở nào và có đáng tin cậy hay không?

HHN says:

Chị xin cám ơn em đã đặt những câu hỏi để chúng ta có cơ hội làm sáng tỏ vấn đề! Như quí vị đã biết đó, hiệu ứng này nhân loại đã biết đến nó từ lâu. Nền văn minh nào cũng có đề cập tới hiện tượng này từ nhiều ngàn năm trước. Người ta cho rằng những người có diễm phúc có được hào quang phải là bậc thần thánh! Mặt khác, người có khả năng nhìn thấy hào quang phải là các tu sĩ mở huệ, hay gọi là mở nhãn, thần nhãn, con mắt thứ 3…Đó là đặc quyền, đặc lợi, chỉ có ở một số ít người. Đầu thế kỷ 20, vào năm 1930, hai vợ chồng Kirlan - trong các thao tác kỹ thuật ở một môi trường điện cao thế - bỗng phát hiện ra hào quang mà xưa nay người ta nói đến. Sau biến cố của câu chuyện này, người ta đua nhau tìm cách khảo cứu cái mà gọi là hào quang.

Đầu tiên người ta tìm hiểu về tần số và bước sóng của các màu trong hào quang. Người ta sử dụng những cảm ứng điện tử để có thể phát hiện được những tần số của các màu của hào quang. Khi mang ra so sánh với quang phổ bình thường mà mắt con người có thể nhìn được, thì người ta phát hiện ra rằng, thứ tự của màu sắc, tần số của hào quang không giống như tần số và màu sắc của quang phổ bình thường. Nói tóm lại, quang phổ bình thường và quang phổ của hào quang hoàn toàn khác nhau. Tất nhiên, nhiều thập kỷ đã trôi qua, kiến thức nhân loại đã được nâng lên một tầm cao mới. Người ta biết rất rõ tất cả các vật sống đều có hào quang. Và hào quang thay đổi liên tục. Kể cả người được tuyên bố đã chết lâm sàng, thì 72 giờ đồng hồ sau hào quang của người chết vẫn thay đổi liên tục. Chính có thể vì lý do này mà hầu hết ở tất cả các quốc gia, người ta phải đợi đến vài ngày sau mới chôn người chết.

Hiệu ứng này còn làm cho chúng ta hiểu rõ một số vấn đề. Chúng ta thấy các tôn giáo thường ban phép lành bằng cách rải nước lạnh lên tín đồ của mình. Chúng ta cũng cho là mê tín dị đoan khi tập trung tư tưởng trì chú, trì chân ngôn vào nước lạnh để cho bệnh nhân uống! Chắc chắn những người học y khoa chính quy là các vị y, bác sĩ cho đó là một thao tác lừa bịp, nhảm nhí, vô ích. Theo giáo sư Korotkov, nước là một vật dụng hấp thụ hào quang một cách đáng kinh ngạc. Người ta chụp thử một giọt nước bình thường và một giọt nước được Allan Chumak tác động hào quang của mình trong 10 phút bằng cách tập trung tư tưởng có ý thức. Giọt nước mà nhân vật nói trên tác động bằng hào quang của mình - có sức mạnh sinh học lớn hơn 30 lần đối với giọt nước bình thường. Hiệu ứng này có thể giải thích rằng: bất cứ ai đó có một sự tập luyện nghiêm chỉnh đều có thể sử dụng hào quang của mình để biến đổi vật chất.

SAOM MAI says:

Chị HHN à! Theo cách trình bày của chị, thì vấn đề hào quang và nhìn thấy hào quang có lẽ chẳng còn gì là thần thánh thiêng liêng, bí mật nữa. Nó chỉ là một trong những hiện tượng của thế giới tự nhiên khách quan. Em nói không quá đáng rằng kể từ nay nhân loại nói chung, nếu ai có đọc bài viết này, thì thấy mình cũng ngang hàng với các vị gọi là: chân sư, thánh nhân, thần thánh…Ở  đây em chỉ nói ngang hàng về mặt hào quang, mong rằng không có ai hiểu sai và xuyên tạc về lời nói này. Mà à em quên mất rồi! Không biết thần thánh có hào quang màu gì và mình có hào quang màu gì? Em ngại quá! Em e ngại là hào quang của mình và các vị đó khác nhau, thì đúng là chết dở!

HHN says:

Em nói đúng đó Sao Mai! Có lẽ em hơi vội vã. Đáng lẽ trước khi em đề cập tới vấn đề này, em cần phải tìm hiểu về màu sắc của các hào quang,về lượng, về phẩm xem thế nào đã. Bởi lẽ, các màu của hào quang nó nói lên rất nhiều vấn đề, mà có lẽ mình phải học hỏi cả đời người cũng chưa chắc đã biết hết. Về vấn đề này chúng ta sẽ đề cập tới trong những bài viết khác.

Sao Mai says:

Em nhớ không lầm thì chị có bảo với em rằng ai cũng có thể có được hào quang cả, chỉ cần có một chút hiểu biết. Chị này! Sự thật có thể dễ như vậy không hả chị? Hay là chị chỉ nói với mục đích để động viên em mà thôi?

HHN says:

Không! Việc này hoàn toàn có thật! Chị sẽ trình bày khá đơn giản, mà chị phải bảo là đơn giản đến kinh ngạc và khá bất ngờ. Có cách nhìn mà chẳng đòi hỏi một sự tập luyện nào cả, chỉ cần một chút trí nhớ! Nếu chúng ta có thể nhớ được các bảng tín hiệu giao thông để thi bằng lái xe, thì việc này cũng tương tự như vậy.

Nào chúng ta cùng bắt đầu với cách nhìn hào quang này:

Nếu chúng ta quan sát chính bản thân mình và những người xung quanh mình khi tham gia giao thông, chúng ta sẽ thấy mỗi người ăn mặc quần áo với những màu sắc khác nhau. Bạn thử quan sát một cô gái bất kỳ là A chẳng hạn, cô này mặc áo màu vàng, đội mũ bảo hiểm màu vàng và điều khiển chiếc xe cũng cùng màu vàng. Ta lại chọn một đối tượng khác để quan sát. Vị này mặc áo màu đen và màu quần cũng xanh đen. Chúng ta có thể đưa đến một nhận xét, dù bạn hay tôi, hay bất cứ là ai, chúng ta có thiên bẩm là thích một loại màu sắc nào đó. Tại sao lại như vậy? Câu trả lời vô cùng dễ dàng, người ta chọn màu sắc quần áo phù hợp với hào quang của chính mình. Nói một cách khác, màu quần áo chính là màu hào quang của từng cá nhân. Thật vậy, bất cứ ai cũng thích chọn một loại màu sắc nào đó ở từng giai đoạn cuộc đời của mình. Tại sao vậy? Vì hào quang thay đổi liên tục, tùy theo trạng thái tâm lý và sức khỏe của chúng ta.

Bất kỳ ai mặc một loại quần áo có màu sắc không phù hợp với hào quang của mình, thì sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu; có cơ hội, có điều kiện là phải đổi màu ngay. Nếu hào quang và màu sắc quần áo không tương thích với nhau, thì làm cho ai đó rất khó chịu về tâm lý như nóng nảy và mất tự chủ.

          Nếu quí độc giả đã xem đến đây thì có thể hiểu được rằng, chẳng cần nhìn thấy hào quang, chỉ nhìn thấy màu sắc quần áo của ai đó mặc và thường phải mặc màu đó, thì chính đó là hào quang của con người ấy.

Quí vị thấy rõ ràng không cần phải tập luyện gì cả, ai cũng có thể nhìn thấy hào quang. Tuy nhiên, ở đây chúng ta chỉ nói tới việc nhìn thấy hào quang; chưa đề cập tới vấn đề thông điệp mà hào quang mang đến cho chúng ta. Thật vậy, nếu chỉ nhìn thấy hào quang thì cũng vô ích, vì nó chẳng nói lên cái gì cả! Người ta cần phải học về màu sắc của hào quang và những thông tin hào quang mang đến cho chúng ta.

          Để hiểu được những thông tin của hào quang, tất nhiên phải đòi hỏi việc tập huấn nghiêm chỉnh. Cuối cùng thì việc nhìn thấy hào quang thực sự vẫn là nền móng để chúng ta có thể hiểu được một phần nào những bí ẩn của vũ trụ. Hào quang thực sự có rất nhiều tính chất: đậm, lợt, trong, đục…tỉ lệ to nhỏ khác nhau. Chính kinh nghiệm bản thân cho biết, phải trải qua nhiều năm tháng chúng ta mới hiểu được phần nào những màu sắc của hào quang nói lên cái gì. Tất nhiên ai cũng biết, tính chất xác suất của hào quang rất lớn.

SAO MAI says:

Chị HHN à! Em hiểu rồi, việc nhìn thấy hào quang có lẽ không quá khó. Cách chị đưa ra vừa rồi quá thực tế và đơn giản. Nhưng hiểu được ý nghĩa những thông tin của hào quang thì lại là vấn đề khác hẳn! Có phải như vậy không quí độc giả?

Em xin kính chào quí độc giả. Xin hẹn tái ngộ cùng quí độc giả trong những bài viết khác!



Wednesday, April 23, 2014



Lời thưa của người thuyết minh.

Kính thưa quí độc giả!

Ở bài trước,  chúng tôi trình bày về hai thao tác cơ bản nhất hay còn gọi là hai giai đoạn cơ bản nhất   là điều thân và điều tâm. Chúng ta hãy chọn một vị thế có lợi và thoải mái nhất cho mình để tập luyện. Và làm sao tâm chúng ta có thể  đứng yên. Thông thường người ta còn một giai đoạn nữa gọi là điều tức, có nghĩa là làm chủ hơi thở một cách có ý thức. Ở đây chúng tôi chỉ xin đề nghị  là chúng ta thở bình thường.

Trước khi chúng ta tiếp cận với cách tập luyện của tác giả Barbara Ann Brennen, chúng tôi xin quí độc giả quan tâm tới hình thức trình bày của tác giả này. Vì  chúng tôi e ngại có quí độc giả không quen với lối trình bày của các nhà khoa học, nên thường cho rằng đây là những tư tưởng “điên khùng, nhảm nhí”. Tác giả nói trên  là một nhà khoa học đích thực, từng làm việc cho cơ quan hàng không vũ trụ của Hoa Kỳ (Nasa) về thiết bị vệ tinh thời tiết. Tác giả này đã học rất nhiều năm về nhiều bộ môn của huyền môn. Mặt khác, tác giả còn là một người từng thực hành theo phương pháp của trường phái Kundalini. Rất có thể đây là một cuộc hôn nhân hoàn hảo giữa khoa học hàng không vũ trụ và khoa học huyền môn. 

Như tất cả những bài viết trước, chúng tôi hoàn toàn không có ý định bênh vực hay phản biện, đề cao hay chê bai một trường phái nào cả. Chúng tôi chỉ hy vọng mang lại những thông tin đa chiều nhất có thể, và dưới góc nhìn khách quan nhất có thể của cá nhân mình. Rất mong quí độc giả tiếp cận những thông tin này với mức độ cẩn trọng nhất.


Chúng ta bắt đầu thuyết minh phần thực tập.

Để quan sát trường năng lượng vũ trụ, chúng ta hãy chọn một vị thế nằm ngửa thư giãn nhất có thể. Ví dụ như chúng ta nằm trên một bãi cỏ xanh mướt trong một ngày đẹp trời. Với sự thư giãn về tinh thần và thể xác (cơ thể vật lý). Hãy buông thả tinh thần  thư giãn ở mức độ cao nhất có thể. Chúng ta mở mắt nhẹ  nhàng; nhìn một cách vô định, không mục đích nhìn vào bầu trời xanh thẳm. Không phải là ngay lập tức, nhưng phải có một khoảng thời gian dài qua nhiều lần tập luyện, bạn có thể thấy viên ánh sáng nhỏ xíu tạo thành những hình vẽ liên tục trên bầu trời. Những viên ánh sáng nhỏ xíu này, càng nhìn càng thấy nhiều vô số kể. Viên này tiếp nối viên kia, chúng xuất hiện trong một khoảng thời gian rất ngắn rồi biến mất. Rồi những viên ánh sáng nhỏ xíu khác lại tiếp tục xuất hiện. Lúc đầu bạn chỉ chú ý vào một khoảng không gian tương đối hạn hẹp. Tuy nhiên, khi mở rộng góc độ để nhìn vào vũ trụ, thì đâu đâu bạn cũng thấy những viên ánh sáng như vậy.

Sau khi đã tập luyện trong một thời gian dài như vậy trong nhiều lần và nhiều ngày, bạn đã quen với việc nhìn thấy những viên ánh sáng nhỏ này, bạn không còn xa lạ với những viên ánh sáng nhỏ này nữa. Đây là lúc bạn thay đổi cách tập. Bạn hãy chọn lấy một hàng cây tương đối lớn, cách xa mình vài chục mét. Bạn hãy quan sát rìa của những lá cây và bầu trời. Bạn hãy để cho tâm lý của mình phẳng lặng, đừng có một suy nghĩ, một thành kiến, hay một định kiến nào cả. Hãy tiếp tục quan sát để xem việc gì xảy ra. Rất có thể bạn sẽ thấy giữa bầu trời và rìa của những lá cây có những vầng hào quang. Nhưng trong vầng hào quang của những cái cây này không có những viên ánh sáng nhỏ xíu giống như ở trên bầu trời. Hình như chúng đã biến mất trong những vầng hào quang này. Theo tác giả này thì những vầng hào quang của cây đã hấp thụ những viên ánh sáng li ti nhỏ xíu nói trên. Những viên ánh sáng li ti này chính là trường năng lượng vũ trụ.

Bạn có thể làm một thử nghiệm dễ dàng hơn thế này nhiều. Bạn hãy chọn một chậu kiểng bất kỳ, đặt cách xa mình khoảng 2, 3 thước ở trong một căn phòng nào đó. Ở đằng sau và cách xa chậu kiểng khoảng 20 - 30cm, là một bức màn cửa màu đen. Phía sau lưng bạn, đối diện với bức màn cửa màu đen kia là một cửa sổ có ánh sáng yếu ớt. Bạn chọn một chiếc ghế, và ngồi với một vị thế thoải mái dễ chịu nhất. Hãy nhắm mắt lại, để cho tâm hồn bạn thư thái, buông thả, thư giãn nhất có thể. Tiếp đến, lại như tất cả những lần tập luyện khác, bạn cố gắng sử dụng kỹ thuật nào đó để định tâm lại. Nếu bạn thực sự nhập định được thì quá tốt! Sau đó bạn nhẹ nhàng mở mắt, nhìn về phía cái cây một cách lơ đãng. Nhìn về hướng cây, chứ không phải chăm chú nhìn vào cái cây. Rất mong bạn đặc biệt chú ý đến thao tác này! 

Có thể lần đầu tiên bạn thấy ngay cái gì đó; nhưng cũng có thể với nhiều người lại chẳng thấy cái gì cả. Tập rất nhiều lần cũng chẳng thấy. Vậy bạn hãy xem lại phần phương pháp nói trên, xem mình đã thiếu xót điều gì? Tâm bạn đã định được chưa?! Hầu hết loại công việc này - đặc biệt là với nữ giới - thành công tương đối dễ dàng.

Theo tác giả Barbara Ann Brennen, bà cũng từng nhìn thấy hào quang của một chiếc lá, giống như hình chụp bằng hiệu ứng Kirlan. Bà có làm thử nghiệm sau đây: Đầu tiên bà quan sát một chiếc lá nguyên vẹn, bà thấy nó có màu xanh lợt. Khi bà cắt đi một phần nào của chiếc lá, hào quang của chiếc lá chuyển từ màu nâu sang màu huyết. Bà đứng xa ra và xin lỗi cái cây, thì hào quang của cái cây trở lại phục hồi màu như cũ. Bạn có thể thực tập mô hình này.

Bạn cũng có thể quan sát những vật vô tri, hay những vật dụng của bất cứ cá nhân nào đó, sẽ thấy rằng nó thấm hào quang của người sử dụng. Vẫn theo tác giả này, thì hào quang của ngọc và pha lê có thể chữa trị nhiều thứ bệnh.


Đóng góp ý kiến của người thuyết minh.

          Như phần trên chúng tôi đã thưa cùng quí độc giả. Tác giả là một khoa học gia người Mỹ và đồng thời cũng là một nhà chữa trị bằng năng lượng sinh học. Tác giả sử dụng rất nhiều khái niệm của vật lý lý thuyết, từ ngữ chuyên ngành của vật lý lượng tử, do đó có thể gây khó khăn cho một số quí độc giả. Vì lý do này, người thuyết minh xin phép thuyết minh một số vấn đề.

          Ở đây tác giả luôn luôn sử dụng từ ngữ “trường năng lượng”, tác giả muốn ám chỉ cái gì? Người Ấn Độ từ thuở xa xưa, có lẽ cách đây đã nhiều ngàn năm, cho là trong vũ trụ có chứa năng lượng được gọi là Prana. Người Trung Hoa nhiều ngàn năm trước công nguyên, cũng cho rằng trong vũ trụ tồn tại một năng lượng sống gọi là khí. Mọi vật chất đều có năng lượng này và được tỏa ra liên tục. Khoa học ngày hôm nay có đề cập đến vật chất tối. Khoa học hiện đại ngày hôm nay cho biết rằng, cơ thể con người không phải chỉ là một cấu trúc thể chất bằng phân tử giống như tất cả mọi vật chất khác. Nó còn bao gồm những trường năng lượng. Con người có thể chuyển dịch từ trạng thái chất rắn chuyển qua một trạng thái năng lượng. Căn cứ vào những thử nghiệm thì tần số của màu sắc sẽ xác định màu hào quang. (Các tần số này có thể có những phần hội cao hơn không ghi nhận được do những hạn chế của trang thiết bị thí nghiệm.)



Dường như trường năng lượng của con người về bản chất là hạt và có chuyển động tựa lỏng. Những hạt này rất nhỏ, tương đương hạ nguyên tử (Subatomic). Khi tích điện, những hạt này cùng nhau chuyển động trong những đám mây, các nhà vật lý thường gọi là plasma. Plasma tuân theo một số định luật làm cho các nhà vật lý cho là chúng thuộc trạng thái giữ năng lượng và vật chất. Có người cho rằng đây là trạng thái thứ 5 của vật chất, các nhà khoa học gọi là pioplasma.

Tuesday, April 22, 2014



Lời thưa của người thuyết minh.

Kính thưa quí độc giả!

Trong những bài viết trước chúng tôi đã giới thiệu đến quí độc giả một phần nào trong những bài viết của tác giả Lobsang Rampa về cách tập luyện để nhìn thấy hào quang. Để tránh sự nhàm chán và thay đổi khẩu vị, trong bài viết này chúng tôi xin giới thiệu đến quí độc giả chuyên gia người Mỹ - một khoa học gia đích thực, làm việc tại cơ quan Nasa - Barbara Ann Brennen -cũng rất hứng thú với  vấn đề hào quang của con người.

Trong loạt bài viết này, chúng ta tạm gác bỏ rất nhiều vấn đề, thí dụ như: lịch sử về vấn đề hào quang của con người. Tất nhiên ai cũng tự hỏi: Tập nhìn hào quang thì rất hay rồi! Nhưng hào quang thực sự có hay không? Nếu có thì nó là cái gì? Hiệu ứng Kirlan phải chăng là một dạng hào quang? Ở những đường dây điện cao thế, người ta cũng nhìn thấy những vầng hào quang? V.v. Và còn rất nhiều vấn đề khác. Ở đây chúng tôi đề nghị phương pháp tiếp cận thực tế. Đó là bạn thực hành bằng chính bản thân mình. Có lẽ đây là cách tìm hiểu và đánh giá vấn đề hào quang một cách thực tế nhất.

Qua quá trình tập luyện, cũng có vị nhìn thấy cái gì đó, cũng có vị chẳng nhìn thấy cái gì cả! Kể cả những người nhìn thấy cái gì đó; thì người ta cho là ảo giác, ảo ảnh, tự kị ám thị, mắt quáng đèn lòa…Tuy nhiên, có vị do tập luyện miệt mài, có vị có thể do bẩm sinh nên đã nhìn ra cái gì đó. Họ cảm thấy vui mừng và thích thú về khả năng này. Và càng lấy làm thích thú hơn khi ứng dụng vào thực tế vào cuộc sống đời thường. Tự thấy mình có một khả năng mà ít ai trên đời lại biết đến, chứ chưa nói là có được kỹ năng này. Nhờ vào khả năng này, người ta có thể đánh giá tình trạng sức khỏe nói chung của ai đó, mà chính bản thân họ không hề hay biết. Kỹ năng này được tập luyện mài dũa càng ngày càng trở nên bén nhạy, chính xác, sắc sảo. Hào quang màu đỏ đâu đó trên cơ thể con người, đó là tín hiệu cho biết, một bộ phận nào đó của cơ thể có cái gì đó không ổn. Ai đó có một màu hào quang tổng quát, màu xanh da trời, cho biết là người hành nghề trí thức. Kinh nghiệm thực tế của từng cá nhân còn cho chúng ta biết nhiều hơn thế nữa.

Cũng giống như những loạt bài về kỹ năng xuất hồn, những loạt bài về vấn đề này có rất nhiều cách tập. Hy vọng những bài viết này cung cấp thông tin đến những quí độc giả có nhu cầu tìm hiểu.

Lời đề nghị của người thuyết minh:

Kính thưa quí độc giả! Ngoại trừ quí độc giả là những người đã có nhiều kinh nghiệm; còn quí độc giả nào mới tiếp cận với những vấn đề liên quan đến kỹ năng của tinh thần như là: tác pháp, thiền định, xuất hồn…này chưa lâu, rất mong quí độc giả quan tâm đến một số vấn đề nêu sau: Có lẽ một số quí vị sẽ  cho rằng đây là những vấn đề quá sơ đẳng thô sơ mà tại sao lại cứ phải nhắc đi, nhắc lại. Vâng, tuy thô sơ thế này, nhưng nếu chúng ta thiếu sự quan tâm đúng mức, thì có lẽ tập luyện cả một đời người cũng không đạt được kết quả nào cả. Điều chúng tôi muốn chia sẻ với quý vị là: Các tài liệu kinh sách của các tôn giáo Á Châu thì hay đề xuất một vị thế để tập luyện là: kiết già, bán già. Người ta cho rằng vị thế này là bản sao của các tổ sư uy nghi, chắc chắn, kinh huyệt thông suốt, tạo điều kiện cho các luân xa hoạt động tốt. Nói tóm lại là đủ các thứ tốt, không có phản ứng phụ! Thực tế lại không phải như vậy, điều này chắc chắn những vị bảo thủ cảm thấy khó chịu. Nhưng những tác giả như Lobsang Rampa, hay Barbara Ann BrennenMilarepa… đều đề xuất vị thế để tập luyện là nằm. Người Pháp gọi là vị thế này là vị thế của người chết. Người thuyết minh bài này cũng xin hân hạnh đề xuất như vậy.

Điều thân, thực tế là làm thế nào cho thân thể có thể bất động trong một thời gian lâu, mà không đưa tới việc đổ, ngã, tê, buốt, làm hư hỏng thể xác hay còn gọi là cơ thể vật chất. Chỉ cần một sơ suất nhỏ là tay chân và cơ thể bị cấn vào vật cứng trong một thời gian lâu dài công phu, nó sẽ làm bể vỡ các vi ti huyết quản. Như chúng ta đều biết nếu máu huyết không lưu thông sẽ sanh ra bệnh tật.

Chúng ta sẽ đề cập đến vấn đề làm sao để thư giãn tâm lý:

Phật giáo nguyên thủy và Raja Yoga cùng sử dụng chung một công thức là “Tư cách chú tâm vào một vật  duy nhất”. Trường phái Phật giáo gọi là phương pháp này là Sama sama dhi, có nghĩa là chánh định, là định tâm chân chánh. Rất có thể nhiều quí vị không ngờ là chánh định lại được định nghĩa một cách đơn giản như vậy. Đơn giản một cách bất ngờ!

Có thể lại có một bất ngờ khác. Chánh định thực tế không phải đơn giản như thế! Vậy là thế nào? Có thể có nhiều người đã từng thực hành nhiều năm, đến ngày cuối cùng của cuộc đời vẫn không tìm được câu trả lời, và chỉ còn có cách là xin hẹn kiếp sau! Chúng tôi hy vọng là những điều trình bày này để được cùng quí vị chia sẻ những khó khăn của vấn đề; chứ không cho là có ý định tự đánh bóng cá nhân mình.


Có một điều khó nói là, phải chăng người Á Châu có một thói quen, hoặc với phong tục tập quán là trình bày bất cứ vấn đề gì cũng đều mang tính chất mơ hồ; khác hẳn với nền khoa học của người Âu Châu mà kiến thức con người được phát biểu thành những định luật, nguyên lý, công thức, để tránh sự ngộ nhận. Toán học là ngôn ngữ của khoa học.

Chúng ta lại quay lại tìm hiểu về câu nói “ Tư cách chú tâm vào một vật duy nhất”. Bình thường thì ai cũng nghĩ rằng muốn định tâm, thì chỉ cần lấy một cái gì đó làm đối tượng, rồi mình chú tâm mạnh mẽ liên tục vào đối tượng đó. Đối tượng này thiên hình vạn trạng, từ một chấm đen, chấm đỏ, đến ngọn lửa của cây nhang, ngọn nến, phức tạp như một đàn pháp của trường phái Mật giáo Tây Tạng. Nói tóm lại, người ta nghĩ ra đủ cách để làm thế nào cột cái tâm mình lại. Nào là lý thuyết của luồng tâm thức, nào là những tâm Javana, tốc hành tâm…. Người ta giải thích cấu tạo của tiến trình tâm một cách cơ học của thao tác thiền định…Người thì nghĩ ra cách “thấy vọng thì không theo”, tất nhiên là còn lại chân tâm….Người ta nghĩ ra đủ phương cách để làm sao định tâm. Nhưng hình như tâm con người có vẻ bướng bỉnh, chẳng có liệu pháp nào trị được cả! Nó đi theo con đường nó muốn, mình đi theo con đường mình đi.

Hình như cái khó hiểu của câu chân ngôn “Chú tâm vào một vật duy nhất” có thể được hiểu như sau: chúng ta chú tâm vào một vật cho đến khi mất đi ý thức. Về kỹ thuật, người ta gọi đây là “tâm đi tìm”. Tâm đi tìm này chỉ đạt được chất lượng khi người đi tìm mất đi ý thức (ta nhớ lại đây là giai đoạn của sơ thiền hữu sắc). Sau khi mất đi ý thức, chúng ta thấy “Tôi và đối tượng để quán tưởng là một”. Đối tượng này có thể là một điểm sáng để mình quán sát, thí dụ như một bóng đèn led của chiếc tivi chẳng hạn. Đến giai đoạn này, chúng ta thấy chính chúng ta là điểm sáng, điểm sáng và chúng ta là một. Đây là một bước mở đầu hết sức là quan trọng cho bất cứ ai có ý định tập luyện những bộ môn tương tự. Không biết có chủ quan quá không, khi người ta nghĩ rằng: khi chúng ta vỡ lẽ được vấn đề này, thậm chí là chưa đạt được thành tích này, thì đời sống của con người đã chấm dứt!

Nói một cách khác, đặc điểm cơ học của kỹ thuật này là tự động làm cho cái tâm của người tu thiền định tách ra khỏi cơ thể vật chất. Từ ngữ bình dân trong cuộc sống đời thường gọi là xuất hồn, xuất vía gì đó. Có lẽ những ai tự cho là mình thích tu chánh định, định chân chánh, thì chính bản thân họ cũng vô tình  tạo ra, hay trải qua hiện tượng xuất hồn một cách thụ động. Quí vị nào đã từng tu thiền định và từng có cảm nhận là không nhận thấy sự hiện hữu của thân xác vật lý mình đâu, nhưng quí vị vẫn hiện hữu không có cơ thể vật lý không? Quí vị tự cho là mình có tập luyện xuất hồn bao giờ đâu, mình đâu có ý định tập luyện xuất hồn, vì nghe người ta nói là các loại thần thông là tà pháp, do đó cần phải tránh xa. Nhưng nay tập chánh định, kỹ thuật thuần túy của Phật giáo nguyên thủy, mà cái hồn (tâm) lại một nơi; cái xác vật lý (sắc) lại ở một nơi, thật là một thảm họa cho tôi chưa?!

Liệu người ta có thể giải thích được hiện tượng này chăng? Lý thuyết của các bộ Luận hoàn toàn có khả năng để giải thích. Tâmsắc cần có sự tương thích khi chúng ta sống bình thường. Tâm dục giới tương thích với sắc dục giới. Nói một cách khác là hai đơn vị này ăn khớp với nhau. Nhưng khi tu thiền định, những tâm thiền trở nên mạnh mẽ gọi là thiền thiện tâm. Số tâm còn lại rất ít, không thích hợp với cơ thể vật lý của dục giới. Do đó, vì không thỏa mãn được định luật tượng ưng -  cụ thể là tâm và sắc không cùng một loại. Do đó, nó tự tách ra. Nếu quí độc giả hiểu như vậy, thì chẳng phải là một thảm họa cho mình đâu, có lẽ ngược lại là đằng khác.

                                                                                      

( Còn tiếp)