Saturday, April 5, 2014




Đức Phật Thích Ca ( Sakya Muni) cùng  Đạo Phật ra đời cách đây đã gần 2600 năm. Những chủ thuyết của Ngài về Tứ Thánh Đế, thập nhị nhân duyên  cùng với những thuyết khác như Tánh không, A lại Da thức và Thai tạng giới... là những phần kiến thức vô giá mà chúng ta được kế thừa và học hỏi.

Trước khi những chủ thuyết của Sakya Muni ra đời, tại Ấn độ còn có những tôn giáo khác là Vệ Đà giáo và Bà La Môn giáo phát triển từ Vệ Đà. Những đạo này là đạo cổ của Ấn Độ, nó là quốc giáo, còn được gọi là Ấn Độ giáo.  Ngài Thích Ca đã học tập theo các đạo sĩ đi trước Ngài tu tập nhưng không thỏa mãn được những nhu cầu hiểu biết và những mong mỏi của Ngài nên Ngài đã tự tìm một con đường riêng tu hành, thực hành thiền định và đạt được quả vị giải thoát cùng những kiến thức siêu phàm được Ngài truyền lại cho thế nhân và hậu thế.

Chúng ta đều biết rằng hiện nay trên thế giới không chỉ có Phật giáo là duy nhất. Ngoài Phật giáo còn có Ki-tô giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Tôn giáo dân gian Trung Quốc, Nho giáo…


Nói đến Phật giáo là mọi người chúng ta hiểu rằng đây là đạo của Phật Thích Ca, nhưng nhiều người cũng đánh đổ đồng đạo Phật Trung Quốc thành những giáo pháp của Phật Thích Ca Ấn Độ.

Ngày nay, ở Đông Nam Á có rất nhiều người tu theo trường phái Phật giáo Đại thừa Trung Quốc là Tịnh Độ Tông nhưng lại nói rằng đó là tư tưởng và chủ thuyết của ngài Sakya Muni.

Chúng ta đểu biết rằng có rất nhiều tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau. Những tín đồ của các tôn giáo đều có niềm tin và sự ngưỡng mộ với những vị giáo chủ và tôn giáo của mình.  Trong đạo Phật nói chung, các tín đồ tu theo pháp môn nào cũng có niềm tin tín ngưỡng đối với Pháp môn đó. Nhưng do không có kiến thức nên chúng ta cũng lại dễ hiểu lầm đạo Phật Trung Quốc là đạo Phật Thích Ca của Ấn Độ. Đành rằng chúng ta tôn trọng tôn giáo và tín ngưỡng của mỗi người. Nhưng tại sao lại có sự đổ đồng Phật giáo Ấn Độ với Phật giáo Trung Quốc như vậy? Và tại sao có nhiều tín đồ lại tin rằng những pháp môn đại thừa được phát triển tại Trung Quốc lại là những giáo thuyết của Sakya Muni như vậy?

Sở dĩ có chuyện này bởi có quá nhiều kinh giả của người Trung Quốc tạo nên từ những thế kỷ đầu sau công nguyên.

Các chuyên gia nghiên cứu chuyên môn phương Tây gọi kinh ngụy tạo (Apocrypha) là văn học của Á Châu giả mạo kinh của Phật giáo Ấn Độ.


Những loại kinh giả này đã được tạo ra ngay từ lần đầu tiên của hoạt động dịch kinh Ấn Độ ở Trung Quốc từ giữa thế kỷ thứ 2 sau công nguyên. Những văn bản ngụy kinh này  đã được mạo nhận là lời Phật thuyết (words of the Buddha) và được gọi là Kinh (Suttra). Theo ghi chép của đại tạng kinh thì những kinh giả này không ngừng được tạo ra và phát triển cho tới ít nhất là thế kỷ thứ VIII sau công nguyên.  Kinh được tạo ra để nhằm truyền bá những tư tưởng tôn giáo đạo Phật của bản xứ, cũng như truyền những tư tưởng văn hóa truyền thống của địa phương. Những văn bản giả kinh này thường kèm theo những tư tưởng của đạo Khổng và đạo Lão Trung Quốc.

Do có quá nhiều  sự phản đối và phê bình của những người bảo thủ hay tự do của nhóm Phật tử đòi  bảo vệ sự thật, duy trì những nguồn kinh chính gốc. Một phần nữa những nhà làm danh mục phê bình đã lên án kịch liệt kinh giả. Họ lên án các ngụy kinh đã tác động và làm ảnh hưởng đến sự toàn vẹn của sự truyền bá kinh điển Phật giáo tại Trung Quốc. Do có quá nhiều sự phản đối và phê bình, nên đến giai đoạn kết tập in kinh lần đầu tiên vào thời Bắc Tống (971 – 983) thì kinh ngụy tạo mới dần dần được giảm xuống.

Những ngụy kinh này được viết nhằm phục vụ mục đích tâm linh, mục đích chính trị, nó phản ánh bộ máy chính trị - xã hội đương thời của bản địa. Những kinh giả này đã bóp méo và làm thay đổi những tư tưởng, đặc điểm và tính chất của đạo Phật Thích Ca Ấn Độ.

Kinh ngụy tạo được mạo nhận là lời luận giảng về kinh của một số vị thầy có tiếng tăm, hoặc vô danh của Ấn Độ, được gọi là Luận (Sastra). Một số ngụy kinh cũng tuyên bố rằng nó được xuất phát từ tuệ giác của những bậc giác ngộ ở Ấn Độ hoặc được truyền thừa tuệ giác từ dòng phái chính thống. Ví dụ như “các bộ Thánh thư quý báu” (Gterma) của Tây tạng. Có một số ngụy kinh loại văn bản được viết dưới dạng kể chuyện như chuyện Tiền thân Đức Phật (Jataka).

Nhiều khi, trong những cuộc tranh luận về thánh điển mang yếu tố nước ngoài và không tránh được sự chỉ trích của các đối thủ về mặt tôn giáo và tư tưởng như đạo Lão và đạo Khổng, nên phải có sự thỏa thuận và đưa những  tư liệu không có thật vào, như  Bộ Lịch Đại Tam Bảo Kí (Lidai Sanbao Ji – Record of the three Treasures).

Bộ Khai Nguyên Thích Giáo Lục (Kaiyuan Shijiao Lu Record of Sakyamuni’s teaching), soạn vào đời Khai Nguyên năm 730- được cho là hay nhất cũng không tránh được những phần văn bản ngụy kinh.

Kinh Piluo Sanmei jing – the Scripture on the Absorption of Piluo là một cuốn kinh giả mạo nhưng được chứng thực trong danh mục Đại Tạng Kinh lại được soạn bởi nhà sư học giả nổi tiếng Đạo An (312-385).

Các bản kinh ngụy tạo được tìm thấy ở kho cất dấu Đôn Hoàng ở Trung Á, gồm các bản thảo từ thế kỉ thứ 5 đến thế kỉ thứ 11. Và một số bản thảo kinh tìm thấy tại Nanatsu-dera ở Nagoya, Nhật Bản, được kết tập suốt thế kỉ 12.

Cuốn Khởi Tín Luận (Dasheng Qixin lun) bắt trước những đặc tính chính thống của Phật giáo Ấn Độ là: Tánh không (Sunyata), A Lại Da Thức (Alayavijnana) và Thai Tạng giới (Tatha Gatagarbha). Kinh này nói rằng tâm trí con người vừa vô minh lại vừa có giác tánh.

Kinh Phạm Võng (Fanwang Jing, Brahma’s bet sutra) đã thay đổi một phần giới luật của Bồ Tát đạo bằng cách thêm vào giáo lý Hiếu của Đạo Khổng

Kinh Thập Điện Diêm Vương (the Shiwang Jing, the Scripture of the Ten Kings) nói về địa ngục và cai quản địa ngục là Phán quan. Địa ngục kiểu phong kiến này đã phản ánh lại hình thức chính trị - xã hội Trung Quốc thời Trung cổ.


Kinh Nhân Vương (Renwang Jing, Humane King sutra) nói lên thiên tai, dịch bệnh và sự ruỗng mục, suy đồi của mọi tầng lớp xã hội. Và để khôi phục trật tự tôn giáo và bảo vệ sự diệt vong của đất nước thì phải có trí tuệ bát nhã. Kinh này được truyền bá rộng rãi trong thời Trung cổ của khu vực Đông Á…


Người ta cho rằng Kinh ngụy tạo được tạo ra do ảnh hưởng nặng nề của văn hóa truyền thống Trung Quốc. Nó là sự thuyết phục và thỏa thuận đạt được trong việc hình thành một tôn giáo bản xứ. Kinh ngụy tạo được tạo ra do sự tôn sùng kinh điển Trung Quốc và cũng nhằm đáp ứng cho nhu cầu tôn giáo và văn hóa Trung Quốc.

Thực ra đạo nào cũng có cái hay riêng của họ. Đạo Phật Trung Quốc cũng có phương pháp tu thiền. Hay những pháp môn như niệm Phật của Tịnh độ tông cũng có những người chứng đắc với những điều kỳ diệu. Nhưng đánh đổ đồng giữa chủ thuyết hay giáo lý, tính chất và đặc điểm của đạo này với đạo khác là một việc làm không đúng với lịch sử và thực tiễn, là “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.



Nguồn tham khảo :

- “Kinh ngụy tạo” của tác giả giáo sư, tiến sĩ KYOTO TOKUNO, dịch giả Phạm Doãn.

- Bách khoa toàn thư Phật giáo, tổng biên tập Robert E. Buswell.Jr


0 nhận xét:

Post a Comment