Friday, February 28, 2014

                 



Bài viết này chỉ là sản phẩm tưởng tượng của một cá nhân, không được bất cứ một cơ quan hữu trách nào xét duyệt. Do đó, hoàn toàn không có giá trị xét ở bất cứ góc độ nào. 


Sao Mai says:

Chào chị HHN!

Thưa chị! Gần đây em có xem một số thông tin trên các trang web, thấy có những bài viết về hệ phái tịnh độ và một số vị Phật. Những thông tin này đều mang tính chất tiêu cực. Em rất mong chị hoặc ai đó cho em một số thông tin khách quan nhất đề tài được đề cập đến ở trên qua quá trình lịch sử tồn tại và phát triển của của Phật giáo với đời sống con người.

HHN says:

Không cần  phải tìm đâu quá xa trong lịch sử, chỉ cần tìm hiểu những biến cố trong thời gian gần đây thôi - các cuộc chiến tranh trên thế giới, dù nhỏ hay lớn, đều thực sự bắt nguồn từ việc con người bất đồng ý kiến với nhau. Nói cho có vẻ to tát hơn, người ta gọi nó là chiến tranh về ý thức hệ. Nói một cách ngắn gọn  là họ không bằng lòng với những tư tưởng của nhau. Dù bất cứ ai, ở địa vị quyền cao chức trọng hay một công dân bình thường, thì thật ra họ cũng chỉ là một con người. Chỉ số thông minh IQ của con người có thể cao thấp khác nhau; nhưng bộ máy tâm lý (Psychic Apparatus) nếu ở cùng một môi trường sinh hoạt thì cơ bản lại giống nhau. Để mô tả tính chất phổ quát của tâm lý, Hoạn Thư có đưa ra nhận xét như sau:

          “ Rằng tôi chút dạ đàn bà
          Ghen tuông thì cũng người ta thường tình…”

Văn chương của Pháp gọi là “Faiblesse Humaine”. Đây là một từ ngữ vô cùng phổ thông cho học sinh ở cấp trung học.

Cho dù đến ngày hôm nay, đã ở thế kỷ thứ 21, nhưng việc hiểu biết về tâm lý con người đối với Sao Mai cũng như quý độc giả, hay với con người chúng ta vẫn là một ẩn số. Thậm chí người ta không thống nhất được với nhau mối liên hệ giữa tinh thần và não bộ. Ở Việt Nam, có cô gái nhìn bằng cái trán không phải là mắt. Những người được ghép nội tạng, cũng có trường hợp một người có khả năng hoặc tâm lý của hai người. Cụ thể là có trường hợp có một người thợ thủ công với đôi bàn tay chỉ biết làm những công việc thô sơ, sau khi được ghép cái tay của một người thanh niên biết chơi đàn Vĩ Cầm, thì người thợ này bỗng nhiên có khả năng chơi đàn. Và còn rất nhiều trường hợp khác. Vậy “Hồn” là cái gì ? Có hay không? Trí nhớ nằm ở tay hay ở não? Chúng ta có thể nghĩ rằng những câu hỏi này sẽ không bao giờ có câu trả lời.

Mặt khác, nhiều nền giáo dục thiếu sót bộ môn tâm lý hoặc sinh học vì lý do chủ quan hoặc khách quan. Cho nên có thể cách nhìn của họ còn thiếu tính khoa học. Điều này mong quí độc giả tự tìm hiểu. Đại đa số là người ta học hỏi từ kinh nghiệm mà ra, và thực sự hầu  hết mọi người mù về bộ môn tâm lý học. Đơn giản là cho dù có được học  ở tại nhà trường, thì chẳng qua cũng chỉ là giải pháp tình thế để đạt được một số điểm nào đó ở các kỳ thi, chứ thực ra họ cũng chẳng có sự hứng thú gì với bộ môn này… Do đó, khi bước ra khỏi nhà trường thì hầu hết là đa phần kiến thức lại trả lại cho thầy.

Chính vì những lý do nói trên, cho nên việc trình bày cũng như tiếp thu về đề tài nói này sẽ là một thách thức cho nhiều người.

Sao Mai says:

Thưa chị! Theo chị thì chúng ta có thể sử dụng một số bộ môn mà mình đã từng theo học ở nhà trường như: tâm lý, luận lý, xã hội, sinh lý, giải phẫu…để tìm hiểu về đề tài nói trên không? Nếu thống nhất sử dụng những kiến thức phổ thông nói trên, thì mức độ tin cậy sẽ như thế nào? Em còn nhớ người Trung Quốc thường nói:   

          “Tri nhân, tri diện, bất tri tâm”
          “Họa hổ, họa bì,nan họa cốt”

HHN says:

Em ạ! Đến cả bộ môn toán học được mô tả như một ngành khoa học mang tính chính xác cũng như biểu tượng hay phổ quát cao cũng không… chính xác! Chúng ta nhớ lại có rất nhiều trường phái hình học: nào là Eclid, nào là phản Eclid; nào là Topo, hay là lôbasepki…nhiều vô số kể. Có lẽ chúng ta không nên cầu toàn hơn về bất cứ cái cái gì thuộc đề tài về lĩnh vực tinh thần. Không thiếu gì lời của những bài hát, mô tả về trạng thái tâm lý mà ta đang đề cập tới:

“Đừng lừa dối nhau, đừng nói yêu khi ta cần nhau…”
“Em vẫn biết anh luôn dối gian…”

Nào chúng ta quay lại chủ đề.

Kính thưa quý độc giả cùng Sao Mai!

Ai cũng biết Phật giáo có một số định đề tự cho là “công thức bất tử”, “sự thật vĩnh cửu”, “chân lý” v.v. Nhìn chung những định đề này đã mô tả cuộc đời con người, hay nói đúng hơn các sinh vật sống một cách mang đầy tính chất bi quan và tiêu cực.

“ Tuồng huyễn hóa đã bày ra đó
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau
Trăm năm nào có gì đâu
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì..”

Đây là solution cho vấn đề:

“ Thà  mượn thú tiêu giao cửa Phật!
Mối thất tình quyết dứt cho xong…”

Rõ ràng tác giả Nguyễn Gia Thiều là một người thông hiểu đạo Phật. Chỉ với vài câu thơ ngắn ngủi, ông đã vẽ lên bức tranh đầy kịch tính của trường phái Phật giáo.

Với nhãn quan của ngành phân tâm học thì có lẽ những câu thơ trên là sự biểu lộ của “bản năng cái chết” (instinct de mort). Người ta cho rằng bản năng là một khuynh hướng gắn kết với cuộc sống của tất cả các sinh vật (organisme vivant). Khuynh hướng này thúc đẩy các sinh vật tái tạo về trạng thái nguyên thủy - mà chính tại nơi đây, nó đã xuất phát ra đi. Tóm lại, đây là một bản năng bảo thủ, thụt lùi, quay trở lại trạng thái vô cơ ban đầu. Đó chính là bản năng cái chết. Nó là đặc tính của tất cả các sinh vật (etre vivant). Mặc dù đây là một giả thuyết chứ chưa phải là một chủ thuyết, vì quan điểm này đưa đến một trạng thái lưỡng nan (dilemma) về mặt logic, bởi nó không giải thích được sự phát triển của các tế bào bản năng tình dục.

Bản năng cái chết nếu được công nhận như một chủ thuyết, thì lại càng trở nên khó khăn hơn khi phải đương đầu với bản năng cái tôi (le moi - Das ich – ego. Chúng tôi xin phép sử dụng bằng ba thứ tiếng: Pháp, Đức, và tiếng Anh. Việc sử dụng bằng ba thứ tiếng này là để tránh việc ngộ nhận, khi quí độc giả có ý định khảo cứu). Bản năng cái tôi có đặc tính là “tự bảo vệ” (auto protection). Cái tôi này - mong quí độc giả nhớ lại - nằm trong khu vực ý thức. Nó đóng vai trò của lý trí, và luôn luôn tìm cách bảo vệ cá thể nào đó trước những sự đe dọa hoặc có thể bị đe dọa đến sự tồn tại của cá thể đó. Do đó, cái tôi bản năng này (Das ich) nằm trong khu vực ý thức. Nó không chấp nhận bản năng cái chết thuộc khu vực vô ý thức, vì bản năng cái chết đe dọa sự tồn tại của cá thể.

Nếu hiểu được điều này, chúng ta sẽ thấy tại sao người ta tránh né sự hiện diện của cái chết; mặc dù ai cũng biết đó là một sự thật. Với trạng thái tâm lý này của con người, Phật giáo nguyên thủy rất khó có cơ may để tồn tại, chứ đừng nói đến việc phát triển.

Với những thông tin nói trên, chúng ta có thể đưa đến nhận xét: Trường phái Tịnh Độ, vị Phật A Di Đà, nhiều chục lời hứa, cõi cực lạc…rất phù hợp với bản năng cái tôi, có tính chất “tự bảo vệ”, phù hợp với hiện tượng tăng trưởng của tế bào, dường như đây là bằng cớ của sự bất tử của các chủng loại (immortalite de l’ espece).

Trao đổi đến đây, em thiết nghĩ quý độc giả có thể tự tìm thấy vai trò của trường phái Tịnh Độ và vị Phật A Di Đà trong sự tồn vong của lịch sử Phật giáo.

Kể cả đến đầu thế kỷ 21 này, lý thuyết của trường phái Phật giáo nguyên thủy có lẽ vẫn xa lạ với nhiều người, mà nó lại xuất hiện cách đây tới gần 2600 năm ở một xã hội đầy sự phân hóa giai cấp và mê tín. Nhìn chung, chủ thuyết này không phù hợp với bản năng bẩm sinh về cái tôi của con người, cái tôi muốn bản thân con người tồn tại; con người muốn chủng loại loài người tồn tại. Trong khi đó, chủ trương của Phật giáo nguyên thủy lại đưa ra một viễn ảnh, một tương lai với mục đích giải thoát. Với mục  đích này, loài người sớm hay trễ sẽ tuyệt chủng và có thể còn có các chủng loại khác nữa cũng tuyệt chủng theo! Với một tri thức luận bình thường, người ta tự hỏi, không biết cứu cánh cuối cùng này có phù hợp với ý định của mẹ thiên nhiên hay không? Rất mong được quí độc giả đóng góp ý kiến và quan điểm của mình!

 Chúng ta hãy tưởng tượng một phương án tích cực nhất mà Phật giáo đề ra là: giác ngộ, giải thoát…. Nếu ý nghĩ này biến thành sự thật, thì rõ ràng là loài người tuyệt chủng. Mặt khác, kịch bản này sẽ mang đầy chất kịch tính. Ta đặt giả thuyết 10%, 20%... số người giác ngộ. Nếu số lượng người giác ngộ càng đông, thì càng tỷ lệ thuận với việc chỉ tiêu thụ chứ không sản xuất. Nếu vậy thì xã hội giải quyết làm sao định luật cung cầu - một định luật tự nhiên vốn có của đời sống kinh tế. Thời gian còn lại với số người chưa giác ngộ sẽ ra sao?

Sao Mai says:

Thật ra em chưa nghĩ đến và cũng chưa được biết một tài liệu nào dự kiến về một tương lai hay một viễn cảnh mà mọi người đang tiến tới quá trình thành tiên, thành Phật. Việc chị trình bày kể ra cũng rất lạ. Tuy nhiên, giả sử những điều chúng ta nghĩ tới có khả năng xảy ra thì biện pháp xử lý sẽ là như thế nào nhỉ?

HHN says:

Người ta cũng chẳng có một cơ sở nào để mặc định. Và có cái gì để định đề hóa? Đây chỉ là những lý thuyết vu vơ không có cơ sở! Biết đâu Phật giáo nguyên thủy - vì những yếu tố chủ quan hay khách quan - đã tự thu nhỏ mình lại từ từ. Điều đó đã được khẳng định qua thực tế. Ví dụ tết vừa rồi chị có đi qua một số cơ sở tôn giáo của Phật giáo, thấy người ta đề cái gì đó đại để có nghĩa là thời đại của Di Lạc: “Mừng xuân Di Lạc”. Mà theo tài liệu thì vị Phật Di Lạc chẳng liên quan gì tới Phật giáo!

Chỉ nói riêng tại Việt Nam, các cơ sở của hệ phái Tịnh Độ đã phát triển khắp nơi. Người ta mặc nhiên đồng hóa Tịnh Độ và Phật giáo Ấn Độ là một, chẳng thấy ai thắc mắc bao giờ.

Người ta tự hỏi: Phải chăng hệ phái Tịnh Độ là chiếc phao cứu sinh cho trường phái Phật giáo trên thực tế? Có lẽ đây là một thực tế không thể phủ nhận được! Nói theo quan điểm của Phật giáo là trên đời không có sự tình cờ. Nếu Phật giáo nguyên thủy bộc lộ những sự yếu kém song song với những điểm mạnh trên thực tế, thì hệ phái Tịnh Độ cũng phải có những lý do để đưa đến sự phát triển mà chúng ta sẽ đề cập đến trong những phần sau.

Nếu chúng ta coi vị Phật A Di Đà với cõi cực lạc là những biểu tượng của Phật giáo, thì chắc chắn nó phải đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của bản năng con người. Nếu xét ở góc cạnh khác, việc quán tưởng vị A Di Đà cùng với chân ngôn của vị chủ chân ngôn này với một chút sáng tạo khéo léo, thì kịch bản này sẽ trở thành một Manđala nổi tiếng của Mật Tông Tây Tạng. Chính có thể vì những yếu tố chủ quan này của hệ phái Tịnh Độ đã làm cho hệ phái này trở nên phát triển như ngày nay.

Sao Mai says:

Chị HHN à! Thật sự em chưa từng biết ai đó vận dụng tâm lý học và phân tâm học để giải thích về vấn đề tôn giáo như chị vừa nói. Nói chung, em thấy người ta chỉ nói lại những lời, hay những gì của người trước đã nói. Em xin lỗi vì đã nói lên điều này! Nhưng nó lại đúng là một sự thật.

Thưa chị HHN! Chị có thể vui lòng nói thêm về vấn đề này một cách chi tiết hơn cho em cùng quý độc giả được không?


                                                                               ( Còn tiếp)






Wednesday, February 26, 2014



Tịnh Độ Tông còn gọi là Tịnh Thổ Tông hay Liên Tông do cao tăng  Huệ Viễn ( (zh. 慧遠) người Trung Quốc sáng lập. Sư Huệ Viễn là người đời nhà Tấn, sinh năm 334, mất năm 416. Ông là người họ Cổ, nguyên quán xứ Lâu Phiền, ở Nhạn Môn, thuộc tỉnh Sơn Tây Trung Quốc.

Trong quá trình tu tập, ông đã mấy lần thấy một vị Phật Di Đà thị hiện. với hào quang phản chiếu khắp hư không. Khắp trong những ánh viên quang ấy hóa hiện vô số những vị Phật, mỗi vị Phật đều có Ngài là Quán Thế Âm và Đại Thế Chí đứng hai bên.

Sư Huệ Viễn cho rằng sau này là thời Mạt Pháp, chúng sinh khó lòng tự lực tu hành; tu niệm Phật và nhờ tha lực của Phật A Di Đà là một phương pháp “dễ dãi” nhất để tiến tới giải thoát.

Tịnh độ tông có ba bộ kinh chính là:

Kinh A Di Đà
Kinh Vô lượng thọ và
Kinh Quán Vô lượng thọ

Mục đích của Tịnh Độ Tông là tin tưởng và nguyện sinh về Tây phương cực Lạc của vị Phật A Di Đà làm giáo chủ. Phép tu cao nhất của Tịnh độ là tự coi thể tính của mình là A Di Đà. Và nếu quán được linh ảnh của D Đà là bằng chứng chắc chắn nhất sẽ được sinh về cõi Tịnh thổ cực lạc của Ngài.

Năm 402, Huệ Viễn thành lập Bạch Liên Xã, tụ tập tăng sĩ cùng cư sĩ đứng trước tượng Phật A Di Đà phát nguyện sinh về Tây Phương Cực lạc. Bạch Liên Xã quy tụ hơn ba ngàn người, trong đó có 123 vị được tôn là Hiền nhân. Trong 123 vị Hiền nhân này, lại có 18 bậc thượng thủ gọi là Đông Lâm Thập Bát Đại Hiền, gồm các Sư như sau:

1. Huệ Viễn Đại Sư.
2. Huệ Vĩnh Pháp Sư.
3. Huệ Trì Pháp Sư.
4. Đạo Sinh Pháp Sư.
5. Phật-đà-da-xá (sa. buddhayaśas) Tôn Giả.
6. Phật-đà-da-xá (sa. buddhabhadra) Tôn Giả.
7. Huệ Duệ Pháp Sư.
8. Đàm Thuận Pháp Sư.
9. Đạo Kính Pháp Sư.
10. Đàm Hằng Pháp Sư.
11. Đạo Bính Pháp Sư.
12. Đàm Tiên Pháp Sư.
13. Danh sĩ Lưu Di Dân.
14. Danh sĩ Lôi Thứ Tôn.
15. Danh sĩ Tôn Bính.
16. Danh sĩ Vương Dã.
17. Danh sĩ Vương Thuyên.
18. Danh sĩ Châu Tục Chi.

Chính vì vậy Sư Huệ Viễn được coi là sơ tổ của tông phái Tịnh Độ với phương pháp tu hành là niệm tên Phật Di Đà. Mục đích của việc niệm A Di Đà là chế ngự tâm và hành giả có thể thấy được A Di Đà cùng hai vị Bồ tát Quan Thế Âm và Đại Thế Chí và biết trước giờ chết của mình.

Ngoài việc tập trung vào phương pháp tu hành và xiển dương môn phái của mình, Sư Huệ Viễn cũng lưu tâm vào những pháp môn khác. 

Dựa trên kinh điển, ông đã suy luận và viết ra một số tác phẩm. Trong số sách  của ông viết, có những quyển sau:

1. Biện Tâm Thức luận (zh. 辯心識論)
2. Du Lô Sơn thi (zh. 遊盧山詩)
3. Du Sơn ký (zh. 遊山記)
4. Đại Thừa Đại Nghĩa Chương (zh. 大乘大義章) (3 quyển).
5. Đại Trí Độ Luận Yếu Lược (zh. 大智度論要略) (20 quyển).
6. Lô Sơn Lược ký (zh. 盧山略記)
7. Minh Báo Ứng luận (zh. 明報應論)
8. Pháp Tính luận. (zh. 法性論)
9. Phật Ảnh tán (zh. 佛影讚)
10. Sa Môn Bất Kính Vương Giả Luận (zh. 沙門不敬王者論).
11. Sa Môn Đản Phục luận (zh. 沙門袒服論)
12. Thích Tam Báo luận (zh. 釋三報論)

Ngoài ra, Ông còn viết nhiều văn thư biện luận về Phật pháp với Sư Cưu Ma La Thập, cùng các ông Lưu Di Dân, Đới An và một số vị khác.

Cuối cuộc đời của ông, vào ngày 30 tháng 7, năm nghĩa hy thứ 12, sau khi ngồi tịnh, mở mắt thấy Phật Di Đà thị hiện khắp hư không, với hai bên tả hữu là Quán Thế Âm cùng Đại Thế Chí. Phía sau Di Đà còn có các bạn của ông đã tịch trước ông như các ông: Phật Đà Da Sá, Lưu Di Dân, Huệ Vĩnh, Huệ Trì…Ngài Di Đà nói với ông rằng : “Ta dùng sức bản nguyện tới đây an ủi ông, sau bảy ngày ông sẽ được sinh về Tịnh độ.”

Ngày hôm sau, ông bắt đầu bị cảm. Ông gọi hai đệ tử của mình là Pháp Tịnh và Huệ Bảo đến thuật lại chuyện ba lần nhìn thấy Thánh tướng Di Đà cùng các kỳ tích trong quá trình tu tập của cuộc đời. Rồi bảo rằng nếu đã  có điềm như vậy, chắc là đã đến thời kỳ ra đi. Ông dặn dò đệ tử làm những việc đại sự sau khi ông tịch và làm các quy chế răn dạy cho đại chúng cùng nhau sách tấn tu tập sau này.

Trong thời gian ông bệnh, chư Tăng khuyên ông dùng thuốc rượu, nhưng ông từ chối. Tới ngày cuối cùng của cuộc đời, vì ông mệt, chư Tăng  bảo ông dùng nước cơm gạo, ông cũng nói quá ngọ nên không ăn. Các vị tăng lại bảo ông dùng mật để lấy sức, sư bảo mọi người tra luật xem có được ăn mật không. Khi mọi người chưa tra xong, ông không làm chủ được và đã viên tịch.  Đó là ngày 6 tháng 8 năm Bính Thìn, niên hiệu Nghĩa Hy thứ 12, thọ 82 tuổi.


Sau này Đàm Loan (zh. 曇鸞 – sinh năm 476, mất năm 542) là người đã xiển dương và tích cực phát triển tông Tịnh độ.

Ngày nay Tịnh Độ tông là tông phái phổ biến nhất tại Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản và Đài Loan.

Nhật Bản thời kỳ đó cũng là một đất nước chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi văn hóa và tôn giáo Trung Quốc: Viên Nhân (zh. 圓仁, ja. ennin, 793-864), là một người đã thấm sâu tư tưởng và văn hóa của đạo Phật Trung Quốc trong thời kỳ ông học ớ đất nước này. Ông đã tích cực truyền bá Tịnh độ tông cùng thiên thai tông và mật tông vào  Nhật Bản.

Thừa kế và phát huy những tư tưởng văn hóa này và nổi danh trong những thời kỳ đầu hoằng dương Tịnh độ là  Không Dã Thượng Nhân (空也上人, ja. kūya shōnin903-972),  và Nguyên Tín (源信, ja. genshin, 942-1017). Không Dã Thượng Nhân với niềm tin tín ngưỡng A Di Đà đã nhảy múa ca hát về A Di Đà  giữa chợ theo nhịp gõ chiếc bình bát cầm trên tay. Chính vì điều này, người ta gọi ông là Thị Thánh (市聖), tức là thánh ở chợ. Trong thời gian này, việc niệm Phật là một yếu tố  chính của những tông phái tu hành tại Nhật, đặc biệt là Chân ngôn tông và Thiên thai tông.

Nhưng người có công lớn nhất trong việc đưa Tịnh độ trở thành một tông phái chính là Pháp Nhiên (zh. 法燃, ja. hōnen, 1133-1212). Thế kỷ thứ 12, Pháp Nhiên chính thức thành lập tông phái Tịnh độ. Ông đã truyền bá, thuyết phục và thu hút được đông đảo quần chúng; gây dựng tông  này trong phạm vi sâu rộng và trở thành một trường phái vô cùng lớn mạnh. Phong trào tu Tịnh độ trở thành một trào lưu rộng lớn và là một phần chính trong việc tu hành ở Nhật. Ông quá đề cao giáo lý của mình nên bị các đối thủ tranh chấp, dèm pha và cuối cùng bị đày ra vùng hoang vu cô tịch năm ông 74 tuổi.

Sau này một cao tăng thuộc tông phái Thiên thai là Lương Nhẫn (zh. 良忍, ja. ryōnin), đã nổi danh trong việc tín ngưỡng và tán tụng đức A-di-đà trong những bài hát. Ông ra sức truyền bá pháp môn Tịnh độ với phương pháp niệm Phật. Ông cho rằng niệm Phật sẽ được dung thông: "Dung thông niệm Phật" (zh. 融通念佛). Có nghĩa là nếu một người nào đó niệm Phật thì tất cả những người khác xung quanh cũng được hưởng lây công đức. Thậm chí không chỉ những người xung quanh mà tất cả mọi chúng sinh đều được hưởng phần công đức này. Và ngược lại, ai cũng có phần  công đức của mình trong việc trì danh, niệm Phật. Những giáo lý của ông  về vấn để này đã thuyết phục và thu hút  được nhiều người trong vương triều. Và sau này, khi ông đã tịch, các đệ tử của ông đã kế thừa những lý luận và giáo điều của ông và phát triển bằng cách tích cực truyền bá. Những giáo lý ấy vẫn được áp dụng cho tới ngày hôm nay.

Một Cao tăng trên núi Tỉ Duệ (zh. 比叡) - trung tâm của các trường phái tín ngưỡng A-Di Đà là Nguyên Tín (zh. 源信, ja. genshin) – với niềm tin chắc rằng cõi Cực lạc của A Di Đà là một cõi thoát ly sự sinh tử. Ông biết được tâm lý sợ khổ đau và thích được an nhàn của người dân, nên đã cho ra đời cuốn Vãng sinh yếu tập (zh. 往生要集), nói về niềm tin A Di Đà và truyền bá phương pháp tu tập. Cuốn sách này của ông  viết về những cảnh địa ngục khổ đau và  lợi ích của việc niệm Phật. Tác phẩm này cùng tư tưởng của ông đã tác động và ảnh hưởng sâu rộng đến truyền thống tín ngưỡng A Di Đà tại Nhật Bản. Ngoài việc viết sách truyền bá giáo lý của mình, ông còn cho tạc tượng và sử dụng những bức tranh ảnh để truyền bá tông phong của mình cho những người ít học.

Tông phái Tịnh độ chính thức được hình thành với thời kỳ của Pháp Nhiên. Pháp Nhiên đã làm một cuộc cách mạng trong việc truyền bá và phát triển Tịnh độ tông với trào lưu rộng lớn. Ông cho rằng con người không thể tự lực tu hành vào thời mạt pháp. Chỉ có tha lực của ngài A Di Đà Phật mới giúp cho con người dễ dàng tu tập. Và sinh về cảnh giới của Ngài là được an lạc trong cõi cực lạc và được giải thoát. Và Tịnh độ tông bây giờ vẫn được lưu truyền và được áp dụng, thực hành rộng rãi ở các nước Á Đông, trong đó nổi bật vẫn là những nước có nguồn gốc hình thành và phát triên môn phái này, đó là Trung Quốc, Nhật Bản. Ngoài ra còn có những người tu hành ở các nước khác như Đài Loan, Việt Nam và một số nước Á Châu khác.











Friday, February 21, 2014





HHN says:

Chẳng phải một mình trường phái Phật giáo, mà phải nói toàn bộ tất cả các trường phái tôn giáo, đều hứa  hẹn một vùng đất hứa nào đó.

Trường hợp A La Hán, phải bảo là một trường hợp điển hình cho chúng ta thấy giá trị của bộ môn phân tâm học. Bộ môn tâm lý học thường nói “Khoái lạc và khổ đau là hai thái cực của đời sống tình cảm con người - mà thần tiên cũng không giải quyết được - buộc chúng phải sống với nhau suốt đời”. Trong khi với những thành tích của một A La Hán, thì hoàn toàn có quyền nói lời chia tay với tất cả các dạng khổ đau.

Chúng ta thử xem phân tâm học nói gì về vần đề này, giả thuyết của Sigmund Freud mà sắp được trình bày sau đây, được coi là phát biểu nền móng của bộ môn phân tâm học “ Rechercher l’ excitation de plaisir et à eviter la douleur” (tìm kiếm khoái lạc, tránh né khổ đau. Căn cứ vào lời phát biểu này của phân tâm học, thì rõ ràng là tâm lý của một A La Hán, cũng chẳng khác gì tâm lý của một người bình thường.)

Nói theo kiểu Lưu Quang Vũ về vấn đề này, trong tôn giáo nói chung… là cả một hệ thống, thiếu sự trung thực với mình và thiếu sự trung thực với người! Bộ môn phân tâm học kể cả đến ngày hôm nay, vẫn xa lạ hình như với tất cả mọi người. Thật vậy, phải bảo nó là một thứ tuệ nhãn, vì nó làm cho nhiều người, có lẽ đặc biệt là những tu sĩ, vỡ tan những ảo mộng.

Cụ thể nhất là, người tu cũng tránh né khổ đau, đi tìm khoái lạc, người đời cũng vậy mà thôi, chẳng qua vì người ta không có một nhãn hiệu, để làm cho mọi người ngộ nhận. Bất cứ sinh vật nào cũng phải tìm cách đấu tranh để tồn tại, kể cả một cái cây ở trong rừng. 

Khi tìm hiểu về vấn đề bản năng thực sự, thì có lẽ nhiều người không ngờ là mình tự đưa mình vào ngõ bí. Thật vậy, việc này chẳng ai bắt mình cả, có lẽ vì không hiểu rõ, thiếu kiến thức về phân tâm học, nên mới xảy ra những hậu quả không mong muốn.

Kính thưa quí độc giả!

Giới luật của hầu hết các trường phái tôn giáo đã được soạn thảo trước mấy ngàn năm, trước khi bộ môn phân tâm học ra đời. Khi tìm hiểu về các giới cấm, nội quy hay giới luật của các tôn giáo, thì chúng ta có cảm tưởng những người soạn ra những luật lệ này có lẽ không hiểu gì hay nói đúng hơn là không có những kiến thức tối thiểu về bộ môn phân tâm học. Thật vậy, không phải chỉ có một mình giới luật của trường phái Phật giáo nói chung, mà các trường phái khác cũng vậy, phải bảo là vi phạm những nguyên tắc rất cơ bản của phân tâm học. Điều này rõ ràng là một thách thức cho những người tu (mà đáng lẽ không nên có!). Cụ thể là, những điều luật nói trên vi phạm về những bản năng cơ bản nhất của con người. Do đó, những người tu theo trường phái nào đó, khi họ vi phạm vào những điều luật nội bộ của một trường phái nào đó, chúng ta tự hỏi là lỗi tại ai? Để làm sáng tỏ vấn đề này, chúng ta nên tìm hiểu sơ bộ những khái niệm về bản năng của bộ môn phân tâm học.

Sao Mai says:

          Vâng, Chị HHN ạ! Gần đây CNN có đăng một thông tin, mà em nghĩ là cũng chẳng có gì để đáng ngạc nhiên - một bộ phận nào đó của tổ chức Liên hợp Quốc, điều tra về việc trường phái Cơ Đốc giáo lạm dụng tình dục trẻ em trên khắp thế giới! Theo chỗ em hiểu, thì lạm dụng tình dục với người trưởng thành rất khó khăn, còn đối với trẻ em thì dễ hơn, việc này cũng đơn giản để giải thích thôi. Nếu thông tin này là chính xác và em nhớ không lầm, thì tại sao  người ta không tìm cách giải quyết từ bản chất, từ gốc rễ của vấn đề nhỉ?! Em nói không biết có quá lời hay không - con người ta có khuynh hướng hành hạ chính mình (Masochisme) để tìm khoái cảm, việc này xảy ra ngay ở trong quan hệ tình dục của con người.

HHN says:

          Muốn hiểu vấn đề này một cách tường tận và giải quyết từ gốc rễ, thì tốt nhất chúng ta nên tìm hiểu về phân tâm học đã  thì sẽ hiểu thế nào về vấn đề  bản năng. Bản năng là gì? Bản năng là “Tendency inborn” - là khuynh hướng, tính nghiêng chiều, sự thôi thúc nội tại tinh thần và vật chất một cách bẩm sinh (Stimulus interne). Đó là một lực tồn tại bền bỉ, lâu dài trong con người mà người ta không thể né tránh (une force durable, on ne peut eviter). Nó là một thứ năng lượng tự vạch ra một con  đường có hướng rõ ràng (direction determinee). Bản năng là một nhu cầu, cơn đói của bao tử đòi hỏi phải được thỏa mãn; cơn khát của con người đòi hỏi phải thỏa mãn bằng nước uống.

Chúng ta thử xét duyệt tình trạng của một vị La Hán nào đó. Mong muốn của một La Hán là có những thành tích phù hợp với tiêu chí của mình, thì cũng chẳng khác gì mong muốn của một người bất kỳ nào đó đang làm thân phận con người với những tiêu chí riêng của mình. Thực thể nào cũng tránh né khổ đau, và tìm kiếm hạnh phúc, khoái lạc.

Càng đi sâu vào vấn đề bản năng, thì người ta lại càng thấy những tiêu chí của một  A La Hán dường như mâu thuẫn sâu sắc với hai bản năng của con người vốn có:

Bản năng về cái tôi (L’ego – le moi)
Bản năng tình dục (instincts sexuels).

Nếu quí vị nào theo dõi những chương trình khoa học của Discovery, chúng ta được tiếp cận với một nhà bác học người Đức, trình bày về những giới hạn của bộ não con người. Theo ông thì, bộ não và tâm lý con người có những giới hạn bẩm sinh không thể vượt qua được. Điều này được coi như một tiên đề khi khảo cứu về bộ não và tâm lý con người.

          Bản năng cái tôi có một mối liên hệ chặt chẽ với một cá thể nào đó, những thúc dục trong mục đích để tự bảo vệ (autoprotection) cá thể nào đó. Đấy là biểu hiện của bản năng cái tôi. Chính cái tôi này là rào cản để thỏa mãn khát vọng tình dục, một khi sự thỏa mãn này ( thỏa mãn tình dục) đe dọa hay có vẻ đe dọa đến bản năng tự bảo vệ của cái tôi.



Phần trình bày nói trên, đã thuyết minh cho chúng ta thấy tại sao rất nhiều trường phái tôn giáo, tất nhiên trong đó có trường phái Phật giáo - có khuynh hướng tránh quan hệ tình dục. Người ta hay đưa ra giới cấm là sự tuyệt dục.

-         Vô tình hay hữu ý, người ta chấp nhận sự tự bảo vệ của cái tôi trước khát vọng tình dục. Như thế cái tôi của họ còn lớn lao hơn ai hết (Chúng ta nên nhớ lại, chấp ngã là 1 trong 10 phiền não đứng đầu trong tiến trình hoàn thành những tiêu chí của một La Hán). Nói một cách khác, cố tránh né hay khước từ bản năng tình dục, ái dục (nói theo ngôn từ của tôn giáo), đó là biện pháp phòng ngừa của cái tôi. Nó là một biện pháp lo xa. Cái tôi có nhiệm vụ bảo vệ một cá thể nào đó.

-         Mặt khác, vì có quá nhiều luật lệ, giáo điều của một trường phái nào đó, ngăn cản việc thỏa mãn các nhu cầu của những bản năng tự nhiên vốn có. Do đó, khuynh hướng phổ thông là Sadisme (bạo dâm – một sự lệch lạc về tình dục, một trạng thái  bệnh hoạn, đồi trụy – một dạng của bệnh tâm thần)  tự chuyển qua trạng thái Masochisme (khổ dâm – đạt được tình trạng thỏa mãn tình dục khi bị hành hạ cơ thể một cách đau đớn). Đó là một dạng biến thể để đội lốt một vẻ thăng hoa gượng ép, giả tạo, vụng về. Vô tình hay cố ý, các trường phái tôn giáo hay có khuynh hướng tự hành hạ mình để tạo ra khoái cảm, cảm giác cho là mình gần gũi với dấng siêu nhiên. Người tu thường hay nhịn ăn, nhịn uống, không nói chuyện, không quan hệ tình dục, ở một mình, dùng roi để tự đánh vào mình. Sự thật, đây không phải là sự thăng hoa (Sublimation), mà thực ra đó là sự đồi trụy (Degradation) của bản năng cái tôi, bản năng tình dục, bản năng xã hội, bản năng bảo tồn….Nói một cách khác, người ta đuổi nó ra bằng cửa sổ, nó lại đi vào bằng cửa chính!


Với những kiến thức của phân tâm học vừa được trình bày về bản năng cái tôi, người ta quan ngại rằng, phiền não số 1 là chấp ngã, có lẽ không đơn giản như người ta nghĩ.


Sao Mai says:

Chị HHN à! Tại sao người ta không tìm giải pháp chung sống hòa bình, cộng hòa với 10 cái phiền não trong đó có cái tôi? Một vị A La Hán bất kỳ nào đó khi còn tại thế thì sự thật chỉ là một người bình thường. Nếu suốt ngày mình lại chống lại với chính mình, em e ngại có phải là vòng lẫn quẫn hay không. Ngay cả căn cứ tài liệu Vi Diệu Pháp, thì cấu tạo tâm, cho dù là bất thiện tâm, thì nó là chính mình…. Tiến trình này, chúng ta chỉ có thể loại trừ các bất thiện tâm một cách tiên tiến. Thật vậy, cho dù là một A La Hán nào đó, nếu không tuân theo những thúc dục của cái tôi để bảo vệ chính mình thì vị A La Hán đó có thể chết trong khi đang mang thân xác thế gian. Em thiết nghĩ nếu chúng ta xét duyệt về bản năng thứ hai là tình dục, thì em cho là vấn đề còn gay go phức tạp hơn nữa.

HHN says:

          Vấn đề em vừa đề cập tới quả thật là một vấn đề rất nan giải cho bất cứ ai, nhất là những người tu  hay có khuynh hướng hành hạ chính mình, khước từ một cách mù quáng, cuồng tín, từ chối sự hiện diện thực sự của bản năng tình dục. Những tưởng nên có những kiến thức cơ bản về bản năng này để từ đó chúng ta có thái độ ứng xử phù hợp với quy luật khách quan của thế giới tự nhiên. Thay đổi một tập quán, một thói quen, một định kiến, một thành kiến… còn khó hơn dời một quả núi. Lịch sử nhân loại đã cho biết rằng có biết bao nhiêu hiểu biết sai lầm đã kéo dài hàng nhiều thế kỷ. Người ta tin tưởng vào Aristote và cho rằng các vật nặng, nhẹ có vận tốc rơi khác nhau. Nhưng những nghiên cứu khoa  học gần đây lại cho thấy rằng chúng có vận tốc rơi bằng nhau, nhưng do lực ma sát khác nhau nên chúng rơi với vận tốc nhanh chậm khác nhau theo lực hút của trái đất. Và một điều đáng kinh ngạc là dù là bất cứ một thánh nhân hay vĩ nào; dù là   giáo chủ của bất cứ trường phái nào, họ cũng đều được ra đời do bản năng tình dục vốn có của con người. Trường hợp Thiên Chúa của Cơ Đốc giáo không chấp nhận quy luật tự nhiên này đã gây ra những sự tranh cãi rất lớn. Vậy mà những vị giáo chủ được sinh ra từ bản năng tình dục lại tìm đủ mọi cách - từ giới hạn đến cấm đoán việc quan hệ nam nữ. Đại đa số tín đồ của những tôn giáo ở những nước chậm tiến, được  người ta cho là bị mù chữ, mù kinh, mù về các bộ môn khoa học. Có thể nói không quá đáng rằng lịch sử nhân loại xét ở góc cạnh sinh học đã hình thành tồn tại và phát triển nhờ vào tuyến nội tiết của con người.




              Testosterone    =   L’ hormone male
Folliculine         =   L’ hormone femelle
Progesterone   =   L’ hormone femelle



Bản năng tình dục được Freud so sánh như một cơn đói (Comparable a la faim). Năng lượng tình dục được Freud gọi là Libido. Libido là một lực đặc biệt, nó có đặc tính đi tìm sự thỏa mãn khoái lạc.

          Bản năng cái tôi và bản năng tình dục là di sản lâu dài, cùng với chiều dài lịch sử tiến hóa nhân loại. Những nhu cầu vào việc chiến đấu để sống còn buộc con người phải sống trong vương quốc của lý lẽ. Con người buộc lòng phải kiềm hãm những ham muốn hay thúc dục của bản năng để tồn tại. Thiếu sự suy  xét, tuân theo sự thúc dục của những bản năng vốn có, sẽ đưa đến những hậu quả vô cùng tai hại. Thiếu sự dự kiến, tuân theo sự thúc dục của bản năng có thể là nguồn gốc của sự sụp đổ không thể cứu vãn.

Hai bản năng kể trên thường xuyên tìm cách để được thỏa mãn. Nhưng thực tế dạy cho người ta biết rằng phải làm sao để tránh né khổ đau còn cần thiết hơn cả việc thỏa mãn khoái lạc. Từ đây chúng ta có thể đưa đến nhận xét rằng chính cơ chế tâm lý này làm cho người tu hay có khuynh hướng tu khổ hạnh, hành thân, hoại xác.


Sao Mai says:

          Chị HHN à! Sau khi được chị phân tích về nhiều góc cạnh của những tiêu chí của một vị A La Hán bất kỳ, xét tới rất nhiều góc cạnh khác nhau: tâm lý học, phân tâm học, sinh học, xã hội học…Em thấy có lẽ nên làm một người bình thường để mình khỏi mâu thuẫn với chính mình thì hơn. Mặt khác, nếu không hiểu rõ vấn đề có thể đưa đến tình trạng dồn nén (Refoulement) không tốt cho cơ thể cả về mặt tâm lý, sinh lý và sức khỏe cơ học cơ thể. Một lý do dễ hiểu là các bản năng cơ bản bị ức chế - nếu hiểu theo một cách sinh học thì hiện tượng này có thể đưa đến việc căng thẳng của các cơ bắp (Tension musculaire); tăng áp huyết (Pression sanguine) và thậm chí là toát mồ hôi. Về mặt tâm lý, nếu đi qua một giới hạn nào đó, con người sẽ cảm thấy sự đau đớn (người bình dân thường nói đau tương tư), tạo cho con người những mặc cảm, thí dụ như mặc cảm Oedipe, Electre…

          Theo chổ em hiểu thì trường phái Phật giáo dựa vào những tiên đề cơ bản gọi là sự thật không thể sai được: vô thường, vô ngã, khổ não. Chính vì nhận xét thế này về cuộc đời, mà người ta chọn việc tu hành để hy vọng có một tương lai tốt đẹp hơn.

Nhưng em lại thấy sự thật này không phải tất cả mọi người đều đồng ý. Cụ thể là rất nhiều ngôn ngữ trên thế giới ca ngợi cuộc đời là màu hồng, là sự tươi đẹp

Lavita e bella
Das leben ist shone
Life is pink
La vie en rose
vv…

Lời của bài hát sau đây, em cho là tất cả các quí vị độc giả đều biết:

“Quand il me prend dans ses bras. Il me parle tout bas je vois la vie en rose”

Em xin phép phỏng dịch:

“Khi ở trong vòng tay của người yêu với tiếng nói thì thầm, tôi thấy cuộc đời là màu hồng”

Tuy nhiên, thưa quí độc giả, người Việt Nam chúng ta nói chung dường như quá bi quan về cuộc đời:

“ Trăm năm nào có gì đâu
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”


Do đó:


“ Thà mượn thú tiêu dao cửa Phật
Mối thất tình quyết dứt cho xong!”

Kính thưa quí độc giả!

 Em xin thưa cùng quí độc giả qua câu thơ của một thi sĩ lừng danh:

“ Đời đáng chán hay không đáng chán?
Cất chén quỳnh xin hỏi bạn tri âm”

Em xin trân trọng kính chào toàn thể quí độc giả trên khắp thế giới.

Em hy vọng được hầu quí độc giả trong những bài viết khác!



Sao Mai.



Sao Mai says:

Chị HHN à! Hôm qua em đọc đâu đó trên mạng có bài viết nói rằng: Chứng quả A La Hán là một việc rất dễ. Theo như lời bài viết này, thì cần phải làm bốn việc như sau:

-         Ngũ giới (5 giới).
-         Thập thiện.
-         Bát chánh đạo.
-         Và sống một mình trong một cái thất.

Duy chỉ có cái này là hơi bị khó, vì em chỉ là một cô gái bình thường, nên có ý định lấy chồng như tất cả mọi người, em còn nhớ một bài thơ dân gian như sau:

Gái lớn ai không phải lấy chồng
Can gì mà khóc, nín đi không…”

Em không hiểu rõ lắm về nhân vật A La Hán, nhưng cứ căn cứ vào những tiêu chí kể trên… thì OK hết. Nhàn nhã vì ứng cúng. 

HHN says:

Sao Mai à! Em hiểu thế nào về các tiêu chí của một A La Hán?

Sao Mai says:

Nghe em nói đây này, xem có đúng không?

Trước nhất, have no more phiền não (chẳng còn  phiền não), đúng không nào?  Mặt khác, không còn tái sinh đầu thai. Em tuy chẳng phải là học cao, hiểu nhiều, nhưng ba tiêu chí nói trên thì em thuộc nằm lòng. Chị HHN biết không?! Mỗi lần em đi cúng giỗ thân nhân ở Chùa chiền, em thường nghe các vị sư tụng niệm cái gì đó em không rõ, có thể  họ đọc một ngôn ngữ nào đó. Nhưng có những câu mà em nghe rất rõ là:  Quy Phật, quy y Pháp, quy y Tăng; nào là bất đọa địa ngục, bất đọa súc sanh… bất đọa bàng sanh… Kinh Thập Diện Diêm Vương (The Scripture on the Ten Kings) cho biết con người chết đi phải đi qua 10 nơi để xét xử; Tử Thư Tây Tạng còn đưa ra một  lộ trình cho người chết thật là kỳ bí … Nói tóm lại, nói theo kiểu thế gian, nếu có được chức vụ A La Hán, thì rõ ràng là “Nhất cử, lưỡng tiện”, một mũi tên bắn hai mục đích.  Nói một cách khác, A La Hán là một quả vị, một chức vụ, một địa vị… rất đáng để mong ước.

HHN says:

Nếu căn cứ vào chủ thuyết thực dụng (Pragmatism), thì hiểu biết của em và việc nhận xét đó không phải là sai. Tuy nhiên, để  thực hiện tiến trình đạt mục đích là thành quả A La Hán, nếu xét cho kỹ, có rất nhiều mâu thuẫn nội tại.


Sao Mai says:

Chị có thể vui lòng kể cho biết một vài khó khăn, trở ngại của tiến trình nói trên, được không?


HHN says:

Chúng ta thử liệt kê một số mâu thuẫn nội tại xem nhé. Theo tiêu chí của một vị tu sĩ Việt Nam nào đó đưa ra, thì một trong các yếu tố quan trọng nhất là giữ giới. Đầu tiên chúng ta đề cập đến 5 giới. Theo các chuyên gia, thì ngũ giới bắt nguồn ở những cuốn kinh ngụy tạo sau đây của Trung Quốc:

-         The Scripture of pure religions cultivation
-         The Scripture of the Absorption of  piluo
-         V.v…

Những tài liệu hướng dẫn 5 giới cho các cư sĩ và kèm với việc cúng dường.

Căn cứ vào những tài liệu  của Trung Quốc nói trên, thì 5 giới là điều kiện cần và đủ để tiến tới giác ngộ của một vị Phật. Năm giới này, có thể người TQ đã lấy cảm hứng và thay thế cho năm đức của Khổng giáo. Năm  đức của Khổng giáo là: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Năm yếu tố vừa kể trên là tiêu chuẩn cơ bản cho một mẫu người Khổng giáo là quân tử (Honnete Homme, Gentleman). Năm giới thì của TQ, nhưng quả vị A La Hán lại của Ấn Độ. Phải chăng đây là một sự chắp nội vụng về “ Đầu Ngô, mình Sở”, “ Râu ông này cắm cằm bà kia”.

Sao Mai says:

Chị HHN à! Càng tìm hiểu vào trường phái Phật giáo, thì lại càng thấy có quá nhiều nghịch lý, mâu thuẫn mà ít ai ngờ được! Theo em nghĩ, ai cũng nghĩ rằng 5 giới của cư sĩ là của Phật giáo nguyên thủy thuần túy, ai có thể ngờ là bắt nguồn từ kinh ngụy tạo của Trung Quốc. Mặc dù, có những bằng cớ cụ thể nêu trên, chúng ta cũng khó có thể bỏ được tư tưởng xưa nay vẫn nghĩ rằng 5 giới là của Phật giáo nguyên thủy. Cũng như chúng ta khó có thể bỏ được tư tưởng, khái niệm về các vị Phật của TQ đã ăn sâu vào tâm tư của người Việt Nam.

Thực tế ngày hôm nay, chúng ta đến một nơi bán sách nào đó của trường phái Phật giáo, thì số lượng tài liệu nhiều vô số kể lại là những tài liệu được viết bởi những vị có chức vụ rất lớn. Có thể vài chục năm, vài trăm năm sau, những tài liệu này lại trở thành những cuốn kinh…. Biết đâu Việt Nam sẽ thay thế Trung Quốc, tạo ra thiên đường của kinh ngụy tạo Phật giáo.

Chị HHN  có thể vui lòng cho thêm một vài thông tin khác.

HHN says:

Tác giả nói trên có đề cập đến vấn đề sống một mình trong một cái thất, nôm na gọi là cái phòng, có nghĩa là không share (chung) phòng với ai.

Kinh nghiệm thực tế người ta biết gì về vấn đề khi con người sống một mình?

Theo những thông tin mà như mọi người đều biết, thì ngài Sakaya Muni lúc sinh thời không hề sống một mình. Không những vậy, ông sống trong một tập thể khá đông đảo. Chúng tôi đã có cơ hội, tìm gặp rất nhiều người được gọi là đã sống độc cư ở tại VN, có thể nói rằng đó là chốn rừng sâu, núi thẳm. Thực tế ra, có lẽ không tìm thấy ai sống một mình cả, ít nhất cũng phải có hai, ba người. Đông thì có thể tính vài chục người. Họ có thể ở trong một cái cốc, thực tế là một căn nhà nhỏ có lầu, hoặc một cái chòi, xung quanh có đầy đủ tiện nghi còn hơn một nhà dân bình thường. Cái được gọi là “cốc” này, được dựng lên trong một cái làng, hay đúng hơn là một khu dân cư… Quí độc giả có thể tìm hiểu sự thật về vấn đề này, hiện tại đang hiện hữu, có  ở rất nhiều nơi tại VN.

Việc sống một mình thực sự, có lẽ không đơn giản như người ta nghĩ. Những người đi lạc ở ngoài biển, trong rừng, hay sa mạc… chỉ sau một thời gian ngắn, cách xa xã hội loài người, họ bị thác loạn tâm lý, hay có ý định tự tử… Hiện tượng này thường hay xảy ra sau khoảng một vài tuần lễ.

Việc sống trong một căn nhà nhỏ gọi là cái cốc, hoàn toàn không đơn giản như người ta nghĩ, phải có diện tích để nấu nướng, vệ sinh…Hoặc ở chòi, xung quanh cũng có khu vệ sinh tiện nghi và có một bếp riêng, có người bên ngoài nấu cho ăn, và đến bữa, họ mang cơm lại, để trước cửa để mình lấy ăn. Trong trường hợp nếu ở một mình cho là vài tháng thì căn phòng họ ở cũng phải là một căn phòng tiện nghi, khép kín, có khu vệ sinh riêng và bếp riêng biệt, không tiếp xúc với ai, thì cũng phải có lương thực dự trữ. Do đó, một cái nhà quá nhỏ, không thể thõa mãn nhu cầu cho một người bình thường. Mặt khác, nếu ai đó từng ở trong một căn nhà quá nhỏ một mình, thì sẽ thấy những bất tiện. Vì căn nhà quá nhỏ, không đủ sức để điều hòa nóng lạnh, nóng quá nóng, lạnh lại quá lạnh… Do đó, ngày hôm nay chúng ta đến những nơi gọi là nơi sống độc cư, thì có lẽ sẽ thấy rằng những cái được gọi là “cốc” chỉ còn là kỷ niệm của quá khứ.

Việc sống một mình, thực sự là một thử thách tinh thần, liệu con người có thể vượt qua được không?  Sống một mình là đi ngược lại bản năng xã hội. Đến đây chúng ta cần phải tìm hiểu vấn đề bản năng của con người. Thật vậy, không hiểu rõ về vấn đề này, chúng ta sẽ tự tạo ra thác loạn tâm lý cho chính mình.

Bản năng là gì? “The inborn tendency to associate with others and follow the group’s Behavior”. Đó là khuynh hướng bẩm sinh của con người, phối hợp với đồng loại của mình và tuân theo cách ứng xử của đồng loại. Vâng, tại sao ở tù lại khổ? Tù là ăn không, ngồi không, chẳng phải làm gì cả, vậy mà ai cũng sợ bị ở tù! Tù có nghĩa là, bị cắt đi bản năng xã hội của con người. Một khi đã hiểu như thế  này, thì việc sống một mình thực sự xa hẳn loài người, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Nếu ai đó có dịp quan sát những người nhập thất một vài tuần và đòi hỏi phải tịnh khẩu. Khi họ bước ra khỏi cái thất, họ nói gấp nhiều lần lúc bình thường, có lẽ để bù lại thời gian tịnh khẩu. Một thực tế mà có lẽ ai cũng biết, những vị tu thiền định nổi tiếng là thanh tịnh, đều ở tại những nơi cơ ngơi đồ sộ, không thiếu gì kỳ hoa dị thảo, du khách đến viếng phải tính bằng con số ngàn.

Thực tế, việc sống một mình không phải là một việc đơn giản, ai cũng có nhu cầu: quần áo, thực phẩm, thuốc men và những dụng cụ cần thiết cho cuộc sống.

Chúng ta  được xem trong sách vở tả những vị sống một mình. Chúng ta tự hỏi: họ làm sao để tồn tại?... Nếu ai đó đã từng sống ở trong rừng một mình, thì thấy sẽ có rất nhiều côn trùng nguy hiểm cho con người. Buổi chiều đến ở trong rừng, số lượng muỗi nhiều vô số kể, giữa đêm lại có thêm một đợt, trước trời sáng lại có một đợt muỗi nữa, đó là ta chưa kể đến những loại côn trùng khác, cũng có hại cho con người, bọ chét có thể gây sốt rất cao, sâu có thể gây dị ứng trầm trọng…

Việc này những tưởng chúng ta cần phải làm rõ, việc sống một mình trong một cái phòng giữa một quần thể của nhiều cái phòng lại là một vấn đề khác. Nhưng sống trong một nơi cư trú, cô lập hoàn toàn với thế giới con người, là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Hầu như ở các cơ sở tôn giáo của Sài Gòn,  người tu  đều có một cái phòng riêng. Lối cư trú này của ngày hôm nay,  thì không chung phòng với ai cả, phải nói là quá sang.

Sao Mai says:

          Xem ra có lẽ  còn rất nhiều mâu thuẫn nội tại khác. Tuy nhiên, vì lời tuyên bố của một vị nào đó “Chứng quả A La Hán đâu phải là khó”, có lẽ vẫn là một đề tài hấp dẫn rất nhiều người. Nhưng việc sống một mình và nuôi mạng bằng những công việc tự cung, tự cấp, tự chăn nuôi, trồng trọt là một công việc rất khó. Hay nếu không tự chăn nuôi, trồng trọt mà quay trở về sống một mình giống thời kỳ nguyên thủy, con người ăn hang, ở lỗ, thức ăn là những gì có thể tự kiếm được trong rừng, sống và tranh đấu với những bầy thú hoang thì đây là một việc càng vô cùng khó khăn cho con người sống trong thời kỳ hiện đại này. Thậm chí là Big cat - con sư tử, cũng phải trả giá bằng sinh mạng của mình trong khi đi kiếm ăn. Không thiếu gì những con sư tử cái, chết trong khi đi kiếm ăn. 


HHN says:

Sao Mai à! Cứ cho là nhân vật A La Hán thực sự hiện hữu trên đời, thì trước khi đạt được quả vị và thành tích này, thì phải vượt qua nhiều rào cản, người ta tự hỏi không biết có qua được hay không?

Như mọi người đều biết, trong bất cứ ở một xã hội nào, ở tại một thời điểm lịch sử hay một vị trí địa lý nhất định nào đó, thì người ta đều mặc định với nhau rằng có một chuẩn mực đạo đức và văn hóa nhất định. Nó được coi là mục đích để phấn đấu. Ở thời điểm hiện tại, dứng ở góc cạnh luật pháp và chính trị ngày hôm nay, mô hình chuẩn là “một công dân tốt ( Bon Citoyen)”, người Pháp có chuẩn mực là  Honnete Homme, người Anh có chuẩn mực là Gentleman, Khổng giáo có mẫu mực là “Chánh nhân quân tử”, xã hội Cộng Sản có mẫu mực là Đảng viên, Phật giáo Trung Quốc có mẫu mực là Bồ Tát, Phật giáo nguyên thủy có mẫu mực là A La Hán, v.v…

Nói theo ngôn từ ngày hôm nay, các chuẩn mực của các đẳng cấp nói trên, có lẽ mang tính chất lý thuyết nhiều hơn thực tế. Người ta có thể tự hỏi tại sao lại có hiện tượng này? Hiện tượng không phân biệt không gian và thời gian. Chúng ta có thể kể một trong các tiêu chí phổ biến là: bác ái, nhân ái, từ bi, cộng hòa,…Từ ngữ tuy có khác nhau, nhưng tựu trung đều mang tính cách đạo đức tích cực.

Chúng ta thử duyệt xét lại, tiêu chuẩn mà một vị nào đó đã đưa ra, để đạt được đẳng cấp A La Hán:

-         Ngũ giới
-         Thập thiện
-         Bát chánh đạo
-         Ở trong thất một mình. (Theo tài liệu Wikipedia thì lại cho rằng yếu tố độc thân là cần thiết. Vì người ta cho là: ái dục và giải thoát, không thể dung hòa với nhau.)

Có lẽ mọi người đều đồng ý với nhau, giới luật là nền tảng không thể thiếu được, để đưa đến giải thoát ( xin phép nhắc lại công thức bất tử: giới, định, huệ). Tài liệu kinh Phạm Võng, đề cập đến giới luật của Bồ Tát, có thêm vào khái niệm hiếu của Khổng giáo, đó là đặc tính màu sắc Khổng giáo của xã hội Trung Quốc bản xứ. Cách tăng cường một quan điểm, một giá trị nào đó của một hay nhiều tiêu chí, vốn có của Phật giáo, làm cho người ta khó phát hiện tính chất ngụy tạo.




Còn tiếp