Wednesday, February 26, 2014



Tịnh Độ Tông còn gọi là Tịnh Thổ Tông hay Liên Tông do cao tăng  Huệ Viễn ( (zh. 慧遠) người Trung Quốc sáng lập. Sư Huệ Viễn là người đời nhà Tấn, sinh năm 334, mất năm 416. Ông là người họ Cổ, nguyên quán xứ Lâu Phiền, ở Nhạn Môn, thuộc tỉnh Sơn Tây Trung Quốc.

Trong quá trình tu tập, ông đã mấy lần thấy một vị Phật Di Đà thị hiện. với hào quang phản chiếu khắp hư không. Khắp trong những ánh viên quang ấy hóa hiện vô số những vị Phật, mỗi vị Phật đều có Ngài là Quán Thế Âm và Đại Thế Chí đứng hai bên.

Sư Huệ Viễn cho rằng sau này là thời Mạt Pháp, chúng sinh khó lòng tự lực tu hành; tu niệm Phật và nhờ tha lực của Phật A Di Đà là một phương pháp “dễ dãi” nhất để tiến tới giải thoát.

Tịnh độ tông có ba bộ kinh chính là:

Kinh A Di Đà
Kinh Vô lượng thọ và
Kinh Quán Vô lượng thọ

Mục đích của Tịnh Độ Tông là tin tưởng và nguyện sinh về Tây phương cực Lạc của vị Phật A Di Đà làm giáo chủ. Phép tu cao nhất của Tịnh độ là tự coi thể tính của mình là A Di Đà. Và nếu quán được linh ảnh của D Đà là bằng chứng chắc chắn nhất sẽ được sinh về cõi Tịnh thổ cực lạc của Ngài.

Năm 402, Huệ Viễn thành lập Bạch Liên Xã, tụ tập tăng sĩ cùng cư sĩ đứng trước tượng Phật A Di Đà phát nguyện sinh về Tây Phương Cực lạc. Bạch Liên Xã quy tụ hơn ba ngàn người, trong đó có 123 vị được tôn là Hiền nhân. Trong 123 vị Hiền nhân này, lại có 18 bậc thượng thủ gọi là Đông Lâm Thập Bát Đại Hiền, gồm các Sư như sau:

1. Huệ Viễn Đại Sư.
2. Huệ Vĩnh Pháp Sư.
3. Huệ Trì Pháp Sư.
4. Đạo Sinh Pháp Sư.
5. Phật-đà-da-xá (sa. buddhayaśas) Tôn Giả.
6. Phật-đà-da-xá (sa. buddhabhadra) Tôn Giả.
7. Huệ Duệ Pháp Sư.
8. Đàm Thuận Pháp Sư.
9. Đạo Kính Pháp Sư.
10. Đàm Hằng Pháp Sư.
11. Đạo Bính Pháp Sư.
12. Đàm Tiên Pháp Sư.
13. Danh sĩ Lưu Di Dân.
14. Danh sĩ Lôi Thứ Tôn.
15. Danh sĩ Tôn Bính.
16. Danh sĩ Vương Dã.
17. Danh sĩ Vương Thuyên.
18. Danh sĩ Châu Tục Chi.

Chính vì vậy Sư Huệ Viễn được coi là sơ tổ của tông phái Tịnh Độ với phương pháp tu hành là niệm tên Phật Di Đà. Mục đích của việc niệm A Di Đà là chế ngự tâm và hành giả có thể thấy được A Di Đà cùng hai vị Bồ tát Quan Thế Âm và Đại Thế Chí và biết trước giờ chết của mình.

Ngoài việc tập trung vào phương pháp tu hành và xiển dương môn phái của mình, Sư Huệ Viễn cũng lưu tâm vào những pháp môn khác. 

Dựa trên kinh điển, ông đã suy luận và viết ra một số tác phẩm. Trong số sách  của ông viết, có những quyển sau:

1. Biện Tâm Thức luận (zh. 辯心識論)
2. Du Lô Sơn thi (zh. 遊盧山詩)
3. Du Sơn ký (zh. 遊山記)
4. Đại Thừa Đại Nghĩa Chương (zh. 大乘大義章) (3 quyển).
5. Đại Trí Độ Luận Yếu Lược (zh. 大智度論要略) (20 quyển).
6. Lô Sơn Lược ký (zh. 盧山略記)
7. Minh Báo Ứng luận (zh. 明報應論)
8. Pháp Tính luận. (zh. 法性論)
9. Phật Ảnh tán (zh. 佛影讚)
10. Sa Môn Bất Kính Vương Giả Luận (zh. 沙門不敬王者論).
11. Sa Môn Đản Phục luận (zh. 沙門袒服論)
12. Thích Tam Báo luận (zh. 釋三報論)

Ngoài ra, Ông còn viết nhiều văn thư biện luận về Phật pháp với Sư Cưu Ma La Thập, cùng các ông Lưu Di Dân, Đới An và một số vị khác.

Cuối cuộc đời của ông, vào ngày 30 tháng 7, năm nghĩa hy thứ 12, sau khi ngồi tịnh, mở mắt thấy Phật Di Đà thị hiện khắp hư không, với hai bên tả hữu là Quán Thế Âm cùng Đại Thế Chí. Phía sau Di Đà còn có các bạn của ông đã tịch trước ông như các ông: Phật Đà Da Sá, Lưu Di Dân, Huệ Vĩnh, Huệ Trì…Ngài Di Đà nói với ông rằng : “Ta dùng sức bản nguyện tới đây an ủi ông, sau bảy ngày ông sẽ được sinh về Tịnh độ.”

Ngày hôm sau, ông bắt đầu bị cảm. Ông gọi hai đệ tử của mình là Pháp Tịnh và Huệ Bảo đến thuật lại chuyện ba lần nhìn thấy Thánh tướng Di Đà cùng các kỳ tích trong quá trình tu tập của cuộc đời. Rồi bảo rằng nếu đã  có điềm như vậy, chắc là đã đến thời kỳ ra đi. Ông dặn dò đệ tử làm những việc đại sự sau khi ông tịch và làm các quy chế răn dạy cho đại chúng cùng nhau sách tấn tu tập sau này.

Trong thời gian ông bệnh, chư Tăng khuyên ông dùng thuốc rượu, nhưng ông từ chối. Tới ngày cuối cùng của cuộc đời, vì ông mệt, chư Tăng  bảo ông dùng nước cơm gạo, ông cũng nói quá ngọ nên không ăn. Các vị tăng lại bảo ông dùng mật để lấy sức, sư bảo mọi người tra luật xem có được ăn mật không. Khi mọi người chưa tra xong, ông không làm chủ được và đã viên tịch.  Đó là ngày 6 tháng 8 năm Bính Thìn, niên hiệu Nghĩa Hy thứ 12, thọ 82 tuổi.


Sau này Đàm Loan (zh. 曇鸞 – sinh năm 476, mất năm 542) là người đã xiển dương và tích cực phát triển tông Tịnh độ.

Ngày nay Tịnh Độ tông là tông phái phổ biến nhất tại Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản và Đài Loan.

Nhật Bản thời kỳ đó cũng là một đất nước chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi văn hóa và tôn giáo Trung Quốc: Viên Nhân (zh. 圓仁, ja. ennin, 793-864), là một người đã thấm sâu tư tưởng và văn hóa của đạo Phật Trung Quốc trong thời kỳ ông học ớ đất nước này. Ông đã tích cực truyền bá Tịnh độ tông cùng thiên thai tông và mật tông vào  Nhật Bản.

Thừa kế và phát huy những tư tưởng văn hóa này và nổi danh trong những thời kỳ đầu hoằng dương Tịnh độ là  Không Dã Thượng Nhân (空也上人, ja. kūya shōnin903-972),  và Nguyên Tín (源信, ja. genshin, 942-1017). Không Dã Thượng Nhân với niềm tin tín ngưỡng A Di Đà đã nhảy múa ca hát về A Di Đà  giữa chợ theo nhịp gõ chiếc bình bát cầm trên tay. Chính vì điều này, người ta gọi ông là Thị Thánh (市聖), tức là thánh ở chợ. Trong thời gian này, việc niệm Phật là một yếu tố  chính của những tông phái tu hành tại Nhật, đặc biệt là Chân ngôn tông và Thiên thai tông.

Nhưng người có công lớn nhất trong việc đưa Tịnh độ trở thành một tông phái chính là Pháp Nhiên (zh. 法燃, ja. hōnen, 1133-1212). Thế kỷ thứ 12, Pháp Nhiên chính thức thành lập tông phái Tịnh độ. Ông đã truyền bá, thuyết phục và thu hút được đông đảo quần chúng; gây dựng tông  này trong phạm vi sâu rộng và trở thành một trường phái vô cùng lớn mạnh. Phong trào tu Tịnh độ trở thành một trào lưu rộng lớn và là một phần chính trong việc tu hành ở Nhật. Ông quá đề cao giáo lý của mình nên bị các đối thủ tranh chấp, dèm pha và cuối cùng bị đày ra vùng hoang vu cô tịch năm ông 74 tuổi.

Sau này một cao tăng thuộc tông phái Thiên thai là Lương Nhẫn (zh. 良忍, ja. ryōnin), đã nổi danh trong việc tín ngưỡng và tán tụng đức A-di-đà trong những bài hát. Ông ra sức truyền bá pháp môn Tịnh độ với phương pháp niệm Phật. Ông cho rằng niệm Phật sẽ được dung thông: "Dung thông niệm Phật" (zh. 融通念佛). Có nghĩa là nếu một người nào đó niệm Phật thì tất cả những người khác xung quanh cũng được hưởng lây công đức. Thậm chí không chỉ những người xung quanh mà tất cả mọi chúng sinh đều được hưởng phần công đức này. Và ngược lại, ai cũng có phần  công đức của mình trong việc trì danh, niệm Phật. Những giáo lý của ông  về vấn để này đã thuyết phục và thu hút  được nhiều người trong vương triều. Và sau này, khi ông đã tịch, các đệ tử của ông đã kế thừa những lý luận và giáo điều của ông và phát triển bằng cách tích cực truyền bá. Những giáo lý ấy vẫn được áp dụng cho tới ngày hôm nay.

Một Cao tăng trên núi Tỉ Duệ (zh. 比叡) - trung tâm của các trường phái tín ngưỡng A-Di Đà là Nguyên Tín (zh. 源信, ja. genshin) – với niềm tin chắc rằng cõi Cực lạc của A Di Đà là một cõi thoát ly sự sinh tử. Ông biết được tâm lý sợ khổ đau và thích được an nhàn của người dân, nên đã cho ra đời cuốn Vãng sinh yếu tập (zh. 往生要集), nói về niềm tin A Di Đà và truyền bá phương pháp tu tập. Cuốn sách này của ông  viết về những cảnh địa ngục khổ đau và  lợi ích của việc niệm Phật. Tác phẩm này cùng tư tưởng của ông đã tác động và ảnh hưởng sâu rộng đến truyền thống tín ngưỡng A Di Đà tại Nhật Bản. Ngoài việc viết sách truyền bá giáo lý của mình, ông còn cho tạc tượng và sử dụng những bức tranh ảnh để truyền bá tông phong của mình cho những người ít học.

Tông phái Tịnh độ chính thức được hình thành với thời kỳ của Pháp Nhiên. Pháp Nhiên đã làm một cuộc cách mạng trong việc truyền bá và phát triển Tịnh độ tông với trào lưu rộng lớn. Ông cho rằng con người không thể tự lực tu hành vào thời mạt pháp. Chỉ có tha lực của ngài A Di Đà Phật mới giúp cho con người dễ dàng tu tập. Và sinh về cảnh giới của Ngài là được an lạc trong cõi cực lạc và được giải thoát. Và Tịnh độ tông bây giờ vẫn được lưu truyền và được áp dụng, thực hành rộng rãi ở các nước Á Đông, trong đó nổi bật vẫn là những nước có nguồn gốc hình thành và phát triên môn phái này, đó là Trung Quốc, Nhật Bản. Ngoài ra còn có những người tu hành ở các nước khác như Đài Loan, Việt Nam và một số nước Á Châu khác.











0 nhận xét:

Post a Comment