Friday, February 28, 2014

                 



Bài viết này chỉ là sản phẩm tưởng tượng của một cá nhân, không được bất cứ một cơ quan hữu trách nào xét duyệt. Do đó, hoàn toàn không có giá trị xét ở bất cứ góc độ nào. 


Sao Mai says:

Chào chị HHN!

Thưa chị! Gần đây em có xem một số thông tin trên các trang web, thấy có những bài viết về hệ phái tịnh độ và một số vị Phật. Những thông tin này đều mang tính chất tiêu cực. Em rất mong chị hoặc ai đó cho em một số thông tin khách quan nhất đề tài được đề cập đến ở trên qua quá trình lịch sử tồn tại và phát triển của của Phật giáo với đời sống con người.

HHN says:

Không cần  phải tìm đâu quá xa trong lịch sử, chỉ cần tìm hiểu những biến cố trong thời gian gần đây thôi - các cuộc chiến tranh trên thế giới, dù nhỏ hay lớn, đều thực sự bắt nguồn từ việc con người bất đồng ý kiến với nhau. Nói cho có vẻ to tát hơn, người ta gọi nó là chiến tranh về ý thức hệ. Nói một cách ngắn gọn  là họ không bằng lòng với những tư tưởng của nhau. Dù bất cứ ai, ở địa vị quyền cao chức trọng hay một công dân bình thường, thì thật ra họ cũng chỉ là một con người. Chỉ số thông minh IQ của con người có thể cao thấp khác nhau; nhưng bộ máy tâm lý (Psychic Apparatus) nếu ở cùng một môi trường sinh hoạt thì cơ bản lại giống nhau. Để mô tả tính chất phổ quát của tâm lý, Hoạn Thư có đưa ra nhận xét như sau:

          “ Rằng tôi chút dạ đàn bà
          Ghen tuông thì cũng người ta thường tình…”

Văn chương của Pháp gọi là “Faiblesse Humaine”. Đây là một từ ngữ vô cùng phổ thông cho học sinh ở cấp trung học.

Cho dù đến ngày hôm nay, đã ở thế kỷ thứ 21, nhưng việc hiểu biết về tâm lý con người đối với Sao Mai cũng như quý độc giả, hay với con người chúng ta vẫn là một ẩn số. Thậm chí người ta không thống nhất được với nhau mối liên hệ giữa tinh thần và não bộ. Ở Việt Nam, có cô gái nhìn bằng cái trán không phải là mắt. Những người được ghép nội tạng, cũng có trường hợp một người có khả năng hoặc tâm lý của hai người. Cụ thể là có trường hợp có một người thợ thủ công với đôi bàn tay chỉ biết làm những công việc thô sơ, sau khi được ghép cái tay của một người thanh niên biết chơi đàn Vĩ Cầm, thì người thợ này bỗng nhiên có khả năng chơi đàn. Và còn rất nhiều trường hợp khác. Vậy “Hồn” là cái gì ? Có hay không? Trí nhớ nằm ở tay hay ở não? Chúng ta có thể nghĩ rằng những câu hỏi này sẽ không bao giờ có câu trả lời.

Mặt khác, nhiều nền giáo dục thiếu sót bộ môn tâm lý hoặc sinh học vì lý do chủ quan hoặc khách quan. Cho nên có thể cách nhìn của họ còn thiếu tính khoa học. Điều này mong quí độc giả tự tìm hiểu. Đại đa số là người ta học hỏi từ kinh nghiệm mà ra, và thực sự hầu  hết mọi người mù về bộ môn tâm lý học. Đơn giản là cho dù có được học  ở tại nhà trường, thì chẳng qua cũng chỉ là giải pháp tình thế để đạt được một số điểm nào đó ở các kỳ thi, chứ thực ra họ cũng chẳng có sự hứng thú gì với bộ môn này… Do đó, khi bước ra khỏi nhà trường thì hầu hết là đa phần kiến thức lại trả lại cho thầy.

Chính vì những lý do nói trên, cho nên việc trình bày cũng như tiếp thu về đề tài nói này sẽ là một thách thức cho nhiều người.

Sao Mai says:

Thưa chị! Theo chị thì chúng ta có thể sử dụng một số bộ môn mà mình đã từng theo học ở nhà trường như: tâm lý, luận lý, xã hội, sinh lý, giải phẫu…để tìm hiểu về đề tài nói trên không? Nếu thống nhất sử dụng những kiến thức phổ thông nói trên, thì mức độ tin cậy sẽ như thế nào? Em còn nhớ người Trung Quốc thường nói:   

          “Tri nhân, tri diện, bất tri tâm”
          “Họa hổ, họa bì,nan họa cốt”

HHN says:

Em ạ! Đến cả bộ môn toán học được mô tả như một ngành khoa học mang tính chính xác cũng như biểu tượng hay phổ quát cao cũng không… chính xác! Chúng ta nhớ lại có rất nhiều trường phái hình học: nào là Eclid, nào là phản Eclid; nào là Topo, hay là lôbasepki…nhiều vô số kể. Có lẽ chúng ta không nên cầu toàn hơn về bất cứ cái cái gì thuộc đề tài về lĩnh vực tinh thần. Không thiếu gì lời của những bài hát, mô tả về trạng thái tâm lý mà ta đang đề cập tới:

“Đừng lừa dối nhau, đừng nói yêu khi ta cần nhau…”
“Em vẫn biết anh luôn dối gian…”

Nào chúng ta quay lại chủ đề.

Kính thưa quý độc giả cùng Sao Mai!

Ai cũng biết Phật giáo có một số định đề tự cho là “công thức bất tử”, “sự thật vĩnh cửu”, “chân lý” v.v. Nhìn chung những định đề này đã mô tả cuộc đời con người, hay nói đúng hơn các sinh vật sống một cách mang đầy tính chất bi quan và tiêu cực.

“ Tuồng huyễn hóa đã bày ra đó
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau
Trăm năm nào có gì đâu
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì..”

Đây là solution cho vấn đề:

“ Thà  mượn thú tiêu giao cửa Phật!
Mối thất tình quyết dứt cho xong…”

Rõ ràng tác giả Nguyễn Gia Thiều là một người thông hiểu đạo Phật. Chỉ với vài câu thơ ngắn ngủi, ông đã vẽ lên bức tranh đầy kịch tính của trường phái Phật giáo.

Với nhãn quan của ngành phân tâm học thì có lẽ những câu thơ trên là sự biểu lộ của “bản năng cái chết” (instinct de mort). Người ta cho rằng bản năng là một khuynh hướng gắn kết với cuộc sống của tất cả các sinh vật (organisme vivant). Khuynh hướng này thúc đẩy các sinh vật tái tạo về trạng thái nguyên thủy - mà chính tại nơi đây, nó đã xuất phát ra đi. Tóm lại, đây là một bản năng bảo thủ, thụt lùi, quay trở lại trạng thái vô cơ ban đầu. Đó chính là bản năng cái chết. Nó là đặc tính của tất cả các sinh vật (etre vivant). Mặc dù đây là một giả thuyết chứ chưa phải là một chủ thuyết, vì quan điểm này đưa đến một trạng thái lưỡng nan (dilemma) về mặt logic, bởi nó không giải thích được sự phát triển của các tế bào bản năng tình dục.

Bản năng cái chết nếu được công nhận như một chủ thuyết, thì lại càng trở nên khó khăn hơn khi phải đương đầu với bản năng cái tôi (le moi - Das ich – ego. Chúng tôi xin phép sử dụng bằng ba thứ tiếng: Pháp, Đức, và tiếng Anh. Việc sử dụng bằng ba thứ tiếng này là để tránh việc ngộ nhận, khi quí độc giả có ý định khảo cứu). Bản năng cái tôi có đặc tính là “tự bảo vệ” (auto protection). Cái tôi này - mong quí độc giả nhớ lại - nằm trong khu vực ý thức. Nó đóng vai trò của lý trí, và luôn luôn tìm cách bảo vệ cá thể nào đó trước những sự đe dọa hoặc có thể bị đe dọa đến sự tồn tại của cá thể đó. Do đó, cái tôi bản năng này (Das ich) nằm trong khu vực ý thức. Nó không chấp nhận bản năng cái chết thuộc khu vực vô ý thức, vì bản năng cái chết đe dọa sự tồn tại của cá thể.

Nếu hiểu được điều này, chúng ta sẽ thấy tại sao người ta tránh né sự hiện diện của cái chết; mặc dù ai cũng biết đó là một sự thật. Với trạng thái tâm lý này của con người, Phật giáo nguyên thủy rất khó có cơ may để tồn tại, chứ đừng nói đến việc phát triển.

Với những thông tin nói trên, chúng ta có thể đưa đến nhận xét: Trường phái Tịnh Độ, vị Phật A Di Đà, nhiều chục lời hứa, cõi cực lạc…rất phù hợp với bản năng cái tôi, có tính chất “tự bảo vệ”, phù hợp với hiện tượng tăng trưởng của tế bào, dường như đây là bằng cớ của sự bất tử của các chủng loại (immortalite de l’ espece).

Trao đổi đến đây, em thiết nghĩ quý độc giả có thể tự tìm thấy vai trò của trường phái Tịnh Độ và vị Phật A Di Đà trong sự tồn vong của lịch sử Phật giáo.

Kể cả đến đầu thế kỷ 21 này, lý thuyết của trường phái Phật giáo nguyên thủy có lẽ vẫn xa lạ với nhiều người, mà nó lại xuất hiện cách đây tới gần 2600 năm ở một xã hội đầy sự phân hóa giai cấp và mê tín. Nhìn chung, chủ thuyết này không phù hợp với bản năng bẩm sinh về cái tôi của con người, cái tôi muốn bản thân con người tồn tại; con người muốn chủng loại loài người tồn tại. Trong khi đó, chủ trương của Phật giáo nguyên thủy lại đưa ra một viễn ảnh, một tương lai với mục đích giải thoát. Với mục  đích này, loài người sớm hay trễ sẽ tuyệt chủng và có thể còn có các chủng loại khác nữa cũng tuyệt chủng theo! Với một tri thức luận bình thường, người ta tự hỏi, không biết cứu cánh cuối cùng này có phù hợp với ý định của mẹ thiên nhiên hay không? Rất mong được quí độc giả đóng góp ý kiến và quan điểm của mình!

 Chúng ta hãy tưởng tượng một phương án tích cực nhất mà Phật giáo đề ra là: giác ngộ, giải thoát…. Nếu ý nghĩ này biến thành sự thật, thì rõ ràng là loài người tuyệt chủng. Mặt khác, kịch bản này sẽ mang đầy chất kịch tính. Ta đặt giả thuyết 10%, 20%... số người giác ngộ. Nếu số lượng người giác ngộ càng đông, thì càng tỷ lệ thuận với việc chỉ tiêu thụ chứ không sản xuất. Nếu vậy thì xã hội giải quyết làm sao định luật cung cầu - một định luật tự nhiên vốn có của đời sống kinh tế. Thời gian còn lại với số người chưa giác ngộ sẽ ra sao?

Sao Mai says:

Thật ra em chưa nghĩ đến và cũng chưa được biết một tài liệu nào dự kiến về một tương lai hay một viễn cảnh mà mọi người đang tiến tới quá trình thành tiên, thành Phật. Việc chị trình bày kể ra cũng rất lạ. Tuy nhiên, giả sử những điều chúng ta nghĩ tới có khả năng xảy ra thì biện pháp xử lý sẽ là như thế nào nhỉ?

HHN says:

Người ta cũng chẳng có một cơ sở nào để mặc định. Và có cái gì để định đề hóa? Đây chỉ là những lý thuyết vu vơ không có cơ sở! Biết đâu Phật giáo nguyên thủy - vì những yếu tố chủ quan hay khách quan - đã tự thu nhỏ mình lại từ từ. Điều đó đã được khẳng định qua thực tế. Ví dụ tết vừa rồi chị có đi qua một số cơ sở tôn giáo của Phật giáo, thấy người ta đề cái gì đó đại để có nghĩa là thời đại của Di Lạc: “Mừng xuân Di Lạc”. Mà theo tài liệu thì vị Phật Di Lạc chẳng liên quan gì tới Phật giáo!

Chỉ nói riêng tại Việt Nam, các cơ sở của hệ phái Tịnh Độ đã phát triển khắp nơi. Người ta mặc nhiên đồng hóa Tịnh Độ và Phật giáo Ấn Độ là một, chẳng thấy ai thắc mắc bao giờ.

Người ta tự hỏi: Phải chăng hệ phái Tịnh Độ là chiếc phao cứu sinh cho trường phái Phật giáo trên thực tế? Có lẽ đây là một thực tế không thể phủ nhận được! Nói theo quan điểm của Phật giáo là trên đời không có sự tình cờ. Nếu Phật giáo nguyên thủy bộc lộ những sự yếu kém song song với những điểm mạnh trên thực tế, thì hệ phái Tịnh Độ cũng phải có những lý do để đưa đến sự phát triển mà chúng ta sẽ đề cập đến trong những phần sau.

Nếu chúng ta coi vị Phật A Di Đà với cõi cực lạc là những biểu tượng của Phật giáo, thì chắc chắn nó phải đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của bản năng con người. Nếu xét ở góc cạnh khác, việc quán tưởng vị A Di Đà cùng với chân ngôn của vị chủ chân ngôn này với một chút sáng tạo khéo léo, thì kịch bản này sẽ trở thành một Manđala nổi tiếng của Mật Tông Tây Tạng. Chính có thể vì những yếu tố chủ quan này của hệ phái Tịnh Độ đã làm cho hệ phái này trở nên phát triển như ngày nay.

Sao Mai says:

Chị HHN à! Thật sự em chưa từng biết ai đó vận dụng tâm lý học và phân tâm học để giải thích về vấn đề tôn giáo như chị vừa nói. Nói chung, em thấy người ta chỉ nói lại những lời, hay những gì của người trước đã nói. Em xin lỗi vì đã nói lên điều này! Nhưng nó lại đúng là một sự thật.

Thưa chị HHN! Chị có thể vui lòng nói thêm về vấn đề này một cách chi tiết hơn cho em cùng quý độc giả được không?


                                                                               ( Còn tiếp)






0 nhận xét:

Post a Comment