Sunday, February 16, 2014



Sao Mai says:

Như lần trước chị đã hứa với em cùng với quí độc giả, em hy vọng lần này chị sẽ trình bày một số chủ thuyết về vấn đề : cái ngã, cái tôi, linh hồn, tiểu linh quang…. Em hiểu không biết có đúng hay không, đây chỉ là vấn đề danh xưng, tùy thuộc ở trường phái tôn giáo, chủ thuyết.

HHN says:

Xin chào Sao Mai cùng toàn thể quý độc giả!

Em xin phép tiếp tục trình bày về vấn đề này. Tùy theo cách của từng trường phái công nhận sự hiện hữu của một cái tôi vĩnh hằng. Dạng trường phái này nhiều vô số kể, họ cho rằng con người là một điểm sáng nhỏ, còn Thượng Đế là một điểm sáng lớn…Em xin phép giới thiệu cùng quí độc giả về một tư liệu nói về cái ngã - từ điển wiipedia. Có thể rất nhiều quí độc giả đã biết những thông tin này thông qua wikipedia; tuy nhiên cũng có thể có những vị chưa có cơ hội đọc tài liệu này. Theo quan điểm chủ quan của em, quí độc giả có thể tham khảo tài liệu về cái ngã trong wikipedia. Đặc điểm của bài viết này là súc tích, ngắn gọn, rõ ràng… giúp cho người đọc không phải quá vất vả để tham khảo quá nhiều tài liệu. Em xin nhắc lại - quan điểm vô ngã là một quan điểm của trường phái Phật giáo.

Sau đây, em xin phép trình bày sơ lược về lịch sử và tiến trình của chủ thuyết vô ngã.

Người ta cho rằng vào thời Sakya Muni (Thích Ca Mâu Ni) tại thế đã có nhiều loại lý thuyết về tâm lý học. Có thể có hai trường phái sau đây:

-         Thuyết duy tưởng (idéalisme)
-         Thuyết duy vật (matérialisme)

Với thuyết duy tưởng, thì người  ta có một cái ngã (àtman), cái ngã này thường hằng, làm bản thể cho cái tôi. Tư tưởng này chúng ta có thể tìm thấy trong tác giả của trường phái phân tâm học Sigmund Freud. Cái ID là những phần vô tổ chức của sự cấu tạo cái tôi. Nó là nền móng của con người,  là cấu tạo duy nhất của con người, được hiện hữu từ lúc sanh ra (unorganized part of the personality structure – the only component of personality).

Với thuyết duy vật, thì lại cho rằng mọi sự vận động của tinh thần đều bắt nguồn từ vật chất. Một tác giả mà ai cũng biết trong thời cận đại cho là, mũi tiết ra nước mũi, vật chất tiết ra tinh thần. Người ta lý luận rằng nếu không có vật chất sẽ không có sự vận động tinh thần nào cả.

Đứng trước hai quan điểm nói trên, dường như Sakya Muni đã chọn con đường trung đạo, ngài phê phán cả hai chủ thuyết nói trên. Với câu hỏi khác nhau giữa vật chất và tinh thần, hình như Sakya Muni không có câu trả lời. Về tương quan giữa sắc và danh, thì ngài cho là chúng không giống cũng không khác nhau. Ngài cho rằng đó là những thực tại. Với quan điểm ngày hôm nay, thì dường như câu trả lời trên mang tính cách hàng hai.

Tài liệu trình bày  về vấn đề vô ngã của trường phái Phật giáo, có thể đúc kết vào một câu chuyện ngắn sau đây: “ Khi những bộ phận tách rời của một chiếc xe được lắp ráp vào đầy đủ thành một chiếc xe, xe lúc này được sử dụng để định danh sự hiện hữu của nó, người ta gọi nó là cái xe”. Theo quan điểm của trường phái Phật giáo, con người là sự hội đủ của 5 uẩn là: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Vẫn theo quan điểm của Phật giáo thì 5 yếu tố vừa kể trên chẳng có yếu tố nào thường hằng cả. Do đó, khi hội đủ lại thì thành ra một sinh thể (hay chúng sinh). Có hai yếu tố để đưa đến việc kết luận là vô ngã. Yếu tố vừa được nhắc đến là 5 thành phần nói trên, không có tính cách ổn định. Mặt khác, nếu có việc hội đủ 5 yếu tố, thì cũng có việc là 5 yếu tố có thể tan rã.

Kính thưa quí độc giả cùng Sao Mai!

Cách trình bày nói trên vô cùng thô thiển! Em hy vọng rằng với lối trình bày đơn giản này, sẽ làm cho nhiều người dễ hiểu, dễ nhớ, vì em cho rằng, đây là một khái niệm khá khó hiểu của trường phái Phật giáo:

Người ta cho là Sakya Muni là người thầy của thuyết vô ngã.

Sao Mai says:

Em cũng từng được nghe và được xem người ta trình bày về thuyết vô ngã. Nhưng càng xem, càng nghe, thì hình như em càng chẳng hiểu họ nói cái gì cả. Họ trích dịch quá nhiều tài liệu, rối tinh, rối mù lên. Chị này! Em có một câu hỏi hơi “ngớ ngẩn” một chút. Em quan ngại rằng, những người đứng ra trình bày, chỉ là sao kinh, chép sách hay là chính họ cũng chẳng hiểu là cái gì cả! Em còn nhớ có một câu nói bằng tiếng Pháp ở trong nhà trường, em xin phỏng dịch ra tiếng Việt Nam “Cái gì mình sở đắc rõ ràng, thì người ta có thể giải nghĩa, giải thích một cách rõ ràng cho người khác hiểu”.

HHN says:

Rất có khả năng xảy ra như điều em nói, vì việc khảo cứu về  tài liệu của trường phái Phật giáo rất là phức tạp và khó khăn. Ngoài việc không có chữ viết, không có lịch sử, sau nhiều trăm năm sau người ta mới viết bằng tài liệu, còn phải kể đến những sự cạnh tranh của những đối thủ gần  xa của trường phái Phật giáo. Phải nói rằng là một tai họa lớn lao hơn nữa, khi các kinh ngụy tạo ra đời… Rõ ràng, việc khảo cứu để tìm hiểu một  cái gì đó trong trường phái Phật giáo, phải nói là một công việc không dễ chịu gì.

Kính thưa quí độc giả!

Người ta cho rằng vào thời Sakya Muni tại thế, xã hội Ấn Độ có công nhận một cái “thức” là trung tâm của sự sống. Một số người ủng hộ quan điểm này: thức là bất động, thức tiếp tục tồn tại sau cái chết và là tác nhân của luân hồi. Mặc dù là kiến trúc sư của lý thuyết vô ngã, nhưng Sakya Muni ở trong một số trường hợp lại công nhận sự hiện hữu của một loại thức, được coi như thành phần tiêu cực của tinh thần. Có thể tư tưởng này đã khai sinh ra luồng tâm thức, gọi là Bhavanga, luồng tâm thức này, đóng một vai trò quan trọng, chiếm giữ một chương then chốt của tài liệu Vi Diệu Pháp. Tài liệu này còn gọi là Thắng Pháp Tập Yếu Luận. Tác giả Nyanatiloka đã mô tả luồng tâm thức “nó có bản tính như một tiến trình luôn luôn trôi chảy, vô thỉ, vô chung”, biết bao nhiêu ấn tượng và kinh nghiệm được tích lũy và vận hành ngoài chủ ý. Trong quá trình vận hành này, vào một lúc nào đó, các hiện tượng của tiềm thức đã bước được vào ngưỡng cửa của ý thức và trở thành ý thức trọn vẹn. Do đó, người ta còn gọi là “Dòng tiềm thức của sự sống”. Dựa vào cơ sở này (Dòng tiềm thức của sự sống), người ta sở dĩ có thể giải thích khả năng của trí nhớ, các hiện tượng tâm lý và nghiệp luân hồi.

Rất có thể tiến trình này là khởi đầu khúc cho cảm hứng của sự xuất hiện của thuyết hữu ngã mà tài liệu "Độc Tử Bộ" gọi là “nhân thể” (pudgala).

Tư tưởng này được các nhà đại thừa cảm hứng và sáng tác ra lý thuyết Như Lai Tạng. Đó là câu trả lời cho những tôn giáo ngoại đạo. Mặt khác, khái niệm hữu ngã còn  ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc hình thành và phát triển của thuyết Tàng thức, a lại gia thức trong trường phái Duy Thức.

Phải nói rằng sự ra đời, hay nòi đúng hơn là sự xuất hiện của thuyết hữu ngã (pudgala), chính là chiếc phao cứu sinh cho trường phái Phật giáo. Thật vậy, chủ thuyết hữu ngã này, không cần phải có những lý thuyết, những kinh nghiệm siêu nhiên, những kiến thức xuất thế… Nó có thể cảm nhận bằng trực quan, bằng thực tế…Một con người bình thường cũng có thể trải nghiệm được kinh nghiệm của sự hiện diện của Pudgala. Trước khi đi ngủ, tôi thấy tôi là tôi; trong khi ngủ tôi có thể nằm mơ hay không; khi tỉnh dậy, tôi vẫn thấy tôi là tôi. Nếu một cái tôi không nhất quán, thì có lẽ xã hội loài người không thể tồn tại được, mà cả thế giới loài vật cũng vậy. Ta hãy tưởng tượng, một con chó lúc thức biết mình là một con chó. Việc hành xử chứng tỏ nó là một thực thể nhất quán. Chó cũng ngủ và có thể nằm mơ hay không nằm mơ như người. Nếu nằm mơ thấy mình là một con vật nào đó - giả thuyết là lúc tỉnh dậy lại không biết mình là chó, mà có thái độ hành xử như một con mèo, không trông coi nhà cửa mà đi bắt chuột. Nếu con chó có một lối hành xử như việc vừa kể trên, thì không thể làm công việc hợp tác với con người theo chiều dài của lịch sử để tồn tại. Nếu con chó mà không có một cái tôi nhất quán; hay ngược lại người mà không có một cái tôi nhất quán, thì hai bên không thể cộng sinh. Ta hãy hình dung con người tưởng mình là cọp, thì chắc chắn con chó nổi tiếng là loài vật trung thành cũng phải bỏ chạy, tìm môi trường tồn tại trong đời sống hoang dã.

Theo trường phái nhân thể luận, có nghĩa là công nhận có một cái ngã: Người ta cho rằng, có một cái tôi di trú từ kiếp này qua kiếp khác, là chủ nhân công của những loại nghiệp quả tích cực hoặc tiêu cực. Cái ngã là người chủ tạo ra nghiệp, nó là trung tâm của cái biết.

Người ta đưa ra một số luận cứ để chứng minh sự tồn tại của một cái ngã thường hằng.

Nếu công nhận lý thuyết luân hồi, thì phải có một cái ngã để kết nối những tiến trình khác nhau, trong những kiếp sống khác nhau. Nói một cách khác, nếu không có một cái tôi thường hằng, một cái tôi nay đây, mai đó, thì không thể có luân hồi.

Nếu không có một cái tôi thường hằng, thì không có chỗ nào để chứa đựng trí nhớ và sự hiểu biết? Không thiếu gì trường hợp người ta nhớ ra kiếp trước, mà đã được các tài liệu hành chính xác minh.

Nếu không có một cái tôi thường hằng, thì ai chịu trách nhiệm các nghiệp thiện, nghiệp ác.

Nếu không có một cái tôi, thì cũng chẳng có người chứng đắc, người không chứng đắc….

Tài liệu TRIDHARMAKASASTRA là một tài liệu điển hình ủng hộ chủ thuyết nhân thể.

Sao Mai says:

Đúng như chị nói, riêng trường phái Phật giáo cũng đã có những tranh luận không có lối thoát.

Em hy vọng trong những bài viết tới, xin chị vui lòng trình bày về những lý thuyết hiện đại cũng liên quan đến vấn đề cái tôi.

Trân trọng kính chào toàn thể quí độc giả!


Sao Mai

0 nhận xét:

Post a Comment