Saturday, April 5, 2014




XUẤT HỒN
Qbe- Out Of Body Experience
Experience De Hors Corps
Astralwanderrung
MÊ SẢNG VÌ THẦN THÔNG - Drunk On Supernatural Power


SAO MAI says:

Em xin kính chào chị HHN!

Quả là một đầu đề quá tải, quá cỡ - oversize! Nhưng có lẽ nó phù hợp với một đề tài đã kéo dài qua nhiều ngàn năm của lịch sử  nhân loại. Tuy nhiên, đến nay vẫn là một trong những thách thức của nhân loại, kể cả khoa học hiện đại. Với đề tài này, cùng một bài viết có nhiều chi tiết và vô vàn thông tin, cuối cùng wikipedia đưa đến một nhận xét là: “ Scientists still know little about the phenomenon” (Cho đến ngày hôm nay, khoa học gia cho  biết, người ta hiểu biết  rất ít về những hiệu ứng này).

Em rất hân hạnh được đọc bài viết của chị kỳ vừa rồi! Em thấy có rất nhiều độc giả bình luận - comments. Tuy nhiên, em hiểu không biết có đúng hay không? Dường như những lời bình luận comments này, có vẻ mang tính chất tiêu cực.

Không biết chị có ý nghĩ gì về vấn đề này?

HHN says:

Cám ơn em đã đặt ra câu hỏi để chị và mọi người có cơ hội trình bày quan điểm của mình về vấn đề xuất hồn. Chị có hai ý kiến xin đóng góp:

1.     Em thiết nghĩ  quí độc giả nào có quan tâm đền đề tài này, thì có thể nhận ra ngay là, những bình luận comments nói chung, đều có một nội dung khá quy ước, kinh điển, hàn lâm… của trường phái thiền định Trung Quốc. Điều này em sẽ trình bày ở phần sau. Một điều cần phải nói ngay, theo hiểu biết hạn hẹp của em, thì kinh và luận của trường phái Phật giáo nguyên thủy, người ta có đề cập đến nhiều loại thần thông, kinh của trường phái Raja Yoga cũng có hẳn một chương, dành nhiều chân ngôn, để hướng dẫn tập luyện. Trường phái Phật giáo nguyên thủy, có tác giả lại không sử dụng từ ngữ thần thông, mà lại sử dụng từ ngữ trí tuệ thông suốt để thay thế cho từ ngữ thần thông! Từ ngữ này là để cho người ta liên tưởng tới bộ môn vật lý ngày hôm nay. Có nghĩa là trí tuệ con người phát hiện ra những quy luật vật lý của thế giới tự nhiên, chẳng liên quan gì đến thần thánh cả.

a.     Chúng ta thử chọn lấy một lời bình luận (comments) có tính cách điển hình, em xin phép chép lại nguyên bản sau đây:

“ Pháp Phật không tà, không chánh
Tâm Phật không tà, không chánh
Đi sai đường mới có tà, có chánh
Nhà xưa, ngọc sáng mới là của ta”

     Em xin bắt đầu bằng câu cuối cùng “Nhà xưa ngọc sáng”, đây là một tư tưởng thuần túy của người Trung Quốc. Chắc không ai lạ gì với câu nói sau đây “ Nhân tri sơ, tánh bản thiện”

Xét về mặt tâm lý xã hội, xã hội Trung Quốc có một tập tục, thói quen, cách đặt câu hỏi trong cả đời sống bình thường nêu sau. Thí dụ, ngay cả trong tình yêu nam nữ, một trong hai người có thể đặt câu hỏi sau đây “ Yêu thì sao, không yêu thì sao?...”. Quí độc giả có thể tìm thấy những câu hỏi tương tự như thế này trong những câu đối thoại của phim ảnh Trung Quốc ngày hôm nay. Ít nhất đối với người Việt Nam, chúng ta cũng không biết nên trả lời làm sao.

b.     Bài bình luận comments nói trên, dựa vào nền móng của kinh sách nào?

Em xin lỗi trước tới quí độc giả đã có hảo ý gởi lời comments này. Rất có thể quí độc giả vì bận rộn với cuộc sống đời thường, nên không rõ những tư tưởng này bắt nguồn từ đâu mà ra.

Kính thưa quí độc giả!

Cụm từ “Pháp Phật không tà, không chánh” ngoài việc bắt nguồn từ tập tục truyền thống văn hóa, xã hội của người Trung Quốc mà chúng ta đã trình bày ở trên; nó còn bắt nguồn ở những chủ thuyết của Phật giáo Trung Quốc khá phức tạp, mà có thể rất nhiều người không biết đến. Có hai tài liệu là nền móng cho tư tưởng này:

-         Đại Thừa Khởi Tín Luận
-         Kim Cang Định

Đây là sự tổng hợp khá hỗn độn của rất nhiều loại học thuyết Ấn Độ và Trung Quốc:

-         Tánh không
-         A lại gia thức
-         Thai tạng giới

Bản thể luận về con người vừa có chân tâm lại có vọng tâm, vừa có vô minh lại có giác tánh. Người ta cho rằng những tài liệu này xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 6 hoặc thứ 7, tác giả không rõ là ai. Có học giả cho là có nguồn gốc ở Hàn Quốc.

Những tư tưởng này, chúng ta có thể tìm thấy ở những hệ phái gọi là Phật giáo của Trung Quốc sau đây:

-         Trường phái Thiên Thai
-         Trường phái Hoa Nghiêm
-         Trường phái Thiền Tông.

Do đó mới sanh ra những câu nói rất nổi tiếng, nhưng người ta e ngại là khó thực hiện trên thực tế:

-         Không tu tức là người thường, khởi lên một niệm tu hành là bằng pháp thân Phật.
-         Một niệm trước còn mê muội là người thường, một niệm sau giác ngộ tức thành Phật
-         V.v…

Theo quan điểm chủ quan của em, những câu nói trên nặng về lý thuyết, nặng tính chất động viên hơn là thực tế. Nếu chúng ta giả thuyết Sakya Muni là một người có thật, thì theo truyền thuyết, Ngài cũng phải tập luyện nhiều thập kỷ, thậm chí cho đến lúc chết. Phải chăng những thiền sư Trung Quốc là hậu sanh khả úy?


2.     Vấn đề xuất hồn, lại là một đề tài được người ta quan tâm tới ở thế kỷ này, có thể vì những lý do sau đây:

a.     Hệ thống thông tin liên lạc của thế kỷ 20, 21,.. đã làm cho trái đất thu nhỏ lại, con người ta gần gũi nhau hơn, các thông tin dễ dàng truy cập mà gần như chẳng tốn kém gì.

b.     Hai hiện tượng có lẽ đã có từ lâu là đầu thaicận tử, được người ta nhìn dưới góc cạnh khác. Hai hiện tượng này được người ta biết đến rất nhiều. Lúc trước vì không có các phương tiện thông tin, nên những sự hiểu biết rất giới hạn. Trên khắp thế giới, các hiện tượng đầu thai được kiểm chứng bằng sổ sách hộ tịch. Người chết rồi, có khi chết nhiều giờ đồng hồ, sau đó lại hồi sinh và kể lại giai đoạn cận tử… Có những nhà khoa học đã rơi vào tình trạng này. Nói tóm lại, ngoài những trường hợp giả hiệu, có những trường hợp tính xác thực rất cao, khoa học không thể giải thích được.


Chính vì lý do này, người ta cho là chết không phải là hết. Một người sống bình thường nếu có một kỹ thuật thích hợp nào đó thì rất có thể sẽ xuất được hồn ra khỏi cơ thể.

Kính thưa quí độc giả!

Từ ngữ xuất hồn ở đây được sử dụng nhằm mục đích làm cho mọi người dễ hiểu. Nếu có điều kiện chúng ta sẽ trình bày một chủ thuyết của một tác giả khá nổi danh thế giới, đó là tác giả Lobsang Rampa. Em thiết nghĩ tác giả này có lẽ không ai không biết. Ở đây chúng ta không đề cập đến tiểu sử tác giả, hoặc văn phòng của Đại Lạt Ma có công nhận hay không. Sở dĩ chúng ta tránh trình bày hai vấn đề trên vì em ngại là quí độc giả sẽ có mặc cảm tiêu cực với tác giả nói trên.

Không có gì bắt buộc một tác giả phải đạt được những tiêu chuẩn nào đó của xã hội đặt ra, mà chúng ta chỉ quan tâm tới chất lượng của chủ thuyết của tác giả.

SAO MAI says:

Chị HHN à!

Qua những gì chị trình bày em có thể hiểu rằng cái mà người ta gọi là thần thông, thật ra chỉ là sự phát hiện của trí tuệ con người về những quy luật khách quan của thế giới tự nhiên. Có lẽ trước khi coi thường nó, thì cũng nên hiểu được nó, nếu thực hiện được nó thì tốt quá! Khoa học hiện đại ngày hôm nay đã biến nhiều giấc mơ con người thành sự thật. Cụ thể như là những chiếc máy smartphone, những chiếc máy tính, hay những chiếc phi cơ bay trên bầu trời có thể trở được nhiều hành khách đi trong một khoảng cách không gian xa trong một thời gian ngắn. Nhưng em thiết nghĩ, người ta chỉ sử dụng nó mà có lẽ ít ai muốn học các lý thuyết về vật lý lượng tử. Em e ngại là, rất nhiều người sử dụng thành thạo những chiếc máy này, thậm chí lại chưa nghe tới bộ môn vật lý lượng tử bao giờ (Quantum physic). Rõ ràng là đến ngày hôm nay, có kể cả những vị đạo cao đức trọng trong các trường phái vẫn phải sử dụng đến thần thông thế gian là chiếc máy điện thoại di động, phi cơ, hay máy tính và còn nhiều máy móc phương tiện khoa học hiện đại khác!

Quay lại vấn đề, em biết có rất nhiều trường phái ngay ở tại Việt Nam, được gọi là trường phái xuất hồn. Câu chuyện xuất hồn nổi tiếng nhất mà có lẽ ai cũng biết là, “Cô Ba Cháo Gà Du Địa Ngục’. Với câu chuyện này, làm cho một người am tường về tâm lý học, sinh học… lập tức nghĩ ngay tới những từ ngữ kinh điển là: ảo giác, ảo ảnh, tự kỷ ám thị…

Đây chính là sự bắt đầu cho một vấn đề tạo ra khoảng cách sâu sắc. Nếu gọi là nền khoa học của Đông phương và Tây phương, em chỉ hiểu mơ hồ vấn đề này. Xin chị vui lòng giải thích.

HHN says:

Đúng vậy đó Sao Mai. Có lẽ không thể bảo là hố sâu, mà đúng hơn là vực thẳm tạo ra khoảng cách giữa khoa học của Đông phương và Tây phương. Rất có thể người Đông phương thì có thế học được, hiểu được khoa học của người Tây phương. Nhưng người Tây phương không thể hiểu và học được khoa học của người Đông phương.

Tại sao vậy?

Nền văn hóa của Tây phương dựa vào công cụ để quan sát thế giới khách quan là: các giác quan và luận lý hình thức.

Người Đông phương cũng có khả năng giống như người Tây phương. Nghĩa là họ cũng sử dụng các giác quan và luận lý hình thức của người Tây phương. Tuy nhiên, đây là điểm khác biệt, họ dùng phương thức là trầm tư mặc tưởng để tiến đến kỹ năng là thiền định. Trải qua nhiều ngàn năm, phương thức này giúp cho họ có một cái nhìn về thế giới khách quan khác hẳn với người Tây phương, mà người Tây phương không thể khái niệm được. Chúng ta cũng thấy có rất nhiều người Tây phương tu thiền định, nhưng dường như họ không có khái niệm gì về thiền định, bởi lẽ tư tưởng và lý trí là hai trở ngại lớn nhất đã làm rào cản không vượt qua được.

Trong những tài liệu về lý thuyết vật lý của người Tây phương  thì họ cũng đề cập đến rất nhiều loại không gian, nhưng nó vẫn tương thích với tư tưởng của luận lý hình thức và lý trí được gọi là lành mạnh của con người. Dù những tư tưởng có cách mạng và điên rồ đến mấy, vẫn nằm trong giới hạn của tư tưởng và lý trí lành mạnh.

Với người tu thiền định thực sự có những kết quả nhất định nào đó, thì người ta lại quan niệm về không gian - gọi một cách đơn giản và bình dân - là môi trường sinh hoạt. Một môi trường điển hình như chúng ta đang sinh hoạt chỉ có hình ảnh trong đầu óc của con người. Nó là một môi trường không có hình ảnh mà chỉ có tư tưởng. Điều quan trọng là chúng ta có thể hiện hữu ở trạng thái hình ảnh linh ảnh trong không gian này. Đối với người Tây phương, hay nói đúng hơn là với khoa học của người Tây phương, khi đề cập đến những loại môi trường này - môi trường hình ảnh, môi trường tư tưởng - thì người Tây phương cho là ảo giác, ảo ảnh, có thể là điên dại. Chúng ta không thể tìm thấy một chủ thuyết vật lý lý thuyết nào lại tương ứng với những không gian mà người tập thiền định đã biết đến.

Nói một cách khác, nếu căn cứ vào Vi Diệu Pháp, thì vật chất có hàng chục nguyên tố khác nhau; tâm lý có hàng trăm nguyên tố khác nhau, nghiệp lực …Con người không phải chỉ có một thân xác như chúng ta đang có ngày hôm nay. Chúng ta có thể hiện hữu ờ nhiều dạng thực thể có những cấu tạo tâmsắc  không thể đếm được . Nếu căn cứ vào chủ thuyết của Vi Diệu Pháp, thì việc xuất hồn chỉ là một vấn đề vận dụng hiểu biết các hiện tượng khách quan để thực hiện một hiện tượng vô cùng đơn giản của thế giới tự nhiên. Ngay cả đứng trên quan điểm của trường phái Phật giáo nguyên thủy, thì đây cũng là một cách tập luyện khó khăn. Nếu không lầm, chính bản thân của ngài Sakya Muni cũng đã triển khai thao tác này khi bỏ lại thân xác vật lý ở thế gian. Do đó, ai đó cho mình là tín đồ của trường phái Phật giáo, thì hiệu ứng xuất hồn cũng không phải là một điều cấm kỵ (tabou) .


SAO MAI says:

Em hy vọng sẽ được gặp lại chị để nghe chị trình bày về việc xuất hồn của một tác giả khác. Vâng, em nhớ không lầm thì tác giả này trình bày rất nhiều chương trong tài liệu “You - Forever” về vấn đề xuất hồn .

Trân trọng kính chào toàn thể quí độc giả!




1 comment:

  1. Tất cả các loại thiền định hiện nay (ngoài thiền Xả Tâm và giữ giới luật của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni) đều là Thiền do ức chế tâm, Ý thức lặng xuống rồi Tưởng thức làm chủ thân, làm cho người đó rơi vào 1 trong 18 loại hỷ tưởng (biển tưởng) rồi tưởng là mình chứng đạt cảnh giới này cảnh giới kia, ngộ được tánh này tánh khác...

    * 6 loại hỷ tưởng cơ bản mà người ngồi thiền định ức chế tâm hay rơi vào:

    1- Sắc tưởng: nhìn thấy Phật, Bồ Tát, Tổ, ma, hào quang, ánh sáng...

    2- Thinh tưởng: nghe âm thanh nói bên tai như Phật thuyết pháp, Bồ Tát dạy tu, Tổ nói, ma nói... thức ra do thinh tưởng của ta tạo ra.

    3- Hương tưởng: ngửi thấy mùi thơm như chư Thiên, Chư Bồ Tát xuống chứng cho ta tu tập được kết quả này, kết quả khác...

    4- Vị tưởng: Nuốt nước bọt (nước miếng) sao ngon ngọt như nước Cam lồ của Bồ Tát cho mãi đến bụng no như cóc mà chẳng ngờ toàn men tiêu hoá trong nước bọt.

    5- Xúc tưởng: Cảm giác an lạc, thích thú còn hơn cả người chích thuốc phiện heerroin, gật gù sảng khoái ngày một tăng cao độ hơn Tôn Ngộ Không bay trên mây...

    6- Pháp tưởng: nói pháp, đối đáp, giảng giải như mây bay, gió thổi, như chứng đắc các quả. Cảnh này thiên hạ hay vỗ ngực xưng tên, tự cho mình chứng đạt đủ thứ quả...nói đủ điều rất tinh vi, che đậy khôn khéo, thuyết phục lòng người, rồi viết ra đủ loại sách (kinh) nhưng không ngờ là cảnh ma pháp tưởng.

    Quý vị nên biết Đức Phật Thích Ca dạy, trong thân ngũ uẩn có 5 uẩn:
    1/ Sắc uẩn.
    2/ Thọ uẩn.
    3/ Tưởng uẩn.
    4/ Hành uẩn.
    5/ Thức uẩn.

    1- Người bình thường thì có 3 uẩn hoạt động (sắc, thọ, hành).

    2- Người thiền định ức chế tâm, người bị mộng du, người bị sốc, bị mù ngồi ức chế ý thức, hay chết đi sống lại, hay bị chó dại cắn mà không chết; người đồng bóng và người bị bệnh thần kinh nhẹ hay cười nói một mình, hay người chữa bệnh bằng đôi mắt hay bằng đôi tay, đọc sách bằng tai...hay người nhìn thấu suốt quá khứ vị lai gần, nhìn xuyên lòng đất, xuyên thời gian, không gian...(thần thông)
    Tất cả là do thêm Tưởng uẩn hoạt động tại nơi bộ phận cơ thể của người đó.

    3- Thức uẩn hoạt động thì là người chứng đạt chân lý của Phật, làm chủ sống chết, giải thoát thực sự.

    Chúc các bạn sáng suốt, đừng để bị ma tưởng ấm trong ta lừa xỏ mũi dắt ta đi mà ta không hay biết, để trôi lăn trong sáu nẽo sinh tử luân hồi mãi mãi!

    ReplyDelete